8.1.23

Thời đại thái cực (19): Tiến tới thiên niên kỉ mới

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (19)

THE AGE OF EXTREMES

Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ ba

SỤP ĐỔ

Chương 19

TIẾN TỚI THIÊN NIÊN KỈ MỚI

 

“Chúng ta đang ở buổi bình minh của một kỉ nguyên mới mà đặc điểm là một tình trạng bất an lớn, một cuộc khủng hoảng thường trực và thiếu vắng mọi thế quân bình nguyên trạng […] Phải thấy rõ là chúng ta đang sống một trong những cuộc khủng hoảng của lịch sử mà Jacob Buckhardt đã mô tả. Ý nghĩa của nó cũng không kém cuộc khủng hoảng xảy ra sau năm 1945, dù rằng những điều kiện ban đầu để vượt qua khủng hoảng ngày nay dường như khả quan hơn. Ngày nay không có bên thắng cuộc, cũng không có cường quốc thất trận, kể cả ở Đông Âu.”

M. STÜRMER, trong Bergedorf, 1993, tr. 59

 

“Dù rằng lí tưởng trần gian của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, các vấn đề mà các chủ nghĩa ấy có tham vọng giải quyết vẫn còn đó: sự khai thác trâng tráo những lợi thế xã hội, quyền lực quá mức của đồng tiền, mà đồng tiền lại thường chỉ đạo các biến cố. Nếu không biết lấy bài học chung của thế kỉ XX làm vc-xin phòng ngừa, thì bão tố sẽ trở lại với tổng lực của nó”.

Alexander SOLZHENITSYN, trong New York Times, 28.11.1993

 

“Đối với một nhà văn, được nghiệm sinh sự cáo chung của ba nhà nước là một điều may mắn: nền cộng hòa Weimar, nhà nước phát-xít và CHDC Đức. Tôi không nghĩ là mình sẽ sống đủ lâu để chứng kiến sự cáo chung của nhà nước Cộng hòa Liên bang”.

Heiner MÜLLER, 1992, tr. 361

 

I

 

Thế kỉ XX Ngắn kết thúc trong những vấn đề mà chẳng ai có giải pháp hoặc dám nói là có giải pháp. Trong khi mà công dân của trái đất những tháng năm mạt kì đang mò mẫm tiến sang thiên niên kỉ mới trong mây mù của thế kỉ, điều duy nhất mà họ biết chắc là một thời đại lịch sử đã chấm dứt. Ngoài ra, họ chẳng biết gì hơn.

Thế là, lần đầu tiên từ hai thế kỉ, thế giới của thập niên 1990 không còn có một hệ thống quốc tế, một cấu trúc nào. Chỉ một điều là, sau năm 1989, hàng chục quốc gia xuất hiện mà không có một cơ chế độc lập để xác định biên giới – cũng chẳng có bên thứ ba được chấp nhận là không thiên vị để đứng ra làm trung gian – tự nó cũng cho thấy rõ rồi. Còn đâu những hiệp hội cường quốc xưa kia đã đứng ra vạch rõ, hay ít nhất chính thức thông qua đường biên giới có tranh chấp? Đâu rồi những nước thắng trận trong Thế chiến thứ Nhất đã kiểm soát việc vẽ lại bản đồ châu Âu và thế giới, áp đặt đường biên giới ở chỗ này, tổ chức trưng cầu dân ý ở chỗ kia? Còn đâu những hội nghị quốc tế, mà các nhà ngoại giao trước đây rất quen thuộc, khác hẳn những cuộc họp thượng đỉnh ngắn ngủi đã thay thế vào đó, mà thực chất là những tiết mục truyền thông bao giờ cũng đi kèm cảnh đứng hàng ngang chụp ảnh?

Vào cuối thiên niên kỉ, thực sự có bao nhiêu cường quốc tầm cỡ quốc tế, cũ và mới? Quốc gia duy nhất thực sự được quốc tế thừa nhận là đại cường, theo ngữ nghĩa của năm 1914, là Hoa Kỳ. Điều đó mang ý nghĩa thực tiễn như thế nào, vẫn còn khá mông lung. Nước Nga đã bị thu hẹp, trở về với kích thước hồi giữa thế kỉ XVII. Từ thời Piotr đệ nhất tới nay, chưa bao giờ nước Nga lại trở thành “đại lượng không đáng kể” như vậy. Vương quốc Anh và nước Pháp chỉ còn thế lực khu vực, việc họ có vũ khí hạt nhân không che giấu được điều đó. Đức và Nhật Bản đúng là những “đại cường kinh tế” nhưng cả hai nước đều không muốn đặt tài nguyên kinh tế đồ sộ lên các lực lượng vũ trang theo kiểu truyền thống, ngay khi họ có quyền tự do thực hiện điều đó, tuy chẳng ai biết trong tương lai họ sẽ làm thế nào. Còn Liên hiệp châu Âu thì thế lực chính trị quốc tế ra sao? Đường lối kinh tế thì có, đường lối chính trị chung cũng muốn có đấy, nhưng rõ ràng là không có được, dù cho chỉ là giả tảng. Ngoại trừ một số nhỏ ra, không chắc gì sang tới năm thứ 25 của thế kỉ, các quốc gia hiện hữu sẽ còn tồn tại dưới dạng thức hiện nay.

Bản chất các diễn viên trên sân khấu quốc tế đã không rõ ràng, bản chất các mối nguy cơ mà thế giới phải đối diện cũng chẳng rõ ràng gì hơn. Thế kỉ XX Ngắn là thế kỉ của những cuộc chiến tranh thế giới, nóng hay lạnh, do các đại cường hay đồng minh của họ tiến hành, với những kịch bản hủy diệt hàng loạt ngày càng kinh khủng, chỉ còn đỉnh điểm là cuộc hủy diệt hạt nhân toàn cầu may thay là đã tránh được. Nguy cơ này rõ ràng không còn nữa. Bất luận tương lai sẽ ra sao, sự biến mất hay sự biến đổi của các diễn viên cũ của tấn kịch thế giới – chỉ còn lại một diễn viên – có nghĩa là rất ít khả năng xảy một cuộc Thế chiến thứ Ba theo kiểu cũ.

Đương nhiên điều đó không có nghĩa là thời đại chiến tranh đã chấm dứt. Cuộc chiến tranh Anh-Argentina (đảo Malvinas) năm 1983, và cuộc chiến tranh Iran-Irak 1980-1988, không dính dấp gì tới cuộc đụng đầu giữa các siêu cường, chứng tỏ chiến tranh vẫn còn là một khả năng thường xuyên. Trong những năm sau 1989, diễn ra nhiều cuộc hành quân ở châu Âu, châu Á, châu Phi hơn bất cứ thời kì nào người ta còn nhớ được, mặc dầu không phải tất cả được chính thức coi là chiến tranh: Liberia, Angola, Sudan và Vùng Sừng châu Phi, Nam Tư cũ, Moldovia, mấy nước ở vùng Kapkaz và Nam Kapkaz, tại vùng Trung Đông luôn luôn bùng nổ, vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ và ở Afghanistan. Bởi lẽ, trong tình huống sụp đổ và tan rã của nhiều quốc gia, không biết ai đánh nhau với ai và vì sao đánh nhau, nên khó gọi các hoạt động quân sự ấy là chiến tranh, quốc tế hay nội chiến, theo nghĩa cổ điển. Song người dân sống ở những khu vực ấy khó cảm nhận là họ đang sống trong hòa bình, nhất là, như ở Bosnia, Tajikistan hay Liberia, trước đó không lâu, họ đã biết thế nào là hòa bình. Ngoài ra, như vùng Balkan đầu thập niên 1990 cho thấy, không có một lằn ranh rõ rệt giữa các những cuộc nội chiến khu vực và các cuộc nội chiến dễ nhận dạng trong quá khứ, vả lại, nội chiến khu vực có thể dễ dàng trở thành nội chiến cổ điển. Tóm lại, mối nguy cơ toàn cầu về chiến tranh không hề biến mất. Nó chỉ biến đổi thôi.

Người dân sống ở các nước ổn định, giàu mạnh (Liên hiệp châu Âu đối sánh với những vùng lân cận, Bắc Âu đối sánh với các nước bên kia bờ biển Baltic và Liên Xô cũ) chắc có thể nghĩ rằng đất nước họ được bảo đảm không rơi vào tình trạng mất an ninh và chém giết như ở những khu vực đáng thương của Thế giới thứ Ba hay phe xã hội chủ nghĩa cũ, nhưng nghĩ như vậy là lầm to, tình hình không phải như thế. Chẳng phải là khả năng có thêm một số nhà nước rơi vào cảnh chia cắt hay nổ tung. Độc lập với điều ấy, có một sự thay đổi quan trọng (nhưng thường không nhận thấy) xảy ra trong nửa sau thế kỉ XX, làm cho các nhà nước suy yếu, chỉ vì mất đi độc quyền sức mạnh hiệu lực – độc quyền này vốn là tiêu chuẩn quyền uy của nhà nước ở mọi khu vực dân cư thường trực. Tôi muốn nói tới sự dân chủ hóa các phương tiện tàn phá: hiện tượng này đã làm thay đổi viễn ảnh bạo lực hay đắm chìm ở mọi nơi trên thế giới.

Từ nay, những nhóm nhỏ gồm những phần tử li khai hay gì khác có khả năng phá rối hay gây ra bạo lực ở bất cứ đâu: chỉ cần đơn cử các hoạt động của IRA ở Vương quốc Anh và cuộc tấn công năm 1993 vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Cho đến cuối thế kỉ, chi phí của các hoạt động này (không nói tới chi phí của các công ti bảo hiểm) còn khiêm nhường, bởi vì, trái với thành kiến thông thường, khủng bố phi chính quyền ít mù quáng hơn hẳn các cuộc ném bom trong chiến tranh chính thức, mục đích của nó (nếu có) chủ yếu chính trị hơn là quân sự. Thêm nữa, ngoại trừ những vụ dùng chất nổ, khủng bố thường tiến hành bằng vũ khí cá nhân, nhằm giết người ở quy mô nhỏ hơn là tàn sát số đông. Tuy nhiên, không có lí do gì để mà vũ khí hạt nhân, vật liệu và công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân (phổ biến khá rộng rãi) sẽ không được thích nghi để sử dụng, nhắm vào một mục tiêu nhất định.

Hơn nữa, sự dân chủ hóa các phương tiện hủy hoại đã làm tăng gấp bội chi phí cho việc chế ngự bạo lực phi chính thức. Để đối phó với vài trăm chiến sĩ của những nhóm bán quân sự Công giáo và Tin lành Ulster, chính quyền nước Anh đã phải triển khai thường xuyên ở tỉnh này khoảng 20 nghìn quân sĩ và 8 nghìn cảnh sát, chi tiêu lên tới ba tỉ bảng Anh mỗi năm. Cái gì ứng với những cuộc nổi loạn nhỏ và những hình thức bạo lực quốc nội lại càng đúng cho những cuộc xung đột ngoài biên giới. Không có nhiều tình huống quốc tế trong đó ngay những nước giàu sẵn sàng chịu những chi phí vô hạn định.

Sau ngày chấm dứt Chiến tranh Lạnh, nhiều tình huống xảy ra, trong đó phải kể Bosnia và Somalia, cho thấy rõ sức mạnh của các nhà nước đã tỏ ra hạn chế một cách bất ngờ. Qua đó cũng thấy rõ nhân tố trở thành nguyên nhân chính của sự căng thẳng trong tình hình quốc tế sang thiên niên kỉ mới: sự cách biệt ngày càng tăng giữa các bộ phận giàu và nghèo trên thế giới, quan hệ giữa hai bộ phận ấy ngày càng căng. Sự tăng cường của chủ nghĩa toàn thủ Islam rõ ràng nhắm mũi công kích vào sự hiện đại hóa thông qua Tây hóa, vào chính “phương Tây”. Không phải ngẫu nhiên mà những phần tử toàn thủ Islam gây chuyện với du khách phương Tây, như ở Ai Cập, hay sát hại những kiều dân phương Tây, như ở Algeria. Ngược lại, xu hướng bài ngoại ở các nước giàu thì chĩa mũi dùi vào những cư dân gốc Thế giới thứ Ba, và Liên hiệp châu Âu đã phong tỏa biên giới để ngăn chặn dòng nhập cư kiếm việc của người dân Thế giới thứ Ba. Ngay ở Hoa Kỳ, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cương quyết chống lại chính sách khoan dung trên thực tế đối với dòng nhập cư không hạn chế.

Thế mà, về chính trị cũng về mặt quân sự, mỗi phe đều ở ngoài tầm với của phe kia. Trong hầu như mọi cuộc xung đột công khai có thể xảy ra giữa các nhà nước phương Bắc và nhà nước phương Nam, thì phương Bắc, với ưu thế áp đảo về kĩ thuật, đương nhiên sẽ toàn thắng: cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã chứng tỏ một cách thuyết phục. Cho dù một nước Thế giới thứ Ba có dăm ba tên lửa đạn đạo – ấy là giả sử nó có phương tiện bảo trì và phóng tên lửa – thì cũng có ít khả năng ngăn đe thực sự, vì các nước phương Tây, như Israel và liên minh trong chiến tranh chống Irak đã cho thấy, sẵn sàng và có khả năng tấn công ngăn ngừa trước những nước thù địch quá yếu để thực sự là mối đe dọa. Đứng về mặt quân sự, Thế giới thứ Nhất có thể an nhiên coi Thế giới thứ Ba, nói như Mao Trạch Đông, là “con hổ giấy”.

Tuy nhiên, sang nửa sau thế kỉ XX, thấy rõ hơn là trong cuộc xung đột với Thế giới thứ Ba, thế giới tư bản có thể giành thắng lợi trong những trận đánh, còn trong những cuộc chiến tranh thì không. Mà có đi nữa, thì chiến thắng cũng không bảo đảm là sẽ kiểm soát được các lãnh thổ giành được. Con chủ bài lớn nhất của chủ nghĩa đế quốc đã mất đi rồi: dân chúng thuộc địa, một khi bị chinh phục, không chịu ngồi yên chịu sự cai trị của một nhóm nhỏ quân đội chiếm đóng. Đế chế Habsburg trước đây chẳng gặp khó khăn gì trong việc cai quản Bosnia-Herzegovina, nhưng sang đầu thập niên 1980, các cố vấn quân sự đã giải thích cho chính phủ nước họ là muốn bình định mảnh đất đau thương bị chiến tranh xâu xé này, cần hàng trăm nghìn binh sĩ, nghĩa là phải huy động lực lượng như trong một cuộc đại chiến, trong một thời gian không hạn định. Somalia vốn đã là một thuộc địa bất trị, có lần, trong một thời gian ngắn, nước Anh đã phải đưa sang đó một lực lượng vũ trang do một trung tướng chỉ huy. Nhưng ở London và Roma, không ai nghĩ rằng Mohammed ben Abdullah, nổi tiếng dưới danh hiệu “Mad Mullah” (Mullah “Điên”), có thể trở thành một vấn đề nan giải cho các chính phủ thuộc địa Anh và Italia. Thế mà, sang đầu thập niên 1990, Hoa Kỳ và những đơn vị còn lại của lực lượng chiếm đóng của Liên Hợp Quốc – cả mấy vạn binh sĩ – đã phải nhục nhã rút lui khi phải đối mặt với viễn tượng chiếm đóng vô thời hạn mà lại không có mục đích rõ ràng. Ngay Hoa Kỳ hùng mạnh cũng phải tái mặt ở Haiti – một nước vốn là chư hầu và lệ thuộc Washington – trước một viên tướng bản địa, chỉ huy một quân đội bản địa do Hoa Kỳ vũ trang và huấn luyện, khi viên tướng này không chịu để cho tổng thống, được bầu và đã được Hoa Kỳ (miễn cưỡng) ủng hộ, trở về nước, và thách đố Hoa Kỳ đưa quân sang chiếm đóng. Từ năm 1915 đến 1934, Hoa Kỳ đã không do dự chiếm đóng, nhưng lần này không dám. Chẳng phải vì quân đội Haiti (gồm chừng độ một nghìn côn đồ mang quân phục) đặt ra một vấn đề quân sự gì, mà chỉ vì không tài nào giải quyết được vấn đề Haiti bằng vũ lực.

Tóm lại, thế kỉ XX đã kết thúc trong tình trạng hỗn độn chung, tính chất sự hỗn độn lại không rõ ràng, và không thấy một cơ chế nào khả dĩ chấm dứt hay chế ngự được tình hình ấy.

 

II

 

Nguyên nhân sự bất lực không phải chỉ do các cuộc khủng hoảng thế giới thực sự sâu sắc và phức tạp, mà còn vì sự thất bại nhãn tiền của các thứ chương trình cũ mới nhằm xử lí hay cải thiện công việc của loài người.

Thế kỉ XX là thế kỉ của những cuộc chiến tranh tôn giáo, dù những tôn giáo hăng hái nhất, khát máu nhất lại là những hệ tư tưởng thế tục của thế kỉ XIX, như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa quốc gia, thay thế thần thánh bằng những ý niệm trừu tượng hay những nhà chính trị được tôn thờ như thần thánh. Có lẽ những dạng thức tôn thờ thế tục cực đoan nhất, trong đó có nạn sùng bái cá nhân, cũng đã suy sụp trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nói chính xác hơn, các “giáo hội” hoàn vũ ấy đã chia năm xẻ by thành những tông phái kình địch nhau. Tuy vậy, sức mạnh của họ không hẳn nằm trong khả năng khơi dậy được những cảm xúc gần giống như cảm xúc tôn giáo truyền thống – chủ nghĩa liberal kinh tế không hề nghĩ tới việc này – mà trong sự hứa hẹn mang lại giải pháp lâu bền cho những vấn đề của một thế giới đang lâm vào khủng hoảng. Và điều ấy, chúng không làm được nữa khi thế kỉ gần tàn.

Sự sụp đổ của Liên Xô tất nhiên đã tập trung sự chú ý vào thất bại của chủ nghĩa cộng sản Soviet, nghĩa là của cố gắng xây dựng toàn bộ nền kinh tế trên quyền sở hữu của nhà nước về mọi phương tiện sản xuất và trên kế hoạch hóa tập trung toàn diện mà hoàn toàn không tính đến thị trường hay các cơ chế định giá. Tất cả các hình thái lịch sử khác của lí tưởng XHCN cũng đều giả định một nền kinh tế đặt trên nền tảng sở hữu của xã hội về toàn bộ phương tiện sản xuất, phân phối và trao đổi (nhưng không nhất thiết là sở hữu của nhà nước tập trung), cũng như sự loại trừ doanh nghiệp tư nhân, cung cấp tài nguyên thông qua thị trường cạnh tranh. Vì vậy, sự thất bại của mô hình Liên Xô đã tác hại cả những khát vọng của chủ nghĩa xã hội không cộng sản, mác-xít hay phi mác-xít, dù rằng không có một chính quyền nào thuộc loại này thực sự muốn thiết lập một nền kinh tế XHCN. Còn câu hỏi liệu chủ nghĩa Marx còn tồn tại nữa không, và dưới dạng thức nào, thì câu trả lời còn bỏ ngỏ. Song có một điều hiển nhiên là: Marx còn đó như một nhà tư tưởng kiệt xuất – điều đó thật ra chẳng ai nghi ngờ – nhưng không một phiên bản nào của chủ nghĩa Marx (được đưa ra từ năm 1880 đến nay) như học thuyết hành động chính trị và khát vọng của những phong trào XHCN, có cơ may tồn lưu dưới dạng nguyên thủy.

Margaret Thatcher (1925-2013)

Mặt khác, mọi “phản – không tưởng” đối nghịch với giấc mơ không tưởng Soviet cũng hiển nhiên đã thất bại. Đó là niềm tin “thần học” vào một nền kinh tế mà tài nguyên được cấp toàn bộ cho một thị trường không bị kiềm chế, cạnh tranh vô hạn chế – người ta rao giảng rằng như vậy sẽ tạo ra của cải và dịch vụ tối đa, kèm theo hạnh phúc tràn trề, lập ra một xã hội duy nhất xứng đáng với tên gọi “tự do”. Chưa bao giờ tồn tại một xã hội thả lỏng tất tật như vậy. Cũng may là không như giấc mơ không tưởng Soviet, trước năm 1980, người ta chưa bao giờ kiến lập, trên thực tế, xã hội không tưởng liberal cực đoan như vậy. Trong thế kỉ XX, chủ nghĩa liberal cực đoan chỉ tồn tại dưới dạng một nguyên tắc mà người ta dùng để phê phán những thất bại của những nền kinh tế hiện tồn và sự bành trướng của quyền lực nhà nước và của bộ máy quan liêu. Ở phương Tây, nỗ lực có tính chất hệ thống để thực hiện chủ nghĩa liberal cực đoan là của chính quyền Thatcher ở Vương quốc Anh, cũng đã phải tiến hành từng bước. Ý kiến chung đều thừa nhận, khi chính phủ Thatcher bị lật, là cố gắng này đã thất bại. Đến khi người ta muốn kiến lập nền kinh tế thả lỏng để nhanh chóng thay thế nền kinh tế Liên Xô và những nước XHCN, theo “liệu pháp sốc” của những cố vấn phương Tây, đã dẫn tới những kết quả kinh khủng về kinh tế, tai hại về mặt xã hội và chính trị. Dù thanh lịch đến đâu chăng nữa, những lí thuyết nền tảng của thần học tân liberal đều chẳng mấy liên quan tới thực tế.

Sự thất bại của mô hình Soviet đã củng cố những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản trong niềm tin là kinh tế không thể bỏ qua thị trường chứng khoán. Sự thất bại của mô hình liberal cực đoan củng cố những người XHCN trong sự tin tưởng, có căn cơ hơn, rằng công việc của con người, trong đó có kinh tế, quá quan trọng nên không thể phó mặc cho thị trường. Nó cũng mang thêm sức nặng cho nghi vấn của những nhà kinh tế hoài nghi: không có liên quan biểu kiến nào giữa sự thành bại kinh tế của một nước và sự cao siêu của các nhà lí luận kinh tế của nước ấy[196]. Rất có thể rằng, trong cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, các thế hệ tương lai sẽ chỉ nhìn thấy tàn tích của các cuộc chiến tranh tôn giáo có tính tư tưởng hệ của thế kỉ XX. Sang thiên niên kỉ thứ ba, có lẽ nó cũng buồn cười như cuộc cãi cọ giữa người Công giáo và người Tin lành thế kỉ XVII, nhìn lại từ thế kỉ XVIII hay XIX.

Nghiêm trọng hơn cả sự sụp đổ của hai cực đoan này là sự mất phương hướng trong những chương trình và chính sách trung dung đã mang lại những phép lạ kinh tế đáng kể nhất của thế kỉ. Với tinh thần thực tiễn, đường lối trung dung này đã hòa trộn công và tư, thị trường và kế hoạch hóa, nhà nước và doanh nghiệp tùy theo hoàn cảnh và hệ tư tưởng địa phương. Nói cụ thể, vấn đề không phải là áp dụng một lí thuyết hấp dẫn hay nổi trội về mặt trí tuệ – bất luận lí thuyết đó có vững vàng hay không trong trừu tượng – bởi vì sức mạnh của các chương trình kinh tế nằm trong thành tựu thực tiễn của chúng hơn là trong tính nhất quán trí thức. Các thập niên Khủng hoảng đã cho thấy rõ những hạn chế của các đường lối chính trị của Thời đại Hoàng kim, mà chưa tạo ra được những giải pháp thay thế có đủ sức thuyết phục. Chúng cũng biểu lộ những hậu quả xã hội và văn hóa bất ngờ mà ngoạn mục của thời đại cách mạng kinh tế thế giới, bắt đầu từ năm 1945, cũng như cái giá phải trả tiềm thể ghê gớm về mặt môi trường. Tóm lại, rõ ràng là những định chế tập thể của con người không còn làm chủ được những kết quả tập thể của hoạt động con người. Sự thật, một trong những điều mà sự không tưởng tân liberal quyến rũ tới mức đó, và một phần giải thích được sự thời thượng ngắn ngủi của thuyết này, chính là ở chỗ nó cho rằng không cần tới những quyết định tập thể. Hãy để cho mỗi người đi tìm sự thỏa mãn cho mình, đừng ngăn cản gì cả, thì kết quả thế nào cũng là tối ưu. Thậm chí, người ta còn dám đoan chắc, mọi con đường khác đều tồi tệ hơn.

Nếu như các hệ tư tưởng “có cương lĩnh” ra đời trong Thời đại Cách mạng và trong thế kỉ XIX đến cuối thế kỉ XX đều bị kẹt máy, thì phần đông các nhà hướng dẫn xưa cũ lạc lõng trong thế giới này – các tôn giáo truyền thống – không mang lại được giải pháp thay thế nào khả dĩ. Các tôn giáo phương Tây thì rối loạn, ngay cả ở những nước hiếm hoi – đứng đầu là Hoa Kỳ, một điều bất bình thường khá kì quặc – mà tỉ số theo đạo và đi lễ vẫn ở mức bình thường (Kosmin, Lachmann, 1993). Sự thoái trào của các tông phái Tin lành tăng tốc, nhà thờ và nhà nguyện xây dựng từ đầu thế kỉ vắng bóng tín đồ hay đem bán để dùng làm việc khác, ngay cả ở những nước như xứ Wales (thuộc Vương quốc Anh) mà tôn giáo này đã góp phần cấu thành bản sắc dân tộc. Từ những năm 1960 trở đi, như ta đã thấy, sự thoái trào của Công giáo đã tăng tốc. Ngay ở những nước cộng sản cũ, nơi mà Giáo hội vốn có lợi thế tượng trưng cho sự đối lập với những chế độ mất hẳn lòng dân, thì con chiên cũng có xu hướng xa lánh chủ chăn như những nơi khác. Đôi khi có nhà quan sát tưởng đã nhận thấy dấu hiệu trở lại của chính thống giáo, nhưng đến cuối thế kỉ, vẫn chưa thấy gì. Tiến trình này không phải bất khả, nhưng ít khả năng xảy ra. Ngày càng ít người, nam cũng như nữ, còn lắng nghe học thuyết của những tôn giáo Ki-tô, bất luận giá trị của những tôn giáo ấy như thế nào.

Sự đi xuống và lụn bại của các tôn giáo truyền thống không được đền bù (ít nhất trong xã hội đô thị của các nước phát triển) bằng sự phát triển của những tôn giáo chiến đấu và bè phái, hay sự đi lên của những thờ phượng và cộng đồng mới, càng ít hơn nữa bằng ao ước của biết bao người muốn thoát ra khỏi một thế giới mà họ không thể hiểu nổi, không thể làm chủ, để trú ẩn dưới đủ loại tín ngưỡng mà sự phi lí tính lại làm nên sức mạnh. Không nên để sự hiện diện công khai của những tông phái, phụng vụ và tín ngưỡng này làm ta quên rằng sức tuyển mộ của chúng tương đối yếu. Chỉ có khoảng từ 3-4% người Do Thái ở Anh đi theo một tông phái hay nhóm chính thống cực đoan mà thôi. Số người Mỹ trưởng thành tham gia những tông phái chiến đấu và truyền giáo không quá 5%[197] (Kosmin, Lachmann, 1993, tr. 15-16).

Ở Thế giới thứ Ba và ngoài rìa, tình hình có khác, trừ khu vực Viễn Đông đông đúc là nơi mà nhờ truyền thống Nho giáo đã tránh được một quốc giáo nhưng vẫn có những tín ngưỡng bán chính thức. Người ta có thể tưởng rằng các tôn giáo truyền thống của Thế giới thứ Ba, biểu tượng cho tư duy bình dân về thế giới, từ nay sẽ chiếm lĩnh mặt tiền sân khấu công cộng, một khi mà người dân bình thường trở thành diễn viên chính. Điều này đã xảy trong những thập niên cuối của thế kỉ, trong khi mà thành phần ưu tú thiểu số, tách rời thần quyền, chủ trương canh tân và cũng đã đưa đất nước bước vào thế giới hiện đại, thì lại bị đưa ra ngoài lề (xem ch. 12). Hấp lực của tôn giáo nhuốm màu sắc chính trị lại càng lớn hơn nữa vì các tôn giáo cổ truyền đương nhiên là thù nghịch với văn minh phương Tây, tác nhân của những đảo lộn xã hội, thù nghịch các nước giàu, vô thần, đóng vai kẻ bóc lột các nước nghèo. Đối tượng bản xứ của sự chống đối là những người giàu có, Tây hóa, vợ con lại sống theo kiểu mới: yếu tố này mang lại một chút hơi hớm đấu tranh giai cấp cho phong trào. Ở phương Tây, người ta quen gọi chung dưới cái tên quen thuộc “chủ nghĩa toàn thống”. Bất luận tên gọi là gì, các phong trào này đều có chung một niềm hoài cổ, hướng về một quá khứ tưởng tượng, đơn giản hơn, ổn định hơn, dễ hiểu hơn hiện tại mà họ đang sống. Quay trở lại quá khứ thì vô phương, các hệ tư tưởng này lại chẳng có gì thích đáng để bàn về những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho những xã hội khác xa những cộng đồng du mục của Trung Đông; họ không đề ra được giải pháp nào cho các vấn đề ấy. Dùng lại hình ảnh ý nhị của Karl Kraus về khoa phân tâm học, ta có thể nói rằng những hệ tư tưởng ấy là hội chứng của “một căn bệnh tự coi là phương pháp trị liệu cho chính nó”.

Đó cũng là trường hợp của mớ hổ lốn những khẩu hiệu và cảm tính – không thể nào gọi đó là hệ tư tưởng – mọc lên trên hoang tàn của các định chế và hệ tư tưởng cũ, giống như những loài cỏ dại tràn ngập những thành phố châu Âu hoang phế sau Thế chiến thứ Hai. Tôi muốn nói tới xu hướng bài ngoại và chủ trương “định vị bản sắc”. Bác bỏ một hiện tại không thể chấp nhận không nhất thiết có nghĩa là nêu ra được các vấn đề, càng không có nghĩa là mang lại giải pháp cho các vấn đề (xem ch. 14, V.) Gần với một cương lĩnh thể hiện cái nhìn đó là “quyền tự quyết dân tộc” của Wilson và Lenin, khẳng định quyền của các “dân tộc” dựa trên sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa mệnh danh là “thuần nhất”. Nhưng trước thềm thiên niên kỉ mới, các thứ cương lĩnh này đều dẫn tới cái gì thậm vô lí, man dại và bi thảm. Đầu thập niên 1990, có lẽ đây là lần đầu tiên, những nhà quan sát biết điều, ở ngoài chính trường (ở ngoài những nhóm chủ nghĩa quốc gia chiến đấu) đã bắt đầu công khai đề nghị bãi bỏ “quyền tự quyết”[198].

Đây không phải là lần đầu tiên mà sự hỗn hợp thiểu năng trí tuệ với nhiệt tâm, thậm chí tuyệt vọng của quần chúng thể hiện mạnh mẽ như vậy về mặt chính trị trong một bối cảnh khủng hoảng, mất an ninh và – trên nhiều vùng rộng lớn của thế giới – sụp đổ của những nhà nước và định chế. Cũng như những phong trào uất ức giữa hai cuộc Đại chiến đã đẻ ra nạn phát-xít, các cuộc phản kháng về tôn giáo và chính trị ở Thế giới thứ Ba và khao khát về bản sắc, về trật tự xã hội vững chắc trong một thế giới đang tan rã (lời hiệu triệu “cộng đồng” thường đi đôi với kêu gọi gìn giữ “trật tự công cộng”) tạo thành mảnh đất màu mỡ cho sự lớn mạnh của những lực lượng chính trị hiệu quả, rồi những lực lượng này đi tới lật đổ những chế độ cũ để kiến lập những chế độ mới. Song các lực lượng này hoàn toàn không có khả năng mang lại giải pháp cho thiên niên kỉ mới, chẳng hơn gì phong trào phát-xít trước đây không đưa ra giải pháp nào cho Thời đại Tai họa. Đến cuối thế kỉ XX, cũng không thấy là họ tạo ra được những phong trào quần chúng dân tộc, như chủ nghĩa phát-xít đã tổ chức được một lực lượng chính trị mạnh mẽ trước khi nó nắm được vũ khí quyết định là quyền lực nhà nước. Chủ bài chính trong tay họ có lẽ là sự miễn dịch đối với khoa học kinh tế chính thức cũng như đối với ngôn từ mỹ miều chống nhà nước của chủ nghĩa liberal nhân danh thị trường. Nếu yếu tố chính trị đòi hỏi phải quốc hữu hóa trở lại một ngành công nghiệp nhất định, họ sẵn sàng làm, không màng gì tới những luận điểm phản biện bởi vì họ nghe mà không hiểu. Họ sẵn sàng làm bất cứ gì, nhưng cũng như mọi người khác, họ không biết phải làm gì.

 

III

 

Cũng như tác giả cuốn sách này, cố nhiên. Song, một số xu hướng của tiến trình dài hạn quá hiển nhiên, chúng cho phép chúng ta phác họa một vài vấn đề lớn của thế giới và nêu ra ít nhất một vài điều kiện cho một giải pháp.

Hai vấn đề trung tâm và, về lâu dài, có tính chất quyết định, là vấn đề dân số và vấn đề môi sinh. Theo ý kiến chung, thì dân số thế giới, sau thời kì tăng trưởng bùng nổ bắt đầu từ giữa thế kỉ XX, có lẽ tới khoảng năm 2030 sẽ ổn định ở mức 10 tỉ người, nghĩa là gấp 5 lần dân số năm 1950 – chủ yếu do suy giảm tỉ số sinh đẻ ở Thế giới thứ Ba. Nếu sự tiên liệu này sai, thì mọi giả thuyết về tương lai cũng mất hết giá trị. Nhưng dù sự tiên đoán này đại để là hiện thực, thì vấn đề vẫn đặt ra – và cho đến nay chưa hề được xử lí trên quy mô toàn cầu – là làm sao duy trì một dân số ổn định, và có lẽ thực tế hơn, một dân số lên xuống ít nhiều trên dưới một mức cố định hay tăng trưởng (giảm thiểu) nhè nhẹ. Còn nếu dân số thế giới sụt giảm hẳn đi – một điều ít có khả năng, nhưng không phải là không thể – thì sẽ có những hậu quả khá phức tạp. Tuy nhiên, những biến động có thể tiên đoán của dân số thế giới, dù ổn định hay không, cũng vẫn sẽ làm tăng sự mất cân đối giữa các khu vực. Nói chung, như tình hình đã diễn ra trong suốt thế kỉ XX, dân số các nước giàu và phát triển sẽ ổn định trước tiên, thậm chí sẽ không đủ tái sinh sản: tình hình này đã xảy ra tại một số nước ngay từ thập niên 1990.

Bao quanh các nước phát triển và giàu có là những nước nghèo, với đông đảo thanh niên khát khao tìm ra công ăn việc làm khiêm tốn ở các nước giàu, để trở thành những người khá giả nếu so với mc sống ở những nước như Salvador hay Morocco. Các nước giàu, nhiều người già, ít con trẻ, sẽ phải lựa chọn: chấp nhận cho nhập cư ồ ạt (sẽ nảy sinh những rối ren chính trị ở trong nước), hay tìm ra một phương thức khác. Phương thức hiện thực nhất là chấp nhận nhập cư tạm thời và có điều kiện, mà không chịu cho người ngoại quốc những quyền lợi chính trị và xã hội của công dân, và như vậy là tạo ra những xã hội không bình đẳng. Điều này sẽ dẫn tới những loại hình xã hội, đi từ xã hội apartheid không giấu giếm như chế độ Nam Phi trước đây và Israel hiện nay (hình thái này trên đà tiêu vong ở một số khu vực, nhưng không phải không có ở những khu vực khác), đến những xã hội thu dung một cách bán chính thức những người nhập cư không đòi hỏi quyền lợi gì hết ở nước cư trú vì chỉ coi đó là nơi họ sang kiếm tiền một thời gian, nhưng vẫn gắn bó với quê hương. Cuối thế kỉ XX, giải pháp này có khả năng áp dụng dễ dàng hơn trước vì điều kiện giao thông chuyên chở và khoảng cách to lớn giữa nước giàu và nước nghèo. Về dài hạn hay trung hạn, phương thức này có thể làm dịu bớt những đụng chạm có tính chất bùng nổ giữa người dân bản địa và người nước ngoài hay không, đó còn là điều tranh cãi bất đồng giữa những người lạc quan bằng mọi giá và những người hoài nghi không ảo tưởng.

Không ai có thể nghi ngờ sự kiện là sự xung khắc ấy sẽ là một nhân tố quan trọng trong chính trị quốc gia và quốc tế trong những thập niên tới đây.

Còn các vấn đề môi sinh, dù về lâu dài sẽ có tính chất quyết định, nhưng trước mắt không phải là những vấn đề bùng nổ. Nói như vậy không phải là coi nhẹ các vấn đề môi sinh, dù rằng, từ khi người ta bắt đầu ý thức được vấn đề và trong cuộc thảo luận công cộng những năm 1970, người ta thường đề cập một cách sai lệch, làm như ngày tận thế đã gần kề. Tuy nhiên, vẫn biết “hiệu ứng nhà kính” chưa làm cho nước biển dâng cao đến mức chìm ngập Hà Lan và Bangladesh, hay việc mỗi ngày có nhiều loại sinh vật biến mất không phải không có tiền lệ, song điều đó không cho phép chúng ta tự mãn. Giả dụ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức độ thế kỉ XX có thể và cứ tiếp tục mãi, thì tất nhiên sẽ gây ra những tại họa không thể đảo ngược cho môi trường, kể cả cuộc sống con người. Hành tinh sẽ không bị phá hủy, cũng không trở thành một hành tinh không thể nào sống được, nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi lối sống trong sinh quyển, và rất có thể làm cho loài người không thể tiếp tục sống với số dân hiện nay. Thêm nữa, nhịp độ hiện nay của công nghệ đã làm tăng khả năng loài người làm biến đổi môi trường tới mức, dù nhịp độ ấy không tăng tốc đi nữa, thời gian còn dư để xử lí vấn đề không đo bằng thế kỉ mà bằng thập niên.

Còn về đáp án cho cuộc khủng hoảng môi trường cận kề, chỉ có thể nói (gần như) chắc ba điều mà thôi. Một là, giải pháp chỉ có thể là giải pháp toàn cục, không có giải pháp cục bộ – cho dù loài người sẽ tranh thủ được khá nhiều thời gian nếu như 4% dân số toàn cầu (tức là những người đang sống ở Hoa Kỳ) chịu tiêu thụ dầu mỏ với giá thực tế. Hai là, mục tiêu của chính sách môi trường phải là vừa triệt để vừa thực tế. Những giải pháp thông qua thị trường, nghĩa là gộp cả những chi phí dành cho môi trường vào giá hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu thụ phải trả, đều là những giải pháp vừa không triệt để vừa không thực tế. Trường hợp Hoa Kỳ cho ta thấy rõ, chỉ đòi tăng thuế năng lượng lên một chút đã gây ra bao nhiêu khó khăn chính trị không thể khắc phục. Động thái giá dầu mỏ từ năm 1973 đến nay chứng tỏ, trong một xã hội tự do cạnh tranh, việc nhân giá năng lượng lên gấp 12 hay 15 lần, không hề làm giảm sự tiêu thụ năng lượng: nó chỉ làm cho sự tiêu thụ trở thành hiệu quả hơn, đồng thời khuyến khích đầu tư ồ ạt vào những nguồn năng lượng mới, và rất đáng ngờ về mặt môi sinh (đi tìm những nhiên liệu hóa thạch khác, cũng vẫn là những loại nhiên liệu không thay thế được). Việc này sẽ dẫn tới giảm giá, và lại khuyến khích sự phung phí. Mặt khác, những đề nghị theo kiểu “tăng trưởng zero (0%)”, nói chi đến huyễn tưởng trở về cái gọi là hài hòa nguyên thủy giữa con người và thiên nhiên, đúng là triệt để, nhưng hoàn toàn phi thực tế. Trong tình hình hiện nay, tăng trưởng “zero” sẽ duy trì sự bất bình đẳng giữa các nước – điều này mà người Thụy Sĩ trung bình nghe xuôi tai hơn là người dân bình thường ở Ấn Độ. Không phải ngẫu nhiên mà chủ trương của các phong trào bảo vệ môi trường được sự hưởng ứng chủ yếu ở các nước giàu và trong các thành phần khá giả và trung lưu của mọi nước (trừ các doanh nhân hi vọng làm giàu bằng các hoạt động gây ô nhiễm). Người nghèo, ngày càng đông và càng ít công ăn việc làm, mong muốn “phát triển” nhiều hơn, chứ không ít hơn.

Giàu hay nghèo, thì những người chủ trương bảo vệ môi trường có lí. Cần phải giảm nhịp độ tăng trưởng xuống mức “có thể chịu được” về trung hạn – một lối nói cố ý vô nghĩa; về lâu dài, phải tìm ra sự cân bằng giữa nhân loại, các tài nguyên (tái tạo được) mà nhân loại tiêu thụ, và tác động của con người trên môi trường. Chẳng ai biết và cũng ít ai dám hỏi phải làm thế nào, và cân bằng, là mức độ dân số, tiêu thụ và trình độ kĩ thuật phải ra sao. Các chuyên gia khoa học có thể chỉ cách làm thế nào để tránh một cuộc khủng hoảng không thể đảo ngược: tuy nhiên, để thiết lập được sự cân bằng, vấn đề không phải là khoa học kĩ thuật, mà là chính trị và xã hội. Song có một điều không thể phủ nhận: sự cân bằng ấy không thể tương thích với một nền kinh tế thế giới dựa trên cuộc chạy đua vô hạn định vì lợi nhuận của những doanh nghiệp mà lí do tồn tại là lợi nhuận, tranh đua nhau trên thị trường thế giới. Đứng trên quan điểm môi trường, trong tương lai của loài người, không có chỗ đứng cho chủ nghĩa tư bản của những thập niên Khủng hoảng.

 

IV

 

Các vấn đề của kinh tế thế giới, nếu xét từng cái một (trừ một biệt lệ), thì không đến nỗi quá nghiêm trọng. Nếu cứ để phó mặc, thì nền kinh tế ấy sẽ cứ tiếp tục tăng trưởng. Nếu các chu kì Keynes còn có cơ sở (xem ch. 3.I), thì kinh tế thế giới phải bước vào một thời kì phồn thịnh và bành trướng trước khi thiên niên kỉ chấm dứt, tuy có bị khựng lại một thời gian vì sự tan rã của chủ nghĩa xã hội Liên Xô, sự suy sụp đưa đẩy toàn bộ nhiều khu vực vào tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, và có lẽ vì cả sự gắn bó quá mức vào tự do mậu dịch trên quy mô thế giới, điều làm cho các nhà kinh tế học mê mẩn hơn là các nhà sử học về kinh tế. Quy mô sự bành trướng tuy vậy phải nói là đáng kể. Thời đại Hoàng kim, như đã thấy, chủ yếu là bước nhảy vọt to lớn của các nước kinh tế thị trường phát triển – tức là khoảng 20 nước với tổng số dân 600 triệu người (1960). Toàn cầu hóa và tái phân bố quốc tế về sản xuất đã đưa đại bộ phận của 6 tỉ người còn lại nhập cuộc kinh tế thế giới. Ngay những người bi quan bẩm sinh cũng phải thừa nhận là điều này đã mở ra cho nền kinh doanh những triển vọng hấp dẫn.

Sự biệt lệ nói ở trên là cái hố sâu ngăn cách các nước giàu và nước nghèo, hố sâu ngày càng mở rộng và hầu như không thể đảo ngược. Quá trình dường như lại tăng tốc do tác động tai hại của thập niên 1980 lên phần lớn Thế giới thứ Ba, do sự bần cùng hóa của nhiều nước XHCN cũ. Trừ phi tỉ lệ tăng trưởng dân số của Thế giới thứ Ba giảm hẳn đi, khoảng cách này dường như ngày càng tăng. Niềm tin của khoa học kinh tế tân cổ điển, theo đó các nước nghèo, nhờ mậu dịch quốc tế hoàn toàn tự do sẽ xích lại gần các nước giàu, niềm tin thiết tha ấy trái ngược với kinh nghiệm lịch sử cũng như với tri năng thông thường[199]. Một nền kinh tế thế giới phát triển mà tạo ra những chênh lệch ngày càng lớn hầu như chắc chắn sẽ tích tụ nhiều vấn đề.

Bất luận thế nào, các hoạt động kinh tế không và không thể tách rời bối cảnh chung cũng như các hậu quả của chúng. Vào cuối thế kỉ XX, nền kinh tế thế giới có ba khía cạnh đáng lo lắng. Thứ nhất, kĩ thuật tiếp tục xua đuổi nhân công ra khỏi khu vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ, mà không tạo ra những công việc mới thích hợp với những người bị sa thải, và cũng không mang lại tăng trưởng kinh tế đủ để sử dụng họ. Rất hiếm có những nhà quan sát nào tiên đoán nghiêm chỉnh là sẽ trở lại tình trạng toàn dụng nhân công, dù chỉ là tạm thời, như trong Thời đại Hoàng kim. Thứ hai, nhân công vẫn là một yếu tố quan trọng của sản xuất, nhưng quá trình toàn cầu hóa kinh tế lại di chuyển công nghiệp từ các trung tâm cũ ở các nước giàu, lương bổng cao, sang các nước mà chủ bài chính, trong điều kiện tương đương, là nhân công (tay chân và trí óc) rẻ. Từ đó dẫn tới một trong hai hậu quả: chuyển dịch nhân dụng sang các nước nhân công rẻ, hay (theo đúng quy luật thị trường) hạ thấp hẳn lương bổng ở các nước lương cao do sức ép của sự cạnh tranh giá nhân công trên thế giới. Những nước công nghiệp truyền thống như Vương quốc Anh đã trở thành nước có nhân công rẻ, với những hậu quả xã hội có tính chất bùng nổ, mà vẫn không cạnh tranh nổi với các nước mới công nghiệp hóa lương thấp. Trong quá khứ, nhà nước cưỡng lại áp lực cạnh tranh bằng chính sách bảo hộ. Nhưng nay, và đây là khía cạnh thứ ba đáng quan ngại của kinh tế thế giới vào lúc mạt kỉ này, sự thắng thế của toàn cầu hóa và sự thống trị của hệ tư tưởng thị trường đã làm suy yếu, thậm chí triệt tiêu phần lớn những công cụ cho phép quản lí những tác động xã hội của những đảo lộn kinh tế. Kinh tế thế giới trở thành một cái động cơ càng ngày càng mạnh mà không được kiềm chế. Có thể kiềm chế nó không, nếu có thì ai?

Điều này tất nhiên đã tạo ra những vấn đề kinh tế và xã hội, tuy rằng trước mắt, ở một số nước chúng trở thành bức xúc, còn ở những nước khác thì chưa.

Phép màu kinh tế của Thời đại Hoàng kim được nuôi dưỡng từ sự tăng trưởng thu nhập thực sự ở các nước “kinh tế thị trường” phát triển, vì các nền kinh tế tiêu thụ đại chúng cần phải có người tiêu thụ đại chúng có đủ thu nhập để mua sản phẩm tiêu thụ lâu bền công nghệ cao[200]. Thu nhập này chủ yếu là từ lương bổng trong thị trường lao động lương cao. Bây giờ, khối thu nhập ấy bị ảnh hưởng, trong khi nền kinh tế rất cần đại chúng tiêu thụ. Ở những nước giàu, tất nhiên, thị trường đại chúng đã được ổn định nhờ sự chuyển dịch nhân công từ công nghiệp sang khu vực thứ ba (là khu vực mà nhân công nói chung ổn định hơn nhiều), và nhờ sự gia tăng những chuyển giao xã hội (chủ yếu là bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội). Các khoản này vào cuối thập niên 1980 lên tới 30% trong GDP tổng cộng của các nước phát triển, so với những năm 1920 chưa tới 4% (Bairoch, 1993, tr. 174). Có lẽ điều này cũng giải thích tại sao sự suy sụp của Wall Street năm 1987, tức là sự suy sụp nặng nhất kể từ năm 1929, lại không dẫn tới sự đình đốn nghiêm trọng như thập niên 1930 của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Hai yếu tố ổn định ấy tuy nhiên cũng bị suy mòn. Thế kỉ XX gần tàn, chính phủ các nước phương Tây và học thuyết kinh tế chính thống đều nhất trí nói rằng phí tổn bảo hiểm và bảo hộ xã hội quá cao, cần phải giảm bớt, mặt khác, việc giảm hàng loạt nhân công trong khu vực hoạt động thứ ba vốn ổn định – cơ quan hành chính, ngân hàng tài chính, công việc văn phòng trở thành dư thừa do tiến bộ kĩ thuật – đã trở thành một hiện tượng thông thường. Những đe dọa này chưa trở thành hiểm nghèo ngay cho nền kinh tế thế giới chừng nào sự suy sụt của các thị trường cố hữu được bù trừ bằng sự phát triển ở các khu vực khác trên thế giới, hay chừng nào mà tổng số những người tăng thu nhập thực sự tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng trung bình. Nói huỵch toẹt hơn, nếu kinh tế có thể bỏ ra ngoài lề một số nhỏ những nước nghèo, về mặt kinh tế bị coi là không đáng quan tâm và không đáng kể, thì nó cũng có thể đối xử tương tự với những người nghèo khó nhất ở trong biên giới, miễn là vẫn còn đủ những người tiêu thụ tiềm thể “đáng để ý”. Nhìn từ đỉnh núi thản nhiên để xem xét tình hình như các nhà kinh tế học và nhà kế toán doanh nghiệp, thì ai cần tới con số 10% người Mỹ mà tiền công theo giờ từ năm 1979 đến nay đã giảm đi 16%?

Một lần nữa, trong viễn tượng toàn cầu mặc nhiên của mô hình kinh tế liberal, những bất bình đẳng trong quá trình phát triển là điều không đáng kể, trừ phi người ta có thể chứng minh rằng nó trở thành lợi bất cập hại[201]. Nhìn như vậy, nếu so sánh giá cả rồi, không có gì cấm cản nước Pháp giải thể nông nghiệp và nhập khẩu các loại lương thực cần thiết. Tương tự như thế, nếu tỉ lệ giá thành/hiệu quả và kĩ thuật cho phép, tất cả các chương trình truyền hình có thể thực hiện ở Mexico. Song quan điểm ấy khó tìm được sự đồng thuận dễ dàng của những người vừa sống trong kinh tế thế giới vừa sống trong kinh tế quốc gia: nói khác đi, tất cả các chính phủ quốc gia và tuyệt đại đa số dân chúng các nước. Với lí do đầu tiên là chúng ta không thể nào tránh khỏi những hậu quả chính trị và xã hội của những đảo lộn toàn cầu.

Bất luận bản chất những vấn đề ấy như thế nào, một nền kinh tế thế giới thị trường không hạn chế, không kiểm soát, không thể mang lại giải pháp. Xét cho cùng, nó càng làm nặng nề thêm những hiện tượng như gia tăng thất nghiệp dài hạn và tình trạng không sử dụng hết nhân công, bởi vì các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận phải lựa chọn phương thức hợp lí nhất, là (a) hạn chế tối đa số số lượng nhân viên, vì dùng người đắt hơn là dùng máy tính, và (b) giảm thiểu tối đa phần đóng góp vào quỹ xã hội. Cũng không có lí do đích đáng nào để nghĩ rằng kinh tế thị trường có thể giải quyết những vấn đề này. Cho đến những năm 1970, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ vận hành trong những điều kiện này, hay nếu có, thì cũng không rút ra thuận lợi gì. Ít nhất về thế kỉ XIX, người ta còn có thể nói rằng “trái ngược với mô hình cổ điển, tự do mậu dịch đã trùng hợp với khủng hoảng, tự do mậu dịch là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra khủng hoảng, và chính sách bảo hộ có lẽ đã là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển phần lớn các nước phát triển hiện thời” (Bairoch, 1993, tr. 164). Còn với thế kỉ XX, các phép lạ về kinh tế đã xảy ra không phải là do sự thả lỏng, mà ngược lại.

Cho nên có thể dự đoán rằng làn sóng thời thượng về tự do hóa kinh tế và “thị trường hóa”, thống trị trong thập niên 1980 và đã đạt tuyệt đỉnh của sự tự mãn tư tưởng khi hệ thống Soviet sụp đổ, chẳng chóng thì chầy sẽ chấm dứt. Cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu thập niên 1990 và thất bại nhãn tiền của “liệu pháp sốc” được áp dụng tại các nước XHCN cũ đã gieo rắc hoài nghi trong trí óc một số người đã từng ca ngợi nó: có ai tưởng tượng được rằng đến năm 1993, có những cố vấn kinh tế lại đặt ra câu hỏi xem “xét cho cùng, phải chăng Marx có lí”? Trở về chủ nghĩa hiện thực sẽ vấp phải hai trở ngại lớn. Trở ngại đầu tiên là hệ thống tư bản chủ nghĩa không đứng trước một nguy cơ chính trị nghiêm trọng – như chủ nghĩa cộng sản hay sự tồn tại của Liên Xô, hoặc sự chiếm quyền của đảng Nazi ở Đức. Những mối đe dọa ấy, như tôi đã cố gắng chỉ rõ trong một chương trước, đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phải cải thiện. Sự sụp đổ của Liên Xô, sự suy sụp và xé lẻ của giai cấp công nhân và các phong trào thợ thuyền, thế yếu quân sự của Thế giới thứ Ba trong chiến tranh quy ước, sự kiện những người nghèo nhất ở các nước phát triển bị khoanh lại thành một thiểu số “vô sản cấp dưới”, tất cả những yếu tố ấy không thúc đẩy cải cách, ngược lại. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của những phong trào cực hữu và sự khôi phục khá bất ngờ của hậu duệ chế độ cũ tại các nước cộng sản cũ là những lời cảnh báo – và, ở đầu thập niên 1990, cũng đã được nhận thức là cảnh báo. Trở ngại thứ hai là bản thân quá trình toàn cầu hóa, lại được củng cố bởi sự gỡ bỏ những cơ chế của các nước khả dĩ bảo vệ nạn nhân của một nền kinh tế toàn cầu không còn bị ràng buộc bởi những chi phí xã hội, của cái mà người ta rất đỗi tự hào gọi đó là “hệ thống tạo ra của cải […] từ nay được hoàn cầu thừa nhận là hệ thống hiệu quả nhất mà nhân loại đã tạo ra từ xưa tới nay”.

Bởi vì, như chính tờ báo Financial Times (24 tháng 12, 1993) đã phải thừa nhận trong một bài xã luận,

“tuy nhiên, đó chẳng phải là một sức mạnh hoàn hảo […]. Gần 2/3 dân số thế giới chẳng được gì hoặc không được một lợi ích đáng kể nào từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ấy. Và trong thế giới các nước phát triển, phần tư nghèo nhất lại thấy thu nhập của mình giảm hẳn đi”.

Joseph Schumpeter (1883-1950)

Gần bước sang thiên niên kỉ mới, người ta càng thấy rõ vấn đề không phải là hân hoan trước sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô, mà, một lần nữa, phải xem xét những khuyết điểm nội tại của chủ nghĩa tư bản. Muốn tiêu diệt những khuyết điểm ấy, phải thay đổi như thế nào? Bỏ được những khuyết tật ấy đi, nó có còn là nó không? Vì, như Joseph Schumpeter đã nêu ra nhận xét khi nói về những chu kì lên xuống của kinh tế tư bản chủ nghĩa, đó không phải “là bệnh viêm hạch hạnh nhân trong cổ họng phải chữa trị: nó là nhịp đập của quả tim, là sự biểu hiện của bản chất cơ cấu” (Schumpeter, 1939, I, v).

 

V

 

Trước sự sụp đổ của chế độ Soviet, phản ứng ban đầu của người tiêu thụ phương Tây là cho rằng sự kiện này xác nhận thắng lợi dứt điểm của chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ tự do – hai khái niệm mà một số nhà quan sát Bắc Mỹ thiếu tinh tế có xu hướng nhập làm một. Vào cuối thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chẳng có gì tráng kiện, nhưng chủ nghĩa cộng sản đã chôn sâu và chẳng còn khả năng sống lại. Mặt khác, không một nhà quan sát nghiêm chỉnh nào ở đầu thập niên 1990 có thể lạc quan về chế độ dân chủ tự do cũng như về chủ nghĩa tư bản. Có chăng là tạm vững tâm mà tiên đoán (ngoại trừ những nước có chế độ toàn thủ tôn giáo, có lẽ thế) là hầu hết các nhà nước đều tuyên bố thiết tha gắn bó với chế độ dân chủ và tổ chức những cuộc bầu cử theo kiểu này cách nọ, chấp nhận sự tồn tại của đối lập đôi khi chỉ là hình thức, và định nghĩa danh từ dân chủ theo cách tiện lợi cho mình[202].

Thật ra, nét nổi bật trong tình hình chính trị của các quốc gia trên thế giới, là sự bất ổn định. Tại phần lớn các nước, xác suất trường thọ của các chính thể hiện tồn trong vòng 10 hay 15 năm tới đây, theo những tính toán lạc quan nhất, là khá thấp. Ngay ở những nước có hệ thống chính quyền tương đối dễ tiên đoán, như Canada, Bỉ hay Tây Ban Nha, sự tồn tại dưới dạng thức quốc gia thống nhất trong vòng mươi, mười lăm năm tới, cũng còn bất trắc; và các chế độ tiếp nối sau đó cũng sẽ như vậy. Tóm lại, chính trị không phải là lãnh vực không mấy hấp dẫn đối với môn tương lai học.

Dù sao, cũng nổi lên vài đường nét của cảnh quan chính trị thế giới. Đầu tiên, như đã thấy, là sự suy yếu của Nhà nước – Dân tộc, định chế trung tâm của đời sống chính trị kể từ Thời đại Cách mạng, vì sự độc quyền về công lực và luật pháp của nó, và cũng vì nó là trường hành động chính trị thực sự trong nhiều lãnh vực. Nhà nước – Dân tộc đã bị xói mòn từ bên trên và từ bên dưới. Nó đã mất, khá nhanh, những quyền và chức năng mà nó đã chuyển nhượng cho những thực thể siêu quốc gia; đồng thời, sự tan rã của những quốc gia lớn và của những đế chế đã tạo ra một loạt những nhà nước, nhỏ hơn, và không đủ sức tự vệ trong một giai đoạn vô chính phủ về mặt quốc tế. Nhà nước – Dân tộc cũng mất đi độc quyền về quyền lực thực thụ và những ưu quyền ở bên trong biên giới: sự phát triển của những công ti an ninh và bảo vệ tư nhân, sự bành trướng của các công ti tư nhân cạnh tranh với bưu điện (trước đó, hầu như ở tất cả các nước, bưu điện do một bộ phụ trách, chỉ dấu của sự độc quyền nay đã mất).

Những hiện tượng nói trên không làm cho nhà nước trở thành dư thừa hay vô hiệu. Thực ra, về một số phương diện, công nghệ đã củng cố khả năng của nhà nước theo dõi và kiểm soát đời sống của người dân, bởi vì hầu hết các chuyển nhượng tài chính và hành chính (ngoại trừ những chi trả nhỏ bằng tiền mặt) đều có thể được ghi chép trong máy tính, và mọi sự liên lạc (trừ những câu chuyện tay đôi ở ngoài trời) từ nay đều có thể được nghe trộm và ghi âm. Dù như thế, vị thế của nhà nước cũng đã thay đổi. Từ thế kỉ XVIII đến nửa sau thế kỉ XX, Nhà nước – Dân tộc đã mở rộng một cách gần như liên tục tầm tay, quyền bính và chức năng của mình. Đó là một nét cốt yếu của sự “hiện đại hóa”. Bất luận chính quyền thuộc xu hướng nào, tự do, bảo thủ, xã hội – dân chủ, phát-xít hay cộng sản, ở đỉnh điểm của xu hướng này, những tham số của đời sống công dân trong những quốc gia “hiện đại” bị quy định hầu như toàn bộ (ngoại trừ trong những cuộc xung đột liên quốc gia) bởi hoạt động hay sự thụ động của nhà nước. Ngay cả tác động của những lực quốc tế, thí dụ như những đột phát hay suy thoái kinh tế, cũng đi tới các công dân thông qua bộ lọc của chính trị và định chế nhà nước[203]. Đến cuối thế kỉ, nhà nước lâm vào thế thủ trước một nền kinh tế thế giới ở ngoài tầm kiểm soát của nó: đối với những định chế mà chính nó đã thành lập, như Liên hiệp châu Âu, để khắc phục nhược điểm của nó trên trường quốc tế; đối với sự thiểu năng tài chính hiển hiện của nó để tiếp tục bảo đảm những dịch vụ mà nó đặt ra từ mấy chục năm trước; và đối với thiểu năng thực sự của nó trong việc đảm đang chức năng to lớn (theo chính tiêu chuẩn của nó): bảo đảm trật tự công cộng. Bản thân việc nhà nước, trong giai đoạn cường thịnh, thông qua và tập trung bao nhiêu chức năng, đã đặt ra cho mình những chuẩn mực “tham lam” về trật tự công cộng và kiểm soát, càng làm cho sự thoái nhiệm trở nên đau đớn hơn nữa.

Thế mà nhà nước, hay bất kì một hình thái công quyền nào đại diện cho quyền lợi công cộng, lại cần thiết hơn bao giờ hết để chống lại những bất công xã hội và môi trường do kinh tế thị trường gây ra, thậm chí để làm cho bộ máy kinh tế vận hành một cách thỏa đáng như cuộc cải tổ trong thập niên 1940 của chủ nghĩa tư bản đã cho thấy. Nếu không có những trợ cấp của nhà nước, nếu không có sự tái phân phối thu nhập quốc gia, thì còn đâu là số phận của dân chúng những nước phát triển cũ, mà nền kinh tế dựa trên cơ sở tích sản có xu hướng giảm xuống, chịu áp lực của một bên là con số ngày càng đông những người bị guồng máy kinh tế công nghệ cao loại bỏ ra khỏi thị trường lao động, và một bên là tỉ số người già nghỉ hưu ngày càng cao? Thật là vô lí khi dám khẳng định rằng người dân của Cộng đồng châu Âu, mà thu nhập tính theo đầu người từ năm 1970 đến năm 1990 đã tăng 80%, thì năm 1990 lại “không kham nổi” mức thu nhập và bảo hộ xã hội đã giành được vào năm 1970 (World Tables, 1991, tr. 8-9). Nhưng, nếu không có nhà nước, thì không thể. Hãy tưởng tượng – kịch bản này tuyệt đối không có gì huyễn hoặc – là những xu hướng hiện nay cứ tiếp tục như thế và dẫn tới một nền kinh tế trong đó 1/3 dân số hoạt động ăn lương, 2/3 kia không hoạt động, và, 20 năm sau, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi. Ai, ngoài công quyền ra, có thể bảo đảm thu nhập tối thiểu và phúc lợi cho mọi người? Ai có thể ngăn chận xu hướng tạo ra bất bình đẳng rất rõ trong các thập niên Khủng hoảng? Chắc chắn không phải là thị trường, bằng chứng là kinh nghiệm những năm 1970 và 1980. Nếu có một điều mà các thập niên ấy đã chứng tỏ, đó là: vấn đề chính trị lớn của thế giới, và nhất định là của thế giới phát triển, không phải là nhân lên tài nguyên của các quốc gia, mà làm sao phân phối tài nguyên ấy cách nào có lợi cho toàn dân. Điều đó cũng đúng cho các nước nghèo “đang phát triển”, là những nước cần có thêm tăng trưởng kinh tế. Hãy xem trường hợp Brazil, một điển hình về sự thờ ơ đối với khía cạnh xã hội. Năm 1969, GDP tính theo đầu người gần gấp đôi Sri Lanka, đến cuối thập niên 1980, gấp sáu lần. Nhưng ở Sri Lanka, là nơi mà chính quyền trợ cấp lương thực cơ bản và bảo đảm giáo dục và y tế miễn phí cho đến cuối thập niên 1970, đứa trẻ bình quân ra đời ở Sri Lanka có tuổi thọ lớn hơn tuổi thọ trung bình ở Brasil vài năm; tỉ lệ tử vong của trẻ em ở Sri Lanka năm 1969 bằng một nửa, năm 1989 bằng 1/3 tỉ lệ tử vong trẻ em ở Brazil (World Tables, tr. 144-147, 524-527). Cũng vào năm 1989, tỉ số người mù chữ ở Brazil gấp đôi tỉ số ở đảo quốc châu Á.

Sự phân phối xã hội, hơn là tăng trưởng, phải được coi trọng trong đời sống chính trị thiên niên kỉ sắp tới. Sự phân chia tài nguyên ở ngoài vòng thị trường, hay ít nhất, hạn chế chặt chẽ sự phân chia bằng thị trường, là điều cốt yếu để hóa giải cuộc khủng hoảng môi trường cận kề. Bằng cách này hay cách khác, số phận của nhân loại tùy thuộc vào sự khôi phục công quyền.

 

VI

 

Điều đó khiến cho chúng ta phải đối phó với một bài toán kép. Tính chất và trường thao tác của các quyền lực quyết định – siêu quốc gia, quốc gia, dưới quốc gia và thế giới, đơn lập hay liên kết – sẽ ra sao? Quan hệ giữa các cơ quan quyền lực với người dân sẽ như thế nào?

Bài toán thứ nhất, theo một ý nghĩa nhất định, là một vấn đề kĩ thuật, vì các cơ quan quyền lực ấy đã và đang tồn tại, cũng như các mô hình quan hệ giữa chúng với nhau – đó là nói về mặt nguyên tắc, trên thực tế thì còn xa mới thật như vậy. Liên hiệp châu Âu đang phát triển có thể cung cấp rất nhiều tư liệu thú vị, cho dù mỗi quy định của tổ chức này về phân công giữa các quyền lực thế giới, siêu quốc gia, quốc gia và dưới quốc gia rất có thể bị bên này hay bên kia ca thán. Các cơ quan quyền lực thế giới hiện tồn có lẽ chức năng quá chuyên biệt, cho dù họ tìm cách mở rộng trường hành động của mình bằng cách áp đặt những chọn lựa chính trị và môi trường cho những nước phải đi vay. Liên hiệp châu Âu là một tổ chức đơn độc, duy nhất thuộc loại này vì nó là con đẻ của những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, ít có khả năng lặp lại một lần nữa. Có thể nó sẽ vẫn đơn độc, trừ phi một tổ chức tương tự có thể thành lập trên hoang tàn của Liên Xô cũ. Hiện nay không thể tiên đoán sự quyết định ở cấp siêu quốc gia sẽ diễn ra với nhịp độ nào. Nhưng chắc chắn nó sẽ tiến bước, và người ta có thể đoán ra hướng đi của nó. Hiện nay, nó đã thao tác thông qua những quản trị ngân hàng của các cơ quan quốc tế tín dụng, đại diện cho của cải chung của nhóm thiểu trị của các nước giàu nhất (trên thực tế cũng là mạnh nhất). Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, trường hoạt động của thế lực toàn cầu này cũng tăng theo. Điều bất hạnh là, từ những năm 1970 trở đi, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Quốc tế Tiền tệ (IMF), với sự yểm trợ chính trị của Hoa Kỳ, đã đeo đuổi một chính sách thiên hẳn về quan niệm thị trường chính thống, có lợi cho doanh nghiệp tư nhân và tự do mậu dịch, phù hợp với lợi ích của kinh tế Mỹ vào cuối thế kỉ XX cũng như nó đã phù hợp với kinh tế Anh giữa thế kỉ XIX, nhưng không nhất thiết phù hợp với nền kinh tế thế giới. Muốn cho quyết định toàn cầu phát huy được trọn vẹn tác dụng của nó, cần thay đổi đường lối chính trị. Tình hình trước mắt xem ra không như vậy.

Vấn đề thứ hai hoàn toàn không còn là kĩ thuật nữa. Nó phát sinh từ lưỡng đề đặt ra vào cuối thế kỉ cho một thế giới gắn kết với một hình thái dân chủ chính trị đặc biệt, đồng thời phải đối mặt với những vấn đề chính trị, mà các cuộc bầu cử (tổng thống, quốc hội) xem ra không giải quyết được, có khi còn gây thêm phức tạp cho giải pháp. Trên một bình diện tổng quát hơn, cả vấn đề là dành vai trò gì cho người dân bình thường, trong thời buổi mà người ta đã gọi là “thế kỉ của người dân bình thường”. Đó là cái thế lưỡng nan của một thời kì mà chính phủ có thể – có người sẽ nói, phải – tồn tại “do dân” và “vì dân”, trong khi mà “do dân”, thậm chí do những cơ quan đại diện do dân bầu ra, không còn ý nghĩa thao tác nữa. Lưỡng đề này không có gì mới. Khó khăn của đời sống chính trị dân chủ là điều rất quen thuộc đối với các nhà chính trị học và những nghệ sĩ trào phúng từ ngày mà các cuộc phổ thông đầu phiếu không còn là đặc điểm riêng của Hoa Kỳ.

Tình hình khó khăn của chế độ dân chủ càng nghiêm trọng hơn khi mà làm gì nói gì cũng đụng phải dư luận công cộng luôn luôn được theo dõi và được các media khuếch đại tác động, thêm đó chính quyền phải đưa ra nhiều quyết định mà không biết trước được phản ứng của dư luận để định hướng. Họ thường phải quyết định những điều mà cử tri có thể phản đối, mỗi cử tri lo ngại chúng sẽ tác động không có lợi cho riêng họ, ngay như có lợi cho chung. Thành ra, vào cuối thế kỉ, các nhà chính trị ở một số nước dân chủ đã đi tới nhận định là mọi dự án dẫn tới việc tăng thuế, bất kể vì mục đích gì, cũng đồng nghĩa với sự tự sát trong hòm phiếu. Các cuộc bầu cử vì thế đã trở thành thi đua hứa hão về thuế má. Đồng thời, cử tri và các nghị viên thường xuyên phải biểu quyết trên những vẫn đề mà người bình thường – nghĩa là tuyệt đại đa số cử tri và dân biểu – không đủ tư cách để nhận định, thí dụ như tương lai công nghiệp hạt nhân.

Có những thời điểm, ngay ở các nước dân chủ, mà cộng đồng công dân nhất trí với những mục tiêu của một chính phủ chính đáng và được công chúng tín nhiệm, tới mức mà mọi người có ý thức về lợi ích chung, chẳng hạn ở Anh trong thời kì Thế chiến thứ Hai. Lại có những tình huống đạt được sự đồng thuận cơ bản giữa các đối thủ chính trị, nhờ đó chính phủ được tự do theo đuổi những mục tiêu chung trên đó không có sự bất đồng ý kiến quan trọng. Như chúng ta đã thấy, đó là trường hợp một số nước phương Tây trong Thời đại Hoàng kim. Đôi khi, chính quyền có thể dựa trên sự đồng thuận của các cố vấn kĩ thuật và khoa học cần thiết cho người quản trị không có chuyên môn. Khi các cố vấn nhất trí với nhau, hay ít nhất, có sự đồng thuận áp đảo được những ý kiến bất đồng, thì cuộc tranh luận cũng dịu bớt. Trong trường hợp ngược lại, thì người cầm trịch phải mò mẫm trong bóng đêm, cũng như những bồi thẩm trước các nhà tâm lí học của bên nguyên và bên bị, không có căn cứ để biết nghe bên này hay bên kia.

Nhưng các thập niên Khủng hoảng đã phá vỡ sự đồng thuận chính trị cũng như những chân lí cho đến nay được chấp thuận, nhất là trong những lĩnh vực liên quan tới chính trị. Trong thập niên 1990, hiếm có nước nào mà nhân dân không có sự chia rẽ hay nhất trí mạnh mẽ với chính quyền (hay ngược lại). Đúng là còn có khá nhiều nước mà người dân chấp nhận ý tưởng phải có một nhà nước mạnh, năng nổ và có tinh thần trách nhiệm về mặt xã hội, đáng được có dư địa để tự do hành động, bởi về lâu dài, nó phục vụ lợi ích chung. Khốn nỗi, vào cuối thế kỉ này, khó kiếm ra chính phủ nào lại gần được lí tưởng ấy. Còn những nước mà chính quyền là những chính quyền đáng ngờ, thì có nước đi theo mô hình chủ nghĩa Vô chính phủ, chủ nghĩa Cá nhân của Hoa Kỳ, điều chỉnh chút ít bằng những thủ tục pháp lí và chính sách chia chác ưu quyền, và những nước, nhiều hơn hẳn, mà nhà nước yếu kém hay thối nát tới mức người công dân không trông chờ gì nữa ở công quyền. Đó là trường hợp phổ biến ở nhiều khu vực Thế giới thứ Ba, và không phải không có ở Thế giới thứ Nhất: bằng chứng là nước Italia trong những năm 1980.

Thành ra thoải mái nhất là những người nắm quyền quyết định không bị ràng buộc bởi đời sống chính trị dân chủ: những công ti tư, các cơ quan siêu quốc gia, và cố nhiên, các nước không dân chủ. Trong các hệ thống dân chủ, thật không dễ quyết định điều gì vượt qua mặt những người trách nhiệm chính trị, tuy rằng ở một số nước, các ngân hàng trung ương không còn đặt dưới quyền lực chính trị, và có cả một trào lưu rỉ rả rằng phải làm như vậy trong cả những lãnh vực khác. Tuy nhiên, càng ngày các chính phủ đều tìm cách đánh vòng qua cử tri và các nghị viện, hay ít ra, lấy quyết định trước để thách đố các cơ quan dân cử thay đổi sự đã rồi, vì họ trông chờ ở chỗ dư luận sớm nắng chiều mưa, phân tán hoặc ù lì. Chính trị ngày càng trở thành nghệ thuật tránh né, các chính khách sợ nói với cử tri những điều nghịch nhĩ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, che giấu những hành động không dám thú nhận viện cớ “an ninh quốc gia” không còn dễ dàng như trước. Chắc chắn các chính quyền sẽ tiếp tục chiến lược lẩn tránh. Ngay ở các nước dân chủ, ngày càng nhiều cấp quyết định được thành lập, vận hành mà không có sự kiểm soát qua bầu cử, hoặc là chỉ bị kiểm soát một cách gián tiếp: các cơ quan ấy do chính phủ lập ra, và chỉ chính phủ là do dân cử. Những chính quyền tập trung, như chính phủ Anh những năm 1980 và đầu thập niên 1990, đã lập ra vô số những cơ quan đặc trách kiểu đó, không phải bị cử tri chất vấn, gọi tắt là “quango” (những tổ chức hầu như phi chính quyền). Ngay những nước không có sự phân quyền thực sự, chính quyền cũng thường dùng con đường “đi tắt” dân chủ như vậy. Và ở những nước, như Hoa Kỳ chẳng hạn, điều này gần như bắt buộc, vì sự xung khắc có tính hệ thống giữa hành pháp và lập pháp không có phép quyết định một cách bình thường mà phải tiến hành trong hậu trường.

Thế kỉ gần tàn, nhiều người dân quay lưng lại chính trị, phó mặc công việc nhà nước cho “giai cấp chính trị” – cụm từ này nghe nói được tạo ra ở Italia – tức là một nhóm nhỏ những người đọc những bài diễn văn, xã luận của nhau, một nhóm lợi ích khá đặc biệt, bao gồm những chính khách, nhà báo, người “vận động hành lang” (lobby), v.v., những con người mà hoạt động xếp ở dưới cùng trong bậc thang “độ tin cậy” của các cuộc điều tra xã hội học. Đối với nhiều người, hệ thống chính trị không có gì thú vị, hoặc chỉ đơn thuần là cái gì có tác động tích cực hay tiêu cực tới cuộc sống cá nhân của họ. Ngoài ra, của cải, quá trình tư nhân hóa đời sống và thú tiêu khiển, và sự ích kỉ của người tiêu thụ cũng là những yếu tố giảm bớt tầm quan trọng và sự hấp dẫn của chính trị. Những ai thấy không có lợi ích gì ở các cuộc bầu cử, thì bỏ mặc sinh hoạt này. Từ 1960 đến 1988, tỉ lệ thợ thuyền (“cổ cồn xanh”) đi bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ đã giảm đi 1/3 (Leighly, Naylor, 1992, tr. 731). Sự thoái trào của những chính đảng quần chúng có tổ chức, dựa trên cơ sở giai cấp, trên hệ tư tưởng, hay cả hai, đã làm khựng lại động cơ xã hội chủ yếu biến những người đàn ông và đàn bà thành những công dân tích cực về chính trị. Đối với đa số, ngay cả sự đồng nhất hóa tập thể với đất nước từ nay thể hiện thông qua những đội tuyển quốc gia về thể thao và những biểu tượng phi chính trị, dễ dàng hơn là thông qua nhà nước.

Người ta có thể tưởng rằng quá trình phi chính trị hóa sẽ mang lại cho nhà cầm quyền nhiều tự do hơn trong các quyết định. Sự thật là ngược lại. Những thiểu số tổ chức những cuộc vận động, đôi khi về những vấn đề cụ thể có lợi ích công cộng, nhưng thường là để bảo vệ quyền lợi của một thành phần nhất định, có thể can dự vào quá trình trơn tru của chính phủ, một cách hiệu quả như, thậm chí hơn các chính đảng “đa khoa”, bởi vì không như tổ chức đảng, mỗi nhóm áp lực tập trung toàn bộ sức lực vào việc thực hiện một mục tiêu duy nhất. Thêm vào đó, vì chính quyền ngày càng có xu hướng đánh vòng qua quá trình bầu cử, nên chức năng chính trị của các media càng trở nên quan trọng, nhất là nó đi vào từng nhà, cung cấp những phương tiện truyền thông mạnh mẽ nhất cho khu vực công thâm nhập khu vực tư: nam, nữ, trẻ, già. Khả năng media phát hiện và phổ biến những điều mà chính quyền muốn che đậy, khả năng tạo điều kiện biểu lộ công khai những tâm tình không thể phát biểu thông qua những cơ chế dân chủ chính thức làm cho các media trở thành tác nhân quan trọng trên sân khấu chính trị. Các nhà chính trị vừa sử dụng vừa rất sợ media. Tiến bộ kĩ thuật khiến cho việc kiểm soát media ngày càng khó khăn, cả ở những nước cực quyền. Với sự suy yếu của quyền lực nhà nước, ngày càng khó chiếm độc quyền media ở những nước không chuyên chế. Đến cuối thế kỉ, rõ ràng là media đã thở thành một bộ phận cấu thành của quá trình chính trị, quan trọng hơn cả các đảng phái và hệ thống bầu cử, và trừ phi có một thay đổi phản dân chủ, có rất nhiều khả năng là tình hình này sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, nếu media là một đối trọng ghê gớm trước khuynh hướng giữ bí mật của công quyền, chúng không thể nào là một phương tiện cầm quyền dân chủ được.

Thật ra, media, các cơ quan dân cử thông qua phổ thông đầu phiếu, cũng như chính “nhân dân” không thể nào cầm quyền, hiểu theo nghĩa hiện thực của từ ngữ này. Mặt khác, chính phủ, hay bất luận hình thái quyết định công cộng tương tự, không còn có thể cai trị ngược lại nhân dân, hay bất kể nhân dân, cũng như “nhân dân” không thể tồn tại không chính phủ, hay chống lại chính phủ. Gì thì gì, nhân dân không tên tuổi cũng đã đi vào lịch sử như tác nhân tập thể với cương vị đầy đủ của nó. Trừ chế độ thần quyền, chế độ nào cũng phải nói là từ dân mà ra, kể cả những chế độ khủng bố và tàn sát người dân. Ngay cả khái niệm mà một thời người ta sính dùng, “chủ nghĩa toàn trị”, cũng hàm chứa “chủ nghĩa dân túy”, bởi vì nếu những kẻ nhân danh nhân dân mà cầm quyền không cần biết xem nhân dân nghĩ gì về họ, thì tại sao họ lại tìm cách nhồi nhét vào đầu óc nhân dân những “tư tưởng” mà họ cho là thích hợp? Còn các chính phủ mà quyền lực dựa trên sự tuân phục mù quáng đối với thần thánh gì đó, hay truyền thống, hay tôn ti trật tự, người dưới phải nghe lời người trên, thì mô hình chính phủ này đã phải lùi bước. Ngay “chủ nghĩa toàn thủ” Islam, hình thái thần quyền phát đạt nhất, sở dĩ đang lan rộng, thì chẳng phải vì ý chí của Allah, mà nhờ sự động viên quần chúng thấp cổ bé miệng chống lại những chính quyền đã mất lòng dân. Bất luận “nhân dân” có quyền bầu ra chính phủ hay không, sự can thiệp của nhân dân vào việc công, một cách chủ động hay thụ động, là một yếu tố quyết định.

Thật vậy, đơn giản là vì không thiếu gì những chế độ hà khắc, hay tìm cách áp đặt bằng sức mạnh quyền bính của một thiểu số lên đa số – chẳng hạn như chính quyền apartheid ở Nam Phi – và thế kỉ XX đã chỉ rõ giới hạn của quyền lực cưỡng bức đơn thuần. Ngay những chính quyền nhẫn tâm và tàn bạo nhất cũng thừa hiểu rằng quyền lực tuyệt đối cũng không thay thế được những lá chủ bài và xảo thuật chính trị của uy quyền: lòng dân ít nhiều tin ở tính chính đáng của chính quyền, sự ủng hộ chừng nào của dân chúng, khả năng chia để trị và – nhất là trong thời buổi khủng hoảng – sự tự nguyện tuân phục của người dân. Khi mà, như năm 1989, các chế độ Đông Âu không còn được tuân phục như vậy nữa, họ đã phải bỏ cuộc, mặc dầu vẫn được sự ủng hộ không do dự của cán bộ viên chức, quân đội và lực lượng an ninh. Tóm lại, không như thoạt trông có thể tưởng nhầm, thế kỉ XX đã chứng minh rằng người ta có thể cai trị chống nhân dân trong một thời gian, có thể chống lại một bộ phận nhân dân mãi mãi, nhưng không thể mãi mãi chống lại toàn bộ nhân dân. Thật ra điều ấy cũng không an ủi được những thiểu số bị đàn áp liên tục, những nhân dân phải chịu bao đau khổ trong suốt một thế hệ hay hơn nữa dưới sự trấn áp bao trùm.

Còn một câu hỏi chưa được trả lời: quan hệ giữa những người quyết định và dân chúng phải như thế nào? Những điều vừa nói ở trên càng cho thấy giải đáp là một điều khó. Trong các quyết định chính trị, nhà cầm quyền chắc phải suy xét xem nhân dân, hay ít ra đa số nhân dân, muốn gì và không muốn gì, cho dù họ không có ý định đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đồng thời, họ không thể cai trị mà chỉ ngồi đặt câu hỏi cho nhân dân. Thêm nữa, những quyết định thất nhân tâm thì áp đặt cho những nhóm cầm quyền thì dễ hơn là áp đặt cho quần chúng. Áp đặt những tiêu chuẩn về khí thải cho một nhóm nhỏ những đại xí nghiệp sản xuất ô tô thì dễ dàng gấp bội so với việc thuyết phục hàng triệu người lái xe giảm 50% khối lượng tiêu thụ xăng. Tất cả các chính phủ châu Âu đã khám phá ra rằng để nhân dân bỏ phiếu về tương lai Cộng đồng châu Âu, họ gặp phải kết quả ngược lại hoặc bất ngờ. Bất cứ nhà quan sát nghiêm túc nào cũng biết chắc rằng nhiều quyết định chính trị cần được ban hành vào đầu thế kỉ XXI đều thất nhân tâm. Có lẽ phải bước sang một thời kì hòa hoãn mới, phồn thịnh và cải thiện nhiều mặt, như Thời đại Hoàng kim, thì người dân sẽ dễ chấp nhận hơn, nhưng không có hi vọng tìm lại được tình hình thập niên 1960, hay sẽ giảm bớt được tình trạng bất an xã hội và văn hóa của các thập niên Khủng hoảng.

Nếu phổ thông đầu phiếu vẫn còn là quy luật chung – và chắc sẽ như thế – thì hai khả năng có thể xảy ra. Khi một quyết định thuộc phạm vi chính trị, càng ngày nó càng đánh vòng qua quá trình bầu cử, hay đúng hơn, qua sự giám sát thường trực của chính phủ (là một yếu tố liên kết chặt chẽ với quá trình ấy). Còn những cơ quan cần được bầu ra, thì họ càng ngày càng có xu hướng giấu mình như con mực trong đám mực đen mà nó tiết ra để lừa mị cử tri. Khả năng thứ hai là tái tạo một sự đồng thuận dành cho chính quyền một dư địa tự do hành động, chừng nào mà số đông dân chúng chưa có quá nhiều lí do bất mãn. Từ Napoléon III đã có một mô hình chính trị: một cuộc bầu cử dân chủ đưa lên cầm quyền một “cứu tinh” hay một chính quyền “cứu quốc” – tức là hình thái “dân chủ thông qua trưng cầu dân ý”. Chế độ này có thể thành lập qua hiến pháp hay không; nếu nó được thông qua trong một cuộc tuyển cử tương đối trung thực, có sự chọn lựa giữa những ứng cử viên khác nhau, phe đối lập cũng có chỗ đứng nhất định, thì cung cách này cũng đáp ứng được những tiêu chuẩn về tính chính đáng dân chủ của thời mạt kỉ. Song đó không phải là một viễn ảnh đáng khích lệ cho tiền đồ của nền dân chủ đại nghị tự do.

 

VII

 

Tất cả những gì tôi vừa viết không giải thích được là nhân loại có thể giải quyết được những vấn đề mà nó phải đối diện vào cuối thiên niên kỉ này không, và nếu có, thì làm như thế nào. Có lẽ những yếu tố nêu ở trên có thể giúp chúng ta hiểu đó là những vấn đề gì, phải có những điều kiện nào để giải quyết, nhưng chúng không lí giải được là trong chừng mực nào các điều kiện ấy đã được hội đủ hay gần được hội đủ. Như thế để thấy là tri thức của chúng ta mong manh chừng nào, và khả năng hiểu biết của những người đã lấy những quyết định lớn về chính trị trong thế kỉ XX hạn hẹp tới đâu; và cũng thấy là các vị ấy ít xét tới, lại càng không tiên liệu, những gì sẽ xảy ra, nhất là trong nửa sau thế kỉ XX. Cuốn sách này như vậy có thể xác nhận một điều mà nhiều người đã ngờ từ lâu: lịch sử – cũng như như nhiều chuyện khác, quan trọng hơn – vẫn còn là biên niên sử những tội ác và điên cuồng của nhân loại. Và nó không giúp gì cho sự tiên tri.

Cho nên sẽ không khôn ngoan nếu muốn kết thúc cuốn sách này bằng việc tiên đoán ra cảnh quan tương lai, một cảnh quan đã trở thành khó nhận dạng bởi những chấn động địa mảng của Thế kỉ XX Ngắn, mà những đảo lộn hiện nay còn làm biến dạng hơn nữa. Có ít lí do hơn những năm 1980 để nhìn tương lai một cách lạc quan như khi người viết những dòng này đã kết luận bộ ba cuốn sách về “Thế kỉ XIX dài” (1789-1914):

“Bằng chứng rằng thế giới trong thế kỉ XXI sẽ tốt đẹp hơn không phải nhỏ. Nếu thế giới ngày hôm nay không tự hủy [bằng chiến tranh hạt nhân], thì xác suất của triển vọng này khá cao.”

Tuy nhiên, ngay một nhà sử học mà tuổi tác không cho phép chờ đợi được thấy những đổi thay ngoạn mục và tốt đẹp xảy ra trong thời gian còn lại của đời mình, người ấy cũng không thể phủ nhận một cách hợp lí rằng, trong khoảng thời gian 1/3 hay một nửa thế kỉ, sự việc có thể chuyển biến tốt hơn. Dầu sao, có nhiều khả năng là giai đoạn suy sụp và tan vỡ sau Chiến tranh Lạnh chỉ là tạm thời, tuy rằng nó kéo dài đã lâu hơn những giai đoạn sup sụp và tan vỡ đã diễn ra sau hai cuộc Thế chiến “nóng”. Nhưng hi vọng hay lo sợ không phải là tiên đoán. Chúng ta biết rằng đằng sau đám mây mù của sự bất tri của chúng ta và sự bất trắc của kết cục cụ thể, các lực lượng lịch sử đã tạo ra thế kỉ vẫn đang tiếp tục vận hành. Chúng ta đang sống trong một thế kỉ bị giam cầm, bứt rễ, biến đổi bởi quá trình kinh tế và khoa học – kĩ thuật khổng lồ của sự phát triển tư bản chủ nghĩa đã chế ngự suốt 2,3 thế kỉ vừa qua. Chúng ta biết, hay ít ra chúng ta có thể giả sử một cách hợp lí, rằng điều đó không thể tiếp tục vô hạn định được. Tương lai không thể nào là sự tiếp tục của quá khứ, và không thiếu những dấu hiệu, ngoại tại, và có thể nói nội tại, cho thấy rằng chúng đã đạt tới một điểm khủng hoảng lịch sử. Những sức mạnh do nền kinh tế khoa học – kĩ thuật đã tạo ra từ nay đủ lớn để hủy diệt môi trường, nghĩa là nền tảng vật chất của cuộc sống con người. Bản thân cấu trúc của các xã hội loài người, kể cả một phần những nền tảng xã hội của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đang đạt tới điểm bị hủy diệt bởi sự xói mòn những gì chúng ta đã thừa hưởng. Thế giới của chúng ta đang đứng trước một nguy cơ kép: nổ tung và nổ sụm. Nó phải thay đổi.

Chúng ta không biết chúng ta đang đi về đâu. Chỉ biết rằng lịch sử đã dẫn chúng ta tới điểm hiện tại – và nếu bạn đọc cũng chia sẻ suy luận của cuốn sách này – vì những lí do gì. Tuy nhiên, cũng có một điểm rõ ràng. Nếu nhân loại còn có một tiền đồ, thì không thể chỉ nối dài quá khứ hay hiện tại. Xây dựng thiên niên kỉ thứ ba trên cơ sở đó, chúng ta sẽ thất bại. Và cái giá phải trả cho thất bại, nghĩa là cho sự từ chối thay đổi xã hội, là bóng tối dầy đặc.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[196] Thậm chí có thể nêu ra mối liên quan ngược lại. Trước năm 1938, Áo chẳng phải tiêu biểu gì cho sự thành công về kinh tế, nhưng lại có một trường phái kinh tế học kiệt xuất; sau Thế chiến thứ Hai, Áo rất thành công về mặt kinh tế, song lại chẳng có nhà kinh tế nào được biết ở ngoài nước Áo. Nước Đức, thì ngay ở các trường đại học, không thừa nhận là lí luận kinh tế được quốc tế tôn trọng, xem ra cũng không lấy đó làm đầu. Trong các số của tạp chí American Economic Review, có bao nhiêu nhà kinh tế học Hàn Quốc và Nhật Bản được trích dẫn? Ngược lại, chúng ta có thể nói tới Bắc Âu, theo chế độ Dân chủ - Xã hội, với những nhà lí luận kinh tế được tôn trọng hàng đầu trên trường quốc tế.

[197] Trong con số này, có Phong trào Lễ hiện xuống, các Giáo hội Chúa Kitô, Chứng nhân Jehovah, phái Đăng quang ngày thứ bảy, những Hội nghị của Thượng đế, những Giáo hội Thánh, “Tái sinh” và “Charismatic”.

[198] Tham khảo lời tiên đoán năm 1949 của một người Nga lưu vong chống Cộng, Ivan Ilyin (1882-1954), khi xét tới hậu quả của một sự “chia cắt theo sắc tộc và lãnh thổ nghiêm cẩn” của nước Nga sau thời kì Bolshevik, mà ông cho rằng không thể có: “Theo những ước tính khiêm tốn, ta sẽ có khoảng 20 quốc gia tách biệt, mà không có một quốc gia nào mà cương thổ không bị phản đối: không một chính quyền nào sẽ có đủ quyền uy, luật pháp, tòa án, quân đội, dân cư được minh định về mặt sắc tộc. Nghĩa là sẽ có hai chục nhãn hiệu thiếu nội dung. Và, dần dà, trong những thập niên tiếp theo, những quốc gia mới sẽ được thành lập, do li khai hay tan vỡ. Mỗi nước sẽ tiến hành đấu tranh với những nước láng giềng về lãnh thổ hay bộ phận dân chúng, tình hình này sẽ dẫn tới những cuộc nội chiến triền miên ở Nga” (dẫn theo Chiesa, 1993, tr. 34, 36-37).

[199] Người ta thường nêu ra các thí dụ công nghiệp hóa thành công dựa trên xuất khẩu: Hongkong, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc. Việc này chỉ liên quan tới chưa đầy 2% dân số thế giới thứ ba.

[200] Người ta ít để ý là năm 1990, các nước phát triển – ngoại trừ Hoa Kỳ – tỉ lệ xuất khẩu sang thế giới thứ ba đã giảm đi. Xuất khẩu của các nước phương Tây (kể cả Hoa Kỳ) sang thế giới thứ ba năm 1990 chưa tới 1/5 tổng xuất khẩu của họ (Bairoch, 1993, bảng 6.1, tr.75).

[201] Đây, thực ra, là điều thường có thể chứng minh được.

[202] Chẳng hạn, một nhà ngoại giao Singapore khẳng định rằng các nước đang phát triển có thể “tạm hoãn” thiết lập chế độ trong một thời gian, và khi thiết lập rồi, thì chế độ dân chủ cũng không “quá trớn” như ở các nước phương Tây, mà cương quyết hơn, dành ưu tiên cho lợi ích chung hơn là các quyền cá nhân, số đông các nước này có đảng duy nhất lãnh đạo, và nước nào cũng có một hệ thống quan liêu tập trung và một “Nhà nước mạnh”.

[203] Trong thập niên 1930, GDP tính theo đầu người ở Thụy Sĩ đã giảm đi trong khi ở Thụy Điển lại tăng lên (mặc dầu Thụy Sĩ ít bị tác động bởi cuộc Khủng hoảng 1930 hơn hẳn Thụy Điển. Nguyên do, theo Bairoch, chủ yếu “là vì một loạt nhiều biện pháp xã hội – kinh tế của chính phủ Thụy Điển, còn chính quyền liên bang Thụy Sĩ lại từ chối không chịu can thiệp” (Bairoch, 1993, tr. 9).

Print Friendly and PDF