BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1348. THẢM HỌA DƯỚI CÁI TÊN “NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM”

Posted by adminbasam trên 05/11/2012

THẢM HỌA DƯỚI CÁI TÊN “NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM”

Tô Văn Trường

Bộ Tài chính công bố số nợ công nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đấy là con số ảo, không phải số thật. Theo tính toán của chuyên gia Vũ Quang Việt nợ công năm 2011 ít nhất là 90 tỷ USD, bằng 74% GDP. Số này chưa tính hết nợ của Chính phủ đối với các nguồn từ trong nước như nợ qua phát hành trái phiếu. Con số này đã vượt 65% GDP mà Chính phủ dự kiến là trần cho năm 2015. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng số nợ của các Tổng công ty và các địa phương chưa được ghi đầy đủ, nếu cứ làm theo kiểu “đà điểu húc đầu vào cát”, không nhìn thẳng vào sự thật thì có ngày hối không kịp.

Theo quan điểm của người viết bài này, “nợ công đại vấn đề”  có phần duy ý chí khi phê duyệt và tiến hành thực hiện các dự án khủng, mà bài học điển hình có thể gọi thảm họa dưới cái tên “niềm tự hào của ngành dầu khí Việt Nam” chính là nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bài học về Dung Quất là một nỗi đau không biết đến bao giờ mới nguôi không chỉ của ngành dầu khí  mà cả nền kinh tế Việt Nam. Câu chuyện này lại gợi lại ý Việt Nam nằm trong top ten của các quốc gia luôn sai lầm.

Ý tưởng thành lập nhà máy lọc dầu

Các nhà máy lọc dầu thường có 2 loại cơ cấu sản phẩm chính là cơ cấu nhiên liệu và cơ cấu hóa dầu (trong mỗi loại lại có cơ cấu tỷ lệ % các chủng loại sản phẩm tùy thuộc nhu cầu). Nhà máy lọc dầu Dung Quất chọn cơ cấu sản phẩm nhiên liệu để đảm bảo an ninh năng lượng, theo đó ưu tiên sản xuất nhiên liệu (xăng, DO, …), phần sản phẩm cho hóa dầu là thứ yếu. Vì đây, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam cho nên chọn cơ cấu sản phẩm  nhiên liệu là hợp lý.

Chọn lựa địa điểm nhà máy lọc dầu

Hồi ấy, đã có nhiều tranh luận về việc chọn địa điểm nhà máy lọc dầu. Có một địa điểm khá thuận lợi là Ba Ngòi thì không được chọn vì lý do Quốc phòng. Việc lựa chọn địa điểm cho lọc dầu Dung Quất liệu có phải là duy ý chí, nếu chỉ vì muốn phát triển kinh tế xã hội ở miền Trung có rất nhiều phương án, kể cả phương án phát triển du lịch. Vịnh Dung Quất dù có nước sâu nhưng tiếc thay không phải là địa điểm tốt để xây nhà máy lọc dầu (chưa tính đến bài toán kinh tế ), vì không phải là vịnh kín, chế độ bồi lắng phức tạp. Và trớ trêu nhất là sau khi khảo sát kỹ trước khi xây dựng thì lại té ra là chỗ định xây đê chắn sóng lại gặp túi bùn, chỗ phải nạo vét luồng lạch thì lại gặp đá tảng. Chính vì thế mà giá thành xây dựng công trình cảng bị đội lên rất nhiều so với dự định ban đầu. Hiện nay đã có dấu hiệu bồi lắng cát rất nhanh, vì vậy đã xảy ra chuyện bơm hút nước biển làm mát cho thiết bị nhà máy bị vỡ do cát trong nước biển nhiều quá (việc chọn vị trí đặt họng hút nước cũng có vấn đề, có thể do quá gần và quá nông).

Lựa chọn công nghệ

Trên công luận có ý kiến cho rằng: “Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì đã lựa chọn sử dụng nguyên liệu dầu chua nên chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ các hệ thống van, bơm, đường ống và các thiết bịkhác đã và sẽ bị lưu huỳnh trong dầu chua phá hủy từ bên trong, khiến chi phí khai thác, bảo dưỡng nhà máy lên rất cao.”. Theo chúng tôi hiểu, nhận định trên không chuẩn xác bởi vì các sự cố hiện đang xảy ra và có thể sẽ xảy ra trong tương lai không phải do sử dụng nguyên liệu dầu chua bởi vì  dù có nhắm mắt làm bừa, PVN cũng biết không thể làm như thế. Nguyên nhân chính, là do nhiều thiết bị công nghệ được chế tạo hoặc thiết kế  không chuẩn và không đồng bộ, điển hình là lỗi ở thiết bị công nghệ của phân xưởng RFCC (Residue Fluid Catalytic Cracking) được coi là trái tim của nhà máy lọc dầu. Phân xưởng RFCC tạm dịch là phân xưởng cracking xúc tác cặn tầng sôi. Cracking được Việt hóa nên không dịch là bẻ gẫy, mặc dù thực chất đây là phân xưởng bẻ gẫy mạch hydrocarbon có trong phần cặn (phần cặn này là sản phẩm của phân xưởng chưng cất dầu thô), mục đích để thu được các hydrocarbon mạch ngắn hơn cho chế biến tiếp thành nhiên liệu và nguyên liệu cho hóa dầu.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay chỉ có thể hoạt động với nguyên liệu dầu ngọt Bạch Hổ, do sơ đồ công nghệ của nhà máy được thiết kế chỉ để chế biến với dầu ngọt. Hiện nay, nếu đúng là thiết bị bị ăn mòn, sét rỉ (nhìn bên ngoài thì thấy nhiều thiết bị bị rỉ thật), thì đấy có thể là do phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (Sufur Recovery Unit-SRU) không hoạt động  hoặc hoạt động không hiệu quả nên thải SO2 ra ngoài, đây là khí axit nên gây ăn mòn thiết bị.  Việc PVN đang định đầu tư “thêm một hệ thống tách lọc lưu huỳnh” càng khẳng định rằng đúng là phân xưởng thu hồi lưu huỳnh hiện nay không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Về mặt môi trường  toàn bộ lưu huỳnh (S) trong nguyên liệu (hàm lượng S trong dầu Bạch Hổ là 0,03%) sẽ chỉ đi vào các sản phẩm 1 phần nhỏ do yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, còn phần lớn sẽ thải ra môi trường, chủ yếu dưới dạng SO2 ở flare (cột đuốc đốt khí chua).

Lựa chọn sai nhà thầu.

Liên doanh lọc dầu Việt-Ross tại Dung Quất đã đàm phán với Foster Weeler (UK) về FEED (Front End Engineering Design, tạm dịch là thiết kế tiền chi tiết). Có rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Liên doanh đã quyết định thiết kế nhà máy với nguyên liệu hỗn hợp dầu ngọt (Việt Nam) và dầu chua (Trung Đông). Khi chấm thầu EPC, có 2 Công ty bỏ thầu, mở ra thì phát hiện cả 2 đều có lỗi, đúng ra là phải hủy. Tuy nhiên, cấp trên cho rằng quá trình gọi thầu đã mất rất nhiều thời gian, nếu làm lại thì sẽ lỡ kế hoạch và chưa chắc đã đạt kết quả nên chỉ đạo là phải chọn nhà thầu nào “ít lỗi hơn”.  Liên doanh “ngây thơ” chọn nhà thầu “ít lỗi” theo tiêu chí kỹ thuật  nhưng bị quy là gian lận, phải hủy bỏ. Lãnh đạo PVN báo cáo Chính phủ lựa chọn nhà thầu ít lỗi theo họ – đấy chính là Technip, công ty làm nhà thầu EPC cho nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay. Việc hủy thầu, cho phép Technip làm lại hồ sơ thầu và đàm phán kéo dài hơn 1 năm, không may lại rơi vào thời điểm mà giá thành thiết kế và mua sắm thiết bị công nghệ lọc dầu tăng vọt. Nhẽ ra, nếu chọn ngay nhà thầu ở thời điểm trước thì giá thành chỉ là 1,3 tỷ đô la nhưng khi chọn Technip thì giá lại đội lên nhiều. Lúc ấy,  PVN không thể nào giải thích được tại sao giá đàm phán cuối cùng lại tăng vọt lên như vậy nên tìm cách “gọt chân cho vừa giầy” bằng cách chuyển từ nguyên liệu dầu hỗn hợp sang 100% nguyên liệu dầu ngọt Bạch Hổ, thậm chí còn định cắt bỏ cả phân xưởng thu hồi lưu huỳnh vì định “lòe thiên hạ” là dầu ngọt ít lưu huỳnh nên có thể bỏ qua. Thực chất theo cân bằng vật chất nếu nhà máy không thu hồi S, thì tức là sẽ đốt bỏ ở flare và thải vào không khí toàn bộ lưu huỳnh ấy dưới dạng SO2, đây là lý do mà Bộ Tài nguyên và Môi trường không chấp thuận đề nghị cắt bỏ phân xưởng này.

Sau khi chọn nhà thầu, liên doanh chỉ tồn tại thêm hơn 1 năm do phía Nga rút. Đến lúc ấy,  Đảng và Chính phủ quyết định dự án này sẽ do Việt Nam tự đầu tư. Ngay từ ngày ấy, đã có một số chuyên gia tâm huyết,  am hiểu chuyên sâu kiến nghị không nên dùng chỉ một loại nguyên liệu dầu ngọt Bạch Hổ, và không nên thay đổi công nghệ (tức là giữ nguyên thiết kế FEED của Foster Weeler đã làm cho Liên doanh Việt Ross) để đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường nhưng tất cả kiến nghị xác đáng đó đều bị bỏ ngoài tai của những người có thẩm quyền.

Năm 2010, Hội đồng thẩm định xây dựng cấp nhà nước cũng đã phát hiện  ra có nhiều lỗi trong thiết kế và xây lắp công nghệ tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng “ý chí lãnh đạo” quyết định dự án vẫn được hoạt động, để rồi một năm mấy lần phải dừng lại sửa chữa.  Đấy cũng chính là nguyên nhân làm nhà máy bị lỗ lớn (mỗi lần khởi động lại nhà máy có thể tốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ VND). Giờ cái họ gọi là nâng cấp nhà máy, thực chất là thay đổi cấu hình công nghệ vì dầu ngọt chuẩn bị hết, cấu hình công nghệ hiện nay không thể chế biến loại dầu khác.

Hiệu quả kinh tế

Nói đến nhà máy lọc dầu Dung Quất và Vinashin, chuyên gia của trường Đại học Havard là Gs David Dapice, có thể gọi là 1 người bạn lớn của Việt Nam, người đã có các góp ý thẳng thắn là không nên làm trước khi các dự án khủng này được phê duyệt. Nhưng nhà nước ta trong cơn “kiêu ngạo” đâu có thèm nghe. Đến nay, những gì đã xảy ra thậm chí còn tồi tệ hơn cả những gì mà ông đã cảnh báo.

Gs David Dapice đã từng cảnh báo đại ý là:

– Với sức vóc về kinh tế – kỹ thuật, lợi thế so sánh của Việt Nam thì không nên làm nhà máy lọc dầu Dung Quất.  Với tổng đầu tư 1,5 tỷ US$ đã lỗ to rồi, mà bây giờ lại lên đến 3.5 tỷ US$. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thực sự trở thành một con nghiện của nền kinh tế.

– Nhà máy lọc dầu đặt ở Dung Quất là một cái sai lầm thứ 2, càng làm cho sai lầm trở nên trầm trọng.

– Nếu muốn tạo công ăn việc làm hoặc phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung thì cần có Chương trình đầu tư riêng, rẻ, minh bạch và hiệu quả hơn nhiều. Bắt 1 Doanh nghiệp “cõng” sự phát triển của cả 1 vùng ( không thể đo lường được hiệu quả gián tiếp) thì chỉ có nhà nước ta mới tư duy và làm kiểu đó. Vậy mà gần đây công luận còn nghe thấy cả kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 ở Nghi Sơn, Thanh Hoá nữa thì không biết rồi tình hình sẽ ra sao nữa.

Thảm họa ngày nay là giá thành nhà máy đã đội lên hơn 3,5 tỷ USD  phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về tỷ suất đầu tư cao (gấp 3-4 lần suất đầu tư trung bình cho nhà máy lọc dầu tương đương của thế giới).  Nguồn dầu ngọt Bạch Hổ đã giảm sản lượng, không đủ cung cấp cho nhà máy và sẽ nhanh chóng dần hết hẳn trong vài năm tới, nên PetroVietnam đã và đang phải nhập dầu thô ngọt khác cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu nhập dầu ngọt từ xa về chế biến nhà máy Dung Quất sẽ tiếp tục bị lỗ hàng vài trăm nghìn đôla mỗi ngày. Với công suất khoảng 6,5 triệu tấn/năm nhà máy Dung Quất sẽ lỗ khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm.

Thay cho lời kết  

Bê bối trong ngành dầu khí có lẽ còn nằm trong nhiều vấn đề khác, đặc biệt là sản xuất kinh doanh và sự quản lý của ngành, nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ là một mảng, thậm chí là một mảng nhỏ hơn rất nhiều so với toàn bộ ngành dầu khí. Sai lầm về nhà máy lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn PetroVietnam  thực hiện đã được cảnh báo từ rất sớm không chỉ về nguồn dầu thô, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng đáng sợ và bánh xe duy ý chí cứ quay theo “ý chí của hệ thống chính trị”. Những sai lầm lớn đó vẫn đang được PetroVietnam cố tình che dấu.

Câu chuyện lãng phí, quan liêu, tham nhũng, giả dối, quyền lực đều có trong dự án này. Hậu quả của bệnh duy ý chí thời Liên Xô có khá nhiều đã góp phần cho đế chế này sụp đổ không cưỡng nổi.  Thảm họa dưới cái tên niềm tự hào của ngành dầu khí VN  là Dung Quất đã thấy rõ nhưng chắc chắn người thua cuộc vẫn là nhân dân. 

T.V.T.

31 bình luận to “1348. THẢM HỌA DƯỚI CÁI TÊN “NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM””

  1. Quang said

    Thật khâm phục Bác T.V.T vì đầu óc tưởng tượng của Bác. Bác viết bài để “mị” ai thế. Tôi xin nói cho Bác thế này: NMLD DQ hiện tại mỗi năm đóng thuế cho đất nước hơn 15 ngàn tỷ đồng. Sau thời gian đi vào hoạt động hiện nay nhà máy đã có “lãi khủng”, nguồn dầu thô của nhà máy cũng rất đa dạng và không phải duy nhất từ mỏ BH. Hiện nay có rất nhiều công ty lớn về LHD trên thế giới đang liên lạc để mua cổ phần DQR như: SK hàn quốc, Petronas Malaysia.

    Bác “tỉnh” ra đi nhé. Đất nước ta hiện tại có nhiều vấn đề, nhưng tôi tin rằng “ngày mai trời lại sáng”.

  2. gpsvn said

    Em xin góp ý về một chi tiết mà em cho là chưa chuẩn, dù chi tiết này không ảnh hưởng nhiều đến bài viết.

    Trên công luận có ý kiến cho rằng: “Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì đã lựa chọn sử dụng nguyên liệu dầu chua nên chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ các hệ thống van, bơm, đường ống và các thiết bịkhác đã và sẽ bị lưu huỳnh trong dầu chua phá hủy từ bên trong, khiến chi phí khai thác, bảo dưỡng nhà máy lên rất cao.”. Theo chúng tôi hiểu, nhận định trên không chuẩn xác bởi vì các sự cố hiện đang xảy ra và có thể sẽ xảy ra trong tương lai không phải do sử dụng nguyên liệu dầu chua bởi vì dù có nhắm mắt làm bừa, PVN cũng biết không thể làm như thế.

    Theo nguồn tin rất đáng tin cậy, thì Dung Quất đang vận hành với dầu ngọt pha với dầu chua. Đề nghị tác giả xem lại. Nguồn: http://diendan.nuocnga.net/showpost.php?p=76836&postcount=786

    Một số lỗi nhỏ về chính tả, mong tác giả chú ý hơn.

    Sufur Recovery Unit-SRU

    Nên viết là Sulfur Recovery Unit – SRU cho đúng chính tả.

    Foster Wheeler (UK)

    Tương tự, nên viết là Foster Wheeler. Văn phòng chính công ty này ngày xưa ở Mỹ, nay chuyển qua Thụy Sỹ. Rất có thể chi nhánh ở Anh làm FEED cho Dung Quất nên tác giả để UK trong ngoặc đơn.

  3. Hoàng Thị Lan said

    Làm thế nào để sửa cái sai Dung Quất bây giờ bác Trường ơi ? Sửa chữa lớn nhà máy bằng việc thay đổi công nghệ hay hủy nó đi để ‘cắt lỗ’ ? Làm thế nào cho có hiệu quả nhất, đỡ tốn tiền thuế của dân nhất ?

  4. Xin phép Ẩn Danh said

    Trong Hồi ký ngoại giao của nguyên thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ có nói đoạn sau khi ký thỏa thuận hội nghị Thành Đô năm 1990 giữa TBT Nguyễn Văn Linh và TBT Giang Trạch Dân lúc đó, với tư cách là người được dẫn đi làm chứng ông Phạm Văn Đồng cứ vật vã: tôi bị lừa, tôi bị lừa!? Ông Trần Quang Cơ không giải thích nên không hiểu ông Đồng nói ai lừa ông ấy: Ông Nguyễn Văn Linh, ông Giang Trạch Dân hay ông tự lừa chính mình!

  5. nguoi ha noi said

    Bậy nào! Đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Làm giàu cho một số kẻ mà nghèo khổ đến vạn người thì đó là tư duy của “Đỉnh cao trí tuệ”.

  6. SMR said

    Làm ăn gian dối là đặc trưng của ktế thị trường theo định hướng XHCN mà.
    Nhà máy Dung Quất dù sao cũng chỉ là lỗ mà thôi. Giao nhà máy điện hạt nhân cho những con người này quản lý mới đáng sợ.

  7. Thật là kỳ tích Việt nam!.
    Đảng và Chính phủ làm ăn như thế mà chưa đổ.

  8. nguyễn trung thành said

    ĐẤT NƯỚC CÓ NGHÈO NỮA HỌ ĐỀU KHÔNG VIỆC GÌ.CÓ TIỀN THUẾ CỦA DÂN VÀ TIỀN BÁN MỌI THỨ CÓ THỂ BÁN.HỌ VẪN SỐNG SUNG SƯỚNG

  9. Năm Darwin said

    Bài viết hay, cám ơn tác giả.

    Nhà nước ta với sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, biết dân khinh, dân chửi vẫn cứ bám ghế, bám quyền, biết đất nước bị kẽ thù chiếm đoạt, ức hiếp vẫn cứ bám chân kẽ thù thì chuyện biết lỗ vẫn cứ làm là đương nhiên và cũng nhờ sự sáng suốt của đảng mà nhà nước ta không hề biết nhục. Đó chính là sức mạnh của đảng, cái gì cũng biết, chỉ không biết hổ thẹn.

  10. An Thông Hà Nội said

    Dù sao cũng còn thấy đống sắt ở tại Quảng Ngãi. Còn dự án Venezuela và Angiery PVN đã đầu tư hơn 1 tỷ đôla và đã hơn 10 năm mà chẳng thấy gì hết và mãi mãi cũng chẳng thấy gì.Vừa rồi họ lại lừa chính phủ bằng cách tuyên truyền “bắt đầu khai thác dầu tại Venezuela với lưu lượng 200 thùng dầu nặng (20 thùng dầu thường x 80 usd = 1600 đô la /ngày -doanh thu từ việc đầu tư 600 triệu đô la) .Thật không thể tưởng tượng nổi. Họ sẽ cố gắng kéo dài để cho ông Chavez bị rớt, thì Venezuela lấy lại mỏ, lúc đó huề cả làng và đổ cho dự án bị thất bại là vì rủi ro chính trị. Hai dự án này cũng là Niềm tự hào của ngành dầu khí Việt Nam đấy.

  11. Khai said

    ” chắc chắn người thua cuộc vẫn là nhân dân.”
    Chắc chắn sẽ còn nhiều Vinashin, Vinaline, Dung quất chưa phát hiện

  12. […] 1348. THẢM HỌA DƯỚI CÁI TÊN “NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM” 04/11/2012 […]

  13. Bến đời said

    Giật cái tít như trên thì cũng hơi oan cho ngành dầu khí. “Duy ý chí”, “Quyết tâm chính trị”, “Định hướng XHCN” đang là những khối U não chuẩn bị Ung thư để rồi di căn đi khắp cơ thể èo uột hình chữ S. Các bác sĩ Âu – Mỹ bảo: Phải phẫu thuật cắt bỏ khối U và bồi bổ dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí thì mới khỏi; còn bác sĩ Đông y Tàu và bệnh nhân thì bàn với nhau: Cứ từ từ, châm cứu, nắn bóp vào các bộ phận khác những khi trái gió trở trời là nó khỏi thôi mà, đâu đã chết ngay được mà sợ! Đông y Tàu còn dọa: danh y như Hoa Đà mà đòi bổ đầu Tào Tháo trị bệnh mà Tháo còn không cho đấy thôi, Sợ Sợ là …

  14. anhhungqt said

    Đây là những QUẢ thu được sau khi một nhóm người đa gieo cái NHÂN ngoại lai. Điều đau lòng là nhân dân Việt nam sẽ tiếp tục nhận thêm QUẢ ĐẮNG nữa nếu cái NHÂN này còn tồn tại.

