Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm

Ðiềm Phùng Thị (tên khai sinh Phùng Thị Cúc - sinh năm 1920) là một ngôi sao tỏa sáng của nghệ thuật tạo hình thế giới, đặc biệt về ngành điêu khắc. Bà được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu, và là một trong hai người châu Á hiếm hoi có tên trong Từ điển Larousse: Nghệ thuật đương đại thế kỷ XX, xuất bản năm 1991.

Mộ ông Bửu Ðiềm.
Mộ ông Bửu Ðiềm.

Nhớ lại Tết năm nào, tôi nhận được tấm thiệp mừng xuân bà gửi từ Pháp, có bức phác họa xinh xinh vẽ trên giấy dó kèm dòng thủ bút: Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm… Biểu tượng về một phụ nữ mang bầu, phía bên phải xệ xuống bầu vú căng sữa, bên trái nhô lên bàn tay ngô nghê như của một cháu bé, phía dưới là bàn chân dường như cũng đang ngọ nguậy, lại có một vòng tròn xoáy ốc na ná hình con mắt hay trái tim đúng vào nơi cái bào thai sắp sinh, sau mấy nén hương tỏa khói.

Nghệ thuật tạo hình của Ðiềm Phùng Thị, đặc biệt về điêu khắc, rất đa dạng, từ bức tượng "Mẹ và Con" dựng tại một thành phố Pháp khiến người xem liên tưởng tới Hòn Vọng phu ở nước ta, đến Ðài các chiến sĩ trận vong ghép bằng những mảnh kim loại giống các mảnh máy bay Mỹ bị quân ta bắn tan xác. Nhiều tác phẩm thể hiện thành tượng đài hoành tráng, có cái cao đến cả chục mét, sừng sững trong khuôn viên nhiều thành phố Pháp (riêng tại nước này, Ðiềm Phùng Thị đã có tới 37 công trình lớn nhỏ tồn tại cùng thời gian), lại có những phác họa chân dung bằng bút than, những bức tranh ghép từ những mảnh vải hoa cắt dán và cả đồ trang sức dành cho các bà mệnh phụ giàu sang với sợi dây chuyền vàng muôn thuở gắn những viên kim cương hoặc đá quý. Tất cả đều biến hóa từ bảy cái module đặc trưng điêu khắc Ðiềm Phùng Thị, mà nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Raymond Cogniat gọi là bảy chữ cái theo vần abc, Giáo sư Mady Ménier Trường đại học I Sorbonne Paris liên tưởng đến thư pháp Á châu, còn Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Khê lại bảo là bảy nốt nhạc có khả năng sáng tạo đến vô cùng.

Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm -0

"Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm…".

Một trong những chủ đề nổi bật ở nghệ thuật Ðiềm Phùng Thị là tình mẹ con: tượng những phụ nữ mang bầu, bà mẹ bồng con, nhóm trẻ ngồi chơi lố nhố… đến nỗi một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng sau nhiều lần ngắm các tác phẩm bà trưng bày đã thốt lên: "Lại Mẹ và Con(1)! Vậy ra đó là một ám ảnh cuộc đời của chị hay sao?". Một người khác trao đổi với tác giả: "Tôi thích các tượng của chị về mẹ và con, tôi thấy ở đấy nhiều tình yêu thương và sự tươi mát, tuy nhiên tôi nghĩ đó vẫn lại là những lời nguyện cầu như bao tranh, tượng khác của chị".

Ðiềm Phùng Thị thổ lộ tâm tình: "Phải chăng do nỗi lo giống nòi bị hủy diệt và ước mong dân tộc mình tồn tại đời đời mà tôi muốn bắt hòn đá cũng mắn đẻ, nắm đất cũng sinh ra vô số cháu con? Còn chuyện nguyện cầu, lòng tôi chưa hề hướng tới một đấng thần linh nào, tôi chỉ nghĩ về những con người".

Người nước ngoài đúng là khó thông cảm hết nỗi niềm của Ðiềm Phùng Thị nếu tự tác giả không nói ra: "Hồi còn là một đứa trẻ con nghịch ngợm, tôi được hưởng trọn vẹn cái tự do của một con thú hoang nhỏ sống cùng mưa gió và muông thú tại các cánh rừng Tây Nguyên. Lớn lên tôi thích làm dáng, và cũng chẳng buồn ngẫm ngợi về cuộc đời. Thế mà định mệnh sớm bắt tôi phải đối mặt với những vấn đề lớn của đất nước mình: nạn đói, chiến tranh và đủ mọi thứ cùng cực trong cuộc sống con người".

Hồi bà đang theo học đại học Y khoa ở Hà Nội, vào lúc diễn ra trận đói năm 1945, cô sinh viên đã tận mắt nhìn thấy cảnh một người đàn bà trẻ hay đến ngồi nghỉ bên hè phố phía trước cư xá, bà ấy cứ lả dần vì đói. "Một sáng thức dậy, tôi nhìn ra đường thấy chị đã chết, thân mình co quắp, một cánh tay vẫn ôm đứa con nhỏ vào lòng, mặt mũi cháu bé thì bê bết đất bùn lẫn nước mắt. Cháu khóc thét đòi ăn nhưng lát sau trở lại nín lặng, đưa bàn tay nhỏ mân mê bầu vú lép kẹp của mẹ vì không còn một giọt sữa nào bên trong, có lúc bàn tay trẻ con lại sờ soạng đùa nghịch với mấy con giun vừa chui ra từ hai lỗ mũi của mẹ cháu. Cảnh tượng ấy làm tôi chấn động tận đáy tim can!".

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cô sinh viên rời Hà Nội ra vùng tự do phục vụ chiến đấu, chẳng may lâm bạo bệnh phải sang Pháp chữa trị rồi ở lại học tiếp bên nước ấy. Chị tốt nghiệp bác sĩ nha khoa, kết hôn với ông chồng vốn là một người bạn thuở thiếu thời xuất thân Hoàng tộc và cũng đến đây từ xứ Huế là Bửu Ðiềm - từ đó xuất hiện danh xưng Ðiềm Phùng Thị, do tuân thủ luật pháp bên Tây buộc phụ nữ sau khi kết hôn phải mang tên họ nhà chồng.

Thời gian hai ông bà sinh sống tại Pháp thì ở Việt Nam, tiếp sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt hơn nhiều lần, tàn phá quê hương đất nước. Vẫn lời bà Ðiềm Phùng Thị: "... Từ quê tôi thư từ dồn dập gửi sang Paris kể lại những khổ ải mới mà dân tộc tôi phải hứng chịu. Có những loại bom mới, người ta chế tạo ra chỉ nhằm mục đích duy nhất là giết hại được nhiều người, những loại bom ấy đang tuôn như mưa xuống quê hương, những quả bom chứa nhiều viên bi bằng kim loại có, bằng chất dẻo có (để khỏi bị phát hiện qua X-quang sau khi đã chui vào trong cơ thể nạn nhân), rồi những quả bom chứa các mũi tên nhọn sắc, cả những thứ làm ra dưới dạng đồ chơi trẻ em mà vẫn nổ và sát thương nếu chẳng may có em nào tò mò đụng đến... Và cùng với bom đạn là thiên tai, cuồng phong, bão tố, lụt ngập... Và thế là hệ thần kinh của tôi gần như sụp đổ…

... Có phải là một khi cái chết đang lởn vởn quanh mình, ấy chính là khi bản năng con người muốn sinh sôi nảy nở dấy lên mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào? Có phải là mỗi khi con người đau khổ nhất, ấy là lúc người ta cần nhiều hơn cả tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau? Có phải là vì ngôi nhà tôi từng sống nay đang bốc cháy, vì những người thân của tôi ở quê hương đang lần lượt ngã xuống do đạn bom Mỹ mà tôi càng hăm hở muốn sống, muốn được kéo dài cuộc sống của mình thông qua nghệ thuật với chủ đề những người mẹ và những đứa con?(2) ".

Lại nhớ một lần khác cũng vào dịp Tết nhân có việc về miền trung, tôi nghỉ lại thành phố Huế chờ đáp máy bay trở ra Hà Nội. Hay tin ông bà Ðiềm đang có mặt tại cố đô tôi vội đến thăm. Hai ông bà dẫn vợ chồng tôi đi xem qua các gian trưng bày tranh và tượng trong căn biệt thự nay đã trở thành "Nhà trưng bày tác phẩm Ðiềm Phùng Thị", rồi ngồi vào cái bàn nước nhấp chén trà sen, nhấm lát mứt gừng mừng xuân. Thấy trên bàn có cái tượng đá nhỏ tạc hình một phụ nữ mang bầu, tôi buột miệng: "Lại Mắn đẻ?". Chị cười: "Tùy anh. Tôi gọi là Lăn lóc". Chị đưa mấy ngón tay lật đi lật lại cái tượng đá bé xíu qua nhiều tư thế khác nhau, lần nào vừa ngưng tay là cái tượng lại trở về tư thế ban đầu của nó: một người đàn bà nằm nghiêng, đôi chân hơi gấp về phía sau, phô cái bầu to tướng sắp đến ngày sinh. Chị nói: "Cái này tôi nhờ tạc theo mẫu bằng đá Ngũ Hành Sơn, chưa được ưng ý lắm. Xin biếu anh, mang về làm cái chặn giấy trên bàn làm việc".

Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm -0
 Tượng đài "Mẹ bồng Con" dựng tại Pháp.

Ðầu năm 1997 đang có Phiên họp của Hội đồng quốc gia Thập kỷ Văn hóa do UNESCO đề xuất, tổ chức tại Huế, thì được tin ông Bửu Ðiềm vừa qua đời. Nhà thơ Huy Cận, Nông Quốc Chấn, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Giáng Hương... thay mặt Bộ Văn hóa - Thông tin và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật vội đến viếng. Chờ đến cuối chiều, tôi đến nhà chia buồn. Bà Ðiềm đầu chít khăn tang, người khoác tấm xô, một mình vào ra đón và tiễn khách (hai ông bà không có con).

Những ai có dịp thăm mộ ông Bửu Ðiềm, xây với bảy module bằng đá tổ ong thấp thoáng trước rặng thông xanh tại Châu Ê không mấy xa cố đô Huế, nơi bà Ðiềm ra đời, hẳn cùng có chung cảm nghĩ: Nhà điêu khắc đã chuẩn bị cả cho mình nơi an nghỉ tại đây. Năm 2002, nhà nghệ sĩ tạo hình ra đi, lưu lại cho đời một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ chan chứa nghĩa tình. Nhìn ngôi mộ, tôi lại nhớ đến lời chị viết năm nào:

Thắp một nén hương, lòng tưởng niệm...

2020

(1) "Mẹ và Con" là một công trình điêu khắc của Ðiềm Phùng Thị, thực hiện năm 1987, hoàn thiện năm 1990.

(2) Lược dịch từ bài viết của bà in ở đầu tập Kỷ yếu Triển lãm "Tác phẩm Ðiềm Phùng Thị" tổ chức lần đầu tại Pháp năm 1967.