Thầy giáo kể chuyện đi thi chứng chỉ Tin học mà "vừa buồn cười vừa tức"

09/08/2018 07:00
Thanh An
(GDVN) - Nói là một khóa học cho oai chứ thực ra tôi và một số học viên chỉ nộp tiền và ôn thi có 2 buổi rồi cũng đàng hoàng bước vào phòng thi như ai.

LTS: Kể câu chuyện về việc đi thi chứng chỉ Tin học, thầy giáo Thanh An tiết lộ thực tế việc đào tạo tại các trung tâm tin học hiện nay.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi buổi sáng, mấy anh em chúng tôi thường có thói quen cùng nhau uống cà phê với nhau và trò chuyện trên trời, dưới bể.

Trong nhóm, có một người bạn cũng là giáo viên nhưng đã lớn tuổi có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mình đi học chứng chỉ Tin học.

Anh cũng xác định việc thi cũng chủ yếu là lấy cái chứng chỉ để nhằm “phòng thân” thôi chứ học làm gì nổi nữa.

Ngày còn trẻ lỡ không học rồi, bây giờ lớn tuổi có biết gì đâu mà học.

Khổ nỗi, thấy nhiều người học quá thành ra anh cũng xốn xang muốn bằng mọi người để cho đủ chứng chỉ nhằm đủ chuẩn, không bị phiền hà khi xét chuẩn giáo viên hàng năm.

Việc thi để lấy chứng chỉ Tin học cơ bản hiện nay quá dễ dàng với mọi người. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn
Việc thi để lấy chứng chỉ Tin học cơ bản hiện nay quá dễ dàng với mọi người. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn

Anh nói rằng ở trung tâm anh đăng kí học và thi dễ lắm, miễn là nộp tiền, tham gia thi là nghiễm nhiên sẽ đỗ và được cấp chứng chỉ.

Mặc dù chứng chỉ Tin học của tôi đã học từ thời sinh viên và bản thân cũng sử dụng tương đối thành thạo nhưng để tìm hiểu thực hư về việc thi và cấp chứng chỉ Tin học hiện nay tại trung tâm Tin học ở địa phương nơi tôi đang sống nên tôi cũng tham gia một khóa “học” để giải đáp cho cái sự tò mò của mình.

Nói là một khóa học cho oai chứ thực ra tôi và một số học viên chỉ nộp tiền và ôn thi có 2 buổi rồi cũng đàng hoàng bước vào phòng thi như ai.

Phải nói thật, việc thi để lấy chứng chỉ Tin học cơ bản hiện nay quá dễ dàng với mọi người bởi cách đào tạo có phần bát nháo và cũng tại một số cơ quan của mình rất ưa chuộng bằng cấp.

Nghe anh bạn kể có vẻ dễ dàng quá nên tôi xin số điện thoại của Trung tâm Tin học để tìm hiểu thực hư của vấn đề.

Tiếp tôi qua điện thoại có lẽ là một cô nhân viên còn rất trẻ.

Tôi trình bày hoàn cảnh của mình là giờ lớn tuổi rồi, chẳng biết gì về Tin học mà nếu có học cũng chẳng thể nào học nổi, Trung tâm có cách nào để tôi thi đỗ và có chứng chỉ được không.

Thầy giáo kể chuyện đi thi chứng chỉ Tin học mà "vừa buồn cười vừa tức" ảnh 2Vụ giáo viên cắn răng chi 2,7 triệu thi "siêu tốc", dừng thi tin học vô thời hạn

Khi nghe tôi trình bày thì được nhân viên của trung tâm tư vấn bằng một chất giọng rất cảm thông.

Cô nói: "Chú cứ yên tâm đến trung tâm ghi danh và nộp phí đào tạo 1.800.000 đồng, trước khi thi, chú đến ôn vài buổi là làm được bài liền à.

Bên con liên kết với một trường đại học (…) của thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo nên uy tín lắm.

Trường hợp như chú, bên trung tâm con gặp hoài, thi là đậu cả thôi chú ơi".

Nghe cô nhân viên tư vấn như vậy nên tôi có thêm động lực và “mừng” lắm.

Tôi nộp tiền và đến ôn thi như đã được cô nhân viên hôm nọ đã tư vấn.

Trong số học viên ôn thi cùng đợt với tôi có nhiều người còn lớn tuổi hơn tôi và hình như cũng mù tịt về Tin học nên khi được giáo viên hướng dẫn thì nhiều người cứ như là vịt nghe sấm.

Chúng tôi được giáo viên hướng dẫn ôn tập 5 đề thi, ôn đi ôn lại và hướng dẫn rất kĩ càng cách làm bài.

Ông thầy còn chỉ rất nhiều chiêu để khi vào phòng thi thì có cách để đối phó và cũng nói rõ là khi thi sẽ lấy các câu hỏi đã ôn tập để làm đề thi.

Tuy nhiên, ôn thì nhiều câu hỏi hơn, khi thi thì rút gọn lại và đảo câu hỏi từ đề này sang đề khác.

Không chỉ ôn trên lớp, trung tâm còn cẩn thận hỏi học viên về địa chỉ email cá nhân để gửi đề thi cho các học viên về nhà có dịp “ôn” cho kỹ càng thêm.

Trong lớp ôn thi của tôi hôm đó có một học viên hiện đang là Trưởng khoa của một Bệnh viện huyện năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi.

Anh kể: "Tôi có biết Tin học là gì đâu, mỗi lần làm kế hoạch hay soạn thảo một văn bản nào thì sai mấy thằng lính làm xong tôi chỉ việc ký.

Nhưng, gần đến kỳ bổ nhiệm lại nên bên tổ chức cứ giục “kiếm” cái chứng chỉ Tin học cho đủ yêu cầu nên mới đến đây".

Nhìn anh loay hoay mãi không đánh được cái tên mình trên máy tính mà tội nghiệp vô cùng.

Tôi hướng dẫn mãi, anh mới gõ xong cái tên mình thì lại không biết lưu vào đâu.

Nhìn thấy anh cũng trong “hoàn cảnh” như mình tôi chỉ biết cười cho cái sự học chuộng bằng cấp và hình thức của một số ngành hiện nay.

Ngày Trung tâm tổ chức thi, tôi đến rất sớm để quan sát việc tổ chức thi.

Thầy giáo kể chuyện đi thi chứng chỉ Tin học mà "vừa buồn cười vừa tức" ảnh 3Có tin thầy cô phải mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giá cắt cổ ở Tuyên Quang

Giám thị coi thi chỉ đọc tên là học viên vào thi, cũng chẳng có kiểm tra chứng minh thư hay một loại giấy tờ tùy thân nào khác.

Tôi nghĩ thầm: cách tổ chức thế này thì nếu mượn người khác vào thi hộ cũng có sao đâu bởi đâu có ai kiểm tra.

Khi thi, nhìn vào một số câu hỏi trắc nghiệm và mấy bài tập vận dụng vô cùng đơn giản.

Tôi chỉ làm vài câu qua quýt, một số câu thì cố tình làm sai, câu thì bỏ trắng và áng chừng được khoảng 1/3 điểm thi.

Nhìn sang anh bạn Trưởng phòng hôm nọ thấy đang hỏi bài mấy em sinh viên bên cạnh nhưng cũng chẳng thấy giám thị nhắc nhở.

Nhìn vào phòng thi, tôi cứ ngỡ như chuyện thi cử của Đồi Ngô năm nào…

Ấy vậy mà, một tuần sau thì Trung tâm điện cho tôi nói là đã đạt yêu cầu để cấp chứng chỉ.

Hẹn 2 tuần sau nữa đến Trung tâm nhận chứng chỉ Tin học cơ bản.

Tôi đem câu chuyện này nói với mấy đứa em thì chúng nó bảo: "Anh cần gì phải thi, bây giờ chứng chỉ bán đầy rẫy khắp nơi.

Số tiền anh nộp vào Trung tâm, em mua được mấy cái chứng chỉ “ngon lành” hơn anh".

Thấy vậy, tôi lý sự lại: "Nhưng đó là bằng mua, nếu bị phanh phui là chết liền.

Đằng này, anh “học thật, thi thật”, trường đại học chính quy cấp bằng đàng hoàng… mới oai".

Từ câu chuyện mà bản thân tôi đã nghe, đã chứng kiến và trải qua mới thấy được rõ hơn bức tranh đào tạo của một số trung tâm đào tạo Tin học hiện nay.

Nhiều khi, họ chỉ mượn cái danh “liên kết” với một trường đại học nào đó để “lòe” dư luận nhằm thu hút học viên nhưng thực tế trong quá trình đào tạo thì vô cùng tiêu cực và không coi trọng chất lượng người học.

Trung tâm thì cần lợi nhuận, người học thì cần chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ còn chất lượng thật thì nổi trôi không ai giám sát, kiểm định được.

Thử hỏi, những chứng chỉ Tin học “như tôi” có được thì có lợi ích gì cho công việc?

Thanh An