Sơn Đoòng, Hang Én kêu cứu

FB Phuong Ta

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã hai lần được UNESSCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG). Lần thứ nhất là DSTNTG với tiêu chí Địa chất-Địa mạo (Tháng 7/2003). Lần thứ hai là DSTNTG với tiêu chí Đa dạng sinh học (Tháng 7/2015). Cả hai lần đều được UNESSCO xét duyệt rất nghiêm túc theo những tiêu chí nghiêm ngặt đã quy định cho mọi DSTNTG.

Động Sơn Đoòng của VQG PN-KB hiện nay được công nhận là động karst lớn nhất thế giới. Từ năm được công dân Việt Nam Hồ Khanh phát hiện năm 1990, đến năm được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh cùng cán bộ trường Đại học Khoa học tự nhiên khám phá và công bố là động karst lớn nhất thế giới (2009-2010) cũng phải trải qua khoảng 20 năm.

Là động karst lớn nhất hành tinh, Sơn Đoòng sở hữu những cảnh quan ngầm độc đáo và tráng lệ – những vòm hang cao, rộng hàng trăm mét, những quần tụ thạch nhũ khổng lồ, dòng sông ngầm nước xiết, những hồ nước dâng trong mùa mưa, những ngăn nhũ viền tầng tầng lớp lớp chứa đầy cát vào mùa khô.

clip_image001

So với các di sản thiên nhiên hàng đầu thế giới, Sơn Đoòng còn hàm chứa những giá trị địa chất – địa mạo và đa dạng sinh học hiếm có khiến nó thực là một báu vật quốc gia, một kỳ quan cỡ thế giới. Kỳ quan này cần được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt nếu như muốn giữ vững là vị trí thứ 8 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh năm 2014, như kết quả xếp hạng của tạp chí New York Times.

clip_image002

Ngoài ra, nhiều thực thể địa chất đặc trưng của hang Sơn Đoòng lại rất mỏng manh, dễ bị phá hủy: Các bờ ngăn mỏng và dựng đứng bằng khoáng chất calcit tạo nên hệ thống “ruộng bậc thang” kỳ thú, các thể karst thực vật (phytokarst) và rừng tháp sinh học (biokarst), là sản phẩm phá hủy trầm tích carbonat có sự tham gia của vi tảo và nấm, v.v… Những thực thể tự nhiên này ở Việt Nam chỉ riêng Sơn Đoòng có. Trong động Sơn Đoòng còn có thế giới đa dạng của ngọc động (cave pearl). Đó là những kết hạch calcit hình cầu hoặc hình trứng, thường hình thành trong các ngăn “ruộng bậc thang”. Những viên ngọc động gặp rải rác ở nhiều khu vực trên đáy động Sơn Đoòng, là báu vật tiêu biểu cho những thành tạo carbonat thứ sinh hình thành trong động.

clip_image003

Động Sơn Đoòng có 2 lỗ thủng lớn ở trần hang, tạo nên những giếng trời khổng lồ với vách dựng đứng cao tới trên 300m, thực chất là các hố sập. Các giếng trời tạo điều kiện cho ánh trời rọi xuống, làm phát triển thảm thực vật và cả khu rừng nhiệt đới đặc biệt. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tại đáy các hố sập có tới trên 200 loài thực vật. Đặc biệt thảm thực vật trong hố sập thứ 2 rất phong phú, tạo thành một khu rừng nhiệt đới thực thụ, được gọi là Vườn Edam, trong đó có những cây cao đến 30m, đường kính gốc đạt khoảng 40cm. Rừng phân tầng khá rõ.

clip_image004

Ngoài thảm thực vật phát triển dưới các hố sập, thế giới sinh vật trong động Sơn Đoòng còn bao gồm những động vật nhỏ bé hiện sống, như tắc kè đá, dơi, nhện, côn trùng, cuốn chiếu, tôm, cá, v.v… Trong động Sơn Đoòng cũng đã phát hiện nhiều hóa thạch động vật, như san hô, huệ biển và cả một bộ xương hóa thạch lớn, khá nguyên vẹn của một loài thú ăn cỏ.

clip_image005

Đa dang sinh học và các thành tạo địa chất tinh tế kể trên góp phần tạo nên một Sơn Đoòng hoang sơ, quyến rũ. Chúng sẽ không thể được bảo tồn nguyên vẹn khi động này bị khai thác du lịch theo kiểu đại trà, không thể kiểm soát.

Trong quá trình nộp hồ sơ đề nghị UNESCO xét VQG PN-KB trở thành DSTNTG lần thứ 2 với giá trị Đa dạng sinh học, đã xảy một sự kiện gây trở ngại, đó là sự xuất hiện Dự án xây dựng tuyến cáp treo vào khu vực hang Sơn Đoòng của Tập đoàn Sun Group – 2014.

Theo Dự án này, toàn tuyến cáp treo có bốn đoạn, tổng cộng dài 10,6 km. Tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng. Nếu không xây dựng đoạn 4, tổng vốn đầu tư sẽ là 3.000 tỉ đồng:

Đoạn 1: Từ cửa động Tiên Sơn đến cầu Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh. Đoạn này dài 6,78km. Độ chênh cao 64m. Thời gian đi 20 phút. Công suất bình thường: 1.500 người/102 cabin, công suất tối đa: 2.400 người/164 cabin.

Đoạn 2: Từ Ga Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng. Dài 3,82km. Độ chênh cao 142m. Thời gian đi 20 phút.

Đoạn 3: Từ ga cửa sau Sơn Đoòng đến ga ở miệng hố sụt thứ hai của động Sơn Đoòng, dài 1,75km. Độ chênh cao 250m. Công suất thiết kế 500 người/14 cabin, công suất tối đa 1.000 người/28 cabin.

Đoạn 4: Từ ga ở miệng hố sụt thứ hai của động Sơn Đoòng đưa khách xuống đáy hố sụt thứ hai – khu vườn Edam.

Bị dư luận xã hội và các nhà khoa học phản đối dữ dội, dự án xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng đã phải điều chỉnh là chỉ đặt ga cáp treo cách cửa sau động Sơn Đoòng khoảng 300m. Nhưng sau cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Bình về vấn đề này (4/11/2014), dư luận xã hội tiếp tục phản đối mạnh mẽ, chống khai thác du lịch theo kiểu đại trà dẫn đến hủy hoại kỳ quan, bảo vệ tính hoang sơ, nguyên vẹn của Sơn Đoòng.

Rất nhiều bài báo, chương trình truyền hình, hội thảo khoa học đã thể hiện ý nguyện gìn giữ Sơn Đoòng lâu dài, khai thác du lịch theo hướng bền vững, không ăn xổi ở thì.

clip_image006

Một trong những hoạt động tiêu biểu của phong trào chống cáp treo vào Sơn Đoòng là chiến dịch Cứu Sơn Đoòng (SAVE SƠN ĐOÒNG) khởi động từ ngày 22/10/2014, đã hoạt động liên tục gần 3 năm nay trên quy mô toàn thế giới. Các nội dung hoạt động chủ yếu của chiến dịch là:

· Trên mạng: 1) Chia sẻ các thông tin khoa học về Sơn Đoòng, đạt được gần 200 000 người theo dõi; 2) Ký Thỉnh nguyện thư kêu gọi bãi bỏ dự án cáp treo (lần 1 đã có gần 75.000 người ký tên; lần 2 đã có gần 50.000 ký tên).

· Trong xã hội: Tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc thi, chiếu phim, triển lãm ảnh về Sơn Đoòng, thu hút hàng ngàn lượt người tham dự.

· Dư luận quốc tế: Các tổ chức quốc tế (như Ryot News của Huffington Post, kênh truyền hình AOL, hay Martin Edstrom của National Geographic) đã thực hiện các phóng sự, diễn thuyết và triển lãm thực tế ảo về Sơn Đoòng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

clip_image007

Trả lời đề nghị bổ sung cáp treo vào quy hoạch xây dựng VQG PN-KB, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã bày tỏ quan điểm chưa thể đồng ý bổ sung cáp treo vào quy hoạch xây dựng VQG PN-KB (công văn số 4015/ BVHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký ngày 7/11/2014). Mọi hoạt động của danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng phải tuân thủ đúng và nghiêm ngặt Luật di sản Văn hóa và Công ước Bảo vệ Di sản thiên nhiên Thế giới.

Công văn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu rõ: VQG PN-KB được UNESCO công nhận là DSTNTG năm 2003, đồng thời được xếp hạng là Di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc xây dựng tuyến cáp treo ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phải được thực hiện theo quy định của Luật di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới mà Việt Nam phê chuẩn từ năm 1987.

Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới nêu rõ: “Ủy Ban di sản thế giới mời các Quốc gia thành viên của Công ước thông báo với Ủy ban thông qua Ban Thư ký, dự kiến tiến hành hoặc cho phép tiến hành ở một khu vực được Công ước bảo hộ, những công việc tu bổ lớn hay những hoạt động xây dựng mới có thể tác động đến Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản. Quốc gia phải thông báo càng sớm càng tốt (ví dụ, trước khi soạn văn kiện dự án) và trước khi đưa ra những quyết định khó có thể rút lại để Ủy ban có thể giúp đỡ tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo rằng Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản được bảo tồn đầy đủ”.

· Bộ VH,TT&DL sau khi nghiên cứu những thông tin trên đây đã cho ý kiến: “Do chưa được nghiên cứu và xin ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia của Trung tâm Di sản Thế giới và Cơ quan tư vấn của UNESCO là Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) nên chưa thể bổ sung tuyến cáp treo vào quy hoạch chung Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào thời điểm hiện nay”.

· Ngày 08/02/2015, Chính phủ ra Quyết định số 209/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng VQG PN-KB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, đã nêu rõ mục tiêu “Bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bao gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử”.

Việc xây dựng tuyến cáp treo vào vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, dù vào Hang Én hay Sơn Đoòng, với công suất hàng nghìn người/ngày (so với 600 người/năm vào Sơn Đoòng hiện nay) chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn du khách và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát vẫn thấy ở các nơi đã vận hành cáp treo khác, cũng như những hành vi vô ý thức vốn thường gặp ở số động du khách thực sự là điều đáng lo ngại đối với môi trường, nơi có đa dạng sinh học cao như ở Phong Nha – Kẻ Bàng.

Khai thác du lịch bằng cáp treo hiện nay khá phổ biến trên thế giới, nhưng người ta không dùng cáp treo để khám phá hang động, đặc biệt với những hang động lớn và đẹp lộng lẫy như Sơn Đoòng, với hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương và hủy hoại bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải của nó. Ví dụ: Hang Lechuguilla ở Mỹ được đánh giá là hang karst có hệ thạch ngũ đẹp nhất hành tinh đang được bảo tồn bằng cách đóng cửa đối với khách tham quan; chỉ có giới khoa học mới được phép vào nghiên cứu. Ngay cảnh quan vùng The Wave ở Arizona, Hoa Kỳ, tuyệt đẹp, có sức chứa hàng ngàn du khách mỗi ngày, tuy nhiên để bảo vệ kỳ quan thiên nhiên này khỏi bị hủy hoại, người Mỹ cũng chỉ cho phép 20 du khách được tới tham quan mỗi ngày, và phải đăng ký trước cả năm.

Thực ra vẫn có thể xây dựng cáp treo để khai thác du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, giúp du khách có cơ hội ngắm từ trên cao cảnh quan karst hùng vĩ nhất Việt Nam này, nhưng không phải vào vùng lõi của nó, đúng như chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài từng nói “Nếu không làm thì thôi, còn làm thì làm ở quy mô nào, vị trí nào, làm đến đâu và làm như thế nào… chứ không phải làm lấy được, làm ào ào trước mắt, để rồi di sản bị ảnh hưởng lâu dài, đặc biệt là đối với hang Sơn Ðoòng”.

clip_image008

Hình thức khai thác tour du lịch mạo hiểm khám phá Hang Én và động Sơn Đoòng như hiện nay là phù hợp đối với Hang Én và động Sơn Đoòng. Đây là tour du lịch mang đẳng cấp cao của thế giới và duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Phương thức khai thác này hiện có hiệu quả kinh tế và ít gây tác hại nhất đến toàn hệ thống Hang Én- Sơn Đoòng. Tour du lịch như thế góp phần quảng bá và nâng cao vị thế du lịch cho Quảng Bình, cuốn hút du khách trong nước và thế giới đến Quảng Bình nhiều hơn, chẳng những đến Sơn Ðoòng mà còn đến nhiều nơi khác nữa. Ví dụ trước đây thời gian trung bình khách nước ngoài ở lại Phong Nha – Kẻ Bàng là 0,8 đêm, nhưng sau khi mở tour khám phá Sơn Đòong – đã tăng lên đến 3-4 đêm. Họ ở lại nhiều hơn để đi các điểm khác như hang Én, hang Tối, Phong Nha, Thiên Ðường, Hang Va và xa hơn – đến với các tour thám hiểm Tú Làn và xuống biển.

Cũng cần nhớ, một khi bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Chính vì thế, chúng ta cần bảo vệ Hang Én – Sơn Đoòng như một di sản thiên nhiên đặc biệt, không chỉ của Quảng Bình, của Việt Nam mà còn của thế giới, cho hôm nay và cho muôn đời sau.

clip_image009

KẾT LUẬN

1. Di sản thiên nhiên thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là vùng lõi của nó, tránh mọi hoạt động làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và phá hoại vẻ đẹp cảnh quan. Tại những nơi như vậy, hình thức khai thác du lịch cần được cân nhắc rất thận trọng và phải đặt mục tiêu bảo tồn di sản lên hàng đầu mà không phải là kinh tế, đúng như khẩu hiệu mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc không phải một lần: “Không làm kinh tế bằng mọi giá.

2. Hiện nay Quảng Bình đang được xem như Vương quốc hang động của thế giới, với trên 300 hang động karst được phát hiện và khám phá. Trong số đó có động Sơn Đoòng được công nhận lớn nhất thế giới, Hang Én – lớn thứ 3 thế giới. Cả hai đều nằm ở vùng lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt của VQG PN-KB, nơi có tới 2.744 loài thực vật và trên 1.000 loài động vật đang sinh sống, trong số đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Đa dạng sinh học và môi trường hang động sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu tổ chức du lịch đại trà vào vùng lõi của VQG PN-KB. Đó là lý do chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền không cho phép xây dựng các tuyến cáp treo vào vùng lõi của VQG PN-KN, dù vào Hang Én hay vào Sơn Đoòng.

clip_image010

https://www.facebook.com/notes/phuong-ta/s%C6%A1n-%C4%91o%C3%B2ng-hang-%C3%A9n-k%C3%AAu-c%E1%BB%A9u/1352461264864204/

Comments are closed.