Thế giới đường nét kỳ thú của Nem

Mặc dù có những đặc điểm phổ biến trong nghệ thuật của người tự bế[1], tranh của Nem[2] vẫn mang một phong cách riêng biệt, không bị bó buộc bởi những giới hạn và lối mòn. Nghệ thuật chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cho mọi người bước vào thế giới kỳ diệu đầy ngẫu hứng của cậu.


Hình 1- Nem (Hà Đình Chí), Trẻ em trong thế giới, 2019, bút dạ trên giấy A3. Nguồn ảnh: Nem Gallery.

Sau khi trang Nem Gallery được lập trên Facebook vào năm 2013, công chúng bắt đầu biết đến Nem với những bức vẽ đơn sắc độc đáo, đôi khi còn được tô màu tương phản ấn tượng. Hành trình sáng tạo của cậu bắt đầu từ năm 2 tuổi với những nét bút đơn giản do người cha chỉ dẫn cùng sự ủng hộ hết mình của người mẹ. Đến nay, Nem đã tự tin thỏa sức thể hiện bản thân trên những trang giấy trắng và qua đó, bộc lộ một năng khiếu vẽ đặc biệt.

Trẻ tự bế thường gặp khó khăn trong việc miêu tả sự vật hư cấu3, còn với Nem, khả năng hư cấu lại là thế mạnh. Các hình ảnh ngẫu nhiên, không liên quan đến nhau như thể được vẽ bằng kỹ thuật tự động4, kỹ thuật đã được các nghệ sỹ Siêu thực5 của thế kỷ 20 sử dụng để biểu đạt sức sáng tạo của vô thức. Bố cục tranh cho thấy Nem nghĩ đến đâu vẽ đến đó chứ không lên kế hoạch trước. Những ý tưởng đến với cậu dồn dập một cách tự nhiên để rồi tuôn ra như dòng thác chảy. Các nét nối liền với nhau, khó mà tìm ra điểm đầu hay điểm cuối, cứ như cả bức tranh được vẽ bằng một nét liền mạch, tạo nên một nhịp điệu bất tận.

Trước đây, tranh của Nem thể hiện rõ một số đặc điểm phổ biến trong nghệ thuật của người tự bế. Cô Nguyễn Lan Phương, mẹ của Nem, cho biết những đặc điểm đó là nhồi nhét hình ảnh, vẽ nhiều chi tiết, có thôi thúc phải hoàn thành tranh và lặp đi lặp lại một mô típ.6 Cách đây 6 – 7 năm, nét vẽ của Nem chưa được dứt khoát, bố cục lộn xộn, dày đặc hình ảnh. Các nét bút đơn san sát nhau tạo cảm giác hình ảnh chồng chéo, phức tạp, khó theo dõi.

Trong giai đoạn 2013–2017, những bức vẽ của Nem tùy hứng như một khúc nhạc Jazz của những nhạc công chưa hợp tác nhuần nhuyễn. Sang đến khoảng những năm 2018–2019, các nét vẽ đã trở nên tiến bộ vượt bậc, hình ảnh được chắt lọc, bố cục không còn gây rối mắt, đem lại một giai điệu piano du dương với những điệp khúc lặp đi lặp lại nhưng không hề nhàm chán. Các điệp khúc trong tranh Nem chính là những nụ cười hồn nhiên của các nhân vật có hình đầu hơi giống Pac-Man. Những nhân vật hoạt hình có thần thái giàu sức sống với điệu bộ như đang nhảy múa thuộc về một thế giới ảo. Thay vì truyền tải một thông điệp nhất định, Nem để mỗi nhân vật tự đối thoại với người xem bằng tiếng nói của đường nét. Các nét vẽ – từ cong thẳng, ngắn dài đến uốn lượn, dích dắc – ngày càng phối hợp nhịp nhàng với nhau hơn, tạo hiệu quả thị giác đặc sắc và đem lại tiếng nói rành rọt cho các nhân vật.

Hình 2- Nem (Hà Đình Chí), Chợ phiên ở Wavre, 2019, bút dạ trên giấy A3. Nguồn ảnh: Nem Gallery.

Đường nét cách điệu nhưng vẫn tạo cảm giác gần gũi vì tranh của Nem lấy cảm hứng từ đời sống thực. Đơn cử là bức Chợ phiên ở Wavre (2019, hình 2) miêu tả một cảnh chợ trời ở Bỉ trong một bố cục mạch lạc, rõ ràng. Dựa vào trí nhớ mà cậu đã tái hiện cảnh người người nô nức ra chợ xem gà, chim, thỏ. Ở đây không còn là cảnh chợ mua bán thường gặp nữa mà là một cuộc gặp gỡ sôi động, đầy hứng khởi giữa thế giới con người và thế giới động vật vào một ngày nắng ấm tưng bừng. Cho dù Nem không sử dụng luật viễn cận, người xem vẫn hình dung được vẻ đa chiều của không gian, ví dụ như đống trứng gà với những quả trứng hơi méo mó, xiêu vẹo trông thật đầy đặn và tự nhiên. Cậu miêu tả một đám đông đang nhộn nhịp kéo đến từ đằng xa bằng cách vẽ người với các kích thước khác nhau, người trước kẻ sau, người có mặt kẻ không. Các tác phẩm của Nem thường mang lại không khí lạc quan yêu đời, với những chi tiết tưởng tượng biểu cảm tài tình – thoạt nhìn tưởng như các nhân vật rập khuôn nhau, nhưng nhìn kỹ mỗi nhân vật đều có một vẻ tinh tế riêng. Nem không mô phỏng thực tại một cách cứng nhắc, diễn biến tình tiết đa dạng trong tranh cậu đối lập với sự sáo mòn trong cách tạo hình của người tự bế. Trong sự phi lý tự động của vô thức ẩn chứa một vẻ hợp lý đầy thuyết phục, mời gọi người xem ngắm nhìn hiện thực qua lăng kính vui nhộn của Nem.


Hình 3- Nem (Hà Đình Chí), Cấu trúc bao quy đầu, 2019. Nguồn ảnh: Nem Gallery

Các bức tranh còn là nơi để Nem chia sẻ những tâm sự thầm kín của một cậu bé tuổi teen. Với độ tuổi mới lớn của cậu, không ngạc nhiên khi Nem còn bắt đầu tìm hiểu những chủ đề về giới tính. Cậu vẽ cấu trúc bao quy đầu (hình 3) hay hình tượng dương vật như một cách tự khám phá sự thay đổi mỗi ngày của tâm sinh lý bản thân. Cho thêm phần ngộ nghĩnh, cậu lồng ghép các câu chữ bằng tiếng Anh và đôi khi còn tự nghĩ ra ngôn ngữ của riêng mình. Không chỉ đơn thuần lặp đi lặp lại những chủ đề thân quen giống các bạn tự bế khác, Nem còn tìm tòi đề tài mới như một nghệ sỹ thực thụ. Cậu đang dần bứt phá khỏi hình tượng họa sỹ nhí và phát triển những cảm xúc thẩm mỹ tỏa ra năng lượng sáng tạo mạnh mẽ và độc lập.

Nghệ thuật của Nem vượt qua những rào cản của chứng tự bế, bởi trong đó, ta thấy sự biểu đạt tự do của một con người nghệ sỹ cá tính có tâm hồn khoáng đạt, trí tưởng tượng phong phú và hài hước. Sự biến đổi không ngừng của những đường nét sinh động kết tinh từ nguồn cảm hứng vô tận đem đến cho người xem cả niềm vui lẫn sự bất ngờ. Để rồi một khi đã bước vào thế giới của Nem, mỗi người sẽ được làm một Peter Pan vui vẻ, hồn nhiên và luôn tò mò.

1Chứng tự bế (autism) hay phổ tự bế (autism spectrum) biểu hiện qua các mức độ khác nhau của việc suy giảm khả năng giao tiếp, khả năng tương tác xã hội, cùng các hành vi sở thích hạn hẹp, có tính lặp lại. “Autism” thường được dịch là “tự kỷ”, tuy nhiên, nghĩa đúng của “tự kỷ” là “tự mình” hay “chính mình”, như trong “tự kỷ ám thị”. Nem sinh ra với chứng tự bế và chứng Turner trẻ trai (Turner syndrome).

2 Nem sinh năm 2005 ở Hà Nội, tên thật là Hà Đình Chí.

3 Nicole Martin, Art as an Early Intervention Tool for Children with Autism (London: Jessica Kingsley Publishers, 2009), tr. 54

4 Kỹ thuật tự động hay tự động tính (automatism) là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình vẽ hay viết không dùng tư duy có ý thức mà để cho vô thức nắm quyền điều khiển. Kỹ thuật này được áp dụng bởi các nghệ sỹ Siêu thực và Trừu tượng Biểu hiện.

5 Siêu thực (Surrealism) là trào lưu văn học và nghệ thuật được khởi xướng bởi nhà thơ Pháp André Baton vào năm 1924. Các nghệ sỹ Siêu thực khám phá khả năng sáng tạo của vô thức và quan tâm đến việc giải nghĩa các giấc mơ.

6 Nguyễn Lan Phương, “Nhận Biết Các Triệu Chứng Tự Kỷ Thông qua Phong Cách Vẽ,” Blogspot, Hà Đình Chí (blog), https://hadinhchi.blogspot.com/2016/07/nhan-biet-cac-trieu-chung-tu-ky-thong.html, trích dịch từ Nicole Martin, “Characteristics of Artwork Made by Children with Autism,” trong Art as an Early Intervention Tool for Children with Autism

Tác giả