Thái Lan đang có những điểm sáng về đầu tư công và thu hút tiền Nga cùng đầu tư TQ

  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com
Bangkok
Chụp lại hình ảnh, Cao ốc nhìn từ công viên Benchakitti, Bangkok

Cuối tháng 1 vừa qua tôi có dịp làm việc hơn ba tuần ở Bangkok, một thời gian không phải là dài nhưng đủ để ghi nhận ít nhiều vấn đề liên quan đến Anh và Thái Lan.

Cảm giác chỉ sau vài ngày ở Bangkok của tôi là rất nhiều thứ thay đổi hay, đẹp, nhanh gọn, tiện lợi hơn ở London.

Vừa bước vào Văn phòng BBC ở Bangkok, một đồng nghiệp người Anh làm việc ở đó đã lâu chào tôi, hỏi đùa: "Sao, nước Anh đình công đến đâu rồi?"

Ngoài chuyện nước Anh quê hương biểu tình, đình công liên miên, còn một điều nữa khiến người "thân Anh" ở Thái Lan than thở: Brexit.

Tôi ngồi ăn tối với một đồng nghiệp VN và nhà báo thuộc tầng lớp trí thức Tây học của Bangkok, Pravit Rojanaphruk. Anh đã từng có học bổng Chevening để sang Anh học và còn là cựu fellow của Khoa báo chí Reuters Institute, ĐH Oxford trước tôi mấy năm, nên rất yêu nước Anh. Nay anh than thở: "Đến giờ không hiểu sao người Anh vẫn tranh cãi về Brexit?"

Tôi đồng ý với anh rằng sáu, bảy năm qua, Brexit (bỏ phiếu năm 2016), vẫn như miếng gân gà nuối vào không nổi, nhả ra không được, đã hạ bệ bốn thủ tướng Anh và còn đang đe dọa sự nghiệp của tân thủ tướng Rishi Sunak. Nếu ông không vượt qua được vụ Nghị định thư Bắc Ireland với EU (vừa ký tuần này) về chế độ thuế quan cho hàng Anh vào đảo Ireland, một di sản của Brexit thì sự nghiệp chính trị có thể gặp nguy.

Mới nhất đây, tuần này, khi tôi đã về lại London, tin tức nói hàng loạt siêu thị Anh chỉ bán hai quả dưa chuột và hai trái cà chua cho một khách hàng, vì thiếu nguồn rau quả. Có báo giải thích là giá điện cao khiến các trại trồng rau trong nhà kính phải giảm hoạt động. Có lời giải thích khác từ một bộ trưởng là "vì thời tiết xấu ở Bắc Ireland nên Anh thiếu rau".

Vâng, miền đất Bắc Ireland nhỏ tẹo vậy mà gần tám năm sau Brexit vẫn ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đang đè nặng lên tâm trí...và bữa ăn hàng chục triệu công dân Anh, gồm cả tôi.

Cộng thêm gánh nặng cuộc chiến Ukraine nữa, bức tranh chung của Anh và EU đang thiếu trầm trọng ánh nắng mùa xuân.

Tôi viết ra không phải như một "phóng viên ghế bành" ở một văn phòng London của BBC đang bị thu hẹp, cắt giảm nhân sự, mà qua quan sát rất kỹ từ các chuyến đi.

Trong năm 2022, tôi đã đi thăm một loạt nước châu Âu: Ba Lan, CH Czech, Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ và tất nhiên là lên cả vùng Bắc England. Đến đâu tôi cũng có dịp nói chuyện, trao đổi với người dân bản xứ chứ không chỉ lượn phố như du khách.

Cảm giác chung của tôi là Đông Âu đang nhiều sinh khí hơn Tây Âu, nhưng bị ám ảnh cuộc chiến Ukraine khá nặng nề. Còn ở phần Tây của EU, các nước "đế quốc già" như Pháp, Anh, mọi thứ đều khá cũ kỹ và đắt đỏ, xã hội đang nhiều xung khắc nội bộ, về bản sắc, về giới tính, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thể hiện trên mặt báo, trong giảng đường đại học và trong tâm trí con người.

Cùng thời gian đó, Thái Lan, và vùng Đông Nam Á nói chung - trừ Myanmar - đã vươn lên, tăng tốc kinh tế, hội nhập và giàu lên nhanh từ đủ các nguồn, kể cả từ cuộc chiến Ukraine.

Xin chia sẻ ba câu chuyện cụ thể:

1. Hệ thống giao thông công cộng Bangkok

Bangkok

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Chụp lại hình ảnh, Một nhà ga xe điện ngầm ở Bangkok
Bangkok
Chụp lại hình ảnh, Hệ thống BTS và MRT của Bangkok sẽ có trên 300 nhà ga vào năm 2029

Ai qua Bangkok hẳn đã đi hệ thống xe điện trên cao: Bangkok Mass Transit System- BTS. Nó không chỉ tiện lợi, sạch, mát, rẻ mà còn đang vươn ra các tỉnh, kể cả ra tỉnh Samut Prakan sát biển. Tôi đã đi thử tuyến Sukhumvit-Kheha đó, và quá ấn tượng với chất lượng phục vụ, độ tiện lợi, đúng giờ. Cộng thêm hệ thống xe điện ngầm MRT nay đã vươn ra khác điểm xa cả hai bờ sông Chao Phraya và tuyến xe lửa nhanh nối trung tâm Bangkok với sân bay quốc tế Suvarnabhumi, giao thông công cộng Bangkok rất tốt, và rất rẻ.

Bạn sẽ thấy sự chênh lệch giá vé lớn ở hai thủ đô như thế nào nếu biết tuyến xe lửa Heathrow Express, nối ga Paddington ở London với phi trường Heathrow có vé một chiều là 25 bảng (30 USD). Cũng quãng đường tương đương, 26km từ sân bay Suvarnabhumi về trung tâm Bangkok, bạn trả đúng 45 baht (1,07 bảng = 1,29 USD).

Tôi không rõ chính quyền Thái Lan họ bao cấp giá vé kiểu gì nhưng giao thông công cộng như thế là một ưu điểm lớn để du lịch Thái Lan thu hút du khách.

Đọc thêm về dự án của BTS Group tôi thấy họ có tham vọng xây thêm nhiều trạm xe điện trên cao, đạt con số 310 trạm vào năm 2029. Trong khi đó, London Underground thì tạm dừng ở 272 trạm, với rất nhiều nhà ga đã cũ, rất cũ.

Vẫn chuyện tàu xe, tôi thấy một điều đáng buồn nữa cho Anh Quốc là sự xé lẻ đầu tư công nhân danh chủ nghĩa tự do kinh tế - thứ lý thuyết nghe thật hay là phải để các công ty hỏa xa cạnh tranh tối đa nhưng thực tế chỉ thấy tệ nạn là họ cùng nhau tăng giá vé, đình công, biểu tình liên miên.

Tôi đã đi cả xe bus và xe lửa ra ngoài xa thủ đô Bangkok và ngạc nhiên thấy độ 'high-tech' của các bến tàu xe. Mọi chỗ đều rất sạch sẽ, có bảng điện tử báo giờ rất cụ thể. Vì còn mới nên mọi thứ trong sáng sủa và sạch hơn giao thông công cộng vùng Đông Nam của London mà tôi đang sống.

Ở Anh vẫn còn chuyện phi lý như thiếu đồng bộ về vé. Bạn đi tàu từ London về Kent nếu dùng vé điện tử Oystercard thì phải xuống giữa đường mua thêm vé giấy để đi tiếp ở trạm Dartford. Vì tuyến hỏa xa Southeastern không chấp nhận vé, thẻ điện tử quá Zone 6 của giao thông London cộng thêm một ga. Những chuyện như vậy diễn ra bao năm nay rồi không ai giải quyết. Tuyến Elizabeth Line hiện đại nhất, vừa khánh thành chỉ dừng lại ở ba ga trước thị trấn nhà tôi chứ không thể nào vươn xuống quận Kent vì hội đồng quận này bị Bộ Giao thông Anh đánh bại trong việc "xin phép" mở rộng tuyến đường.

Cùng lúc, Thái Lan vừa khánh thành hub hỏa xa lớn nhất Đông Nam Á,Krung Thep Aphiwat Central Terminal ngay tháng 1 vừa qua, đón các tuyến xe lửa Trung Quốc, Lào, và cả Singapore, Campuchia (chưa xong) tụ về Bangkok.

Đã nói về phát triển cơ sở hạ tầng thì nói nốt. Người Thái Lan vừa duyệt dự án tháng 6/2022) để xây một Trung tâm Hàng không Quốc tế ở Utapao-Pattaya-Rayong, trị giá 9 tỷ USD, dự kiến khai thác trong vòng 50 năm tới, phục vụ hành lang kinh tế biển phía Đông.

Bangkok

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Chụp lại hình ảnh, Món ăn Việt ngày càng phổ biến ở các thương xá sang trọng của Bangkok. Khách phải đặt bàn trước hoặc xếp hàng chờ đến lượt vào giờ ăn trưa

Đây chính là căn cứ quân sự Utapao cũ, nơi Không quân Mỹ cho xuất kích các đợt máy bay ném bom bắn phá Việt Nam thời chiến tranh.

Người Thái Lan luôn biết biến những di sản chiến tranh thành cơ hội làm ăn lớn chứ không chỉ để chúng thành bảo tàng.

So sánh một chút nữa thì không phải Anh Quốc không có ý tưởng lớn. Tôi nhớ từ 2008, ông Boris Johnson khi còn làm thị trưởng London đã có viễn kiến đặt hàng xây một phi trường khổng lồ sát biển ở quận tôi. Nhưng các tranh cãi chật vật và kiện cáo liên tục khiến dự án Thames Estuary Airport bị "bắn hạ" ngay trên giấy hồi 2014.

Anh Quốc vẫn giàu hơn Thái Lan nhiều lần, và vẫn đứng trong top10 thế giới trong nhiều lĩnh vực, nhưng mảng đầu tư công thì rõ ràng đang có vẻ thua kém. Mà đổ hết cho Brexit thì cũng không đúng. Trước và sau Brexit Anh Quốc vẫn giàu hơn Thái Lan nhưng vấn đề sức sản xuất trì trệ (sluggish productivity) và tăng trưởng thấp (low growth - chỉ đạt trung bình 0,5% GDP/năm từ nhiều năm qua) thì đã quá rõ.

Từ sau thời Margaret Thatcher, đầu tư công của Anh giảm đều. Các số liệu nghiên cứu chính thức của Viện NIESR cho biết từ 1949 đến 1979, đầu tư công (public investment) của Anh đạt trung bình 4,5% GDP/năm, để rồi tụt xuống vỏn vẹn 1,5% GDP/năm từ 1979 tới nay. Đầu tư công chỉ tăng nếu kinh tế tăng trưởng. Hôm vừa qua, đảng Lao động (đối lập) nêu cảnh báo cứ với đà tăng trưởng chỉ 0,5% GDP/năm, thu nhập của người Anh sẽ thua Ba Lan (tăng trưởng 3,4%/năm) vào 2030, và rớt lại sau Hungary, Romania vào năm 2040. (xem thêm trên BBC News). Như thế, nguy cơ Anh tụt hậu là rất thật!

2. Đồng tiền và công nghệ cùng con người Trung Quốc

Một chuyện nữa tôi muốn chia sẻ là vấn đề tiền Trung Quốc. Anh Quốc sau thời kỳ Kỷ nguyên Vàng (Golden Era) với Bắc Kinh thời David Cameron nay chuyển thái độ sang lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc. Cùng lúc, Thái Lan cứ điềm nhiên thu hút tiền từ Trung Quốc và đi đầu khu vực Đông Nam Á về việc nhận FDI của nước láng giềng khổng lồ phía Bắc.

Một thống kể của Macroeconomic Team, Ngân hàng Krungsi cho biết trong giai đoạn 2018-2022, FDI từ Trung Quốc vào Thái Lan đạt 15,3 tỷ USD. Không tính Hong Kong thì Thái Lan nhận FDI Trung Quốc cao nhất khu vực, trên Philippines (13,6 tỷ USD), và Việt Nam (8,9 tỷ USD).

Việc Việt Nam nhận không ít tiền đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc mà không xây được các công trình như Thái Lan có thể là đề tài cho một bài khác. Nhưng điều dễ thấy là Bangkok có nhiều cao ốc mới toanh, hàng chục tầng, to đẹp, sang trọng mọc lên khắp nơi. Đồng tiền Trung Quốc hẳn đóng vai trò kích cầu mạnh cho kinh tế Thái Lan.

Còn thái độ với người Trung Quốc? Nhà báo Rojanaphruk, bản thân là người Thái gốc Hoa, giải thích với tôi rằng:

"Thái Lan không bao giờ e ngại đồng tiền từ Trung Quốc. Văn hóa, chính trị Thái Lan rất khác Trung Quốc nên vào đây thì có thể người Trung Quốc xây nhà máy, sinh sống, buôn bán, khiến chính người Thái gốc Hoa cảm thấy bị lấn lướt, còn với đại đa số dân Thái Lan thì chẳng có vấn đề gì cả."

Là nhà quan sát Đông Nam Á, anh cũng bình luận thêm về Việt Nam rằng "Chính trị, văn hóa Việt Nam, theo cái nhìn của chúng tôi, rất gần Trung Quốc nên Việt Nam sợ bị Trung Quốc đồng hóa. Còn Thái Lan thì không."

Nghe anh giới thiệu, tôi cũng đi MRT đến trạm Hua Kwang để xem một khu Phố Tàu mới, khác khu Chinatown -Yaorawat ở gần bờ sông.

Tuy còn nhỏ, chỉ có các tiệm dán đầy chữ Hán bán tạp hóa, đổi tiền, massage, hút cần xa, các quán bán đồ ăn Tứ Xuyên, Vân Nam, đoạn phố này nhanh chóng thành nơi cho du khách... Trung Quốc đến để hưởng thụ như ở quê nhà. Tôi dạo hai lượt rồi vào một quán ăn, nói tiếng Trung, đặt bát mì thịt bò ninh ăn thử. Quán đơn sơ, trang trí chẳng có gì ngoài mấy chữ phúc, chữ thọ dán trên tường. Mấy phụ nữ vừa ăn vừa tán chuyện rổn rảng như cãi nhau. Lân la hỏi cô gái làm hầu bàn thì mới biết cô ta là người Thái ở Chiangmai, đã sống với người Hán từ lâu và được họ cho về cơ sở này ở Bangkok làm quán. Cô ta nói tiếng Trung và tiếng Thái chứ không biết chút tiếng Anh gì. Từ bếp, một nhóm nam thanh niên, trông như dân nấu nếp, có tay còn cởi trần, đi ra cửa, ngồi cách bàn của tôi chừng ba mét, hút thuốc, gãi bụng và chửi bậy.

Bangkok

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Chụp lại hình ảnh, Bát mì trong quán Trung Quốc ở khu Hua Kwang, còn gọi là Phố Tàu mới
Bangkok

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Chụp lại hình ảnh, Tiệm cần sa và quán ăn Hoa ở khu Hua Kwang

Đây là những di dân Hán kiểu mới, chắc từ vùng Vân Nam, Quảng Tây gì đó, thuộc tầng lớp lao động phổ thông, trông hơi giống một số phim Hong Kong thời đấm đá. Nhưng đằng sau họ là các dòng vốn tư bản tiền tỷ, là các đại công ty công nghệ Trung Quốc với dân Hán hoặc Hoa kiều hải ngoại nói tiếng Anh như gió, những Andy Fung, James Wu mà tôi có gặp trong trụ sở Tencent tại Bangkok một lần trước.

Sức mạnh Trung Hoa bằng cả low-tech và high-tech, với sự bền bỉ, khôn ngoan bền chặt nhiều đời, đã và đang vươn ra khắp Đông Nam Á, làm thay đổi bộ mặt cuộc sống ở các nước này. Hệ quả của hiện tượng này thế nào thì chúng ta còn phải chờ xem. Một nhà báo Thụy Điển sống ở Thái Lan nhiều năm nói với tôi rằng "Lào và Campuchia đã mất" (lost- hàm ý rơi vào tay Trung Quốc).

3. Di dân Nga và Myanmar đem tiền sang sống ở Thái Lan, chạy trốn bất ổn

Cuối cùng, xin nhắc lại một câu chuyện đã được nói đến nhiều: Thái Lan trở thành điểm đến của dân di cư Nga, đa số còn trẻ đem tiền chạy khỏi "chủ nghĩa hiện thực Putin". Một thống kê của ngành địa ốc Thái Lan đầu 2023 trên Bangkok Post cho hay sau người Trung Quốc và Myanmar thì dân Nga đứng thứ ba trong nhóm mua căn hộ cao cấp (condo) ở Bangkok, Phuket và vùng ven biển Thái Lan. Một lần nữa, Thái Lan đã hút được dòng tiền bỏ chạy khỏi nước Nga trong khi một số nước thân Nga về chính trị chẳng kiếm được gì. Ra vùng biển Chonburi, tôi thấy rất nhiều biển hàng ngay có tiếng Nga và Trung, bên cạnh tiếng Thái và Anh.

Một người bạn Thái Lan còn giải thích cho tôi việc dân trung lưu Myanmar tháo chạy khỏi nước họ đang rơi vào nội chiến để định cư ở Thái Lan, mua nhà, đi làm. Tức là tình hình Myanmar tệ đi nhưng Thái Lan vẫn có lợi.

Mà các sắc dân khác chọn Thái Lan là chỗ đi du lịch, tạm cư, định cư là đúng rồi. Thống kê của Kiplinger vừa ra nêu Thái Lan là nơi có giá sinh hoạt ăn uống thuộc nhóm 10 nước rẻ nhất thế giới. Tới Thái Lan, bạn chỉ cần chi 15 USD/ngày là đủ ăn ngon ba bữa. Bảng xếp hạng này không hề có VN mà nhắc đến cả Lào (5 USD/ngày) nhưng hẳn dịch vụ ẩm thực Thái Lan đa dạng hơn, gồm cả các quán ăn Việt của Bangkok ngày càng trendy và rẻ hơn nhiều so với ở Anh. Ví dụ một bát phở bò ở Bangkok giá chừng 3 bảng, còn ở London là 12 bảng.

Bangkok
Chụp lại hình ảnh, Một khu condo cao cấp và nhà hàng, khách sạn mới mọc lên ở phố Langsuan, Bangkok. Khách TQ, Nga và cả Myanmar mua nhiều bất động sản ở Thái Lan thời gian qua

Cuối cùng là câu hỏi về sự thiếu hụt các tiêu chuẩn dân chủ? Một nhà báo người Anh ở Thái Lan nói với tôi về chuyện các tướng lĩnh vẫn nắm quyền sau khi bỏ quân phục, khoác áo dân sự và lập ra các đảng phái trong Quốc hội Vương quốc Thái Lan. Anh nói sau tám năm cầm quyền từ đảo chính năm 2014 các ông tướng sắp "đổi chỗ" để thay nhau làm thủ tướng, nhưng mọi bộ ngành và hệ thống công chức (civil servants - giống như ở Nam VN trước 1975 và Đài Loan, Singapore ngày nay) vẫn chạy ro ro, chẳng có vấn đề gì. Thủ đô Bangkok năm 2022 vẫn bầu đô trưởng tự do và ông Chadchart Sittipunt, thuộc một đảng độc lập với phe quân nhân, đã thắng cử. Bảo tàng, phòng tranh ở Bangkok vẫn có triển lãm ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ của giới trẻ Myanmar.

Nhìn chung, Thái Lan từ lâu nay là nền kinh tế tư bản thứ thiệt đầy hiệu năng. Ví dụ tập đoàn xây dựng toàn bộ hệ thống BTS ở Bangkok là của ông Keeree Kanjanapas, một chủ tư nhân. Ngoài ra, hệ thống công chức, pháp luật Thái Lan không bị cản trở của ý thức hệ (chủ nghĩa Brexit tại Anh) và nằm bên ngoài hệ thống đảng cầm quyền quá sâu sát như ở Việt Nam, Trung Quốc nên mọi thứ ít bị chính trị hóa.

Đã có nền tảng nên kinh tế, các dịch vụ công, doanh nghiệp tư của họ cứ tiến những bước dài. Tính hiệu quả, chuyên nghiệp của họ là điều tôi rất thích. Hay hơn là họ ít ồn ào, ít nổ, thật đúng như tính cách rất dễ mến của người Thái.

Phải chăng đây mới là sức mạnh dẻo dai và bền vững của cây tre Đông Nam Á, sống khoẻ trong mọi loại thời tiết?

Xem thêm: