Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

  • Bùi Thư - Hoài Minh
  • BBC News Tiếng Việt
Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam

Cuộc đổi mới ngắn ngủi ở Quốc hội khóa 8-9-10 - tương ứng thời gian 1987 đến 2002 - có vẻ là thời kỳ "cởi trói" khi nghị trường Việt Nam tiến một bước gần hơn với ý nghĩa của tổ chức này: thảo luận cởi mở về các vấn đề nhức nhối của xã hội và đất nước.

Mở đầu loạt bài về Quốc hội Việt Nam, BBC phỏng vấn nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận, người cho rằng tiếng nói các dân biểu ngày nay "đang yếu dần" so với ba khóa Quốc hội 8, 9, và 10.

Làm việc tại Quốc hội Việt Nam 14 năm, ông Trần Quốc Thuận mô tả khóa 8 (1987-1992) là thời kỳ "sôi nổi, người người nhà nhà đầy hào hứng vì đất nước đang bước vào giai đoạn đổi mới năm 1986".

Thời điểm này, theo hồi ức của ông, niềm tin của người dân vào việc bầu cử rất cao.

Đặc biệt, ông Thuận, tuy không thuộc diện cơ cấu, không nằm trong diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền giới thiệu, nhưng lại trúng cử vào Hội đồng Nhân dân.

Ông mô tả "điều đó hoàn toàn không nằm trong dự kiến."

"Khi tôi ra ứng cử, một không khí đầy hào hứng, phấn khởi với chủ trường rằng Quốc hội phải thể hiện đầy đủ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất."

Thời kỳ 'chưa từng có'

Trước Quốc hội khoá 8, các phát biểu tại nghị trường bị kiểm duyệt chặt chẽ. Đại biểu chỉ đọc bản đã được thông qua, chỉnh sửa. Đại biểu Quốc hội cũng phải theo đúng cơ cấu với đủ thành phần: công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số, và phụ nữ. Dĩ nhiên, họ phải là đảng viên.

Theo ông Trần Quốc Thuận, tới khoảng năm 1994, ĐBQH mới chuyển sang là có tỷ lệ chuyên trách nhất định. Tức trước kia, đưa ra vấn đề gì thì quốc hội cũng chỉ giơ tay biểu quyết rồi ký mà thôi.

"Nếu so sánh như vậy chúng ta thấy dường như Quốc hội có một bước đột phá, phát triển: từ những người được hợp thức hóa trở thành những người có một vài quyền nhất định."

"Như việc tôi không được ai giới thiệu, cơ cấu cũng được trúng cử vào HĐND, vào Thường trực HĐND thì đây cũng là đổi mới, trước đó là không có chuyện vậy đâu." ông Thuận khẳng định.

Luật sư Trần Quốc Thuận nhớ lại, thời kỳ cả nước sôi sục đi bầu cử, hồ hởi đón làn gió Đổi mới cũng là lúc Quốc hội đã xảy ra sự kiện "vô tiền khoáng hậu". Đó là cuộc cạnh tranh vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) hồi khóa 8.

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, MANAN VATSYAYANA/Getty Images

Cụ thể, ngày 10/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng qua đời đột ngột. Ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt đều được đề cử vào thay thế ông Phạm Hùng.

"Lúc đầu thì chưa sôi nổi lắm, cuối cùng đoàn TP HCM tranh luận quyết liệt, vì nhân dân miền Nam rất quý trọng ông Võ Văn Kiệt. Rồi các ĐBQH khác cũng hưởng ứng. Cuối cùng là bỏ phiếu bình bầu. Dĩ nhiên ông Đỗ Mười thắng. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực - đúng thật là thời kỳ Đổi mới, không khí bùng lên." ông Trần Quốc Thuận nói với BBC.

Trong một bài phỏng vấn cũ với Vnexpress, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại gọi khóa 8 và chuyện tranh cử giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt là "chuyện chưa từng có trước đó và là một dấu son dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam".

Ông Đỗ Mười trúng cử với 296 phiếu (63%) còn ông Võ Văn Kiệt được 168 phiếu (37%).

Trong cuốn Quyền Bính (phần 2 của Bên thắng cuộc), nhà báo Huy Đức, người từng có nhiều năm theo dõi và đưa tin Quốc hội với tư cách là phóng viên báo Tuổi Trẻ TP HCM bình luận:

"Sự kiện ba mươi ba đoàn đại biểu Quốc hội, đa số là các đoàn miền Nam, giới thiệu ông Võ Văn Kiệt ra tranh cử chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với ông Đỗ Mười (tháng 6-1988) dù không trở thành một tiền lệ vẫn cho thấy các đại biểu đã không còn đến Hội trường Ba Đình để chỉ giơ tay như trước."

"Cho dù vẫn bị "lãnh đạo" liên tục từ hậu trường, ở thời điểm hình thành Hiến pháp 1992, Quốc hội Việt Nam bắt đầu có tiếng nói. Đây cũng là một thành quả quan trọng của "đổi mới". Trong nhiều thập niên trước đó, Quốc hội Việt Nam chỉ tồn tại trên hình thức", nhà báo Huy Đức nhận định.

Từng đòi thể chế hóa quyền lãnh đạo của Đảng

Việc Quốc hội bác đề xuất sửa quốc ca theo đề xuất của ông Tố Hữu, cuộc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chưa từng có tiền lệ với 2 ứng cử viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt cho đến quyết định tường thuật trực tiếp phiên chất vấn là ba sự kiện hay được nhắc lại như cột mốc đánh dấu quá trình đổi mới nghị trường Việt Nam.

"Khóa 8 cũng là thời điểm xây dựng hiến pháp 1991 nên sôi nổi. Các ĐBQH thời đó còn đòi thể chế hóa quyền lãnh đạo của Đảng vì quyền hạn của Đảng quá rộng đi. Một vấn đề mà Hiến pháp 46 đặt ra đó là Lập hội, Quyền biểu tình cũng được đem ra bàn luận," nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nhận định.

Năm 1992, ông Lê Quang Đạo - Chủ tịch Quốc hội giai đoạn 1987-1992 - gửi thư cho Bộ Chính trị có đầu đề "Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng".

Lá thư này viết: "Tôi đề nghị nên suy nghĩ có nên ra một đạo luật về Đảng lãnh đạo không? Điều 4 Hiến pháp đã thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng rồi."

"Nhưng nếu có luật để cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền, ảnh hưởng xấu đến vai trò và uy tín của Đảng..."

Đổi mới 'nửa vời'?

Nói với BBC từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong đổi mới nghị trường.

"Chính ông Đạo là người đã khuyến khích các đại biểu phát biểu, đóng góp ý kiến, tranh luận. Tôi gặp ông Lê Quang Đạo một vài lần và tôi thấy ông ấy thực sự có tinh thần cởi mở và muốn đóng góp. Đấy là diễn biến tích cực," ông Doanh nói.

BBC

Nhưng sự "tích cực" đó không kéo dài được bao lâu. Theo ông Lê Đăng Doanh, không khí cởi mở đã mang đến những phát biểu thẳng thắn, không né tránh của các trí thức hàng đầu như giáo sư Phan Đình Diệu, Quách Đăng Triều và một số người khác. Việc truyền hình trực tiếp cũng dấy lên nhiều lo ngại.

Thời điểm đó, quan điểm "cởi trói" vẫn là thiểu số trong tập thể lãnh đạo. Dù là Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Quang Đạo vẫn phải chấp nhận sức ép từ những đồng chí của mình và siết lại, dù đó là những điều ông muốn làm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định "đó là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản lãnh đạo".

Giai đoạn "nuôi dưỡng đổi mới" 1987-2002 dường như là chất xúc tác dẫn đến nghị trường Việt Nam những năm 2000 sau đó cũng nóng hổi chất vấn các sự kiện thời kỳ đó như vụ án PMU 18 và tranh cãi bauxite Tây Nguyên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời từng lên tiếng mạnh mẽ và liên tục về vấn đề Bô xít Tây Nguyên

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời từng lên tiếng mạnh mẽ và liên tục về vấn đề Bô xít Tây Nguyên

Ông Trần Quốc Thuận nhớ lại tranh cãi "sôi nổi" trong Quốc hội lẫn trên báo chí quanh dự án bauxite Tây Nguyên.

"Vụ bauxite Tây nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư lên tiếng. Ông nói đây một vấn đề cực kỳ hệ trọng, với góc nhìn rằng, ai chiếm được Tây Nguyên thì có khả năng khống chế cả Đông Dương này. Như vậy sẽ đụng đến an ninh quốc gia, và vì thế mà vụ việc được hưởng ứng mạnh mẽ với một hình ảnh rất đẹp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp."

Dù Quốc hội Việt Nam có những bước chuyển mình tích cực nhưng theo ông Trần Quốc Thuận, "sự đổi mới này chưa thực sự bùng nổ, người dân chưa nhận thức được phải có người đại diện thực sự cho mình nên họ chưa đòi hỏi quyền đó".

"Rõ ràng ta thấy có đổi mới nhưng chỉ về mặt hình thức, thực chất bên trong, việc chọn lựa các ĐBQH như thế nào mới là quan trọng đang cần đặt ra."

Việt Nam khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Theo đó, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước trong đó có Quốc hội-một cơ quan của Nhà nước-đã được khẳng định trong Hiến pháp.

Đảng Cộng sản khẳng định không thể có việc Quốc hội độc lập hoặc thậm chí đối lập với Đảng.

Còn với những người ủng hộ học thuyết "tam quyền phân lập", từ 1987 đến nay, một số sự kiện "nóng ran" vẫn là những "hy hữu" của đời sống nghị trường Việt Nam chứ không trở thành một cuộc "giải phóng vòng kim cô" cho cơ quan lập pháp khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Đọc thêm các kỳ khác trong loạt bài về Quốc hội: