4.3.21

Tiền mười tỷ phú kiếm được trong đại dịch đủ để tiêm phòng cho cả thế giới

TIỀN MƯỜI TỶ PHÚ KIẾM ĐƯỢC TRONG ĐẠI DỊCH ĐỦ ĐỂ TIÊM PHÒNG CHO CẢ THẾ GIỚI

Theo một báo cáo mới của Oxfam về bất bình đẳngvirus corona, những tỷ phú này có thể cứu hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo bằng những gì còn sót lại.

Tác giả: Amanda Schupak

Cuộc suy thoái virus corona đã kết thúc, nếu bạn hỏi các tỷ phú trên thế giới.

Theo một báo cáo do Oxfam công bố hôm thứ Hai, tập thể 1.000 tỷ phú hàng đầu đã mất khoảng 30% tài sản của họ khi các ràng buộc của COVID-19 khiến các nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ vào tháng Ba. Nhưng đến cuối tháng 11, họ đã kiếm lại được tất cả.

Đối với những người giàu nhất thế giới, họ mất chưa đến 10 tháng để khôi phục những thiệt hại tài chính do đại dịch gây ra. Báo cáo ước tính sẽ mất hơn 10 năm đối với những người nghèo nhất thế giới.

Paul O'Brien, phó chủ tịch Oxfam Mỹ nói với HuffPost: “Trong khi một thiểu số giàu có đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trước và trong khi đại dịch xảy ra, thì phần lớn dân số thế giới đang phải vật lộn để tồn tại với mức lương nghèo nàn và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế hay giáo dục tốt”. “Mức độ tập trung cực kỳ sự giàu có ngày nay không bền vững. Tỷ phú là dấu hiệu của một nền kinh tế đau bệnh, chứ không phải là khỏe mạnh. Đó là triệu chứng của một nền kinh tế đổ vỡ”.

Đại dịch đe dọa sẽ xóa bỏ sự tiến bộ của hơn hai thập kỷ giảm nghèo toàn cầu. Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng hơn 200 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng kinh tế của COVID-19 - ở các nước thu nhập thấp và những nước giàu, bao gồm cả Hoa Kỳ. Thật đáng giật mình lo sợ, báo cáo của Oxfam cho thấy chi phí để ngăn mọi người rơi vào cảnh sống với mức sống dưới 5,50 đô la một ngày sẽ thấp hơn nhiều so với lợi nhuận mà những người giàu nhất thế giới kiếm được trong cuộc khủng hoảng virus corona.

“Jeff Bezos có thể tự trả cho mỗi người trong số 876.000 nhân viên của Amazon một khoản tiền thưởng 105.000 đô la trả ngay một lần... và ông vẫn giàu như lúc bắt đầu đại dịch.”

Theo tính toán của Oxfam - dựa trên dữ liệu về nghèo đói từ Ngân hàng Thế giới và dữ liệu tài sản từ Credit Suisse và danh sách Tỷ phú của Forbes - 10 người giàu nhất thế giới, bao gồm CEO Amazon là Jeff Bezos và người sáng lập Tesla là Elon Musk, đã cộng thêm 540 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng tập thể của họ trong ba quý cuối năm 2020. Nếu họ chuyển giao khoảng 80 tỷ đô la, họ có thể giữ cho hàng triệu người gặp khó khăn đó được ở phía trên ngưỡng nghèo trong vòng một năm trong khi các nền kinh tế đang tái thiết.

Với phần còn lại của lợi nhuận năm 2020, 10 tỷ phú này có thể chi trả cho cả hai đợt tiêm vắc-xin COVID-19 cho mọi người trên Trái đất và vẫn sẽ là những người giàu nhất. (Oxfam đã sử dụng dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới để ước tính chi phí khoảng 9 đô la cho mỗi liều vắc xin, tổng chi tiêu là 141,2 tỷ đô la cho 7,8 tỷ dân trên thế giới.)

Oxfam đã hẹn giờ phát hành báo cáo trùng với thời điểm bắt đầu cuộc họp Davos thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (năm nay họp qua mạng), nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ “cùng họp để giải quyết các vấn đề quan trọng”.

Raj Sisodia (1958-)

Báo cáo vẽ ra một bức tranh sự thật trần trụi về sự tách biệt giữa các CEO ở cấp cao nhất và những người lao động ở cấp dưới, nhiều người trong số họ đã tiếp tục làm việc trong những hoàn cảnh nguy hiểm, không có lựa chọn ở nhà để tránh virus.

Raj Sisodia, một giáo sư kinh doanh tại Đại học Babson và là người đồng sáng lập Conscious Capitalism movement (phong trào Chủ nghĩa tư bản có ý thức), đã ví cấu trúc doanh nghiệp tiêu chuẩn với hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ. Ở đẳng cấp trên là những người có trình độ chuyên môn, có trình độ đại học, được trả lương hào phóng với các quyền lợi và quyền chọn cổ phiếu, được trợ giúp bởi một lực lượng lao động thuộc đẳng cấp dưới, những người bị “vắt chanh bỏ vỏ”, bị khóa chặt vào những công việc lương thấp và theo giờ, không được chăm sóc y tế, không được nghỉ phép có lương hoặc trợ cấp hưu trí.

“Điều đó cần phải thay đổi,” Sisodia nói. “Phải có một tỷ lệ vừa phải giữa việc trả lương cho đẳng cấp cao nhất và thấp nhất.”

Đó không phải là trường hợp hiện tại. Trong 40 năm qua, lương của giám đốc điều hành đã tăng 1.000% trong khi lương của công nhân chỉ tăng dưới 12%.

STRF/STAR MAX/IPX. Ảnh: Một cuộc biểu tình bên ngoài căn hộ ở Thành phố New York của Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon, vào tháng 12. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông đã kiếm được hàng trăm tỷ đô la nhờ vào sức lao động của hàng chục nghìn người làm việc trong điều kiện không an toàn.

Amazon ghi nhận doanh thu kỷ lục khi gần 20.000 công nhân Amazon bị nhiễm COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020. Với khối tài sản mà ông tích lũy được trong cùng thời gian đó, báo cáo của Oxfam cho thấy “Jeff Bezos có thể tự trả cho mỗi người trong số 876.000 nhân viên của Amazon một khoản tiền thưởng 105.000 đô la trả ngay một lần... và ông vẫn giàu như lúc bắt đầu đại dịch.”

Paul O'Brien

Tuy nhiên, việc đưa tiền như vậy không thể đem lại công cuộc tái cấu trúc cơ bản mà ta đang cần, O’Brien nói: “Việc yêu cầu người giàu làm từ thiện không thể thay thế cho việc đánh thuế họ và những công ty có lợi nhuận tăng vọt trong những năm qua”.

Oxfam khuyến nghị thực hiện thuế tài sản là một bước quan trọng để tạo ra một hệ thống kinh tế công bằng hơn, bình đẳng hơn.

Ông nói tiếp: “Người siêu giàu sử dụng một mạng lưới các thiên đường thuế để tránh phải trả phần thuế công bằng của họ và một đội quân quản lý tài sản để đảm bảo lợi nhuận cao ngất trời mà một nhà đầu tư bình thường không có được”. “Các tập đoàn lớn đang né thuế, giảm lương công nhân và giá trả cho nhà sản xuất, và đầu tư ít hơn vào hoạt động kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông giàu có của họ. Cả doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đều sử dụng tiền và các mối quan hệ của họ để đảm bảo chính sách của chính phủ phù hợp với họ. Việc này phải dừng lại.”

Các khuyến nghị chính sách khác của báo cáo bao gồm đầu tư vào các dịch vụ xã hội và thu nhập được đảm bảo, tránh sử dụng tổng sản phẩm quốc nội làm thước đo cho tăng trưởng kinh tế và biến việc chống bất bình đẳng trở thành trọng tâm để phục hồi sau đại dịch.

Amanda Schupak

Ông O’Brien cho biết: “Cách hiệu quả nhất để giúp mọi người đứng dậy trên đôi chân của mình trong cơn thức tỉnh sau đại dịch là xây dựng các nền kinh tế công bằng hơn, bền vững hơn, có lợi cho tất cả mọi người chứ không chỉ một số ít may mắn”. “Bộ phận Davos, bao gồm các giám đốc điều hành công ty, phải nỗ lực kết nối để biến điều này thành hiện thực.”

Vài nét về tác giả

Amanda Schupak

Amanda Schupak là một nhà báo về y tế, khoa học và công nghệ ở Thành phố New York. Bà hiện đang làm Phó biên tập viên trang mạng Impact tại Blog HuffPost.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:10 Billionnaires Made Enough Money During The Pandemic To Vaccinate The Entire World“, Huffpost, 24.01.2021.

Print Friendly and PDF