Tạm dừng ngay “đề xuất tạm dừng”, bộ trưởng đang làm gì vậy?

25/03/2020 - 12:56

PNO - Đặt trong diễn biến khốc liệt của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”.

Ngày 23/3, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Công thương đã có đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Thủ tướng đồng ý với đề xuất này.

Ngày 24/3, Bộ Công thương ngay lập tức có văn bản kiến nghị Thủ tướng tạm dừng “đề xuất tạm dừng” của chính mình trước đó 1 ngày để có thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Bộ này cũng đề nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu.

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan đã có công điện hỏa tốc gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan gạo từ 0g ngày 24/3.

Việt Nam chính thức tạm dừng xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một quyết định nhất quán và cần thiết, dù cấp tham mưu của ông - cụ thể ở đây là Bộ Công thương, trực tiếp là công văn có chữ ký đỏ chót của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - có vẻ tiến thoái thậm thụt.

Cần nhớ, chỉ 5 ngày trước đó, 18/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng hằng năm, tăng cường khả năng dự trữ. Bởi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, dịch bệnh bất thường. Đặt trong diễn biến khốc liệt của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”.

Ở cấp độ chiến lược, chắc hẳn sẽ có những cú “xoay trục, đảo chiều” trong tư duy lẫn phương thức điều hành sản xuất lúa gạo, trong đó đặc biệt phải quy hoạch lại các vùng trồng lúa cũng như điều kiện, khả năng tiếp cận lương thực của người dân, tăng hàm lượng khoa học trong chế biến từ lúa sang gạo, từ gạo thành nguyên liệu chế biến của ngành công nghiệp thực phẩm nhằm tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn thay vì chỉ xuất khẩu gạo với vai trò là một nguyên liệu thô...

Ở thời điểm khẩn cấp vì dịch bệnh lan tràn như hiện nay, khả năng kiểm soát dù rất tốt nhưng vẫn đầy rẫy nguy cơ lây nhiễm cộng đồng ở cấp độ cao, trước mắt - là đến hết tháng 5/2020, việc tạm dừng xuất khẩu, tăng nguồn dự trữ là phép ứng phó hợp lý. Chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo toàn sức khỏe nhân dân - một phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng ngay khi bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, nội hàm sức khỏe ấy, ngoài thể chất còn là nguồn lương thực, để nuôi dưỡng thể trạng người dân khỏe mạnh nhất có thể.

Hẳn khi xuất bản công văn đề xuất tạm dừng lần 1, Bộ Công thương đã cực kỳ trách nhiệm khi xác định “góp phần ổn định giá gạo trong nước”, đã thông tuệ khi “đảm bảo nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo”. Vậy hà cớ gì, nguyên do từ đâu, áp lực từ những ai mà chỉ 24 giờ sau, Bộ đã phủ quyết chính cái trách nhiệm cao cả của ngành mình, bộ mình.

Chưa kể, những lý do để phủ quyết ấy cũng có phần nghịch lý, nghĩa là trước khi đưa ra đề xuất, trình Thủ tướng, những tưởng Bộ đã có rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo về lượng tồn lúa gạo trong kho bãi, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, sản lượng thực tế vụ đông xuân...

Nhắc lại sự kiện ngày 7/3, trước hiện tượng người dân Hà Nội ùn kéo nhau gom trữ lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức chỉ đạo “mở” tất cả các nguồn cung, thậm chí ông yêu cầu các cửa hàng bán lẻ mở cửa đến 23g để bán gạo cho dân.

Là con dân, tôi yên tâm trước cách điều hành “chiến thuật” ấy trong thời dịch bệnh leo thang, cũng như tin cậy vào những cơ sở chiến lược mà Thủ tướng đã nói ở trên. Tôi, cũng như bao người có phần hoang mang, lo sợ cho hai lần tạm dừng của ông bộ trưởng, nó hệ lụy đến nguồn lương thực quốc dân ngay trong thời dịch và hậu dịch.

Vì vậy nó cần được tính toán cẩn trọng, chính xác, trách nhiệm và… nhất quán, có lộ trình.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(12)
  • Nguyễn Đức Lương 27-03-2020 08:45:44

    Giá gạo rẻ, không xuất phát tư số lượng gạo quá nhiều, mà từ chính chất lượng của nó. Sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, không đồng nhất chất lượng. Còn xuất khẩu hay không xuất khẩu vài hôm cái đó ở tầm nhìn cấp bộ mới thấy được. Góc nhìn thiệt hại về phía người nông dân trồng lúa vì ngừng xuất khẩu là không đúng. Ở đây đang đánh đến tâm lý và lợi ích của người kinh doanh ngắn hạn. Thực tế thì họ sợ nếu ép giá nông dân quá lâu, nông dân họ sẽ không sản xuất gạo nữa. "LÝ DO NGỪNG SUẤT KHẨU LÀM GIÁ THUA MUA THÓC GẠO GIẢM" trong khi thị trường đang nhu cầu tăng là VÔ LÝ.
    Những người kinh doanh có tâm đều hiểu!

  • Thạnh 27-03-2020 05:34:29

    Nếu lương thực xuất đi...!Nếu lương thực thiếu hụt trong giai đoạn chống covid, hạn hán, rồi đầu cơ tích trử ..Ai sẽ là người chiệu trách nhiêm. Trước toàn dân

  • Trần Toàn 26-03-2020 10:35:45

    Tôi đồng ý chủ trương hoãn xuất khẩu gạo, lẽ ra CP phải có chủ trương từ sớm. Tình hình hạn hán khô cạn ở tp HCM đã diễn ra phức tạp, tình hình nông sản bị mất mùa thiếu hụt về sản lượng so với mọi năm. Nước ta cần có chính sách bình ổn lương thực lâu dài trong vài năm tới. Theo tôi CP nên có kế hoạch cắt giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong vài năm tới. Bình ổn lương thực là việc quan trọng nhất để ổn định tình hình xã hội.

  • np 26-03-2020 09:48:57

    Mình chỉ nói về thực tế của mình thôi. nhà m là nông dân sản xuất lúa 1 năm 3 vụ. giá lúa thì cứ từ 5.400 đến 5.600/1kg (lúa đã phơi khô) giá này đã duy trì hơn 10 năm nay rồi, trong khi tất cả mọi thứ chi phí cho sản xuất điều tăng (ví dụ: tiền nhân công đã là 300k/ngày (làm 7 tiếng), tiền phân, tiền thuốc tăng ...., các dịch hại như: Ốc bươu vàng, chuột phá hoại.......) trong khi giá lúa ko tăng vẫn giữ như vậy. Bây giờ ruộng người ta bỏ hoang không làm lúa nữa hoặc là trồng cỏ để nuôi bò (vì không có lời khi trồng lúa)...

  • Phước Nguyễn 26-03-2020 08:59:59

    Tầm nhìn của Thủ Tướng rất xa nhằm tránh trường hợp thiếu gạo cho toàn dân. Dĩ nhiên so sánh cái thiệt thòi của nông dân với cái đói của toàn dân, Thủ Tướng nhắm vào cái đói là trên hết.

  • Duy 25-03-2020 22:11:05

    @NONAME, cb. Thấy cái lợi trước mắt mà không lường hậu quả về sau thì không chỉ khổ cho nông dân mà còn khổ cho toàn dân VN đấy! Các bạn có nghĩ đến một ngày nào đó đất nước bị thiếu gạo thì số tiền thu được nhờ xuất khẩu gạo hiện tại có mua lại được số tấn gạo đã xuất đi, hay là phải đi nhập với giá cao hơn đã xuất? TÓm lại phải đảm bảo nguồn lương thực dự trữ trong nước, sau đó mới tính đến việc xuất khẩu...

  • cb 25-03-2020 21:38:28

    thế còn người nông dân cứ để họ cực khổ hoài mà chẳng bao giờ ngóc đầu được dậy hay sao? mấy năm nay điệp khúc được mùa mất giá làm người nông dân buồn khổ nhiều rồi, có người dân ở tầng lớp khác lo lắng cho họ? giờ còn bị hạn mặn, lúa chết đầy đồng có ai bồi thường thiệt hại cho người nông dân? mấy người ích kỷ vừa thôi. có ai ra đồng mùa này mới thấy lội nước trên đồng ruộng như lội trong nước sôi. nếu muốn doanh nghiệp mua lúa cho người nông dân thì doanh nghiệp phải được lợi trước, người ta mới mua gạo cho dân, giờ không cho xuất khẩu, gạo gặt ra không ai mua lai bị ép giá, thậm chí có mùa năm ngoái còn chẳng có lái đi mua do không xuất khẩu được, người nông dân như ngồi trên đồng lửa các người có lo cho họ.

  • Ngô Quang Trung 25-03-2020 19:29:01

    Doanh ngiệp được xuất khẩu gạo ,lợi cho doanh nghiệp hay nông dân ?Nếu thiếu gạo doanh nghiệp nhập khẩu ( có gạo nhập không ? )Lợi cho doanh nghiệp hay cho nông dân ? ?

    • NONAME

      Có lợi cho dân chứ ai vào đây, doanh nghiệp có thế nào đi nữa nó cũng có lãi do nó là khâu dịch vụ. Giá lúa mua tại ruộng đang tốt giúp nông dân có lời trong lúc gặp hạn, giúp vớt vát lại phần nào lỗ. Đùng 1 cái cấm xuất khẩu, làm lúa tại các khu vực đình trệ thương lái tạm ngưng mua lúa, có mua thì bị ép giá thấp, thế là nông dân lãnh đủ. Vụ này lỗ nặng thế là vụ sau sẽ có nhiều nông dân bỏ ruộng đất để đi làm thuê. Sẽ càng ngày càng có nhiều người bỏ ruộng đất để đi làm thuê vì làm thuê ăn lương tháng chẳng lo mất mùa hay thất giá. Hayyy... muôn đời khổ chỉ có nông dân.

    • Đông Phương

      NONAME theo ý kiến của mình thì nếu ngưng xuất khẩu dài thì mới có nhiều hậu quả xấu cho người nông dân, hiện tại chỉ ngưng một thời gian ngắn để đối phó với việc thiếu lương thực do dịch Corona, hạn hán, nước mặn, ốc,....Gạo để một thời gian ngắn không xuất khẩu cũng không thối, hỏng như hoa màu được, gạo có phải giải cứu như thăng long, dưa hấu đâu mà bị ép giá, nếu có ép giá là do thương lái trục lợi thôi, nông dân không có vốn thì họ mới chấp nhận bán giá thấp, chứ chỉ ngưng mấy tháng nếu bị ép giá thì nông dân có thể k bán cho người ép giá, dự trữ để bán sau. Mình thấy giá gạo có khi còn tăng lên vì thời dịch đang thiếu lương thực, chỗ mình ở mua gạo đắt như ma ấy.

  • Nkt 25-03-2020 15:50:16

    Dịch bệnh làm đình trệ hoạt đông.khô hạn trong miền nam và miền trung Thủ tướng quyết định rất kịp thời.Nên xem xét xử lý bộ công thương nếu đúng như báo nêu.

  • Lê Nguyên 25-03-2020 13:41:45

    Nguyên do từ đâu, áp lực từ ai? Quả là đáng tìm hiểu!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI