BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

4980. Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015)

Posted by adminbasam trên 05/09/2015

Diễn Đàn

Nguyễn Ngọc Giao

4-9-2015

Nguyên trưởng Ban Việt ngữ ABC, BBC, nguyên giám đốc điều hành Radio Australia đã đột ngột từ trần ngày 3.9.2015, ở tuổi 61.
Trần Hạnh (1954-2015)H1Thật sửng sốt khi nghe tin Trần Hạnh từ trần, sáng nay (3.9.2015) tại Melbourne. Sự đột tử của anh ở tuổi 61 là một bất ngờ lớn đối với gia đình (Liam, con trai lớn của anh, cho BBC biết anh “hàng ngày tập thể dục” và vui “cuộc sống về hưu”), bác sĩ cũng chưa giải thích được.

Trần Hạnh được biết như người Việt Nam đầu tiên được cử làm trưởng ban Việt ngữ của đài BBC (1997-2001), người “da màu” đầu tiên làm giám đốc điều hành của đài Radio Australia (2007-2010). Giới truyền thông biết rõ vai trò của anh trong sự đổi mới nội dung và ngôn ngữ của ban Việt ngữ BBC, ABC và Radio Australia, đoạn tuyệt với thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Các đồng nghiệp của anh còn nhấn mạnh tới quan tâm –  phải nói là say mê – về những công nghệ truyền thông mới (kỹ thuật số, video…) cũng như về công tác đào tạo (xem hai bản tin của BBC : Nhà báo Trần Hạnh vừa qua đờiTrần Hạnh: ‘Người đem lại thay đổi’). Con người của Trần Hạnh cũng được nhận xét chính xác :

– “Bà Sarah Prunell, vợ cũ của ông, cho biết ông Hạnh là một người cha rất tận tụy, hết lòng vì các con, và với ông vườn tược, nhiếp ảnh và nấu ăn là những niềm vui không thể thiếu” ;

– “ Ông là một người rất nhạy cảm. Tôi có thể hiểu những người cưỡng lại thay đổi thường cảm thấy khó ở gần ông và nhận thấy ông là người không bỏ cuộc. Nếu ông thấy có điều gì đó cần phải thực hiện thì ông sẽ đảm bảo rằng việc đó được thực hiện và sẽ thúc đẩy để thực hiện nó. Nhưng ông luôn giải thích rất rõ ràng điều mà ông muốn thực hiện.” (Chris Greene, nguyên trưởng ban Việt ngữ BBC) ; 

– “ Sự ra đi đột ngột của anh sẽ giúp nhắc chúng tôi không chỉ biết quý cái đẹp quanh mình mà còn biết đón chào và dành thời gian cho tình bạn và cho những mối quan hệ với những người thân yêu của mình, mà sau cùng thì có lẽ đó chính là điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người.” (Jonathan London, giáo sư đại hoc Hồng Kông)

– “ Khi có những đổi mới thì tất nhiên sẽ có những mâu thuẫn giữa hai cách làm việc và hai thế hệ khác nhau. Nhưng anh Hạnh là người luôn cố gắng hòa hợp hai cách làm việc khác nhau đó. Tất nhiên có những người phản đối và những người ủng hộ. Và kết quả cuối cùng là anh đã đạt được kết quả tốt và được mọi người công nhận đó là một thay đổi đúng.

    “ Lần cuối tôi nói chuyện với anh Hạnh, anh cho biết anh cảm thấy hài lòng vì giờ đây anh có thời gian để làm những gì anh muốn, còn về sự nghiệp và công việc thì anh đã đạt được những điều anh ấy thấy là đáng làm.” (Kim Anh, nguyên thành viên Ban Việt ngữ Đài phát thanh Úc ABC)

Con người Trần Hạnh còn thể hiện trong những hoạt động của anh từ ngày về hưu : chỉ cần lướt qua những trang FaceBook của anh (Trần Hạnh còn “post” một bài chót vài giờ trước khi mất) là đủ. Trong phần tự bạch trên FB, Trần Hạnh viết : “ Mơ có ngày thức dậy không thấy những tin tức nhức tim. Và mong quê hương được thực sự dân chủ khi mình còn sống”. Xin thêm : ngày ngày, anh tự nguyện lái xe buýt chở học sinh trong khu phố tới trường trung học. 

Tôi được gặp Trần Hạnh lần đầu tiên vào cuối năm 1994 tại Canberra, khi được mời tham gia cuộc hội thảo Vietnam Update tại Trường đại học Quốc gia Úc (ANU). Anh tới dự hội thảo với tư cách phóng viên Ban Việt ngữ của đài ABC. Khi tôi xin miễn trả lời phỏng vấn, thì quan hệ giữa chúng tôi bỗng trở thành quan hệ bạn bè bình đẳng, từ đó đến nay, hơn 20 năm qua, không có gì thay đổi. Tôi nhớ ngay từ lúc ấy, Trần Hạnh  gặp cho biết ông Chris Greene (cháu nhà văn Graham Greene) đã sang gặp anh, đề nghị anh sang London làm việc cho đài BBC, vì BBC muốn đổi mới, cử một người Việt Nam làm trưởng ban Việt ngữ.

Phải đến năm 1997, việc này mới trở thành hiện thực. Không biết về phía “bà già” BBC có những vấn đề gì phải giải quyết không, nhưng tôi biết về phần mình, Trần Hạnh phải tìm lời giải cho một bài toán khó. Hạnh đã kết hôn với Sarah, hai người quen nhau khi học cùng khoa truyền thông ở ANU. Tốt nghiệp xuất sắc, cả hai đều bắt đầu con đường sự nghiệp truyền thông ở Úc. Bây giờ sang Anh sống, Hạnh thì có vị trí ở BBC, còn Sarah sẽ khó tìm ra một việc làm tương xứng với sự nghiệp mà chị đã bắt đầu ở Úc. Cuối cùng thì họ đã tìm ra một giải pháp “hậu hiện đại” hi hữu : Sarah sẽ ở nhà chăm sóc ba đứa con (hai trai một gái) trong “nhiệm kì” 4 năm của Hạnh ở đài BBC, sau đó hai vợ chồng sẽ trở về Melbourne, Hạnh sẽ luân phiên ở nhà với các con, để Sarah tiếp tục sự nghiệp ở ngoài đời. Họ đã làm đúng như thế : trở về Úc năm 2001, bốn năm sau Hạnh mới làm việc trở lại, và năm 2007 được cử làm giám đốc điều hành Radio Australia. Tôi chỉ gặp Hạnh, Sarah và các cháu trong thời kỳ họ ở Anh – gặp nhau ở London hay Paris. Từ năm 2001 trở đi, chỉ qua thư từ. Được biết hai người đã chia tay, nhưng vẫn giữ quan hệ tốt, nhất là trong nhiệm vụ làm cha mẹ.

Những gì tôi ghi nhận về Trần Hạnh hoàn toàn khớp với những đánh giá trích dẫn ở trên, nên xin phép không dài dòng. Tiễn biệt Trần Hạnh, tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện được anh tâm sự. Những năm qua, tôi nhiều lần muốn viết, nhưng vẫn ngừng tay vì muốn đợi chính anh viết ra. Nay anh đột nhiên ra đi, tôi xin vắn tắt kể lại. Cha anh là một sĩ quan cấp tá Việt Nam cộng hoà, thuộc ngành quân pháp. Trần Hanh kể lại năm 1972, khi anh sang Úc du học (học bổng Colombo), cha anh chỉ dặn một câu : cố gắng học hành, không tham gia chính trị. Sau năm 1975, ông bị đưa đi “học tập cải tạo”, tôi không nhớ bao nhiêu năm, chỉ mang máng khá lâu. Khi ông trở về, cha con gặp nhạu, Hạnh hỏi ông ở tù ra sao, ông không chịu kể, chỉ nói : “Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”. Mấy năm sau, ông qua Mỹ theo diện HO. Hạnh kể lại cái tết đầu tiên, họp mặt đầy đủ toàn thể gia đình ở California. Ông mang ra cái áo cũ, còn thấy vết máu. Đó là cái áo của cụ thân sinh bị giết tết Mậu Thân ở Huế, mà một người chú của Trần Hạnh đã gìn giữ cho con cháu dòng họ. Không một lời, ông đã đốt cái áo ấy, như người ta đốt vàng mã trong ngày tết gia đình sum họp tưởng nhớ tổ tiên.

Về Trần Hạnh, Chris Greene, người đã “tam cố Melbourne” mời Trần Hạnh sang làm việc ở BBC, còn kể : “ Có lần tôi ngồi trên xe hơi với ông tại Úc và ông kể nhiều về cha mình. Tôi có thể thấy hình ảnh ông trong đó ”. Nhận xét thật tinh tế. Chính nhận xét này thúc giục tôi chép lại câu chuyện về thân sinh Trần Hạnh. Đó là bài học, là món quà quý mà con người đáng quý ấy đã để lại cho tôi.

___

FB Kim Chi

Tâm sự của James Trần, con trai anh Trần Hạnh

4-9-2015

H1Có lẽ đó là một trong những ngày kỳ lạ nhất đời tôi. Giật mình thức giấc bởi tiếng chuông báo thức rồi vội vàng các thứ để kịp chạy ra đường cho kịp chuyến xe buýt. Tôi chỉ kịp chào cha ‘Morning’ như thường lệ rồi biến ra khỏi cửa. Một giờ sau anh tôi báo là cha tôi vừa mất.

Cách mỗi người phản ứng trước tin dữ cũng thật lạ kỳ. Nghĩ lại, tôi là người nói lời cuối với cha. Có lẽ tôi nên cảm thấy có lỗi, đáng lẽ ra tôi phải nói với cha là tôi yêu cha, hoặc tôi phải nói điều gì đó như là một vài lời có ý nghĩa. Nhưng trong vũ trụ bao la kia, có lẽ lời chào ‘hello’ hoặc ‘goodbye’ cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều mà điều có nghĩa nhất là thời gian giữa hai lời chào đó. Tôi vô cùng may mắn có 18 năm cuộc đời mình bên cha tôi, Hạnh Trần, một người di cư tới đất nước này với đạo làm người không gì lay chuyển được bên cạnh niềm đam mê chụp ảnh. Không có cách gì liệt kê hết những điều nhỏ nhoi có thể là rất đáng yêu và cũng có thể là rất không đáng yêu về cha mình, nhưng chỉ nghĩ rằng cái liệt kê ấy phải chấm hết vào ngày hôm nay làm tôi xót xa đau đớn.

Cám ơn cha đã dạy con đi xe đạp.
Tha lỗi cho con đã không cố gắng học tiếng Việt.
Cám ơn cha đã dạy con cách cạo râu.
Tha lỗi cho con cứ hay quên phần việc phải làm trong nhà đến nỗi được cha bắt đầu gọi con là ‘quý ông bảy mươi phần trăm’.
Cám ơn cha đã chụp rất nhiều ảnh gia đình mình.
Tha thứ cho con đã bao nhiêu lần con càu nhàu ‘cha làm ơn cất cái máy ảnh đi cho con nhờ.’
Cám ơn cha đã bắt con phải ngồi yên coi một lô phim tài liệu hồi con còn nhỏ.
Con buồn vô hạn là cha sẽ không thấy con lớn lên ra sao, học đại học thế nào, lấy ai làm vợ và có tụi nhỏ cho cha cưng các cháu.
Cám ơn cha đã cho chúng con tuổi thơ mà cha không bao giờ có ở Việt Nam.
Cha thường nói là cha yêu những dòng viết của con nhường nào. Con sẽ không bao giờ biết là cha nói thật hay chỉ là động viên con thôi, nhưng hôm nay con viết những dòng này vì con chắc là cha sẽ muốn được nhớ tới qua những dòng viết của con.
Cha ơi, con yêu cha vô ngần và con sẽ không bao giờ ngừng yêu cha.
Cám ơn tất cả mọi người đã bên tôi hôm nay.
Các bạn đều biết là tôi muốn nói tới ai (*).

