TBT Trọng: 'Quan hệ Việt-Trung đang tốt đẹp nhất'

Xinhua

Nguồn hình ảnh, Xinhua

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Triệu Lạc Tế chiều 27/09 tại Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiều 27/9 nói rằng quan hệ Việt - Trung hiện đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử, Tân Hoa xã tường thuật.

Tổng Bí thư Trọng cũng nói với ông Triệu Lạc Tế, người hiện đang giữ chức Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng các thành tựu mà Bắc Kinh đạt được không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc mà còn tạo động lực cho sự phát triển của Việt Nam và nâng cao mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Báo chí Việt Nam thì nói nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá quan hệ hai đảng, hai nước trong thời gian qua "đã có nhiều tiến triển tích cực", theo VTV.

Ông Triệu nói chuyến đi của ông nhằm triển khai thực hiện những đồng thuận quan trọng mà tổng bí thư đảng hai nước đã đạt được, bên cạnh các vấn đề khác, nhằm "nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt lên một tầm cao hơn".

Ông Triệu, sinh năm 1957, là một trong năm gương mặt mới được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc, từ 10/2017, làm việc trực tiếp dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Triệu Lạc Tế hiện là Ủy viên Bộ Chính trị,Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chuyến thăm của nhân vật cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào thời điểm ban lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc chọn phương án nhân sự cho chức Chủ tịch nước sau khi Đại tướng Trần Đại Quang qua đời, trong lúc có những ý kiến nói đây là cơ hội để nhất thể hoá hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, mô hình đã được áp dụng tại Trung Quốc từ lâu nay.

Ông Triệu Lạc Tế nhận sự ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tới viếng cố Chủ tịch Trần Đại Quang hôm 26/9.

Ông Triệu trong chuyến đi cũng gặp gỡ các quan chức cao cấp khác của nước chủ nhà, trong đó có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú.

'Những chuyến thăm lịch sử'

Trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Triệu nói rằng năm nay đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, và ông nhắc tới các "chuyến thăm lịch sử" của tổng bí thư hai đảng hồi 2015 và 2017, là những thời điểm mà hai bên "đạt được sự nhất trí quan trọng".

Hồi 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Hai bên ra tuyên bố chung nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Trần Đại Quang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, 11/2017

Trước đó, hồi 1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Sau chuyến thăm này, hai bên ra thông cáo chung theo đó xác định hai nước "đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung", và khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp "có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước".

Bản thông cáo chung khi đó khẳng định quan điểm hai bên là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" trong tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Chuyến thăm trước đó của ông Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là tháng 4/2015, gần một năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải dương 981 trên vùng biển có tranh chấp, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam trên toàn quốc.

Chuyến đi Việt Nam của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Triệu Lạc Tế để dự quốc tang Chủ tịch Trần Đại Quang và bàn chuyện quan hệ song phương diễn ra vào lúc tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến dồn dập.

Tin cho hay mới đây nhất, hôm Chủ nhật 30/09, một khu trục hạm của Hoa Kỳ đã áp sát phạm vi 12 hải lý gần Bãi Gaven và Bãi Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ 1988 và tiến hành bồi đắp, xây cất cơ sở kiên cố trên đó.

Trung Quốc lấy Gạc Ma từ tay Việt Nam sau trận hải chiến 14/3/1988, một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu khiến 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh.

Xem thêm: