Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về ‘thao túng tiền tệ’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về 'thao túng tiền tệ'

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ

Hôm 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa thông tin, trong cuộc điện đàm tối ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump đã trao đổi về việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo điều khoản 301 của Luật thương mại năm 1974 của Mỹ.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", đưa 10 nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách giám sát.

Việt Nam cùng với Thụy Sĩ bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ" theo đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Tại cuộc trao đổi với Tổng thống Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Bộ Ngoại giao thông tin hai bên nhất trí giao các bộ, ngành Việt Nam và Mỹ tiếp tục hợp tác, giải quyết vấn đề:

"Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi".

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và đặc biệt là trong những năm gần đây.

Ông Phúc và ông Trump cùng tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, trong đó hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương.

Một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực là mong muốn của người dân Việt Nam và cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Vì sao Việt Nam bị 'dãn nhãn' thao túng tiền tệ?

Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí: Có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP. Việt Nam và Thụy Sĩ vượt xa các tiêu chí này, với mức can thiệp ngoại hối lần lượt là 5% và 14% GDP.

Theo đó, Mỹ cho rằng, một quốc gia mua nhiều ngoại hối là đang làm suy yếu đồng tiền nội tệ hay phá giá tiền tệ. Nếu một quốc gia vi phạm cả ba tiêu chí sẽ bị họ dán nhãn "thao túng tiền tệ". Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 12, Việt Nam vi phạm cả ba tiêu chí trên nên bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ".

Báo cáo dài 69 trang của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại, trong khi Thụy Sĩ là nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Phòng Thương mại Mỹ hôm 16/12 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế lên Việt Nam do cáo buộc định giá thấp tiền đồng, đồng thời cho rằng Việt Nam không đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ, theo Reuters.

Trong một cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ nói rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần cuối tháng 12 sẽ bỏ qua các thủ tục đã được thiết lập và "gửi một thông điệp xấu đến Việt Nam", đồng thời sẽ gây tổn hại mối quan hệ song phương.

Mark Sobel, một cựu quan chức của Kho bạc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói việc gắn mác thao túng tiền tệ là cách giải thích "cơ học" về các ngưỡng mà bỏ qua tính phức tạp và các tình tiết giảm nhẹ, theo Reuters.

Chúng bao gồm dòng vốn đầu tư trú ẩn an toàn bằng tiền tệ của Thụy Sĩ do đại dịch và đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2019 do các công ty tránh thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

IMF đã dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.

Hồi 10/2, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã cập nhật danh sách các nước kém phát triển và các nước đang phát triển trong luật Chống trợ cấp của nước này. Theo đó, Việt Nam đã bị đưa ra khỏi danh sách này.

Việt Nam cần làm gì?

Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ khuyên rằng Việt Nam cần khẩn trương tăng cường khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để tạo điều kiện cho việc chuyển động lớn hơn trong tỷ giá hối đoái để phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, đồng thời giảm can thiệp và cho phép tăng giá hiệu quả thực sự của tỷ giá hối đoái. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch về quản lý ngoại hối, can thiệp, cũng như dự trữ ngoại tệ.

Mỹ cũng đề nghị rằng Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với các công ty Hoa Kỳ và hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giảm mất cân bằng thương mại song phương.

Bình luận trên VNexpress, ông Trương Văn Phước - thành viên chuyên trách tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng để tháo mác "thao túng tiền tệ", Việt Nam sẽ cần đối thoại, giải thích và đàm phán với Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật...

Ông Phước cho rằng, với quan hệ Việt Nam và Mỹ vẫn ở trong đà phát triển tốt, hai Chính phủ sẽ cân nhắc dựa trên mối quan hệ mà lãnh đạo hai nước đã dày công gây dựng trong gần 25 năm qua.

Việt - Mỹ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm cờ Việt Nam và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cầm cờ Mỹ tại Văn phòng Chính phủ VN ở Hà Nội ngày 27/2/2019, trước thượng đỉnh Mỹ - Triều

Chuyên gia cũng lưu ý thêm, Mỹ cũng từng dán nhãn Trung Quốc "thao túng tiền tệ" nhưng sau một năm họ đã gỡ bỏ. Không phải Mỹ nói Việt Nam thao túng tiền tệ là họ áp ngay thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, năm 2019, chính quyền ông Trump đã dán nhãn Trung Quốc là thao túng tiền tệ - lần đầu tiên kể từ năm 1994 - khi hai nước này đang đàm phán một thoả thuận thương mại.

Về sau, Mỹ đã bỏ cáo buộc này nhưng đồng nhân dân tệ vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ.

Trước đó, hôm 17/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 khẳng định Việt Nam "duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Mỹ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hoà lợi ích của cả hai bên".

"Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao và thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác.", bà Hằng nói thêm.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để đảm bảo một mối quan hệ thương mại "hài hòa và công bằng", và rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ.

"Chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong nhiều năm đã được điều hành theo hướng kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng," Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố trong một văn bản.

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm tối 22/12, Bộ Ngoại giao cũng thông tin thêm, bên lề việc thảo luận về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng thống Trump về việc phát triển thành công 2 loại vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục. Tổng thống Trump khẳng định rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới.

Tổng thống Trump đã hai lần tới thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức. Tháng 11/2017, ông Trump dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và thăm cấp nhà nước Việt Nam. Đến năm 2019, ông tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.