James Trần

___

Nguyên văn tiếng Anh:

It’s been probably one of the most surreal days of my life. A rude awakening from my alarm clock followed by the usual dash to get out the door to the bus. I made the customary “Morning” “Grhh” exchange with my father before dashing out the door. An hour later my brother told me he had collapsed.

It’s strange the way we react to news like that. When I think about it I was technically the last person to speak to him. Maybe I should feel guilty, maybe I should have told him I loved him or made some kind of effort in the exchange. But I don’t feel guilty. In the grand scheme of things it’s not the hello or the goodbye that matters, it’s the time in between. I was lucky enough to spend 18 years with Hanh Tran, an endearing immigrant with an unshakable moral code and a passion for photography. It’s impossible to list every little thing that I loved or hated about my father, and the thought that the list will never grow saddens me.

Thanks for teaching me how to ride a bike.
I’m sorry I never made an effort to learn Vietnamese.
Thanks for teaching me how to shave.
I’m sorry for forgetting my chores so much you started calling me “Mister seventy percent”.
Thanks for taking so many photos of our family.
I’m sorry for all the times I told you to put the camera away.
Thanks for forcing me to watch an endless stream of documentaries while I was growing up.
I’m sorry you’ll never see me grow old, go to uni, get married and have kids.
Thanks for giving me the childhood you never had in Vietnam.
You used to tell me often that you loved the way I write. I’ll never know if you were being truthful or simply offering encouragement but I know this is the way you’d want to be remembered. I’ll always love you, Dad.
Thank you to everyone who’s been here for me today. You know who you are.

James Trần

___

(*) Ghi chú: Nguyên văn “You know who you are”, nghĩa là “Các bạn biết các bạn là ai”, nhưng được dịch “Các bạn đều biết là tôi muốn nói tới ai“. Có thể James muốn nói như câu tiếng Việt nhưng em đã diễn tả sai vì câu tiếng Việt có ý nghĩa hơn.

9 bình luận to “4980. Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015)”

  1. […] trang Diễn Đàn Forum có một bài viết của Nguyễn Ngọc Giao, dưới nhan đề “Tiếc thương Trần Hạnh”, trong đó có một đoạn văn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, vì đoạn văn ấy […]

  2. […] trên trang Diễn Đàn Forum có một bài viết của Nguyễn Ngọc Giao, dưới nhan đề “Tiếc thương Trần Hạnh”, trong đó có một đoạn văn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, vì đoạn văn ấy […]

  3. […] trên trang Diễn Đàn Forum có một bài viết của Nguyễn Ngọc Giao, dưới nhan đề “Tiếc thương Trần Hạnh”, trong đó có một đoạn văn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, vì đoạn văn ấy […]

  4. […] trên trang Diễn Đàn Forum có một bài viết của Nguyễn Ngọc Giao, dưới nhan đề “Tiếc thương Trần Hạnh”, trong đó có một đoạn văn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, vì đoạn văn ấy […]

  5. […] 4980. Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015) […]

  6. […] Ngọc Giao có gửi tới trang BS một bài viết và chúng tôi đã đăng tại đây: Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015). Hôm nay có một độc giả gửi tới bài viết của ông Phạm Hồng Sơn, phản bác […]

  7. […] Ngọc Giao có gửi tới trang BS một bài viết và chúng tôi đã đăng tại đây: Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015). Hôm nay có một độc giả gửi tới bài viết của ông Phạm Hồng Sơn, phản bác […]

  8. […] 4980. Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015) […]

  9. […] 4980. Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015) […]

Sorry, the comment form is closed at this time.