Sông Mekong trong cuộc chiến tài nguyên nước

  • Lê Viết Thọ
  • BBC News Tiếng Việt
Đập thủy điện Aa Xayaburi trên sông Mekong

Nguồn hình ảnh, Tom Fawthrop

Chụp lại hình ảnh, Đập thủy điện Aa Xayaburi trên sông Mekong

Ý kiến nói rằng, tương lai ảm đạm của Mekong vì các dự án thủy điện thượng nguồn, trong khi cơ chế tham vấn quốc tế không còn hiệu quả.

Hôm 8/10, Liên minh Cứu sông Mekong kêu gọi hủy bỏ đập Luang Prabang và các đập dòng chính được lên kế hoạch khác.

Thông cáo được liên minh này đưa ra khi bắt đầu quá trình tham vấn với dự án đập Luang Prabang.

Nhưng không phải đến lúc này, số phận dòng sông này mới được quan tâm, mà tác động của các dự án đập thượng nguồn lâu nay đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.

Đặc biệt, những ngày gần đây, báo chí quốc tế liên tục đề cập đến tác động của các dự án đập trên thượng nguồn sông Mekong đến vùng hạ lưu, cũng như vấn đề chính trị nguồn nước trong mối quan hệ giữa các quốc gia nằm ven dòng sông này.

Trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng đập trên sông Mekong, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mối nguy hại từ thủy điện thượng nguồn

Trao đổi về những tác động cụ thể của các dự án thủy điện Trung Quốc và Lào trên sông Lan Thương ở thượng nguồn Mekong đến vùng hạ lưu, Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Quỹ Sinh thái Việt Nam (Viet Ecology Foundation), một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Hoa Kỳ, nêu lên vài dẫn chứng cụ thể.

Theo đó, trước khi hoạt động, ngay từ đầu các đập hiện hữu Trung Quốc cần 42 tỉ m3 và Lào 33 tỉ m3 nước phải tích lũy cho các hồ chứa. Lượng này đã chiếm tới 55% và 20% lượng nước hàng năm của lưu vực của hai nước này. Kế đến, khi vận hành các hồ thủy điện này, chúng đã làm biến đổi quy trình tự nhiên của dòng chảy.

Kỹ sư Long dẫn số liệu của Tiến sĩ Timo A. Rasanen và các cộng sự phân tích từ dữ liệu hàng chục năm từ các trạm quan trắc, và xác định rằng, chế độ thủy văn của lưu vực thực sự đã bị biến đổi chính là vì những dự án từ thượng nguồn Trung Quốc.

Các đập thủy điện thượng nguồn đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hạ nguồn.

Nguồn hình ảnh, Tom Fawthrop

Chụp lại hình ảnh, Các đập thủy điện thượng nguồn đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hạ nguồn.

Bên cạnh đó, cũng theo Kỹ sư Long, nghiên cứu hình ảnh cụ thể từ vệ tinh nhiều năm của NASA, Giáo sư Yadu Pokhrel nhận định rằng, các đập thượng lưu đã biến đổi nhịp đập và diện tích mặt hồ Tonle Sap.

Nếu tiếp tục xây các công trình thủy điện, sông Tonle Sap sẽ không còn chảy ngược về Biển Hồ nữa và viễn ảnh 'trái tim thoi thóp' Tonle Sap có ngày phải ngừng đập sẽ không còn xa.

Khi chế độ thủy văn Mekong bị đảo lộn như thế thì môi sinh lưu vực rơi vào khủng hoảng khiến an ninh lương thực và sinh kế nông ngư dân bị chao đảo. Viện Di sản của Hoa Kỳ đã tường trình rằng, dự án Sambor sẽ gây thiệt hại ngư sản Campuchia 479 triệu USD/năm và thiệt hại về nông sản Việt Nam là 74 triệu USD/năm.

Từ năm 2011, 263 tổ chức NGO đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ các nước vùng sông Mekong hủy bỏ dự án Xayaburi, nhưng không được hồi đáp.

Năm 2015, Mạng lưới cộng đồng Mekong (United Mekong Communities Network) với 15 đại diện các tổ chức xã hội dân sự ba nước hạ lưu Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng 10 tổ chức NGO đã viết thêm khuyến cáo lần nữa cho các chính phủ Mekong.

Trong khi các chính phủ Mekong vẫn không hủy bỏ một dự án thủy điện nào, thì Liên minh Cứu sông Mekong (Save the Mekong Coalition) vừa công bố lời kêu gọi Lào hủy dự án Luang Prabang.

Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, OXFAM, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên và các viện nghiên cứu phát triển ở Úc, Mỹ đều có khuyến cáo tương tự.

Vị trí các dự án thủy điện ở Đông Nam Á, Phạm Phan Long soạn ra từ OpenDevelopmentMekong

Nguồn hình ảnh, Pham Phan Long

Chụp lại hình ảnh, Vị trí các dự án thủy điện ở Đông Nam Á. Phạm Phan Long soạn ra từ OpenDevelopmentMekong

Hồi tháng Bảy, Ủy hội sông Mekong quốc tế xác nhận mực nước đầu mùa lũ tháng 6, tháng 7 năm nay trên dòng Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Nhưng liệu điều đó có phải do sự tồn tại của các đập thủy điện thượng nguồn như những gì Ủy hội này đưa ra hay chỉ do tác động của biến đổi khí hậu?

Bàn luận chuyện này, Kỹ sư Long cho rằng, mưa ít dần trên lưu vực do biến đổi khí hậu là có thật trên cả địa cầu, nhưng hạn hán đến sớm hơn và khắc nghiệt hơn vào những khi khí hậu thiếu mưa là do việc vận hành các hồ chứa thủy điện. Bởi các hồ này có thể giữ nước, gây nhân tai cho vùng hạ du ngay cả khi có mưa cũng là mối lo ngại an ninh không thể loại trừ nhất là khi có tranh chấp.

Bên cạnh đó, ông Long nhận định thêm: "Một nguy hại rất khó nhận ra là Trung Quốc và cả Lào nữa, hàng năm đã cùng sớm cắt giữ nước sông Mekong vào mùa mưa, không chờ mùa khô, khiến mực nước Biển Hồ Tonle Sap không còn dâng cao theo nhịp lũ có trước. Hệ quả là Tonle Sap mất dần mùa nước nổi. Sang đến mùa khô, Biển Hồ không có số nước thặng dư hàng chục triệu m3 để chảy về giúp cho đồng bằng sông Cửu Long chống mặn.

"Nếu chỉ nhìn mực nước sông Mekong vào mùa khô không thấy suy giảm, người ta sẽ biện hộ tránh trách nhiệm cho Trung Quốc và Lào, trong khi họ đã âm thầm chiếm đoạt nước từ trước rồi.

"Trung Quốc và cả Lào, trên thực tế, đã không hề bù đắp tăng lưu lượng nước cho Campuchia và Việt Nam vào mùa khô, dù lý thuyết và tuyên truyền, họ vẫn nguỵ biện cho thủy điện là phải xả nước để chạy tua-bin, điều mà người dân hạ lưu không thể tin, vì họ không hề thấy," ông Long nói.

Mekong không chỉ là nguồn nước mà còn gắn với cuộc sống của cư dân ven bờ.

Nguồn hình ảnh, Ly Ke Hien

Chụp lại hình ảnh, Mekong không chỉ là nguồn nước mà còn gắn với cuộc sống của cư dân ven bờ.

Trung Quốc tăng khả năng khống chế khu vực

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, trong một hội thảo mới đây tại Việt Nam có nói rằng, Trung Quốc trữ nước cho tương lai bằng các đập thủy điện.

Nhưng phải chăng việc Trung Quốc xây các đập thượng nguồn, bên cạnh mục tiêu kinh tế, còn nhằm biến các quốc gia hạ nguồn thành 'con tin' cho mục tiêu chính trị?

Trả lời câu hỏi này của BBC News Tiếng Việt, Kỹ sư Long nói rằng, trên thực tế, 65 triệu dân cư Mekong đã trở thành nạn nhân của 'cơn say' điên thủy điện và chiến tranh không tiếng súng do Trung Quốc khởi xướng và chỉ đạo. Một nửa số dự án trên Mekong là do Trung Quốc tài trợ tham gia và thực hiện.

Ông Long nói: "Là quốc gia láng giềng với 6,5 triệu dân, Lào không thể ngang nhiên bất chấp sinh kế 16 triệu dân Campuchia và 95 triệu dân Việt Nam, nếu không có Trung Quốc che chắn cho họ. Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Lào, Campuchia và cả Việt Nam dễ dãi, không quan tâm đến các tác động xã hội môi sinh, nhân quyền hay dân quyền lao động.

"Tôi đã từng phân tích trên Viet Ecology từ năm 2016 và nay có thể nói rằng, Trung Quốc đã thành công toàn diện trong chiến lược phát triển quyền lực mềm với tổ chức Hợp tác Lan Thương-Mekong, Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á và chiến lược 'Nhất đái nhất lộ' đối với các quốc gia Mekong.

Nắm trong tay thủy điện, an ninh nước, an ninh lương thực và cả an ninh năng lương của khu vưc, Trung Quốc đã củng cố quyền lực mềm và tăng cường khả năng khống chế khu vực của họ," Kỹ sư Long phân tích.

Trong một thông cáo báo chí phát đi đầu tháng 10, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam từng cho rằng, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cùng các vị đồng cấp đến từ các nước ven sông Mekong.

Nguồn hình ảnh, JONATHAN ERNST/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong từng cho rằng, sông Mekong hiện đang ở mực nước thấp nhất trong vòng một thập kỷ có liên quan đến quyết định chặn nước ở thượng nguồn của Trung Quốc.

David Hutt trong một bài báo trên Asiatimes cho biết là, Trung Quốc đã xây 11 đập và đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập khác trên thượng nguồn.

Tại quốc gia láng giềng với Việt Nam là Lào, trên dòng chính sông Kekong, hiện đã có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Cuối tháng Bảy, Chính phủ Lào đã đệ trình bản mô tả chi tiết về dự án đập thủy điện Luang Prabang để chuẩn bị tham vấn.

Thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang của Lào 30 km.

Thủy điện này sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam cũng tham gia các dự án xây dựng các đập trên sông Mekong.

Bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" từng nhận định, "Hà Nội cho phép công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation ký bản Biên bản Ghi nhớ MOU với chính phủ Lào đầu tư xây con đập Luang Prabang, con đập dòng chính lớn nhất của Lào, cũng có nghĩa là Việt Nam đã gửi đi một tín hiệu "bật đèn xanh" cho toàn 9 dự án đập dòng chính của Lào."

Kỹ sư Phạm Phan Long cũng chung nhận định khi cho rằng, "chính phủ Việt Nam đã quy hàng chiến lược thủy điện Lào từ năm 2007, đúng như những gì bác sĩ Ngô Thế Vinh nhận định. Lúc đó, Việt Nam phải có nhượng bộ chiến lược, chấp nhận hy sinh đồng bằng sông Cửu Long đổi lấy Luang Prabang và cho phép công ty Petro Vietnam Power đầu tư vào."

Kỳ 2: Giải pháp cho cuộc chiến tài nguyên nước xuyên biên giới?