Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VIRUS CORONA

Tập Cận Bình nhận đã sớm trực tiếp chỉ đạo chống dịch Covid-19

Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến truyền thông lấy lại thế chủ động, trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19 dường như chưa thấy lối ra. Báo chí chính thức Trung Quốc hôm qua, 15/02/2020, công bố bài phát biểu của ông Tập trong một cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 03/02, trong đó Tập Cận Bình nhấn mạnh, ngay từ ngày 07/01 đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống virus corona mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020. Tân Hoa Xã/ Reuters
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận ban lãnh đạo tối cao đã biết và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ sớm, đúng một tuần sau khi Trung Quốc thông báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về một virus lạ gây viêm phổi tại Vũ Hán, và hai tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận dịch. Thông tin nói trên được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.

Trả lời báo Mỹ New York Times, tiến sĩ Bùi Minh Hân (Minxin Pei), một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc, Claremont McKenna College, Califonia, nhận xét: tinh thần chính toát lên qua bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dường như là động thái thanh minh, ông ta đang tìm cách thay đổi cách tường thuật về diễn biến của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, cho đến thời điểm đó, đã tỏ ra ''rất bất lợi cho lãnh đạo tối cao''.

Thông tín viên Liu Zhifan từ Bắc Kinh cho biết cụ thể :

Chính trên tờ bán nguyệt san Cầu Thị, của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã xuất hiện thông tin về việc một cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị diễn ra vào ngày 07/01, khi Bắc Kinh cho rằng dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát. Bộ Chính Trị là cơ quan quyền lực tối cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình là người đứng đầu.

Thông tin lạ lùng này cho thấy chủ tịch Trung Quốc rõ ràng là người lãnh đạo cuộc chiến chống virus corona mới ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng điều đó cũng cho thấy là lãnh đạo tối cao Trung Quốc nắm rõ tình hình diễn biến dịch bệnh, trước rất nhiều so với tuyên bố chính thức mà ông Tập đưa ra về dịch bệnh, hai tuần sau đó.

Diễn biến này có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ tịch Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng. Cho đến nay, dân chúng vốn vẫn đổ dồn chỉ trích vào lãnh đạo thành phố Vũ Hán, do thái độ thụ động trước dịch bệnh, trong lúc hai lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc bị cách chức, để thay thế vào đó là một người thân tín của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, với diễn biến mới nói trên, các chỉ trích có thể sẽ hướng nhiều hơn về phía chính quyền trung ương, đã trở thành đối tượng bị lên án, kể từ sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Cái chết của người đầu tiên cảnh báo dịch bệnh đã gây nên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy trong xã hội Trung Quốc, dưới chế độ Tập Cận Bình''.

Dịch bệnh virus Covid-19, tại Trung Quốc, tiếp tục khiến thêm 142 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên gần 1.700, theo con số chính thức. Hơn 68.000 người nhiễm virus.

Bắc Kinh: Ai vào thành phố đều phải qua giai đoạn cách ly 14 ngày

Trong lúc chính quyền liên tục khẳng định tình hình dịch bệnh có xu hướng cải thiện. Hôm nay, thủ đô Bắc Kinh – với 22 triệu dân – đã đưa ra biện pháp triệt để, với quyết định tất cả ai vào thành phố, đều bị buộc phải cách ly 14 ngày, trước khi trở lại với cuộc sống bình thường. Ai từ chối tuân thủ giai đoạn cách ly này sẽ bị trừng phạt. Hiện mới chỉ có 8 triệu dân Bắc Kinh nghỉ Tết trở về. Quy định siết chặt này sẽ còn khiến các hoạt động sản xuất khởi động trở lại muộn hơn nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.