Thủ tướng Hun Sen: Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của Campuchia

"Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của ta (Campuchia), ta (Campuchia) cũng không có nhu cầu lấy đất Việt Nam" - Thủ tướng Campuchia phát biểu.

Ngày 20/6, tại huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia (giáp biên giới với tỉnh Bình Phước, Việt Nam) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20/6/1977-20/6/2022).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa hết sức quan trọng, kỷ niệm 45 năm bắt đầu hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đưa đất nước Campuchia hồi sinh, thể hiện sự hợp tác và đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc, góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu Campuchia - Việt Nam.

Lễ kỷ niệm càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động trọng thể chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2022) và đặc biệt trong niềm vui hân hoan của nhân dân Campuchia khi vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường ngày 5/6/2022.

Thủ tướng Hun Sen: Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của Campuchia - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử...

Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng Thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình, đã rơi vào bi kịch lớn khi Tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, tội ác "trời không dung, đất không tha" mà 4 thập kỷ sau đó, ngày 16 tháng 11 năm 2018, Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia đã ra phán quyết lên án và nghiêm khắc trừng trị.

"Nhân loại sẽ không bao giờ quên, chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, Tập đoàn Pol Pot đã sát hại hơn 3 triệu người Campuchia vô tội. Không dừng lại ở đó, Tập đoàn phản động Pol Pot đã chà đạp lên những giá trị truyền thống tốt đẹp và nguyện vọng hữu nghị, hòa bình của hai dân tộc, đưa quân đánh chiếm một số đảo của Việt Nam ngay trong tháng 5/1975; triển khai 19/23 sư đoàn dọc tuyến biên giới, trong đó huy động 10 sư đoàn gây chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam từ tháng 4/1977, gây nhiều đau thương, mất mát, giết hại hàng vạn dân thường Việt Nam" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. 

Trong thời khắc gian nan tột đỉnh đó, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, khi ấy là lãnh đạo Trung đoàn, cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia, đã quyết định sang Việt Nam bày tỏ ý nguyện của nhân dân Campuchia mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Việt Nam...

Đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc, sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chặn đứng hành động gây chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pol Pot; Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng lại đất nước.

Quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai, sát cánh cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tại các tỉnh, thành phố, địa phương khác nhau và đến ngày 7/1/1979 đã hoàn toàn giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 

"Có thể nói, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, sẵn sàng dấn thân vào một hành trình đầy gian khổ của Thủ tướng Hun Sen là một quyết định táo bạo, sáng suốt, dũng cảm, với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc chiến chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu những người dân vô tội khỏi nạn diệt chủng, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Campuchia" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

"Gian nan mới biết bạn hiền"

Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra một số câu hỏi để các đại biểu trong, ngoài nước cùng thảo luận và làm rõ.

"Câu hỏi thứ nhất: Tôi có nên sang Việt Nam hay không? Nếu tôi không thực hiện việc này (sang Việt Nam tìm đường cứu nước) thì rõ ràng tôi sẽ chết và không rõ diễn biến sau này sẽ thế nào vì thời kỳ đó, không ai có thể xin gì từ Pol Pot…. Pol Pot có thể giết hết mọi người".

"Câu hỏi thứ hai: Hành trình này dẫn đến đâu? Hành trình tiến tới lật đổ chế độ Pol Pot đã mang lại hòa bình, tiến tới Hiệp định hòa bình Paris, tiếp tục tiến tới thắng lợi cuối cùng là thực hiện chính sách "Thắng - Thắng" hòa hợp và độc lập dân tộc, vượt qua mọi khó khăn để trở thành nước có thu nhập trung bình, với tỷ lệ đói nghèo dưới 10%".

Thủ tướng Hun Sen: Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của Campuchia - 2

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Thủ tướng Hun Sen cũng nêu rõ "muốn biết việc Việt Nam vào Campuchia đúng hay sai thì hãy hỏi Tòa án hỗn hợp Liên hợp quốc và Campuchia. Bản án của tòa án này đối với bè lũ Pol Pot là sự công nhận của Liên hợp quốc rằng hành động của Việt Nam là đúng đắn, nếu hành động của Việt Nam không đúng, cần gì phải xét xử bọn Khmer Đỏ".

Ông khẳng định, thành công của việc xét xử Khmer Đỏ đã mang lại công bằng cho lực lượng kháng chiến của Campuchia với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam.

Theo ông, nhiều năm qua Việt Nam và Campuchia luôn nỗ lực trong công tác biên giới; ký văn kiện công nhận thành quả 84% phân giới cắm mốc và đang tiếp tục giải quyết 16% còn lại. Hai bên đang tiếp tục thảo luận với nhau.

Thủ tướng Hun Sen: Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của Campuchia - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trồng cây hữu nghị (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

"Một số người nói rằng Hun Sen "chịu ơn" Việt Nam và phải cắt đất cho Việt Nam. Nếu tôi cắt đất cho Việt Nam thì đã không cần phải bỏ ra thời gian 41 năm để đàm phán với Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn đất Campuchia thì Việt Nam đã lấy từ khi còn có quân đội ở Campuchia" - ông Hun Sen nói.

Vào thời điểm đó, mặc dù Việt Nam đóng quân ở Campuchia, ông Hun Sen với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao đã ký kết Hiệp ước vùng nước lịch sử, Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983 và Hiệp ước về hoạch định biên giới năm 1985. Năm 2005, Thủ tướng Hun Sen đã cùng với Thủ tướng Phan Văn Khải ký Hiệp ước bổ sung. Vào năm 2019, Thủ tướng Hun Sen cũng đã cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Hiệp ước bổ sung…

"Tôi xin khẳng định với nhân dân Campuchia trong và ngoài nước, thông qua báo chí truyền thông và trước mặt ngài Thủ tướng Việt Nam, tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ 1 milimet…. Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của ta (Campuchia), ta (Campuchia) cũng không có nhu cầu lấy đất Việt Nam" - ông Hun Sen nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia bày tỏ rất vui mừng với Lễ kỷ niệm  và bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Trước khi buổi lễ bắt đầu, tôi đã sang phía Việt Nam, gặp gỡ những người đã cưu mang, giúp đỡ tôi vào thời điểm đó. Đối với tôi, một bữa cơm thời đó có giá trị bằng hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu tấn gạo của ngày hôm nay. Chính vì vậy nên tôi mới nói rằng gian nan mới biết bạn hiền, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau" - Thủ tướng Campuchia nói thêm và chúc mối quan hệ Campuchia - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

(Lược ghi bài phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Lễ kỷ niệm)

Theo TTXVN