16.5.19

Sự suy tàn và sụp đổ của Phật giáo Trung Quốc: Bằng cách nào mà chính trị hiện đại và tiền bẩn làm suy đồi một tôn giáo cổ xưa

SỰ SUY TÀN VÀ SỤP ĐỔ CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC: BẰNG CÁCH NÀO MÀ CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI VÀ TIỀN BẨN LÀM SUY ĐỒI MỘT TÔN GIÁO CỔ XƯA

Trung Quốc có hàng ngàn tu sĩ Phật giáo nhưng chẳng có nhà lãnh đạo tinh thần nào có vị thế quốc tế, các nhà sư và các học giả cho biết.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đại lục đã thất bại trong chuyện tạo ra bất kỳ nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo có tầm vóc toàn cầu. Ảnh: Reuters
Lý Liên Kiệt (1963-)
Khi các nhà làm phim bất ngờ đến thăm Thiếu Lâm Tự cổ xưa của Trung Quốc để thực hiện một bộ phim đình đám năm 1986 Martial Arts of Shaolin[Nam Bắc Thiếu Lâm] với diễn viên chính là Lý Liên Kiệt [Jet Li], họ đã bị sốc khi chẳng tìm thấy nhà sư nào.
Tu viện 1.500 năm tuổi, ở dãy Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam, nổi tiếng là cái nôi của Phật giáo Thiền [Chan Buddhism] nhưng hàng thập kỷ bị lãng quên và áp bức đã gây nhiều tai hại.
Tu viện nổi tiếng như là một trung tâm kung fu [công phu] vẫn còn nguyên vẹn nhưng tu hành Phật giáo đằng sau võ thuật đã biến mất, theo cựu nữ diễn viên Hồng Kông Mary Jean Reimer [Ông Tĩnh Tinh].
“Sau đó, nó bị chiếm giữ bởi những nhân viên bảo vệ kiểu bần nông. Ngay cả những lư hương cũng bị niêm phong bằng những tấm ván”, Reimer nói, một tín đồ Phật giáo đã ở Thiếu Lâm cùng người chồng là đạo diễn Lưu Gia Lương [Lau Kar-leung].
Reimer nói các nhà sư trong phim đều do các học viên võ thuật đóng. Nhiều người trong số họ tiếp tục biểu diễn cho khách tham quan chùa sau khi bộ phim trở nên thành công, mặc dù rất ít người, nếu có, trong số họ tuân theo bất kỳ tu tập Phật giáo nào, cô nói.
Tu viện Thiếu Lâm ở Hà Nam là trung tâm của kung fu nhưng các nhà phê bình đã đặt câu hỏi về cốt lõi tinh thần của nó. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cái lõi rỗng tuếch tại tu viện phản ánh tình trạng kinh khủng của các tổ chức Phật giáo trong cả nước, sự suy giảm vẫn tiếp tục cho đến ngày nay khi truyền thống hàng thế kỷ bị vướng vào các vụ bê bối tham nhũng và sự khan hiếm các nhà lãnh đạo tinh thần được quốc tế công nhận.
Nhưng trong khi tôn giáo là cổ xưa, các nhà quan sát nói, thì gốc rễ của sự suy đồi xảy ra gần đây hơn - là sự áp bức tôn giáo và can thiệp chính trị dưới sự cai trị của cộng sản.

VỤ BÊ BỐI

Shi Xuecheng (1966-)
Một trong những vụ được cho là tham nhũng gây sửng sốt nhất vừa xuất hiện vào tháng trước và tập trung vào Thích Học Thành [Shi Xuecheng], 52 tuổi, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Trung Quốc và là trụ trì của chùa Long Tuyền [Longquan] nổi tiếng ở Bắc Kinh.
Ông ta đã từ chức trước sự phản đối của công chúng sau khi có những lời buộc tội nổi lên như một phần của phong trào #MeToo cho rằng ông đã quấy rối tình dục các đệ tử nữ qua tin nhắn. Một tài liệu dài 95 trang được đăng trên mạng cũng cáo buộc rằng ông đã xây dựng các đền chùa mà không có giấy phép chính thức và quỹ đền chùa bị sử dụng sai mục đích.
Phản ứng từ các nhà chức trách rất nhanh chóng - Thích Học Thành phải đối mặt với hình thức kỷ luật từ Hiệp hội, tổ chức tôn giáo do nhà nước phê chuẩn, vì đã “vi phạm các nguyên lý Phật giáo”.
Giáo sư [xã hội học] Cấp Triết [Ji Zhe – 汲喆], thuộc Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) có trụ sở tại Paris (Pháp), nói rằng ông hoan nghênh việc điều tra nhanh chóng về vụ án của vị trụ trì nhưng hối tiếc vì sự thảo luận thiếu minh bạch và hợp lý trong việc tìm hiểu nguyên nhân của sự hỗn loạn Phật giáo ở Trung Quốc hiện nay.

“Đây là câu hỏi liên quan đến cấu trúc quyền lực cơ bản của nhà chức trách tôn giáo,” ông Cấp nói.
“Về cơ bản, các nhà lãnh đạo Phật giáo được công nhận chính thức kiểm soát cách tổ chức Phật giáo. Họ có quyền lực về chính trị nhưng thiếu sự chính danh tôn giáo với các tín đồ,” ông Cấp nói, thêm vào đó một số nhà lãnh đạo của Hội Phật giáo Trung Quốc, trước khi được bổ nhiệm, đã không được xem là những bậc đại sư bởi các Phật tử ở ngoài nội bộ các nhóm của họ.
“Thật khó để các nhân vật tôn giáo có ảnh hưởng thực sự vươn lên khi mà vị trí của các nhà lãnh đạo tôn giáo bị quyết định bởi chính trị,” ông nói.
Theo dữ liệu chính thức, có hơn 240.000 tu sĩ Phật giáo ở Trung Quốc, với hơn một nửa trong số đó là Phật tử Tây Tạng. Khoảng 100.000 nhà sư người Hán sống trong 28.000 tu viện trong khi phần còn lại là các nhà sư theo Phật giáo Nam tông Theravada, chủ yếu sống ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây ở phía Tây Nam đất nước.
Theo dữ liệu chính thức, có hơn 240.000 Phật tử ở Trung Quốc, hơn một nửa trong số đó là Phật tử Tây Tạng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đại lục đã không sản sinh ra các nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo có tầm vóc toàn cầu nổi tiếng về trí tuệ, nhân từ và từ bi.
Master Hsing-Yun (1927-)
Master Sheng-Yen (1931-2009)
Ngược lại, Đài Loan có nhiều nhà sư nổi tiếng như Đại sư Tinh Vân [Master Hsing-Yun] và Đại pháp sư Thánh Nghiêm [Master Sheng-Yen] có các bài giảng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Theo Tiến sĩ Thôi Trung Huệ [Tsui Chung-hui] từ Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo của Đại học Hồng Kông, các vấn đề “chuyển tiếp” liên quan đến Phật giáo Trung Quốc đương đại một phần do sự áp bức trong Cách mạng Văn hóa để lại.
“Đài Loan may mắn có thể bảo tồn các giá trị đạo đức của Khổng Phu Tử [Confucius], Đạo giáo và Phật giáo [khi hòn đảo đã tách khỏi đại lục sau cuộc nội chiến], tạo cơ hội cho Phật giáo phát triển,” bà Thôi nói.
Sự gián đoạn đó xảy ra vào năm 1949, khi Phật giáo và các tín ngưỡng khác bị lên án là tư tưởng phản cách mạng dưới sự cai trị của cộng sản trên đại lục.
“Sau năm 1949, Phật giáo đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trên tất cả các phương diện, từ học thuyết tôn giáo, tổ chức, đến tài trợ. Nhiều vấn đề ngày nay bắt nguồn từ những cải cách xã hội chủ nghĩa của những năm 1950,” ông Cấp nói.
Sự áp bức lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ biến loạn của Cách mạng Văn hóa, khi có sự bức hại Phật tử rộng khắp và phá hủy đền chùa.
Nhưng kể từ khi sự bức hại đã giảm bớt, Phật giáo Trung Quốc vẫn không khởi sắc, liên tục bị chỉ trích vì một loạt các vấn đề như thương mại hóa và tham nhũng.
Các nhà quan sát cho rằng sự can thiệp chính trị vẫn đóng một vai trò to lớn trong sự sụp đổ đó bằng cách làm suy yếu uy tín tinh thần và kìm hãm tự do tôn giáo.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình [Xi Jinping], các tôn giáo địa phương như Phật giáo Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy văn hóa và tín ngưỡng truyền thống cũng như quyền lực mềm của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thức của đại lục được công nhận bởi nhà nước độc đảng với một sứ mệnh đoàn kết các tín đồ trở nên yêu nước và truyền bá giáo lý tôn giáo theo các giá trị yêu nước cốt lõi.
Tất cả các nhóm tôn giáo dựa trên đức tin ở Trung Quốc, bao gồm 41 viện nghiên cứu Phật giáo trên toàn quốc, đều được Ban Tôn giáo Chính phủ [State Administration of Religious Affairs] giám sát.
Vào tháng 3, Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đã tăng cường hơn nữa sự kiểm soát đối với tôn giáo bằng cách gộp cơ quan hành chính vào Ban Công tác Mặt trận Thống nhất [United Front Work Department].

LỢI DỤNG KIẾM CHÁC

Một trong những trung tâm bị buộc tội thương mại hóa là Thiếu Lâm, nơi mà trong hai thập kỷ qua đã trở thành một đế chế kinh doanh trải dài từ các trường võ thuật và biểu diễn, đến y học, chương trình văn hóa, du lịch và ẩm thực, theo báo cáo của Prism, một trang thông tin trực tuyến của gã khổng lồ công nghệ Tencent.
Sư trụ trì, Thích Vĩnh Tín [Shi Yongxin], được biết đến với tư cách là “nhà sư CEO” và đã thu hút các tựa lớn trong các bản tin toàn quốc khi ông ta bị buộc tội “lợi dụng để kiếm chác” bằng thương hiệu Thiếu Lâm.
Chỉ riêng trong năm 2015, Thiếu Lâm Tự báo cáo đã thu hơn 50 triệu nhân dân tệ (7,3 triệu USD) phí vào cửa cộng với các lễ dâng hương với giá 100 nhân dân tệ mỗi người.
Nhưng ông Cấp cho biết người hưởng lợi chính của hoạt động kinh doanh này là chính quyền địa phương.
“Chưa tới một phần ba thu nhập đó đã tới chùa. Phần còn lại thì tới thị trấn Đăng Phong [Dengfeng]” ông nói.
Giống như các tu viện lớn khác, Thiếu Lâm được quản lý bởi một ủy ban gồm phần lớn các quan chức chính phủ.
“Ngay cả thủ quỹ của Thiếu Lâm do chính phủ bổ nhiệm nên việc chi tiêu phải được phê duyệt. Các vị trụ trì trong chùa không có tiếng nói gì về tài chính của tổ chức,” ông Cấp nói.
Trụ trì Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín (giữa) được biết đến như là “nhà sư CEO”. Ảnh: AFP
Năm ngoái, chính quyền đại lục đã giải quyết vấn đề này bằng cách cấm niêm yết các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo địa phương trên thị trường chứng khoán và vào tháng 2, những sửa đổi Quy định vấn đề tôn giáo [Religious Affairs Regulation] cũng cấm sự thương mại hóa của chúng.
Trong khi cái gọi là thương mại hóa thường được lãnh đạo bởi chính quyền địa phương, với phần lớn lợi nhuận sẽ dành cho họ, “thì các nhà sư luôn luôn nhận lấy sự chỉ trích”, ông Cấp nói.
Ông nói rằng nhiều đền chùa bị mất đất trong thời kỳ cải cách xã hội chủ nghĩa của những năm 1950 và giờ đây không nên bị cấm hoàn toàn trong việc tìm kiếm thu nhập hợp pháp.
Một doanh nhân cũng là bạn thân của Thích Vĩnh Tín và các nhà sư cao cấp khác của đại lục nói rằng sư trụ trì Thiếu Lâm là một ví dụ điển hình về cách các nhà lãnh đạo Phật giáo bị tổn hại.
Cách đây nhiều năm, Thích Vĩnh Tín nói với tôi rằng ông ấy phản đối việc thu phí vào cổng tại Thiếu Lâm, nhưng đã bị chính quyền địa phương bỏ phiếu chống lại. Ông không có quyền nói gì trong chuyện này, vị doanh nhân nói.
Mới tháng trước, Thiếu Lâm Tự một lần nữa gây sự chú ý khi các nhà sư của chùa giương cờ quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử 1.500 năm của mình như một phần của một nỗ lực ái quốc tại các cơ sở tôn giáo, bao gồm các nhà thờ Thiên Chúa và những thánh đường Hồi giáo.
Lá cờ Trung Quốc kéo lên tại Thiếu Lâm Tự vào tháng trước. Ảnh: Weibo
“Làm thế nào đây có thể là ý tưởng riêng của Thích Vĩnh Tín? Để thúc đẩy việc chào cờ trong chùa? Thiếu Lâm phải đi đầu … Tôi biết Thích Vĩnh Tín có tham vọng nhưng nền tảng giáo dục hạn chế của ông ta thường cho thấy ông ta dễ bị thao túng và những chuyện đùa luôn là về ông ta,” vị doanh nhân nói.

KHOẢNG LẶNG VÔ ĐẠO

Xa hơn về phía bắc, một nhà sư từ tỉnh Sơn Tây cho biết sự can thiệp chính trị đang diễn ra và sự thiếu tự do tôn giáo đã tạo ra một nền văn hóa im lặng trong Phật giáo Trung Quốc, cản trở sự phát triển của truyền thống.
“Có rất nhiều điều chúng tôi không được phép thảo luận. Nó quá phức tạp và chúng không thể nghiên cứu được. Càng đào sâu, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều chi tiết không mong muốn và không ai thích thấy điều đó,” nhà sư nói, từ chối tiết lộ thêm chi tiết vì sợ bị bức hại.
Nhà văn Lý Hải [Li Hai – 李海gốc Bắc Kinh đã chứng kiến ​​tận mắt điều này. Vào năm 2004, ông Lý đã dành một tháng nghiên cứu tại một ngôi chùa hẻo lánh ở miền trung tỉnh Hồ Nam chỉ để thấy các nhà sư và trụ trì của chùa buộc phải bỏ đi và thay thế bằng những người được thuê bởi các quan chức tôn giáo địa phương.
“Vấn đề không phải là về Phật giáo mà là về cách thức tổ chức... Nhu cầu của con người cho tôn giáo dựa trên đức tin tin chưa bao giờ mạnh hơn thế nhưng cách Phật giáo được tổ chức đã không đáp ứng những nhu cầu tâm linh của họ,” ông Lý nói.
Thiếu Lâm hiện là trung tâm của một đế chế kinh doanh trải dài từ các trường võ thuật và biểu diễn, đến y học, các chương trình văn hóa, du lịch và ẩm thực. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông nói rằng các vấn đề tôn giáo không nên bị chi phối bởi các đảng viên vô thần, “những người không quan tâm liệu các lời dạy của Đức Phật có gây mụ mị hay không”.
“Tất cả những gì họ quan tâm là họ có thể kiểm soát mọi phương diện đến mức nào.”
Albert Welter (1952-)
Theo chuyên gia nghiên cứu Đông Á Albert Welter của Đại học Arizona (Hoa Kì), tham nhũng trong số các sư thầy Phật giáo Trung Quốc đương thời chỉ phản ánh các vấn đề của Đảng Cộng sản Trung Quốc đương thời.
Giới tăng lữ Phật giáo không miễn nhiễm khỏi những ham muốn và đặc tính của bản chất con người, ông Welter nói, chỉ ra rằng các nhà sư ở Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích vì sự buông thả đạo đức trong hành vi tình dục, tham nhũng và hoang phí tiền của.
Welter cũng nói rằng ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc tới đại lục nên được coi như là sự bắt đầu lại từ đầu, sau khi các cuộc bức hại chính gây nhiều thiệt hại trong Cách mạng Văn hóa.
Sẽ mất thời gian để xem liệu sức ảnh hưởng của nó có thể một lần nữa vươn ra khắp khu vực Đông và Trung Á hay không, ông nói.
“Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào việc Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể quản lý quá trình quốc tế hóa của nó tốt ra sao, vào cách nó [Phật giáo Trung Quốc] vận hành và vào vai trò của Phật giáo [Trung Quốc] có thể được phép làm”, ông Welter nói.
Bà Thôi của Đại học Hồng Kông rất lạc quan. Bà nói rằng các đại sư Phật giáo đáng kính vẫn có thể được tìm thấy ở đại lục.
“Tôi tin rằng có thể có nhiều Phật tử tài năng ở ẩn rất giỏi, những người đang âm thầm làm việc mà chẳng đòi hỏi nổi tiếng và danh tiếng tuy nhiên chúng tôi chỉ biết chưa biết điều đó,” bà nói.
Báo cáo bổ sung của Choi Chi-yuk và Nectar Gan

Giới thiệu tác giả 

Mimi Lau
Mimi Lau
Mimi Lau là kí giả về nhân quyền, tôn giáo và xã hội dân sự ở Trung Quốc. Cô đã dành 7 năm ở miền nam Trung Quốc với tư cách là phóng viên Quảng Châu của Post's Guangzhou Correspondent trước khi trở về Hồng Kông vào năm 2017. Hiện nay, Mimi tiếp tục theo đuổi các sự kiện trên khắp đất nước, theo dõi và báo cáo về các vấn đề chính trị và dân sự quan trọng. Cô đã giành được nhiều giải thưởng cho công việc của mình.
Hoàng Kim Bảo dịch

Print Friendly and PDF