Thị trường giáo án 'nở rộ' trên mạng

Thu Hương 14/09/2022 06:30

Việc mua bán giáo án qua mạng không phải đến bây giờ mới phổ biến mà đa có từ vài năm nay. Đặc biệt là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai, nhiều quy định mới về việc xây dựng và tổ chức giáo dục trong nhà trường khiến không ít thầy cô lúng túng, phải tìm đến những bộ giáo án soạn sẵn...

Giáo viên Trường THCS Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) tham gia tập huấn sách giáo khoa lớp 7.

Sôi động “chợ” giáo án

Trên mạng xã hội, chỉ cần gõ “bán giáo án online” đã ra hàng chục kết quả về các hội nhóm liên quan, từ chia sẻ, miễn phí đến trao đổi, mua bán. Truy cập vào một trang tài khoản Facebook mang tên một môn học cấp trung học cơ sở, trang này có mấy chục nghìn giáo viên cùng tham gia, phóng viên đọc được vô vàn tin nhắn của các thành viên hỏi xin, mua, trao đổi, thậm chí chào bán công khai giáo án đã soạn sẵn.

Một tài khoản đăng xin tài liệu dạy lớp 7 môn Khoa học tự nhiên, bộ sách Chân trời sáng tạo chỉ sau 1 ngày đã có tới hơn 50 lượt bình luận công khai, chưa kể phần nhắn tin riêng. Trong vai một người cần mua bộ giáo án này, phóng viên đã liên lạc với một tài khoản T. N. qua số điện thoại đăng trong bài và được giới thiệu cần loại giáo án của bộ sách nào, môn học nào cũng có do người này làm việc tại một trung tâm có nhiều thầy cô dạy tất cả các khối lớp. Mức giá người này đưa ra là 500.000 đồng/bộ giáo án kỳ 1, nếu mua cả năm sẽ được giảm giá còn 800 nghìn đồng.

“Giáo án khối 3, 7 và 10 năm nay là cao nhất do năm đầu thực hiện dạy học, thầy cô phải có kinh nghiệm, chuyên môn vững mới soạn mẫu được. Còn các lớp 1, 2, 6 vì đã có thực tế rồi nên mức giá chỉ mang tính chất trao đổi, thậm chí cho tặng để các thầy cô tham khảo” - người này nói và đề nghị kết bạn qua Zalo để gửi một vài hình ảnh giáo án mẫu để tham khảo. Nếu đồng ý sẽ chuyển khoản trước và vài phút sau đó, giáo án mẫu sẽ được gửi qua email. Đồng thời còn khẳng định chắc chắn đây là tài liệu được soạn bởi giáo viên, thậm chí giảng viên các trường sư phạm có tiếng nên về có thể áp dụng vào giảng dạy ngay, không cần chỉnh sửa gì.

Tại nhiều trang chia sẻ tài liệu giáo dục khác, như 123d…org, viol…vn, dethi…com,… những bài viết mua, xin giáo án và vô vàn các thứ khác như sáng kiến kinh nghiệm, ý tưởng dự thi khoa học kỹ thuật… đều được đăng tải công khai.

Bà T.M.P. (giáo viên ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, bà được phân công dạy lớp 6 năm học này môn Toán. Vì là năm thứ 2 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp này nên ngay trong tổ bộ môn, các thầy cô cũng khuyến khích tham khảo giáo án đã soạn của năm trước. “Tất nhiên, không ai bê nguyên xi giáo án đã soạn của đồng nghiệp thành của mình, nhưng việc tham khảo thì tôi thấy bình thường vì lần đầu thay đổi, có mẫu sẽ đỡ mất thời gian hơn nhiều. Đó là chưa kể nhiều cột, nhiều bảng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để soạn đúng, đủ rất mất thời gian” - bà P. nói và cho biết, cũng có lúc “bí” quá cũng lên mạng xin giáo án mẫu do các đồng nghiệp khác chia sẻ, nhưng đây là nhóm bạn cùng lớp đại học nên độ tin cậy cao và đều miễn phí.

“Cởi trói” cho giáo án

Với Chương trình GDPT 2006, một bài học dạy hàng chục năm, nhiều giáo viên cho hay gần như thuộc lòng giáo án. Những giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm hầu như không sử dụng đến giáo án để giảng bài.

Mọi sự thay đổi khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai lần lượt ở các cấp học, Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) liên tục có những thay đổi về phương pháp giảng dạy, điều chỉnh một số nội dung trong sách giáo khoa, lồng ghép tích hợp vào từng địa chỉ của môn học… Điều này buộc giáo viên phải thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung giáo án cho phù hợp với thực tế. Nhiều giáo viên ngại làm hoặc không biết làm sẽ đi xin hoặc dùng tiền để mua giáo án.

Nhiều giáo viên lần đầu soạn giáo án theo chương trình, sách giáo khoa mới, mặc dù đã có sách hướng dẫn giáo viên, nhiều sách bài giảng và hướng dẫn tham khảo trên thị trường song để soạn đúng theo Công văn 5512 Bộ GDĐT đưa ra không đơn giản.

Tài khoản N.T.L. trên một diễn đàn giáo dục thẳng thắn chia sẻ, với thu nhập tương đối thấp của mình, nếu làm được, chẳng giáo viên nào chấp nhận đi mua giáo án mẫu làm gì. Hoặc là quá khó vì nhiều yêu cầu mới, rối rắm, trùng lặp hoặc vì quá mất thời gian nên giáo viên đành phải tìm đến phương án đi mua, xin để đối phó khi kiểm tra. Còn bình thường trên lớp, thầy cô đều có sẵn giáo án khác đơn giản, linh hoạt hơn để giảng dạy phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học sinh.

Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, đã là giáo viên thì phải biết soạn giáo án là yêu cầu bắt buộc. Tham khảo đồng nghiệp, các bài giảng mẫu hiện nay tài liệu miễn phí rất nhiều trên mạng nhưng để ứng dụng vào tiết dạy của mình, nhất định giáo viên phải dành thời gian, nghiên cứu, chắt lọc những gì phù hợp thì tiết dạy mới hiệu quả, được học sinh đón nhận hào hứng. Nếu mua giáo án trên mạng, vấn đề chất lượng khó ai kiểm chứng, chưa kể chuyện bản quyền… Nên theo bà Tuyết, các đồng nghiệp có ý định mua, xin giáo án mẫu trên mạng cần cẩn trọng.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, tại trường mình, giáo án là một quy định bắt buộc nhưng không khuôn mẫu. Giáo viên luôn được khuyến khích sáng tạo từ việc soạn giáo án, áp dụng các phương pháp dạy học mới vào giảng dạy. Và hiệu quả sẽ nhìn thấy ngay trong mỗi tiết học, học sinh có hào hứng với bài học không, có hiểu bài không… chứ không nằm trên những trang giáo án nên giáo viên không bị áp lực phải soạn giáo án để đối phó với ban giám hiệu, với tổ trưởng bộ môn.

Nếu thầy cô mua, bán giáo án trên mạng xã hội, bê nguyên xi thành giáo án của mình để làm đẹp hồ sơ, để đối phó mà không có sự đầu tư, chỉnh sửa, tâm huyết của mình để phù hợp với học trò của mình thì đó là sự gian dối, chưa làm tốt bổn phận của nhà giáo. Không thể dạy học trò trung thực nếu chính giáo viên chưa trung thực trong mỗi hành động, việc làm của mình, dù bao biện bằng bất cứ lý do gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường giáo án 'nở rộ' trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO