Tình hữu nghị Hà Nội-Tripoli

Làn sóng biểu tình đòi lật đổ Đại tá Gaddafi khiến một loạt quốc gia châu Á, trong có Việt Nam, bày tỏ lo ngại về an toàn cho công nhân của họ tại nước Bắc Phi này.

Quân đội Libya bỏ cả dàn tên lửa để chạy sau cuộc nổi dậy của dân chúng tại Tobruk

Nguồn hình ảnh, tobruk

Chụp lại hình ảnh, Quân đội Libya bỏ cả dàn tên lửa để chạy sau cuộc nổi dậy của dân chúng tại Tobruk

Với Việt Nam, tình hình Libya không chỉ quan trọng vì lý do kinh tế - 10 nghìn người Việt Nam đang lao động tại đây - mà còn bởi Tripoli lâu nay giữ quan hệ khá mật thiết cả về chính trị và ngoại giao với Hà Nội.

'Tham khảo, ủng hộ lẫn nhau'

Libya là một trong những quốc gia Ả Rập sớm đặt quan hệ ngoại giao với Hà Nội (15/3/1975), và từ đó, quan hệ được thúc đẩy mạnh trong bối cảnh các cựu thù như Hoa Kỳ hoạch định chính sách khá giống nhau với hai nước này, vốn cùng vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) một lúc.

Chính sách thuyết phục Hà Nội ở châu Á và Tripoli ở Bắc Phi là dòng chính trong đường lối đối ngoại của Washington thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Tripoli viết rằng "Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký thỏa thuận về tham khảo chính trị, hai bên ủng hộ nhau làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An LHQ và phối hợp trong các diễn đàn quốc tế".

Có vẻ như hai nước chia sẻ quan điểm phản đối "sự can thiệp từ bên ngoài" vào nội tình của họ trong các chủ đề nhân quyền và dân chủ.

Truyền thông Việt Nam cũng không nói đến những điểm đen trong sự nghiệp của ông Gaddafi, như vụ thảm sát 1.000 tù nhân ở Tripoli năm 1996.

Libya, dù bị nhiều tổ chức nhân quyền phản đối, đã làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi năm 2003.

Hiện nay, dù bị lên án là "dùng quân đội bắn dân", nước này chính thức vẫn giữ ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ, khiến một số dân biểu liên bang Mỹ đề nghị loại Libya ra khỏi cơ quan này.

Hồi 2008, Việt Nam cùng Burkina Faso, Costa Rica, Croatia và Libya, lần đầu tiên được làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Quan hệ hai bên đã được phía Việt Nam ca ngợi như sau:

"Nhờ sự vun đắp của các thế hệ lãnh đạo và nỗ lực của nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Li-bi ngày càng được củng cố và phát triển."

Libya và nhiều nước Thế giới thứ ba đã ủng hộ Hà Nội khi miền Bắc Việt Nam còn là đối thủ của Hoa Kỳ trong Cuộc chiến Đông Dương.

Ngoài ra, quá khứ chống thực dân của vùng Bắc Phi cũng khiến các phong trào cánh tả tại đây quý mến Việt Minh và sau là Bắc Việt Nam hơn bình thường.

Trong Thế giới Ả Rập vốn liên tiếp bị thua Phương Tây, tinh thần "Việt Nam thắng Mỹ" là niềm cổ vũ cho những người chống chủ nghĩa đế quốc.

Trong web của Đại sứ quán Việt Nam ở Libya viết:

"Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay".

Hội đồng Bảo an đã lên án việc chính quyền Gaddafi dùng phi cơ bắn vào dân biểu tình nhưng không thấy báo chí của nhà nước ở Việt Nam nêu quan điểm gì cụ thể từ Hà Nội về chủ đề này.

Đảng Cộng sản cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng từng tổ chức lễ để mừng các "thành tựu đáng kinh ngạc" của Cách mạng Libya.

Tuy thế, không thể kết luận là Hà Nội sẽ tiếp tục giữ thái độ ủng hộ chính quyền Gaddafi, một khi xảy ra chính biến tại nước này.

Vì dù cùng có tên là quốc gia 'Xã hội Chủ nghĩa' Việt Nam ngày càng coi bang giao với Libya có tính thực dụng hơn là vì ý thức hệ.

Ngoài ra, Việt Nam né tránh bình luận thái độ lập dị của lãnh tụ Libya, ông Gaddafi, người từng xé Hiến chương Liên Hiệp Quốc và đòi giải tán Hội đồng Bảo an ngay cả khi nước ông ta tham dự Hội đồng.

Báo chí chính thống ở Việt Nam tránh khen chê về ông Gaddafi, người lập dị và ưa trang phục diêm dúa

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Báo chí chính thống ở Việt Nam tránh khen chê về ông Gaddafi, người lập dị và ưa trang phục diêm dúa

Quân sự và vũ khí

Với các cường quốc xuất khẩu vũ khí, hai nước Việt Nam và Libya cùng nằm trong nhóm các khách hàng quan trọng.

Không kể quan hệ đồng minh ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh mà trong thời Toàn cầu hóa, Hà Nội và Tripoli được quan tâm ở thị trường vũ khí.

Trang Defenseworld.net hồi tháng 2/2010 đưa tin Moscow bắt đầu một năm tài khóa bán vũ khí bằng các hợp đồng cho Libya và Việt Nam.

Tripoli khi đó mua 1,8 tỷ USD tiền vũ khí từ Nga, gồm sáu máy bay huấn luyện YAK-130, một số xe tăng.

Hiện không rõ biến động đang xảy ra ở Libya có ảnh hưởng gì đến lịch trình trao các khoản vũ khí cho Libya vào các năm 2011-12 hay không.

Ngoài ra, Libya cũng ngỏ ý muốn mua 12 chiến đấu cơ đời mới nhất của Nga, loại Su-35, và bốn Su-30MK2 và cả hệ thống phòng không S000PMU2.

Việt Nam trước đó đã đặt mua từ Nga nhiều loại vũ khí như tám chiếc phi cơ Su-30MK2 trị giá nửa tỷ USD.

Việt Nam có tên lửa Scud-B, tầm bắn 300 km/1,000 kg tự sản xuất thì Libya cũng cố gắng phát triển tên lửa Al Fatah loại 200 km/500 kg. Nhưng tên lửa Scud-B của Libya loại tương tự của Việt Nam thì vẫn mua từ Liên Xô cũ.

Báo chí quốc tế chú ý đến tin hồi tháng 12/2009 rằng Tổng thống Obama đã chuẩn bị sẵn sàng để bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam và Libya, hai nước bị cho là "cựu thù".

Trước đó, dưới thời Tổng thống Bush, Hoa Kỳ đã bỏ Libya ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố, một điều kiện để có thể ký các hợp đồng về quân bị với Mỹ.

Câu hỏi nay là trong lúc chính quyền Libya đang tan rã, Việt Nam liệu có "lên giá" hay không trong chiến lược của các cường quốc như Hoa Kỳ, nhất là trong bàn cờ an ninh, quân sự?

Ngoài ra, sau bài học Ai Cập và Libya, Phương Tây cũng phải tự hỏi việc lôi kéo các hệ thống không chia sẻ các giá trị như dân chủ và nhân quyền có phải là hướng đi có tương lai.

CP Việt Nam sớm muộn cũng sẽ phải tỏ thái độ trước làn sóng dân quyền chống 'người bạn Gaddafi'

Nguồn hình ảnh, Getty

Chụp lại hình ảnh, CP Việt Nam sớm muộn cũng sẽ phải tỏ thái độ trước làn sóng dân quyền chống 'người bạn Gaddafi'