  15. Tư còm said

    Thiên hạ làm nhà máy lọc dầu đem lại hàng tỷ dola lợi nhuận cho QG. VN làm chỉ thấy lỗ, không chỉ lọc dầu mà cả khoáng sản,vina các loại, bô xit tây nguyên…biết lỗ vẫn làm. Còn dự án điện nguyên tử hơn 10 tỷ dola vẫn đang được xúc tiến? Sao vậy?duy ý chí, điếc không sợ súng hay đơn giản chỉ vì ngu dốt? Sai, họ biết cả, lỗ đâu chứ họ đâu có lỗ.
    TVT viết bài này cứ như người trong cuộc-Hay.
    Người dân không uyên thâm như vậy , họ chỉ thấy nhỡn tiền:có nha máy lọc dầu mà giá xăng vẫn cao, nhà máy “hoàn thành”mấy năm rồi mà dân bản địa vẫn chưa thực sự được tái định cư,.vực KTXH cho miền trung đâu chẳng thấy chỉ thấy dân mất đất, cuộc sống đảo lộn khó khăn chưa biết sống chết thế nào, tệ nạn nhan nhản.
    Bộ mặt thật cái gọi là công nghiệp hóa,hiện đại hóa là như vậy sao???

    • Tony said

      Lời, lỗ,đúng,sai thì không phải là mối quan tâm hàng đầu của đảng và các đ/c lãnh đạo của ta, chính yếu là làm sao tiền vào như nước với đảng viên là tốt rồi, kể cả việc bán…nước.
      Từ những đảng viên đảng cs chuyên chính, bây giờ thì từ thủ tướng xuống tới công an khu vực, csgt…mổi người tùy vào chức vụ cao thấp, tài sản có thể có từ cả tỷ đô la, cho tới tệ tệ thì cũng vài cái…nhà nho nhỏ. Tiền ở đâu ra?? Xã hội chủ nghĩa ?? cộng sản ?? Không hiểu mấy ngài lãnh đạo có hiểu được mấy từ đó hay không?
      Chuyên chính vô sản?, cả đời thủ tướng lảnh lương cũng không thể có tiền để mua cái nhà để ở nửa, chứ đừng nói đến tài sản có ở khắp nơi.

    • 68 said

      Toàn dùng tiền người khác làm,thử hỏi họ dùng tiền của họ xem có mà bố bảo cũng không dám..

  16. Ngọc Thanh said

    Bà con đừng có lo . Than Hòn Gai , dầu Bạch Hổ sắp cạn kiệt thì đã có Bô xít Tây nguyên trám vô rồi . Móc lên ” ăn ” cũng cầm hơi được ít năm . Còn khi nào bô xít hết nốt thì đã có đảng lo .

  17. 2 Năm trước người bạn còn làn ở nghành dầu khí cũng có nói đến vấn đề này rồi, có điều là không chi tiết như Tiến Sĩ Tô Văn Trường. vì trước đó hơn 3 năm thì đã có cảnh báo Dầu Ngọt của Việt Nam tự khai thác sắp cạn kiệt, nên nhà máy Dung Quất sẽ không có Nguyên liệu để tiếp tục hoạt động. và sắp tới khoản 10 năm nữa thì Dầu ngọt nhẹ cũng cạn luôn. Từ tháng 6 năm 2012 đến hết quý 1 của năm 2013 PVN cũng không có Dự án lớn nào để Đầu tư nữa, chỉ còn tiếp tục Bơm dầu lên và bán.
    không biết sắp tới đây cái nhà nước này bán tới cái gì để tiếp tục duy trì các con nghiện nữa đây.

  18. Trần Quốc said

    Tuy nhiên có nên nghĩ :
    Quyết định xây dựng và triển khai việc đầu tư vào Dung Quất là thắng lợi chính trị lớn của các ông PV Đồng, VV Kiệt, PV Khải ? Vai trò của ông NT Dũng chưa rõ trong việc này.

    • bang bang Sgn said

      Đúng rồi đó ; tư duy của Đồng Vều mà ra ; nhân dân đang đời đời nhớ ơn và xây đền thờ hoành tráng tại xứ Quảng của hắn

    • CCB said

      Không phaỉ đâu , người có trách nhiệm CT lớn nhất phải kể đến nguyên CTNTrần Đức Lương , quê Quảng Ngãi , Đây là món quà TĐL muốn tặng cho quê hương mình

  19. Dân gian said

    Chỉ riêng theo đuổi CNCS đã là sai lầm lớn nhất rồi, mọi sai lầm khác chỉ là hệ quả của sai lầm số một trên. Kết quả thì đã rõ. Tự sụp đổ thôi.

Bình luận về bài viết này