Tâm hồn Nga hay là „Một cộng một bằng ba“

IMG_1486

Thực ra không được phép bỏ phí bất cứ một phút nào vì đang phải hoàn thành gấp một hợp đồng công việc, nhưng vừa đọc bài phỏng vấn có tiêu đề „Một cộng một bằng ba“ với đạo diễn sân khấu Đức Peter Stein (77 tuổi) trên tạp chí SPIEGEL („Tấm gương“) số ra hôm nay tôi không thể không bỏ ra ít nhất là 30 phút (than ôi, thời gian là vàng bạc!) để chia sẻ lại ở đây một vài ý tưởng của ông với các bạn quan tâm.

Trước hết, Peter Stein đối với tôi là đạo diễn của vở bi kịch „Faust“ của Goethe, và không phải ở một lần dàn dựng bất kỳ nào đó, mà là với dự án ra mắt tại EXPO 2000, với tất cả 12111 câu thơ của nguyên bản tác phẩm và với một thời lượng 21 tiếng đồng hồ trên sân khấu. Hồi đó, chắc cũng vì một lý do công việc nào đó, tôi đã không đến Hannover để tận mắt chứng kiến sự kiện này, để sau này chỉ có thể xem lại trên DVD. Bộ đĩa này bây giờ vẫn nằm trên bên viết của tôi, như một lời cảm thán „Hỡi thời khắc, xin hãy dừng chân, ngươi đẹp quá chừng!“ („Zum Augenblicke dürft’ ich sagen: Verweile doch, du bist so schön!“, Goethe, Faust, V. 11581-11582).

Vâng, sở dĩ SPIEGEL có bài phỏng vấn này với Peter Stein là vì ông vừa từ Nga quay trở về và vừa dàn dựng ở Matxcơva vở kịch nói „Boris Godunow“ của Puschkin và vì Stein được coi là một „Russenversteher“, một khái niệm khá trái khoáy trong tiếng Đức, lành ít dữ nhiều, chỉ tạm dịch là „người hiểu (được) người Nga“. Để nói thật nhanh cho các bạn không phải là fan của Putin an tâm, bài này không nằm trong vệt của những „Russenversteher“ Đức nổi tiếng khác như Gysi hay Schmidt. Stein không hề là bạn của Putin, không khí sợ hãi bao trùm nước Nga hiện nay được ông coi là tệ hại không kém so với thời Breschnew. Nhà chỉ huy âm nhạc cổ điển người Nga nổi tiếng thế giới nhất hiện nay Walerij Gergijew bị ông coi là một thuộc hạ của Putin và „một kẻ nguy hiểm“, tương tự như vậy ông cũng nhận xét về một người bạn thân khác của Putin, siêu sao âm nhạc opera Anna Netrebko.

Điều khiến tôi quan tâm nhất là những gì ông nói về „tâm hồn Nga“ trong bài phỏng vấn này. Stein cho biết chính người Nga thường hỏi ông tại sao Stein lại có thể hiểu được „tâm hồn Nga“ đến mức như vậy. Và Stein cho biết, câu trả lời của ông luôn luôn là: „Các vị có biết không, tâm hồn Nga chẳng có khác gì nhiều so với những tâm hồn khác. Các vị chỉ tưởng tưởng ra như vậy thôi và cứ làm to chuyện lên, việc quái gì phải thế.“

Nói vậy, mà có lẽ không phải như vậy. Vì tất cả những trải nghiệm mà Stein kể ra sau đó trong bài phỏng vấn lại là những bằng chứng hùng hồn nhất về việc có một thứ „tâm hồn Nga“ thật sự!

Nhận xét đầu tiên của Stein, một chuyên gia sân khấu hàng đầu, về người Nga mà tôi muốn dẫn lại ở đây là dân tộc này „yêu sân khấu đến mức điên khùng“. Đấy là câu kết luận cho một câu chuyện mà Stein kể về dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Anton Tschechow ở Taganrog, lần đó Medwedew (tôi chưa kịp tra cứu lúc đó là Tổng thống hay Thủ tướng Nga) đã đi cùng ông và đã dành thời gian ba tiếng đồng hồ để thảo luận say sưa về kịch nghệ. Stein có nói thêm là ông không biết một chính trị gia nào ở Đức mà lại có hiểu biết sâu sắc như vậy về sân khấu (OK, nữ Thủ tướng Đức đương nhiệm Angela Merkel không năm nào bỏ qua lễ hội nhạc kịch Wagner ở Bayreuth cả, nhưng có thể đấy là một ngoại lệ! – chú thích của THQ).

Giai thoại về Medwedew có thể hiểu theo nhiều cách (không hiếm các chính trị gia độc tài vẫn say mê sân khấu hay sau này là điện ảnh, như gia đình Kim ở Bắc Triều Tiên chẳng hạn), nhưng tôi cho rằng Stein thuật lại câu chuyện này một cách chân thành, không hề có ý xỏ xiên. Ấn tượng lớn nhất trong cuộc đời hoạt động sân khấu của Stein là lần ông dàn dựng vở „Ba chị em“ của Tschechow vào năm 1989 ở Matxcơva. Stein kể, phòng khán giả chỉ có 990 ghế, nhưng số lượng người đến xem đã lên tới 1500, khán giả ngồi la liệt cả trên lối đi, bên trái và bên phải sân khấu. Khi câu nói cuối cùng của vở kịch vang lên „Giá như chúng ta biết trước được điều đó, giá như chúng ta biết trước được điều đó“, tấm màn nổi tiếng với hình con chim hải âu được hạ xuống. Stein kể là tiếp sau đó không có bất kỳ điều gì xảy ra, chẳng hề có một tiếng hoan hô, diễn viên nhìn đạo diễn, đạo diễn nhìn qua cánh gà. Màn lại được kéo lên, các nghệ sỹ lại cúi chào. Vẫn chẳng hề có một tiếng vỗ tay. Lúc đó Stein nói: „Xin bật ánh sáng lên!“ Phòng khán giả lúc đó mới được bật sáng, và lúc này Stein và các diễn viên của ông mới nhận ra: „Die heulten alle wie die Kälber!“ Tôi lại đành trích nguyên văn tiếng Đức câu này, nếu dịch thành nghĩa đen ra tiếng Việt thì sẽ khá ngô nghê: „Họ khóc nức lên như một đàn bê vậy“ (có thời gian sẽ xin nhuận sắc lại câu dịch này, hoặc trước mắt xin nhờ bạn đọc nào có cao kiến tìm giúp một cách diễn đạt khác phù hợp hơn). Khán giả cứ nức nở như vậy, tối thiểu trong năm phút. Sau đó mới dần dần có tiếng vỗ tay, và sẽ vỗ tay không ngừng trong suốt 45 phút đồng hồ – xin thú nhận là mắt của người viết điểm báo chỗ này cũng hơi bị cay cay 😉

Than ôi, nhìn đồng hồ thì tôi nhận ra là đến thời điểm này mình đã tiêu đúng 1h30 phút cho mấy dòng lược thuật dự kiến không được phép đầu tư quá 30 phút này. Thôi, mặc kệ bản dịch đang chờ vậy, xin kể tiếp hai chi tiết nữa.

Chi tiết thứ nhất liên quan đến kinh nghiệm làm việc của Stein với diễn viên Nga. Ông nói rằng diễn viên, cụ thể ở đây là nữ diễn viên Nga trình diễn với một thứ cảm xúc mà người ta chỉ có thể hình dung ở vùng Đông Âu. Ấn tượng đầu tiên của ông là họ cường điệu một cách khủng khiếp, cường điệu một cách rùng rợn, đến mức không thể nào chịu đựng nổi. Và không ai khác, chính Anton Tschechow là người đã đưa ra những nhận xét không khoan nhượng như vậy về phong cách biểu diễn Nga. Nhưng sau 45 phút (lại 45 phút!) Stein đã hoàn toàn bị quy phục bởi thứ năng lượng cảm xúc này, vì nó đã đụng vào đến cả thân thể, thấm vào máu người chứng kiến. Stein nhận xét tiếp, không có một nền văn hoá diễn xuất nào, kể cả nghệ thuật diễn xuất Mỹ, có thể so sánh được với mức độ đồng cảm (của diễn viên với vai diễn) như trong sân khấu Nga. Và „tội ác“ của Bertolt Brecht (Stein nói nguyên văn như vậy – các bạn từng học ngành văn chương Đức như tôi hãy ghi chép lại nhé) là đã cấm đoán quá trình đồng cảm này, mặc dù chính Brecht, ngay cả trên sân khấu gián cách của mình, đã liên tục sử dụng phương cách đó!

Chi tiết thứ hai liên quan đến một giai thoại từ tiểu sử của Peter Stein. Thời thơ ấu „Iwan“ đối với ông đương nhiên là kẻ thù, lúc chiến tranh kết thúc Stein mới bảy tuổi. Có một điều kỳ lạ là trên một tấm ảnh chụp từ lúc 4 tuổi cậu bé Peter Stein lại mặc một tạp dề Nga. Và sau này bạn học thời phổ thông, kể cả thời sinh viên của ông, không gọi ông là „Peter“, mà là „Pjotr“, tên gọi Nga cho „Peter“. Stein không giải thích được việc này, cũng có thể là do xương gò má của ông, cũng có thể là – tôi vẫn tiếp tục trích dẫn Stein – đến 89 phần trăm người Đức ở xứ Phổ (Preußen) có nguồn gốc Xlavơ. Và (vẫn là lời của Stein) phải dùng kính hiển vi mới soi ra được cái gọi là chất „Arische“/„Aryan“!

Xin chấm dứt câu chuyện ở đây, bây giờ là 13:03 phút, tôi đã tiêu hoang hơn 2:30 tiếng đồng hồ cho câu chuyện về „tâm hồn Nga“ xa xôi này rồi. Như đã nói, không phải vì tôi là một fan của Putin. Mà cũng không hẳn vì câu chuyện nước Nga đương đại hay tâm hồn Nga. Mà có lẽ, gần như là chắc chắn vậy rồi, vì ẩn ức bị tổn thương của một thứ „tâm hồn Việt“ ẩn khuất đâu đó trong mình. Thứ „tâm hồn Việt“ này, nếu có – chẳng hạn như ở một lời có cánh của cụ Phạm Quỳnh về „tiếng ta còn, nước ta còn“ – chắc cũng chỉ là một huyễn tưởng hay một sự bịa đặt như nhận xét của Stein về „tâm hồn Nga“. Nhưng „tâm hồn Nga“ ấy ít nhất cũng đã có một kẻ chiêu tuyết. Và kẻ chiêu tuyết ấy lại là một người Phổ, một người Đức „Bio“ một trăm phần trăm, như người ta thường nói.

Berlin, 11/04/2015, 10:30 – 13:06 h

7 thoughts on “Tâm hồn Nga hay là „Một cộng một bằng ba“

    • Cám ơn anh Lã Nguyên đã khích lệ. Nhưng anh ạ, nói như Heinrich Heine “các nhà triết học lớn Đức (hay các nhà văn Việt Nam) nếu tình cờ bắt gặp những trang sách này sẽ nhún vai một cách tao nhã về trình độ hạn chế của tất cả những gì mà tôi viết ra ở đây”…

  1. Pingback: ĐIỂM TIN CHỦ NHẬT 12-4-2015 | Ngoclinhvugia's Blog

  2. Pingback: 20150412. XOAY QUANH VẤN ĐỀ THÔI BẢO HỘ SX Ô TÔ TRONG NƯỚC | Ngothebinh's Blog

Bình luận về bài viết này