Việt Nam: Thầy giáo xin nghỉ ‘vì nạn dối trá’, được giới chức ‘động viên’

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phòng GD-ĐT huyện Long Thành (Đồng Nai) vào chiều 13/10 đã làm việc với ông Lê Trần Ngọc Sơn - giáo viên tiếng Anh đang được dư luận trong ngành quan tâm vì lên án "dối trá trong giáo dục".

Ông Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi, đã có đơn đề nghị cho thôi việc từ ngày 1/11/2021.

Trong đơn, ông ghi "công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ".

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi, đã ký vào đơn đồng ý cho nghỉ, nhưng giới chức nói đây là sai quy trình.

Báo chí ngày 13/10 cho hay tại buổi làm việc, Phòng GD-ĐT huyện Long Thành động viên ông Sơn ở lại làm việc.

Ông Sơn được dẫn lời: "Tôi sẽ rút đơn, tiếp tục ở lại trường giảng dạy nếu các cấp có thẩm quyền cụ thể là UBND huyện Long Thành hoặc Huyện ủy huyện Long Thành giải quyết rốt ráo những sai phạm của hiệu trưởng và hiệu phó, đồng thời hiệu trưởng, hiệu phó phải xin lỗi tôi."

'Hãy để giáo viên chọn hiệu trưởng'

Trong vụ việc được giới giáo viên tại Việt Nam rất quan tâm, báo chí nhà nước đã trực tiếp phỏng vấn ông Sơn để nghe ông chia sẻ.

"Cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng dựa trên tiêu chí hồng hơn chuyên nên không có người giỏi để quản lý, lại còn tập quyền nên hiệu trưởng là vua một cõi dễ bị tha hoá; mà hầu như ban giám hiệu là nguyên nhân chính gây chia rẽ nội bộ. Tốt nhất hiệu trưởng nên để cho giáo viên lựa chọn, có vậy mới chọn được đúng người có tâm, có tầm, có trách nhiệm với giáo viên và học sinh. Tránh được nạn chạy chức chạy quyền."

Ông cũng một lần nữa bày tỏ phẫn nộ:

"Sự dối trá trong giáo dục ngày nay thể hiện qua rất nhiều khía cạnh như làm láo báo cáo hay về hồ sơ-giáo án, dự giờ, bệnh thành tích… tôi chắc chắn trường nào cũng có nhưng với trường tôi thì nạn dối trá nó nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi đã 2 lần làm đơn tố cáo những sai phạm ấy, mặc dù đã có kết luận nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

"Xin nói thêm, khi tôi chưa lên tiếng thì mỗi năm phải xin thêm ngân sách từ 300 đến 400 triệu đồng. Từ khi tôi lên tiếng thì năm đầu dư hơn 70 triệu, năm hai dư hơn 100 triệu, năm học vừa rồi dư 210 triệu."

Trả lời báo Tiền Phong, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, bình luận:

"Tôi nghĩ những người ngoài cuộc không nên suy diễn hay có cái nhìn lệch lạc về người thầy cũng như môi trường sư phạm khi chưa nắm được cụ thể vụ việc. Tôi cho rằng vụ việc này cần được làm sáng tỏ và rút kinh nghiệm một cách minh bạch, triệt để."

"Nhưng cũng rất cần làm rõ, môi trường giáo dục nơi thầy Sơn công tác có điểm nào thực sự "tởm" hay không, có sự dối trá, phi giáo dục hay không? Nếu có điều đó, phải kê đơn, bốc thuốc chữa trị ngay, kể cả phải cắt đi những thứ thối rữa, ô uế, "tởm lợm". Còn nếu không thì thầy Sơn phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Không thể để một trường hợp cụ thể mà ảnh hưởng tới danh dự của hàng trăm ngàn nhà giáo, của cả ngành giáo dục."