'Tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền'

Ngày 7/11/2013, Việt Nam và Nga ký kết bàn giao chiếc tàu ngầm hạng Kilo đầu tiên mà Nga sản xuất cho Việt Nam.

Tàu ngầm mang tên Hà Nội, số hiệu HQ182, sẽ lên đường đi Việt Nam vào khoảng giữa tháng 11 và theo kế hoạch sẽ tới nơi vào tháng 1/2014.

Đây là tàu ngầm lớp Project Varshavyanka thuộc loại hiện đại của Nga, sử dụng cả năng lượng điện và diesel, được trang bị vũ khí tối tân như hệ thống tên lửa chống hạm Club.

Tàu Kilo có động cơ chạy êm nhất thế giới, thích hợp trong việc trinh sát và tuần tra, nên được mệnh danh là "lỗ đen".

BBC đã hỏi một trong các chuyên gia hàng đầu về quốc phòng và thương mại quân sự của Nga, ông Konstantin Makienko, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, về sự kiện lớn này.

Ông Makienko: Việc chuyển giao tàu ngầm có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết là vì hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm này là hợp đồng thuộc loại khổng lồ.

Cho tới thời điểm này thì hải quân Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, nhưng sau khi có tàu ngầm và cả các chiến hạm Gepard 3.9 mà Việt Nam đã nhận hàng thì hải quân Việt Nam đã có thể chuyển dịch xa bờ, vượt ra ngoài các ranh giới tác chiến ngày trước.

Điều thứ hai là Việt Nam chưa bao giờ có trong tay tàu ngầm, chưa bao giờ vận hành tàu ngầm, bởi vậy có thể nói gần như nay quân đội Việt Nam đã có một lực lượng vũ trang mới, phức tạp hơn về mặt tổ chức, đòi hỏi cao hơn về mặt tài chính nhưng hùng mạnh hơn gấp bội về mặt quân sự.

Tôi muốn nhắc lại rằng quyết định mua một lần sáu tàu ngầm là một quyết định lớn, các quốc gia thông thường chỉ mua hai chiếc hay bốn chiếc, hợp đồng sáu chiếc là hợp đồng ít khi xảy ra. Trước đây tôi nhớ chỉ có hải quân Trung Quốc là từng đặt mua tám chiếc tàu ngầm một lúc.

BBC: Thưa ông, liệu tàu ngầm hạng Kilo có phải là loại ưu việt trên thị trường hiện nay không, so với những mặt hàng mà nhà sản xuất ở các nước khác có thể cung cấp?

Ông Makienko: Các nhà sản xuất Pháp và Đức có thể cung cấp tàu ngầm không nguyên tử tương tự như tàu ngầm hạng Kilo của Nga. Thế nhưng tại sao lại là tàu ngầm Kilo của Nga mà không phải tàu của các nước khác?

Thứ nhất, quân đội Việt Nam đã quen sử dụng vũ khí, khí tài của Liên Xô trước kia, và của Nga sau này.

Thứ hai, đối với các nền quốc phòng đang làm quen với các công nghệ mới thì công nghệ tàu ngầm của Nga tỏ ra ưu việt trên khía cạnh dễ tiếp thu, sử dụng hơn công nghệ các nước như Pháp và Đức, bởi vì công nghệ của hai nước này phát triển dựa trên các đầu tư về nhân lực rất lớn.

Đơn giản hơn không có nghĩa là kém hiệu quả hơn vì vũ khí, khí tài Soviet và Nga đã có uy tín lâu nay là "đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm". Tôi cho rằng quyết định mua tàu ngầm của Nga là hoàn toàn có lý và tốt nhất trong thời điểm hiện tại [đối với hải quân Việt Nam].

BBC: Có lẽ một trong các lý do chính để Việt Nam chọn mua vũ khí của Nga là vì còn bị một số nước như Mỹ hay châu Âu cấm vận vũ khí?

Ông Makienko: Hoa Kỳ thì đúng là còn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nhưng châu Âu thì theo tôi không có cấm đoán. Mới đây Việt Nam đã mua tàu chiến của Hà Lan, hay mua hỏa tiễn đối không... Tôi nghĩ là trong tương lai Việt Nam vẫn sẽ có các hợp đồng thương mại quốc phòng với các nước ngoài khác.

BBC: Chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ về tới Việt Nam vào tháng 1/2014, thế nhưng chắc chắn là hải quân Việt Nam cần nhiều thời gian hơn để có thể vận hành nó. Đến bao giờ thì ông nghĩ chiếc tàu ngầm này mới có thể được đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả và đầy đủ?

Ông Makienko: Chắc chắn là mất nhiều thời gian, vì công nghệ tàu ngầm vô cùng phức tạp, có thể nói là một trong các công nghệ quốc phòng phức tạp nhất, khó khăn hơn tàu chiến thông thường nhiều lần. Thêm vào đó, Việt Nam hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về tàu ngầm.

Theo chủ quan của tôi thì Việt Nam sẽ cần ít nhất là hai năm nữa mới có thể vận hành tàu ngầm để sẵn sàng chiến đấu.

Thế nhưng tôi cũng biết là quân đội Việt Nam có khả năng học hỏi nhanh và kỹ lưỡng, lại có tính kỷ luật cao. Về mặt quân sự thì Việt Nam đã chứng tỏ khả năng của mình, có lẽ chưa có quốc gia nào trên thế giới đánh bại được ba cường quốc quân sự là Pháp, Mỹ và Trung Quốc như vậy. Thành tựu quốc phòng như vậy thì thực sự là không có nước nào đáng tự hào hơn.

Bởi vậy tôi tin là hải quân Việt Nam sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.

BBC: Việt Nam luôn luôn khẳng định là chỉ mua vũ khí với mục đích tự vệ. Ông có cho rằng việc mua tàu ngầm là tín hiệu về khả năng phòng thủ của Việt Nam cho các nước khác, thí dụ như Trung Quốc không?

Ông Makienko: Trung Quốc là nước lớn với nền quốc phòng hùng mạnh, Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện đại hóa hải quân, với tốc độ lớn nhất trong các lực lượng vũ trang.

Năm 2002, Trung Quốc mua của Nga tám tàu ngầm, trước đó họ cũng đã mua bốn chiếc. Trong tay Trung Quốc nay có tới trên 50 tàu ngầm các loại và có tin Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị mua bốn chiếc tàu ngầm đời thứ tư, tức là loại mới nhất của Nga. Cho nên tôi nghĩ trong bối cảnh tăng cường vũ trang như vậy, việc Việt Nam mua tàu ngầm phần nào cũng là câu trả lời cho Trung Quốc.

Ông Makienko
Chụp lại hình ảnh, Ông Makienko là một trong các chuyên gia hàng đầu về quốc phòng và buôn bán vũ khí của Nga

Tuy nhiên cân bằng năng lực phòng thủ là bài toán rất khó. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, với dân số 1,3 tỷ người - để cạnh tranh về mặt năng lực quốc phòng với Trung Quốc thì là chuyện không tưởng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các nước không nên và không thể làm gì.

BBC: Ông bình luận thế nào về tiềm năng của Việt Nam với tư cách thị trường vũ khí của Nga?

Ông Makienko: Vào đầu những năm của thế kỷ này, Việt Nam mua mỗi năm chừng 100 triệu tiền vũ khí từ Nga. Con số đó tăng lên gấp ba vào khoảng giữa thập kỷ 2000. Cho t́ới nay thì trung bình mỗi năm Việt Nam thực hiện hoặc ký hợp đồng mới với Nga vào khoảng 1 tỷ đôla.

Không có thống kê cụ thể chính xác, nhưng tôi cho rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia mua nhiều vũ khí từ Nga nhất, bên cạnh Ấn Độ, Venezuela và Algeria.

Thế nhưng theo đánh giá của tôi thì Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm về khả năng tài chính của mình, bởi vậy tôi hoài nghi là sẽ có các hợp đồng lớn mới.

BBC: Nói tóm lại, thì cân nhắc năng lực tài chính của Việt Nam và các khía cạnh khác, mua tàu ngầm có phải là quyết định sáng suốt hay không?

Ông Makienko: Một khi Việt Nam muốn bảo vệ tài nguyên và chủ quyền, nhất là biển đảo, thì không thể không có tàu ngầm. Điều này tôi có thể khẳng định.

Bởi vậy tôi cho rằng đây là một quyết định chín chắn của chính phủ Việt Nam.