Thành công và phản ứng từ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính

  • Joaquin Nguyễn Hòa
  • Gửi bài từ California, Hoa Kỳ
Thủ tướng Chính chụp hình cùng Tổng thống Biden vào tối 12/5 khi các nhà lãnh đạo ASEAN dự chiêu đãi của Tổng thống Biden trong dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ.

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình cùng Tổng thống Biden vào tối 12/5 khi các nhà lãnh đạo ASEAN dự chiêu đãi của Tổng thống Biden trong dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ.

Tối ngày 17/5/2022, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng, rời San Francisco trở về Việt Nam, kết thúc chuyến làm việc tại Mỹ kéo dài từ ngày 11/5/2022.

Mục đích chính của chuyến làm việc này là tham gia vào cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) tại Washington D.C. trong hai ngày 12 và 13/5/2022.

Cuộc họp thượng đỉnh này được giới quan sát đánh giá rằng nhằm để khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á cũng như vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, trong chiến lược toàn cầu của Washington cạnh tranh với cường quốc đang lên là Trung Quốc.

Ông Phạm Minh Chính lên đường sang Mỹ ngay sau khi kết thúc hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, khóa 13 (Đại hội toàn quốc lần thứ 13), vào ngày 10/5/2022. Không có thay đổi gì ở tầng lớp lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam sau hội nghị này, mà trước đó có nhiều lời đồn đoán rằng người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ từ chức vì tuổi cao.

Ông Phạm Minh Chính, xuất thân từ ngành công an, bắt đầu đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 2021, và đây là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của ông.

An ninh và Thương mại

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Mỹ

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Mỹ

Bên cạnh cuộc họp chung cùng với các nguyên thủ quốc gia khối Asean với chính quyền Mỹ của tổng thống Biden, ông Phạm Minh Chính đã có một cuộc gặp gỡ tay đôi với cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ, theo một nguồn tin ngoại giao Việt Nam. Không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng trong những bản tin của phía Việt Nam đưa ra, có nói ông Sullivan giới thiệu với ông Chính về sáng kiến Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ, và ông Chính đề nghị làm rõ hơn nội hàm của sáng kiến này.

Một mục tiêu khác của chuyến đi này là xúc tiến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đại công ty Mỹ, trong tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong ngày cuối cùng của chuyến đi, phái đoàn của ông Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các đại công ty toàn cầu của Mỹ tại khu vực thung lũng Silicon, miền Bắc California là Apple, Google, Intel, Microsoft.

Một hoạt động khác dù không quan trọng bằng hai hoạt động nói trên, là giải thích thái độ của Việt Nam đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi trước đó Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án nước Nga, và bỏ phiếu chống việc loại nước Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Cả ba nghị quyết đều được thông qua với tỷ số áp đảo, có nghĩa là Việt Nam đứng về phía thiểu số trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Ông Phạm Minh Chính đã dùng diễn đàn tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington để giải thích việc này bằng lời tuyên bố rằng "Việt Nam chọn chính nghĩa chứ không chọn phe". Ông đã không đề cập đến quốc gia nào cả.

Đoạn video gây bối rối

Nếu như các mục tiêu an ninh và thương mại, thậm chí chuyện Nga Ukraine có vẻ xuôi chèo mát máy, thì một câu chuyện bên lề bất ngờ xảy ra làm cho đoàn Việt Nam bị bối rối. Đó là một đoạn video kèm theo âm thanh từ camera của bộ ngoại giao Mỹ cho thấy ông Chính cùng đoàn tùy tùng bỗ bã với nhau, cũng như dùng những đại từ nhân xưng không hay để chỉ các viên chức Mỹ. Đây là đoạn quay livestream công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ phát trên youtube, và sau khi thấy đoạn video vài phút đó loan truyền ra ngoài, Bộ Ngoại giao đã xóa đoạn video này đi.

Nhưng câu chuyện về video này, dù gây nhiều phản ứng khá lớn từ người Việt ở Mỹ, có lẽ nó không gây ra cho họ sự bực bội thậm chí giận dữ, bằng câu nói của ông Chính với một số người Việt tại thủ đô nước Mỹ, ngày 14/5/2022, mà báo Thanh Niên của Việt Nam trích nguyên văn:

"Thành công của người Việt Nam ở Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước".

Tối 14/5 tại thủ đô Washington D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ khoảng 70 người được mô tả là cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh,

Tối 14/5 tại thủ đô Washington D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ khoảng 70 người được mô tả là cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.

Gặp gỡ "kiều bào", ai là kiều bào?

Bà Thụy Mân, là một công chức về hưu sống tại miền Bắc California, nói với tôi (Nguyễn Hòa) về phát biểu của ông Chính:

"Câu này ông nhận vơ quá đà. Không hiểu có phải ông muốn nhắc đến những trại tập trung sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ở những nơi rừng thiêng nước độc, đày đọa họ đến nỗi họ bị khủng hoảng về tinh thần, kết quả nhiều gia đình phải tan nát?

"Chúng tôi phải biết ơn các ông vì những điều đó đã đẩy chúng tôi ra đi, và có được ngày này?"

Bà Thụy Mân cũng đề cập đến những chính sách kinh tế thất bại làm cho nhiều gia đình miền Nam Việt Nam phải điêu đứng sau năm 1975, và phải vượt biển ra đi.

Rất đông những người Việt hiện sống ở Mỹ hiện nay là những người từng bị tù cải tạo sau năm 1975, hay là những thuyền nhân vượt biển, hoặc họ là con cháu của hai nhóm người này.

Bà Ái Vân, lớn lên ở miền Bắc Việt Nam, từng là ca sĩ có tiếng trong nước, hiện sống tại San Jose, miền Bắc California, nói với tôi rằng nhiều người Việt ở Mỹ đã trải qua nhiều khổ nạn trên đường vượt biển, rồi sau đó lại rất vất vả kiếm sống trên đất Mỹ để nuôi dạy con cái thành tài, cho nên câu nói của ông Thủ tướng Việt Nam không có cơ sở nào.

Ông Nguyễn Xuân Nam, chủ tờ báo Cali Today có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng người Việt tại San Jose, có nhận xét tương tự như bà Thụy Mân, rằng ông Phạm Minh Chính "thấy sang bắt quàng làm họ".

San Jose là thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất trên thế giới, ngoài Việt Nam.

Phản ứng nhẹ nhất với câu phát biểu của ông Thủ tướng là ông Nguyễn Hữu Liêm, cũng sống tại San Jose, từng giảng dạy triết học tại một trường đại học tại đây. Ông Liêm nói rằng hai ý trong câu phát biểu của thủ tướng Chính không thể đặt trong một câu có quan hệ nhân quả như vậy được.

Như đã thành thông lệ, bất cứ chuyến xuất ngoại nào của các nguyên thủ Việt Nam cũng đều có những hoạt động gọi là "gặp gỡ kiều bào".

Cũng đã thành thông lệ, sự xuất hiện của các quan chức Việt Nam tại Mỹ cũng là dịp những người Việt chống cộng tại Mỹ biểu tình phản đối. Trong chuyến đi Mỹ này của ông Phạm Minh Chính không thấy có nhiều cuộc biểu tình, ngoài một cuộc biểu tình tại thủ đô Washington DC (theo đài RFA thì có khoảng 100 người).

Ông Phạm Minh Chính có ba lần "gặp gỡ kiều bào": ngày 14/5 tại Washington D.C. ngày 15/5 tại New York, ngày 17/5 tại San Francisco. Theo con số báo chí Việt Nam đưa ra, tại Washington D.C. có 70 người, tại New York có 50 người, còn tại San Francisco không thấy đưa ra con số.

Các cuộc gặp gỡ này đều kín, không mở rộng. Tôi có đề nghị tham dự cuộc gặp ở San Francisco với tư cách báo chí, nhưng lãnh sự quán Việt Nam tại đây cho tôi biết là "không sắp xếp được".

Theo dõi các ảnh chụp và các phát biểu của những người tham gia các cuộc gặp này, do báo chí Việt Nam đưa ra, thì thấy có hai nhóm người đông nhất, nhóm đầu là các du học sinh Việt Nam tại Mỹ, nhóm sau là những người lớn tuổi. Trong cuộc gặp ở San Francisco có một nhà sư là Thượng tọa Thích Đức Tuấn. Tôi nhận ra ông trong một buổi tiệc tất niên do tòa lãnh sự tổ chức ở San Francisco vào đầu năm 2020.

Nhận xét về nhóm "kiều bào" tham dự này, ông Nguyễn Hữu Liêm nói với tôi rằng sự tiếp xúc của chính quyền Hà Nội với người Việt ở Mỹ không mở ra được đến những người ra đi từ miền Nam.

Chiều 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt một số người Mỹ gốc Việt mà truyền thông Việt Nam mô tả là "kiều bào tiêu biểu, có đóng góp với đất nước" tại San Francisco, California.

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh,

Chiều 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt một số người Mỹ gốc Việt mà truyền thông Việt Nam mô tả là "kiều bào tiêu biểu, có đóng góp với đất nước" tại San Francisco, California.

"Đóng cửa khen nhau cũng tốt thôi, nhưng nếu mở rộng ra thì tốt hơn,"ông Liêm nói.

Những người mà tôi lấy ý kiến cho bài viết này thuộc nhóm người Việt trung lưu ở Mỹ, họ thường có khuynh hướng cấp tiến, và ngày càng đông, nhất là trong khu vực vùng Vịnh San Francisco, nơi ông Phạm Minh Chính tiếp xúc với các đại công ty Mỹ.

Những người Mỹ gốc Việt này hầu như không tham gia vào các hoạt động biểu tình chống các quan chức Việt Nam từ trước tới nay. Câu phát biểu của ông Chính về thành công của người Việt và chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam gây cho họ sự chú ý, nhưng là một sự chú ý bực bội.

Từ nhóm người Việt cấp tiến này, đã xuất hiện khá đông các chính khách Mỹ gốc Việt trong vài năm qua, trong dòng chính của chính trị Mỹ. Không thấy họ có mặt trong các buổi "gặp gỡ kiều bào" của phái đoàn Thủ tướng Chính.

Trước chuyến đi của ông Chính sang Mỹ, tôi có gửi một số câu hỏi đến cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ, trong đó có câu hỏi về quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nhưng lấy lý do lịch trình làm việc bận rộn, các câu hỏi này không được hồi đáp.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Joaquin Nguyễn Hoà ở San Jose, California, Hoa Kỳ.