Xì-căng-đan lớn trong khoa học Nhật Bản

Nguyễn Đình Đăng

Tháng 1. 2014 vừa qua truyền thông Nhật Bản tưng bừng loan tin một nhóm nhà khoa học Nhật Bản tại Trung tâm Sinh học Phát triển của viện RIKEN (RIKEN Center for Developmental Biology, viết tắt CDB, đóng tại Kobe – thành phố nằm trên bờ vịnh Osaka, phía nam đảo Honshu) vừa thành công trong việc biến tế bào gốc (stem cells) thành các tế bào gốc đa năng (pluripotent stem cells).

Tế bào gốc đa năng có thể biệt hóa thành hầu hết các loại tế bào tạo nên các mô và các bộ phận trong cơ thể sống. Nếu chế ra được các tế bào gốc đa năng bằng phương pháp nhân tạo, các nhà khoa học có thể tạo nên các bộ phận của cơ thể người, thay thế các cơ quan bị hỏng do bệnh tật. Các phương pháp đang được nghiên cứu trên thế giới hiện nay đều khá phức tạp và mất nhiều thời gian, vì thế tiến bộ rất chậm. Năm 2012 GS Shinya Yamanaka (Nhật Bản) và GS John Gurdon (Hoa Kỳ) đã đoạt giải Nobel y học vì đã phát hiện ra rằng có thể chuyển hóa các tế bào trưởng thành sang các tế bào gốc đa năng, được gọi là iPS cells (induced pluripotent stem cells). Tuy nhiên cái khó trong phát minh của Yamanaka là hiệu suất sản xuất ra các iPS cells không cao và cả 4 yếu tố phiên mã (transcriptional factor) đều gây khối u.

Nhóm nghiên cứu tại RIKEN CDB đã lấy các tiểu thể bạch huyết (lymph corpuscle) của chuột 7 ngày tuổi ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) trong vòng 30 phút, sau đó cấy chúng vào chuột. Nhóm này nói họ thấy các tế bào này phát triển thành các mô thần kinh và mô cơ. Họ gọi các tế bào được tạo ra bằng cách này là STAP cells (Stimulus-triggered acquisition of pluripotency cells) tức các tế bào đa năng được tạo bởi kích hoạt kích thích. Phát minh này được đăng trong 2 bài báo ngày 30.01.2014 trên tạp chí Nature nổi tiếng [1]. 

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu này là Haruko Obokata (sinh năm 1983), người mới bảo vệ luận án tiến sĩ cách đây 3 năm tại Đại học Waseda, sau khi tu nghiệp 2 năm tại trường y của Đại học Harvard. Với tư cách một nữ khoa học gia trẻ được đào tại Đại học Waseda lại từng nghiên cứu tại các trung tâm danh giá như Đại học Harvard và viện RIKEN, Haruko Obokata trong phút chốc bỗng trở thành nổi tiếng toàn cầu nhờ phát minh này. Truyền thông Nhật Bản “lăng-xê” Obokata như một ngôi sao nhạc pop. Đây là một phát minh cực kỳ quan trọng bởi nó sẽ gây ra cuộc cách mạng trong sinh học  nếu Obokata và các cộng sự đúng.

p1-w1-stap-a-20140312-870x575

GS Teruhiko Wakayama (phải, 46 tuổi), một trong 14 tác giả của công trình tế bào STAP đăng tại Nature, nay cho biết cần gỡ bỏ công trình đã đăng. TS Haruko Obokata (cầm microphone), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, hiện không trả lời các chất vấn của báo chí.
(Hình của The Japan Times).

Vâng, nếu kết quả này là đúng, bởi ngay sau đó, nghi ngờ đã xuất hiện trong cộng đồng khoa học quốc tế. Trong khoa học thực nghiệm một phát minh được cộng đồng khoa học công nhận chỉ khi nào các trung tâm nghiên cứu độc lập có thể lặp lại thí nghiệm và thu được kết quả giống như vậy. Rủi thay, các nhà khoa học tại 5 viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã ra sức làm theo quy trình của nhóm Obokata nhưng hoài công: cho tới giờ chưa ai thu được STAP cells như được mô tả trong 2 bài báo.

Hơn nữa, GS Teruhiko Wakayama, một trong 14 tác giả của công trình trên, sau khi rời nhóm của Obokata tại RIKEN, chuyển sang Đại học Yamanashi, cũng không thể nào lặp lại kết quả mà chính ông đã từng thu được duy nhất 1 lần tại RIKEN khi dùng tế bào do Obokata cung cấp. Thứ Hai vừa rồi Wakayama đã lên tiếng kêu gọi các đồng tác giả của 2 bài báo này rút bài xuống bởi ông không còn tin vào các kết quả này nữa [2], cho dù Obokata và 2 tác giả khác đã đăng một bản hướng dẫn các bước kỹ thuật để các nhà nghiên cứu có thể lắp lại kết quả của nhóm Obokata [3].

Trong khi đó, cộng đồng mạng tại Nhật Bản và trên thế giới liên tiếp tìm ra các điều bất thường trong các bài báo này, ví dụ một hình chụp kết quả thực nghiệm đã được “xử lý” để gắn một hình con vào giữa, có những hình được lấy từ công trình cũ với nội dung hoàn toàn khác. (Xem hình bên dưới trích từ http://stapcell.blogspot.jp).

2

H. 1 –  Hình 1i trong bài báo tại Nature của nhóm nghiên cứu do Haruko Obokata dẫn đầu: Hai đường song song được đánh dấu bằng mũi tên cho thấy ô giữa là hình được cắt dán vào.

3fd0cbcde0c122eb28d4783638a9ca68

H. 2 – Hình 2 trong một công trình đăng năm 2011 của Haruko Obokata giống hình 3 trong bài báo của cô và cộng sự đăng tại Nature tháng Giêng 2014 nhưng minh hoạ cho nội dung khác.

Nhiều đoạn trong hai bài báo tại Nature là bản chép nguyên xi từ công trình của các tác giả khác [4]. Hôm qua, đài NHK còn cho biết người ta đã phát hiện ra 3 hình chụp các tế bào đa năng được cho là của chuột trong công trình đăng tại Nature giống gần như y chang 3 hình từ luận án tiến sĩ năm 2011 của Obokata, chụp các tế bào đa năng của phôi người trong một thí nghiệm hoàn toàn khác.

Screen Shot 2014-03-18 at 11.49.17 PM

H. 3 – Hình từ luận án TS của Obokata (dưới) đã được tái xử dụng trog bài báo tại Nature (trên).
(Ảnh từ NHK)

Trong tuyên bố hôm thứ Ba vừa qua, hội Sinh học Phân tử Nhật Bản nhận định: “Các số liệu trong 2 bài báo trên có nhiều sai lầm khiến khó nói rằng các kết luận của nhóm tác giả này dựa trên sự thực khoa học và được đảm bảo đúng mứcSố trường hợp giả mạo nhiều tới mức vượt ra ngoài cơ may để có thể xem chúng như các sai sót tầm thường.” Bộ trưởng khoa học Nhật Hakubun Shimomura cũng cho rằng hai bài báo này cần được gỡ bỏ [5].

Chưa hết, ngạn ngữ có câu “Việc đã hỏng là hỏng hoàn toàn.” (When things go wrong, they go completely wrong). Một công dân mạng tại Nhật còn phát hiện ra rằng toàn bộ chương mở đầu luận án tiến sĩ (hơn 20 trang trong tổng số 108 trang), được Obokata bảo vệ tại Đại học Waseda năm 2011, là kết quả Obokata đạo văn từ trang web của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (US National Institut of Health, hay NIH) [6 – 8]. Tại chương 3 của luận án này, trang tài liệu trích dẫn có 38 công trình theo thứ tự chữ cái từ A tới P giống nguyên xi trang tài liệu trích dẫn trong công trình của một nhóm tác giả Hàn Quốc, nhưng nội dung luận án lại không có liên hệ gì với các tài liệu trích dẫn đó cả! Điều tồi tệ và đáng ngạc nhiên hơn nữa là giáo sư hướng dẫn luận án cho cô tiến sĩ này cùng toàn thể hội đồng chấm luận án của cơ sở có tên “Đại học Waseda” không hề nhận ra, nên đã thản nhiên cho qua.

Một giáo sư Nhật Bản, đã nghỉ hưu nhưng hàng tuần vẫn tới RIKEN làm việc, nói với tôi: “Điều đó có nghĩa Đại học Waseda không xứng đáng được gọi là ‘đại học’ nữa. Vụ đạo văn này sẽ và phải làm ‘đại học’ Waseda tổn thương nghiêm trọng.” Ông còn nói: “Thật kinh ngạc khi cộng đồng khoa học Nhật Bản và quốc tế đã vạch ra các công trình khoa học sai một cách nhanh chóng như vậy. Trong khi đó ‘Beethoven Nhật bản’ đã lừa dối công chúng Nhật và cả đài NHK suốt 18 năm trời thì chẳng ai biết.” [9]

Trước sức ép của cộng đồng khoa học và công luận, ngày 13.02.2014 viện RIKEN đã mở cuộc điều tra. Chiều mai RIKEN sẽ ra thông cáo về vụ này. Chúng ta hãy chờ xem RIKEN phán quyết như thế nào.

13.03.2014

*

Chủ tịch viện RIKEN xin lỗi công chúng về vụ 2 bài báo tế bào gốc

Theo NHK World [10] và the Wall Street Journal [11], tại cuộc họp báo kéo dài tới 4 tiếng đồng hổ chiều 14.03.2014, trước gần 200 nhà báo, khoảng 30 video camera, và hàng chục máy ảnh, lãnh đạo viện RIKEN  đã cúi rạp đầu xin lỗi công chúng.

BN-BX396_panel_G_20140314025714

Từ trái: TS. Masatoshi Takeichi – giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển (CDB) của RIKEN, TS. Maki Wakai – giám đốc điều hành của RIKEN, TS. R. Noyori – chủ tịch RIKEN, TS M. Yonekura, giám đốc điều hành của RIKEN, tại cuộc họp báo chiều 14.03.2014 ở Tokyo (Ảnh của The Wall Street Journal)

Chủ tịch RIKEN Ryoji Noyori – người đoạt giải Nobel hoá học năm 2001 – xin lỗi vì đã gây ra tình huống có thể gây phương hại độ tin cậy của cộng đồng khoa học. Ông nói việc để xảy ra những lỗi nghiêm trọng trong hai công trình nói trên là cực kỳ đáng tiếc. RIKEN sẽ tiếp tục điều tra vụ này và, nếu khẳng định được đúng là có những hành vi bất chính trong nghiên cứu, viện sẽ xử phạt nghiêm khắc.

Giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển (CDB) Masatoshi Takeichi cũng khẳng định hai bài báo có nhiều lỗi  làm suy giảm nghiêm trọng độ tin cậy của các kết quả. Ông cho rằng cần nhanh chóng gỡ bỏ hai bài báo bày, tiến hành nghiên cứu lại, và ông đề nghị các tác giả làm như vậy.

Giám đốc điều hành RIKEN Maki Kawai nói trên cơ sở các sự thực được khẳng định cho đến giờ có thể thấy đã xảy ra nhiều vi phạm đạo đức khoa học. Bà nói thêm là không thể bỏ qua sự thiếu đạo đức và RIKEN sẽ phải làm tốt hơn điều này.

TS. Shunsuke Ishii – trưởng ban điều tra các sai phạm nghiên cứu trong vụ này cho biết, theo báo cáo sơ bộ [12], có một số dữ liệu đã được xử dụng không thích đáng, trong khi Haruko Obokata vẫn khẳng định rằng đó chỉ là sai sót chứ không phải hành vi cố tình vi phạm đạo đức nghiên cứu. Báo cáo sơ bộ tiếp tục điều tra cáo buộc rằng một hình vẽ quan trọng trong một bài báo rõ ràng đã bị sửa đổi bằng cắt dán. Khi bị chất vấn, Obokata trả lời cô không biết rằng không được phép sửa đổi hình theo cách như vậy! Đại diện của RIKEN cũng cho biết 3 hình được đưa ra trong một bài báo như bằng chứng rằng STAP cells có thể biệt hóa thành bất kỳ loại mô nào cũng là sai nốt, vì 3 hình đó được lấy từ luận án TS của Obokata từ 3 năm trước, nhưng nhóm nghiên cứu đã không báo cáo cho ban điều tra về việc này. Obokata còn bị cáo buộc là đã sao chép cách giải thích phương pháp thí nghiệm từ công trình của một tác giả khác. Khi bị chất vấn, cô trả lời không nhớ nguồn từ đâu! Ban điều tra sẽ tiếp tục thẩm định để đưa ra kết luận cuối cùng.

Screen Shot 2014-03-14 at 10.53.08 PM

Các đại diện của RIKEN cúi đầu xin lỗi công chúng tại cuộc họp báo chiều 14.03.2014
(Ảnh của Asahi Shimbun)

Các đại diện của RIKEN tại buổi họp báo đều tránh nói đến hành vi của Obokata. TS Ryoji Noyori chỉ nói  cô Obokata còn “chưa chín chắn” và “luộm thuộm“, trong khi TS Masatoshi Takaichi thì nói hai bài báo ở Nature “chưa ra dáng hai bài báo“. Khi được hỏi cô Obokata hiện ở đâu, TS. Ishii cho biết cô đang ở Kobe, việc nghiên cứu của cô tạm thời bị đình chỉ, và “trạng thái tâm lý” của cô hiện nay không tốt.

Obokata và các đồng tác giả tại RIKEN đã viết một bản thành tâm xin lỗi vì các sai sót trong hai bài báo nói trên. Họ nói họ đang  xem xét nghiêm túc vụ này và đang liên lạc với các đồng tác giả ngoài RIKEN để rút hai bài báo này xuống. (Theo quy định, tạp chí Nature chỉ rút bài nếu có sự đồng thuận của tất cả các đồng tác giả. Nhưng người phát ngôn của Nature cũng cho biết tạp chí có thể vẫn quyết định rút kể cả trong trường hợp có đồng tác giả không đồng ý. Khi đó Nature sẽ ghi chú quan điểm bất đồng trong tuyên bố rút bài.)

Về cáo buộc đạo văn trong luận án TS, trong một email gửi tạp chí The Wall Street Journal, Obokata nói rằng phần luận văn TS của cô mà một blogger đã nêu ra trên internet, có nội dung được sao chép nguyên văn từ trang web của viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ là bản nháp, không phải là bản chính mà hội đồng chấm luận văn TS của Đại học Waseda đã thông qua. Cô nói cô đã yêu cầu ĐH Waseda gỡ bỏ bản mà cô gọi là nháp này khỏi trang web nhà trường. Tuy nhiên người phát ngôn của ĐH Waseda lại nói trường không hề nhận được yêu cầu nào như vậy và không hề biết một bản luận văn nào khác của cô Obokata ngoài bản hiện có. Người phát ngôn này còn nói nhà trường hiện vẫn đang tiếp tục điều tra các nghi vấn liên quan tới luận văn TS này [13].

14.03.2014

*

Haruko Obokata đề nghị rút luận án tiến sĩ

Theo tin từ Asahi Shimbunn ngày 15.03.2014, Haruko Obokata – tác giả đứng đầu hai công trình về STAP cells hiện đang bị điều tra do có nhiều nghi ngờ về nội dung sai lầm và gian lận – vừa đề nghị Đại học Waseda cho rút luận án tiến sĩ đã bảo vệ năm 2011 sau khi bị cáo buộc đã đạo văn từ trang web của viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ. Người phát ngôn của ĐH Waseda cho biết chỉ đại học này mới có quyền rút luận án tiến sĩ và một khi luận án bị rút thì học vị tiến sĩ cũng bị tước luôn. Đại học vẫn đang điều tra vụ đạo văn này.

15.03.2014

a4da08a394cc42eeb81e86ea3a6823e4-a4da08a394cc42eeb81e86ea3a6823e4-0

Haruko Obokata

*

Ủy ban điều tra của RIKEN phát hiện Haruko Obokata gian lận trong bài báo về tế bào gốc

si-RIKENpresser

Các đại diện của RIKEN trong cuộc họp báo ngày 1.04.2014 tại Tokyo (Ảnh từ Science)

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, Ủy ban điều tra của RIKEN, gồm 3 nhà khoa học tại RIKEN, 2 nhà nghiên cứu tại đại học và 1 luật sư, cho biết đã phát hiện 2 gian lận tại một trong hai bài báo về STAP cells của nhóm Obokata đăng trên tạp chí Nature [1,2]. Fig. 1i (Xem H. 1) có sự cắt ghép. Ủy ban điều tra gọi đó là “hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu tương đương xuyên tạc kết quả“. Gian lận thứ hai là việc tái sử dụng trong bài báo hình của một thí nghiệm không liên quan từ luận án TS năm 2011 của Obokata. Cô Obokata nói, do nhầm lẫn, cô đã thêm hình sai vào bài. Nhưng, sau khi nhận thấy có sự thay đổi chú thích của hình cho phù hợp,  Ủy ban điều tra gọi hành vi này là “bịa đặt kết quả“.

Báo cáo của Ủy ban điều tra cũng cho biết phần mô tả phương pháp trong bài báo là sự sao chép lại từ công trình của một nhóm nghiên cứu khác, và không tương thích với phương pháp mà cô Obokata đã thực sự dùng trong thí nghiệm. Báo cáo còn cho biết các thí nghiệm được Obokata ghi chép không đầy đủ và lộn xộn trong 2 quyển sổ trong thời gian 3 năm, khiến không ai có thể theo dõi và hiểu được nội dung thực chất của các thí nghiệm này.

Kết thúc báo cáo, Ủy ban điều tra viết: “Hành động của TS Obokata và việc quản lý số liệu một cách cẩu thả đưa chúng tôi đến kết luận rằng cô không chỉ vô cùng thiếu cảm giác về đạo đức nghiên cứu, mà còn thiếu cả tính liêm chính và sự khiêm nhường của một nhà nghiên cứu khoa học.”

Trong số 14 đồng tác giả của 2 bài báo nói trên, Obokata là người duy nhất mà Ủy ban phát hiện đã có sự gian trá. Nhưng báo cáo cũng nói hai đồng tác giả là T. Wakayama – nguyên là nhà nghiên cứu tại RIKEN, nay là GS tại ĐH Yamanashi, và Y. Sasai – giám đốc phòng nghiên cứu Organogenesis and Neurogenesis của RIKEN CDB – đã đồng ý cho công bố hai bài báo này mà không kiểm tra độ chính xác của các số liệu. Hai người này phải chịu trách nhiệm lớn vì đã can dự vào việc để xảy ra sự gian trá nói trên.

Obokata đã ra phát biểu phản đối thông qua luật sư của mình. Cô nói cô ngạc nhiên và phẫn nộ trước báo cáo của RIKEN vì đó chỉ là các lỗi không cố ý và không ảnh hưởng tới kết luận của hai bài báo. Cô không chấp nhận việc phát minh STAP cells là một sự bịa đặt và cho biết sẽ kháng cáo.

p1-riken-z-20140402-870x554

Chủ tịch viện RIKEN Ryoji Nori (giữa) cùng hai giám đốc điều hành Maki Kawai (trái) và Minoru Yonekura cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 1.04.2014. (Ảnh của AP)

Chủ tịch RIKEN TS R. Noyori cho biết, nếu sự gian lận được khẳng định sau khi xét kháng cáo, ông sẽ đề nghị rút bỏ một trong hai bài báo nói trên. Ngoài ra viện RIKEN sẽ ra biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nhưng công bằng căn cứ vào đề nghị của hội đồng kỷ luật được thành lập riêng cho vụ này.

Từ sáng hôm qua tới giờ các kênh truyền hình Nhật Bản và các tờ báo lớn tại Nhật cũng như quốc tế không ngớt bàn về vụ gian lận khoa học nói trên [14].

2.04.2014

*

Cập nhật 9.07.2014:

Hội đồng chuyên gia đề nghị giải tán Trung tâm Sinh học Phát triển.

Tạp chí Nature rút 2 bài báo về STAP cells.

Thông báo của RIKEN  

Theo tin của Ashahi Shimbun ngày 13.06.2014, một hội đồng các chuyên gia độc lập do RIKEN thành lập để điều tra các sai phạm trong vụ tế bào đa năng (STAP cells) đã đề xuất cách chức giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển (CDB) của RIKEN tại Kobe Masatoshi Takeichi và phó giám đốc Yoshiki Sasai vì đã thiếu trách nhiệm trong vụ Obokata và các cộng sự gây ra xì-căng-đan STAP cells nói trên. Yoshikai Sasai cũng là một đồng tác giả trong nghiên cứu tai tiếng này. Hội đồng cũng đề nghị giải thể CDB và đề xuất, nếu có được tổ chức lại, viện nghiên cứu mới sẽ không được thuê lại Takeichi và Sasai nữa.

Ngày 3.6.2014, RIKEN quyết định để Haruko Obokata, nhân vật trung tâm của vụ xì-căng-đan, người đã bị RIKEN chỉ ra là đã gian lận kết quả nghiên cứu, tham gia vào thí nghiệm tại RIKEN để kiểm tra lại xem STAP cells có thực sự tồn tại như 2 bài báo tai tiếng (Xem trích dẫn [1]) đã tuyên bố không. Sự tham gia của Obokata vào thí nghiệm này được hạn chế trong thời gian từ 1.07 tới 30.11.2014. Trong suốt thời gian tham gia thí nghiệm tại CDB, cô sẽ bị giám sát bằng video camera hoặc bằng các nhân viên của trung tâm. Ngoài ra RIKEN thông báo quyết định của hội đồng kỷ luật sẽ được tạm hoãn cho đến khi có thêm phát hiện mới. RIKEN kêu gọi tôn trọng riêng tư của Obokata để cô tập trung vào làm thí nghiệm.

Ngày 2.07.2014 tạp chí Nature thông báo rút hai bài báo về STAP cells. Nature viết rõ lý do rút 2 bài tại

Retraction: Stimulus-triggered fate conversion of somatic cells into pluripotency
Retraction: Bidirectional developmental potential in reprogrammed cells with acquired pluripotency

Cả 4 đồng tác giả người Nhật đều đăng ý kiến cá nhân sau khi 2 bài báo bị rút.

Yoshiki Sasai viết rằng cảm thấy rất xấu hổ vì 2 bài báo mình là đồng tác giả có quá nhiều lỗi và bị rút. Sasai xin lỗi vì đã không kiểm tra được, thiếu sự lãnh đạo mà mình cần phải thi hành, và trên cương vị phó giám đốc CDB, Sasia viết mình sẵn sàng chịu bất kỳ quyết định nào của RIKEN liên quan tới trách nhiệm và vị trí của mình. Sasai cũng cho biết rằng sau khi 2 bài báo này đã bị rút thì không còn bất cứ bằng chứng thực nghiệm nào về sự tồn tại của STAP cells nữa, thậm chí giả thuyết về STAP cells cũng không còn hứa hẹn.

Teruhiko Wakayama viết rằng việc rút 2 bài báo là rất đau đớn nhưng thấy đó là việc phải làm và đã kêu gọi các cộng sự rút 2 bài báo này từ 10.03.2014.

Hitoshi Niwa cũng xin lỗi và hứa sẽ cố gắng để tiếp tục làm sáng tỏ nhiều vấn đề liê quan tới vụ này.

Còn Haruko Obokata viết:

Tôi hối tiếc sâu sắc trước thực tế là vụ 2 bài báo STAP đã xảy ra gây ra do tôi đã quản lý số liệu kém, và đã hỏng trong việc chia sẻ số liệu và kiểm tra số liệu với các đồng tác giả. Một lần nữa tôi muốn xin lỗi tất cả mọi người tại RIKEN và với nhiều người khác, trong đó có các đồng tác giả, những người đã bị ảnh hưởng vì vụ này. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để chứng minh hiện tượng STAP và các tế bào STAP là có thực.

Mọi việc sẽ được quyết định rõ ràng hơn sau khi thí nghiệm kiểm tra của RIKEN kết thúc vào cuối năm nay. Thí nghiệm sẽ cho câu hỏi dứt khoát có hay không về giả thuyết STAP cells, ít nhất là theo phương pháp mà Vancanti đề xuất và Obokata nói rằng đã thực hiện theo.

*

Cập nhật 5.08.2014:

Một kết thúc bi thảm:

Sasai – người giám sát của Obokata, đồng thời là đồng tác giả 2 bài báo về tế bào gốc – đã tự tử chết

Theo Kyodo, 5 tháng 8 năm 2014

Cảnh sát thông báo Yoshiki Sasai, phó giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển của RIKEN (RIKEN Center for Developmental Biology, CDB) và là một trong các tác giả của một bài báo bị chỉ trích khẳng định sự tồn tại của các tế bào STAP, đã qua đời hôm nay sau khi rõ ràng đã tự tử ở tuổi 52.

Nhà chức trách cho biết các bác sĩ tại một bệnh viện gần đó đã cố gắng hồi sinh ông ta nhưng vô hiệu.

Cảnh sát tỉnh Hyogo nhận được một cú điện thoại vào khoảng 9 giờ sáng từ CDB nói rằng người ta phát hiện Sasai treo cổ tự tử bằng một sợi thừng buộc từ một lan can cầu thang tại tòa nhà RIKEN ở Kobe. Cảnh sát cho biết Sasai đã để lại một lá thư tuyệt mệnh trên bàn của thư ký.

Tháng Sáu vừa qua, một hội đồng cải cách của bên thứ ba do RIKEN thành lập đã đề nghị hình phạt nặng đối với nhà nghiên cứu tế bào gốc Haruko Obokata và các giám sát viên của cô trong đó có Sasai, đồng thời giải tán CDB.

Đề xuất này đã được trình lên sau khi người ta phát hiện các hành vi nghiên cứu sai trái trong hai bài báo của nhóm Obokata công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh vào đầu năm nay. Hai bài báo này sau đó đã bị rút khỏi Nature. Sasai đã đệ đơn xin từ chức nhưng không được RIKEN giải quyết.

Haruko Obokata (trái) và Yoshiki Sasai (phải)

Haruko Obokata (trái) và Yoshiki Sasai (phải)

_____________

[1] H. Obokata, T. Wakayama, Y. Sasai, K. Kojima, M.P. Vacanti, H. Niwa, M. Yamato, and C.A. Vacanti, Nature 505, 641–647 (2014);

H. Obokata, Y. Sasai, H. Niwa, M. Kadota, M. Andrabi, N. Takata, M. Tokoro, Y. Terashita, S. Yonemura, C.A. Vacanti, and T. Wakayama, Nature 505, 676–680 (2014).

[2] K. Kaplan, Scientist who created STAP stem cells says studies should be withdrawn, Los Ageles Times, 11.03.2014.

[3] H. Obokata, Y. Sasai, and H. Niwa, Essential technical tips for STAP cell conversion culture from somatic cells, Nature – Protocol Exchange, 5.03.2014.

[4] Paul Knoepfler, STAP stem cell new allegations: situation turns darker, 27.02. 2014.

[5] Skepticism grows over STAP cell reports in scientific circles, The Asahi Shimbun, 12.03.2014.

[6] Beth, Netizens notice STAP cell scientist’s PhD ‘plagiarism’, 12.03.2014.

[7] Fumikazu Asai, Doubts raised about STAP cell scientist’s doctoral dissertation, The Asahi Shimbun, 12.03.2014.

[8] Alexander Martin, Five Allegations Against Riken Stem-Cell Researcher in Japan, The Wall Street Journal, 12.03.2014.

[9] Nguyễn Đình Đăng, Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá, 9.02.2014.

[10] Scientists considering retracting STAP cell papers, NHK World 14.03.2014; RIKEN issues interim report on STAP cell, NHK World 14.03.2014.

[11] Alexander Martin, Head of Japan’s Riken Institute Apologizes Over Stem-Cell Papers, The Wall Street Journal, 14.03.2014.

[12] Interim report on the investigation of the Obokata et al. articles, RIKEN Press release 14.03.2014.

[13] Alexander Martin, Japan Stem-Cell Researcher Offers Defense Over Plagiarism Allegation, The Wall Street Journal, 14.03.2014.

[14] RIKEN Panel Finds Misconduct in Reprogrammed Stem Cell Papers, Science News, 1.04.2014;

High-profile stem cell papers contain fraudulent parts: Riken, Japan Times, 1.04.2014;

Stem cell scientist ‘guilty of misconduct’, BBC, 1.04.2014;

David Cyranoski, Stem-cell scientist found guilty of misconduct, Nature News, 1.04.2014;

Ian Sample, Stem cell scientist Haruko Obokata found guilty of misconduct, The Guardian, 1.04.2014;

Terrence McCoy, Rising Japanese scientist faked heralded stem cell research, lab saysThe Washington Post, 1.04.2014.

Nhãn: ,

13 bình luận to “Xì-căng-đan lớn trong khoa học Nhật Bản”

  1. lam bang dai hoc Says:

    Helpful info. Lucky me I found your web site by accident, and I’m surprised why this coincidence did not happened
    earlier! I bookmarked it.

  2. Tuệ An Says:

    Chú Đăng ơi, tuần vừa rồi vụ việc này được công bố và thu hồi hai bài báo trên Nature. Chú có thể cập nhật thêm tình hình vụ việc này không ạ?

  3. Ngoc Atho Says:

    GS Vacanti, thầy của Obokata đã công bố quy trình bổ sung tạo ra các STAP cells, sự ngụy tạo số liệu là chắc chắn, nhưng sự tồn tại của STAP cells có lẽ vẫn là có thể có thật.

    https://research.bwhanesthesia.org/research-groups/cterm/stap-cell-protocol

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Anh em Vacanti nói rằng đã đưa ra ý tưởng về STAP cells cách đây 15 năm. Ý tưởng có đúng hay không cần phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Cho đến khi đó giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết. Nó có thể đúng, có thể sai. Việc chưa ai chứng minh được nó sai không có nghĩa là nó đúng trừ phi người ta chứng minh được nó là đúng. Tiếc thay (hay may mắn thay) sinh vật, vật lý, v.v. không phải là toán học, mà là các khoa học thực nghiệm. Chừng nào người ta chưa tạo ra được STAP cells thì vẫn chưa có câu khẳng định “yes” or “no” cho sự tồn tại của nó. Cho đến giờ, chưa một phòng thí nghiệm độc lập nào có thể tạo được STAP cells theo quy trình đã công bố của Obokata hay Vancanti. Nhưng có một điều có thể khẳng định. Đó là, về mặt khoa học, hai công trình của nhóm Obokata đăng tại Nature đã không tạo ra được (không xác lập được sự tồn tại) của STAP cells. Lý do: Không thể tin vào kết luận được rút ra dựa trên các kết quả bịa đặt. Hai bài báo đó cần được gỡ bỏ.

      Hôm qua tại cuộc họp báo trong đó Obokata phản đối kết luận của RIKEN là mình đã gian, khán giả những tưởng cô sẽ cho biết bằng chứng biện hộ rằng mình oan. Tiếc thay trong suốt 2 giờ 35 phút, ngoài việc nhìn thấy cô lúc khóc lúc cười (mà một số người cho là cô giả vờ, kể cả việc cô nhập viện vì thần kinh bất ổn), trong bộ one-piece trang nghiêm, khác hẳn hình ảnh pop-star nhí nhảnh của cô khi trước, người ta chỉ nghe thấy cô khẳng định “có STAP cells” và “tôi đã tạo ra chúng hơn 200 lần” mà không hề đưa ra bất cứ một bằng chứng nào, dù chỉ là một hình minh hoạ! Đó không phải là cách hành xử của một nhà khoa học mà là của một diễn viên kích động cảm xúc của công chúng.

      Albert Einstein từng nói: “Sự khác nhau giữa thiên tài và ngu dốt là ở chỗ thiên tài có giới hạn của nó.”

  4. Tung Tran Says:

    Vấn đề lớn nhất là ko ai có thể reproduce kết quả của bài báo. Nếu cô này có thể lập lại dc kết quả của mình thì hai sai phạm nho nhỏ trong paper chả là cái j. Nhưng vấn đề là 2 lỗi trong paper chứng tỏ cô này rất lộn xộn trong việc quản lý sắp xếp dữ liệu và hơi bị lazy nữa. Lỗi thứ nhất là do insert 1 lane vào figure. Thực ra điều này cũng chẳng có j đáng nói, cô ta chỉ cần chạy lại cái gel đó là có một kết quả mỹ mãn ngay, chứng tỏ cô này lười…
    Còn lỗi thứ hai: sử dụng lại hình trong luận văn, chứng tỏ cô này quá luộm thuộm, cẩu thả trong việc lưu trữ dữ liệu. Mình dám chắc là cô ta có vài chục cái ảnh để có thể thay thế. Nhưng vì lười và luộm thuộm, nên ko biết tìm ở đâu, nên mới lấy luôn cái ảnh đó!
    Tóm lại, nếu ko tự mình reproduce dc paper đó thì coi như xong. Và với cái tính luộm thuộm, đó thì chắc là khó có thể reproduce được.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Thứ nhất, kết quả của Obokata, nếu là đúng đi chăng nữa, cần phải được lặp lại bởi các nhóm độc lập (third parties). Nếu cô lắp lại được, nhưng các phòng thí nghiệm độc lập khác không lắp lại được theo như quy trình của cô thì kết quả của cô cũng không được công nhận, vì nó không đáp ứng tiêu chuẩn của phát minh. Vấn đề thứ hai là người ta nghi ngờ những cái cô gọi là STAP cells thực ra không phải được tạo từ những tế bào gốc mà là từ ES cells (embryonic stem cells hay tế bào phôi) tức thực chất đã là tế bào đa năng rồi (pluripotent cells). Nếu nghi ngờ đó đúng, thì sự dối trá của cô còn tệ hơn 2 gian trá mà ủy ban điều tra của RIKEN vừa khẳng định.

  5. Nguyễn Bá Tư, PhD Student Says:

    Muốn thành công trong khoa học thì phải trung thực! GS. Nguyễn Văn Thuận đã từng nói như vậy khi trả lời một tờ báo. Đúng vậy, thật đáng tiếc cho chúng ta nếu như mình làm khoa học dựa trên sự giả rối, nó sẽ làm nguy hại cho thế giới biết bao nhiêu!

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Năm 2011 trong một buổi gặp mặt tại Đại học Tân Tạo (Long An) (trường này dạy bằng tiếng Anh và sinh viên phải nói tiếng Anh trên lớp), một sinh viên hỏi tôi: “In your opinion, what is the first quality of a scientist?” (Theo thày, phẩm chất hàng đầu của một người làm khoa học là gì?). Tôi trả lời: “Honesty.” (Tính trung thực.) Dr. Trần Xuân Thảo, khi đó là hiệu phó trường này, nói thêm: “Yes, you should never lie.” (Đúng, bạn không bao giờ được nói dối.)

  6. Hồng Phương Viên Says:

    Khoa học thì ĐÚNG / SAI rất rõ ràng. SAI thì nhận lỗi và xin lỗi> đó chính là “cái tâm” của khoa học.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Các lỗi trong khoa học có ít nhất 2 loại: lỗi thành thực và lỗi cố tình. Lỗi thành thực là lỗi tác giả mắc phải do tính toán nhầm, ý tưởng sai, nhưng không cố ý. Khi phát hiện ra các lỗi này, các tác giả cần sửa chữa, đính chính, rút bài v.v. Còn lỗi cố tình là lỗi tác giả mắc phải do cố ý, ví dụ giả mạo kết quả. Nếu bị phát hiện cố tình phạm lỗi (giả mạo, bịa kết quả, ngụy biện, v.v.), tác giả sẽ mắc tội vi phạm đạo đức nghiên cứu. Tùy theo mức độ, hình phạt đối với những người như thế này ở các nước văn minh có thể là từ bị cấm đăng công trình trong một thời hạn nhất định, đến bắt bồi thường kinh phí nghiên cứu đã cấp, sa thải, tước học vị, v.v.

      Cho nên, phẩm chất hàng đầu của một người làm khoa học cũng như của mọi con người là đức tính trung thực, không bao giờ nói dối, bởi nói dối ở đây là một tội tương đương ăn cắp: ăn cắp lòng tin, ăn cắp tiền thuế của dân vì đã lạm dụng tiền tài trợ nghiên cứu do nhà nước cấp.

  7. nguyễn Says:

    Có một tờ báo đăng chi tiết hơn, ông Viện trưởng đã cúi đầu hết 8 giây ( chắc là khoảng thời gian dài thăm thẳm).

    Giá như mà mấy anh VN còn dây thần kinh mắc cỡ như mầy ông trong Viện nghiên cứu Riken này thì VN sẽ khá hơn nhiều.

Phản hồi của bạn: