BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1370. TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC

Posted by adminbasam trên 10/11/2012

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ Sáu, ngày 9/11/2012

TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC

(Hannah Beech – Tạp chí Time – số 22/10/2012)

Trung Quốc đang trải qua một sự chuyển giao ban lãnh đạo hiếm có vào thời điểm những căng thẳng xã hội ngày càng gia tăng. Hãy tìm hiểu tình hình bên trong bộ máy an ninh nhà nước lớn nhất thế giới này.

Vào ngày 1/10/2012, lễ kỷ niệm 63 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chín người đàn ông tóc đen trong bộ comlê tối màu đứng trang nghiêm trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Lờ mờ hiện ra trước nhóm đàn ông cấu thành đội ngũ lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc là hàng tá camera an ninh gắn trên các cột đèn. Những người lính bước đi thẳng gối diễu hành qua. Như thường lệ, một bức chân dung khổng lồ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, người thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, nhìn xuống quảng trường, giống như hàng trăm cảnh sát mặc thường phục với mái tóc ngắn và những con mắt cảnh giác. Mặc dù có rất nhiều hoa trang trí và các đại biểu dân tộc thiểu số trong trang phục sặc sỡ, quảng trưởng vẫn đầy rẫy đồ trang bị của một bộ máy an ninh nhà nước hoang tưởng.

Trung Quốc đang ở trong trạng thái cảnh giác, thậm chí còn hơn thế trong những ngày này khi Đảng Cộng sản cầm quyền đang chuẩn bị cho một sự chuyển giao ban lãnh đạo một thập kỷ một lần. Vào ngày 8/11/2012, những nhà lãnh đạo của đất nước, đứng đầu là Chủ tịch nước và là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hồ Cẩm Đào có gương mặt cương nghị, được cho là bắt đầu nhường chỗ cho một thế hệ mới do Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Người kế nhiệm hiển nhiên Tập Cận Bình và nhân vật được cho là Thủ tướng tiếp theo, Lý Khắc Cường, đã tham gia lễ kỷ niệm Quốc khánh ngày 1/10, mái tóc vuốt sáp thơm và những bước đi được dàn dựng sẵn của họ được phát đi phát lại trên truyền hình nhà nước.

Quốc gia với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trải qua một cuộc chuyển giao chính trị hiếm thấy, tuy nhiên con đường mà các nhà cầm quyền mới muốn đi theo phần lớn vẫn là một điều bí ẩn. Vận mệnh của nền kinh tế thế giới một phần dựa vào việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm ra con đường vượt qua những bãi đá ngầm tài chính và chính trị đầy nguy hiểm tiềm tàng như thế nào.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình và êkíp của ông vươn lên đỉnh cao trong hệ thống cấp bậc của Đảng Cộng sản nhờ khả năng của họ tuân theo một sự đồng thuận về cai trị chậm chạp và vốn đã bảo thủ. Một thập kỷ trước, các nhà quan sát Trung Quốc được trang bị ít thông tin về nhóm chỉ huy tiếp theo của Trung Quốc đã dự đoán rằng kỷ nguyên của Hồ Cẩm Đào sẽ mở ra những cải cách chính trị để phù hợp với những sự tự do hóa kinh tế của Trung Quốc. Chương Di Hòa, con gái một nhà cách mạng Cộng sản bị thanh trừng và là một tác giả nổi tiếng ở Bắc Kinh có những cuốn sách bị cấm ở Trung Quốc, nói: “Không ai tưởng tượng được rằng chính quyền của Hồ Cẩm Đào lại lạc hậu đến như vậy. Thay vì tự do hóa, những sự kiểm soát chính trị trên thực tế đã tăng lên. Đó là một tình trạng lố bịch đối với thời đại ngày nay”.

Những thời kỳ khó khăn

Ngày nay, Trung Quốc là một đất nước giàu có hơn nhiều so với năm 2002, nhưng nước này không phải là một nơi đặc biệt tự do hơn. Khi thu nhập gia tăng, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng. Tình trạng tham nhũng tràn lan. Đồng thời, mạng Internet đã đem lại cho những công dân từng bị che mắt các nguồn thông tin thay thế cho truyền thông bị kiểm duyệt của nhà nước – và một cách khác để biểu lộ sự bất mãn của họ. Số vụ phản kháng và cái gọi là các sự kiện quần chúng khác đã tăng lên mạnh mẽ đến mức các nhà chức trách bối rối của Trung Quốc phải ngừng công bố các số liệu 7 năm trước. Không thể dựa vào toà án để đem lại công lý, các công dân Trung Quốc đang xuống đường để đòi hỏi hành động, bất chấp bị đe dọa bỏ tù vì dám làm vậy. Lý do bất mãn phổ biến nhất bao gồm việc các nhà phát triển bất động sản móc ngoặc với các quan chức địa phương tham nhũng chiếm đoạt đất đai, các nhà máy coi thường các quy định về ô nhiễm, điều kiện làm việc không an toàn cho người lao động nhập cư và những hạn chế của chính phủ đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây xa xôi của đất nước. Ước tính gần đây nhất, của một nhà xã hội học Bắc Kinh, là có 180.000 sự kiện liên quan đến phản kháng trong năm 2010, so với 87.000 của 5 năm trước. Các học giả Trung Quốc nổi bật cho biết con số đó hiện nay chắc chắn gấp đôi con số của 2 năm trước.

Không ai cho rằng những cơn phẫn nộ vô số nhưng cô độc này sẽ lan nhanh thành sự bất đồng – ít nhất là chưa phải vậy. Nhưng sự bất mãn ngày càng tăng khiến các nhà lãnh đạo bị ám ảnh về sự ổn định của Trung Quốc hoảng sợ, nhất là vì phong trào Mùa Xuân Arập đã cho thấy các cuộc cách mạng có thể tập hợp lực lượng nhanh chóng như thế nào. Nhà kinh tế thẳng thắn người Trung Quốc Mao Vu Thức nói: “Nếu người ta nhìn vào những cuộc phản kháng này, gần như tất cả chúng là vì sự lạm dụng quyền lực của chính phủ. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo rất lo lắng. Chúng là nguyên nhân của sự bất ổn chính trị”.

Tuy nhiên khi nắm quyền hơn 6 thập kỷ, Đảng Cộng sản vẫn từ chối thực hiện cải cách chính trị đáng kể. Thay vào đó, Hồ Cẩm Đào và những người thân cận của ông đã tạo dựng một bộ máy an ninh trong nước đồ sộ mà như Trung Quốc thừa nhận là đã được cấp hơn 110 tỷ USD trong năm 2012. Weiwen là cách viết tắt trong tiếng Trung cho duy trì ổn định, và đó chính là câu thần chú của chính phủ vào những ngày này, bao gồm tất cả mọi thứ từ các lực lượng an ninh, những người đánh đập các bà già phản kháng rồi những nhà tù bí mật giam giữ người chống đối chính trị cho tới các đội quân kiểm duyệt quét sạch những quan điểm ương ngạnh khỏi truyền thông và mạng Internet.

Đối với các quan chức địa phương và các bộ trong chính phủ, việc hứa hẹn cải thiện weiwen là cách dễ dàng nhất để moi tiền từ chính phủ trung ương. Phần lớn tiền không nằm trong sổ sách, biến mất vào một hố đen gồm những nhân viên mật vụ được vũ trang mà không rõ ông là ai và những nhà tù không chính thức tồn tại. Cũng cạnh tranh giành phần phân chia ngân sách an ninh của Trung Quốc là quân đội, lực lượng đã mở rộng sự đe dọa của họ – chống lại Mỹ, Nhật và các nước châu Á khác – để giành được nhiều ảnh hưởng hơn với đội ngũ lãnh đạo mới. Guo Xuezhi, một giáo sư tại trường Đại học Guilford ở Bắc Carolina, người có cuốn sách gần đây nhất được đặt tên, một cách thẳng thắn, là Bộ máy an ninh nhà nước của Trung Quốc, nói: “Không nghi ngờ gì rằng Trung Quốc có bộ máy an ninh nhà nước lớn nhất trên thế giới.

Có ít dấu hiệu cho thấy rằng Tập Cận Bình và cộng sự sẽ nới lỏng chế độ đàn áp này, mặc dù họ có thể tổ chức lại các kênh ra quyết định. Xie Yue, một giáo sư chính trị tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, nói: “Ưu tiên hàng đầu đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc là nắm chặt quyền lực của chính mình, và để làm vậy đảng biết rằng xã hội cần phải ổn định”. Nhưng ở một đất nước coi nhẹ sự cai trị của pháp luật, điều đó khiến 1,3 tỷ người Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những ý thích chợt nảy ra của các nhà lãnh đạo của họ. Các cán bộ địa phương biết rằng khả năng được thăng chức phụ thuộc vào việc ngăn ngừa tình trạng rối ren, và cách giải quyết dễ dàng là đàn áp bất kỳ sự bất đồng quan điểm manh nha nào thay vì giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản. Nhà xã hội học người Bắc Kinh Yu Jianrong đã viết vào năm 2011: “Vì sự ổn định, (chúng ta) đã ngăn cản sinh kế của người dân, ngăn cản nhân quyền, ngăn cản sự cai trị của pháp luật, ngăn cản cải cách. Sự duy trì ổn định đã không ngăn chặn được tham nhũng, cũng như không ngăn chặn được những bi kịch hầm mỏ, cũng như không ngăn chặn được việc phá hủy và chiếm đoạt đất đai bất hợp pháp”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giám sát công cuộc mở rộng kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đảng đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói. Không trói buộc mình vào nút thắt tư tưởng, đảng đã đón nhận một chủ nghĩa tư bản do nhà nước bảo trợ mà về cơ bản ngược lại với nền tảng xã hội chủ nghĩa của nước Cộng hòa Nhân dân. Một thỏa ước mới đã đạt được trong thứ về kỹ thuật vẫn là một nhà nước Cộng sản: chính phủ sẽ cho phép bạn trở nên giàu có, nhưng bạn phải không đặt câu hỏi về tính khôn ngoan chính trị của các nhà lãnh đạo. Nó dường như là một hiệp ước có thể chấp nhận được. Xét cho cùng, chẳng phải sự tự do của một vài người – những người chống đối, những người độc lập, những nhà dân chủ – đáng hy sinh cho lợi ích chung của đất nước đông dân nhất hành tinh hay sao? Tuy nhiên như chúng ta đã biết từ lịch sử hiện đại, về lâu dài hơn, xã hội độc đoán có xu hướng ít ổn định hơn khi người dân của nó thịnh vượng hơn.

Hiện nay, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tăng trưởng hai con số không còn thúc đẩy quốc gia, các công dân của nước này đang la ó đòi một sự tuvệt giao nữa với quá khứ, Trò chuyện trong một vài tháng qua với những người Trung Quốc có lai lịch khác nhau – học giả, chủ doanh nghiệp, nông dân và thậm chí cả những nhân vật ngoan cố kỳ lạ của Đảng Cộng sản – tôi ấn tượng nhất bởi niềm tin chung của họ rằng hệ thống chính trị Trung Quốc về cơ bản phải tự biến đổi hoặc phải đối mặt với kiểu biến động xã hội đã quét sạch các triều đại đế quốc và các vương quốc phát động chiến tranh cổ đại. Trong khi nhiều người phương Tây đang tin vào sự thổi phồng về một thế kỷ Trung Quốc sắp tới, thì những người Trung Quốc mà tôi đã trò chuyện lại dự đoán một tương lai nhìn chung phức tạp hơn. Trong những thời kỳ không chắc chắn này, không ngạc nhiên khi đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc lại đang cố gắng đạt được weiwen, ngay cả nếu toàn bộ nỗ lực này trở nên tuyệt vọng. Fang Ning, giám đốc Viện Khoa học Chính trị thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một nhóm tư vấn chiến lược do chính phủ tài trợ, thừa nhận: “Sự cai trị của pháp luật, tính minh bạch chính trị – đó chắc chắn là một con đường dài xa xôi. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng sự thay đổi cuối cùng cũng sẽ đến với Trung Quốc”.

Người đàn ông bí ẩn

Nhận vật được chờ đợi sẽ gắn kết Trung Quốc là Tập Cận Bình, một thành viên 59 tuổi của phái quý tộc đỏ, người mà cha ông, Tập Trọng Huân, là một đồng chí đáng tin cậy của Mao Trạch Đông trước khi bị thanh trừng vào đầu những năm 1960 và sau đó bị tống giam. Tập Cận Bình khi đó đã chuyển từ những đại sảnh bóng loáng của khu nhà cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sang lao động 7 năm trong một hợp tác xã nông nghiệp. Giống như các thành viên khác của một thế hệ đã bị Cách mạng Văn hóa phế truất – chiến dịch chính trị đầy khủng bố từ năm 1966-1967 của Mao, làm hàng trăm triệu người thiệt mạng – Tập Cận Bình có thể đã phát triển một sự dị ứng với những thời kỳ hỗn loạn. Khi đó, có mọi lý do để coi trọng weiwen. Khi các trường đại học mở cửa lại vào giữa những năm 1970, Tập Cận Bình đã theo học kỹ sư hóa học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cái nôi của các nhà lãnh đạo tương lai. Sự nghiệp chính quyền của ông đã vẽ ra những thay đổi về tư tưởng của Đảng Cộng sản: trước hết ông làm trợ lý riêng cho một Bộ trưởng Quốc phòng, tiếp đó làm việc cần mẫn trong vai trò một công chức làng và sau đó là một lãnh đạo tỉnh và thành phố, cưỡi trên một làn sóng đầu tư nước ngoài diễn ra ở vùng duyên hải thịnh vượng của đất nước.

Khi Tập Cận Bình leo lên các cấp bậc, phả hệ và khả năng của ông vươn tới các phe phái hận thù trong đảng đã có lợi cho ông. Sự nổi lên nhanh chóng của ông giống với của những người được gọi là thái tử khác, những người có sự giáo dục đặc quyền đặc lợi với tư cách là con ông cháu cha của Đảng Cộng sản tương phản với phe phái chính khác trong chính phủ, gồm những thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản như Hồ cẩm Đào.

Ngoài những điều cốt lõi trong bản lý lịch của ông, người ta ít biết về vị Chủ tịch tiếp theo này. Cha của Tập Cận Bình cuối cùng đã khôi phục sự nghiệp của mình vào cuối những năm 1970 và giúp tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc trong khi cũng kêu gọi có sự cởi mở về chính trị. Năm 1989, Tập Trọng Huân thậm chí đã lên án cuộc đàn áp đẫm máu những người phản kháng tại Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, con trai ông đã không công khai bày tỏ bất kỳ sự ưa thích cải cách nào. Công việc hiện tại của ông yêu cầu ông phải đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới và xây dựng tinh thần và mục tiêu của đảng. Cá tính trước công chúng của Tập Cận Bình, như chính nó trước đây, rất chắc chắn, một sự phản chiếu không hơn gì đôi vai rộng, nụ cười lớn và cái bắt tay chặt của ông. Mộí số đặc điểm cá nhân của ông có cả thanh danh đã bị bẻ cong: người vợ thứ hai của ông là một ca sĩ dân ca ưa thích mascara trong Quân Giải phóng Nhân dân – khá tương phản với những vị hôn thê về hưu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây.

Khi thảo luận màn thể hiện của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong một bài phát biểu tại Thành phố Mêhicô năm 2009, Tập Cận Bình đã cho thấy một mặt tối hơn trong một khoảnh khắc công khai ầm ĩ hiếm có. Ông sôi sục: “Một số người nước ngoài với chiếc bụng no và không có gì tốt đẹp hơn để làm tham gia đổ lỗi cho chúng tôi. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, Trung Quốc không xuất khẩu nạn nghèo đói. Và thứ ba, Trung Quốc không làm việc cẩu thả với các bạn. Vậy còn gì để nói nữa?” Tuy vậy, các học giả có quan hệ với chính phủ đã nói với tôi rằng,Tập Cận Bình đã lặng lẽ gặp gỡ các trí thức có đầu óc cải cách những tháng gần đây, gồm cả những người đã kêu gọi chính phủ đối mặt với vụ đàn áp Thiên An Môn. Ông đi lại rộng rãi hơn nhiều Hồ cẩm Đào, và chị ông, người vợ đầu và đứa con duy nhất đều sống ở nước ngoài. (Con gái ông đang học ở Havard dưới một cái tên giả.)

Nhân vật thứ nhất trong số những người ngang bằng

Bất kể hoạt động chính trị của ông chứng tỏ điều gì, Tập Cận Bình phải đảm nhiệm một chức vụ có quyền lực suy giảm. (Cùng với chức danh quan trọng nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Tập Cận Bình thừa hưởng hai chức vụ hàng đầu khác: Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước Trung Quốc, chức vụ cuối cùng là ít quan trọng nhất trong các vai trò của ông.) Mỗi người trong số bốn nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân trước đây đều có ít quyền lực hơn người tiền nhiệm của mình. Việc ra quyết định ở Trung Quốc ngày nay không tập trung vào tay một người, như trong thời Mao Trạch Đông, khi chính sách được đưa ra một cách quyết đoán nhưng thường hấp tấp. Để kiểm soát quyền lực đang mất dần như vậy, những đường hướng hành động chính hiện nay phụ thuộc vào một sự đồng thuận của các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Đi xa hơn việc kết nối một tầm nhìn cho tương lai của Trung Quốc, công việc của Tập Cận Bình sẽ là tập hợp các ủy viên Ban Thường vụ khác nhau lại, đặc biệt vào thời điểm khi đảng vẫn đang choáng váng trước một vụ bê bối hồi đầu năm 2012 hạ gục Bạc Hy Lai, chính trị gia theo chủ nghĩa cá nhân và lôi cuốn nhất của đảng. Là một thái tử cánh tả, Bạc Hy Lai đã bị cáo buộc nhiều tội danh, từ lạm dụng quyền lực thường xuyên tới vi phạm điều lệ đảng. Vào tháng 8, vợ ông đã bị kết án tử hình treo trong vụ sát hại một nhà tư vấn kinh doanh người Anh hồi năm 2011. Ngoài những tít báo khủng khiếp, vụ án này mở ra câu chuyện về một sự chuyển giao chính trị vô trật tự và phơi bày những rạn nứt trong một đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc ao ước mô tả bản thân là thống nhất. Tội gây sửng sốt nhất của Bạc Hy Lai có thể là việc dùng một bộ máy an ninh không bị chế ngự để bí mật theo dõi các đối thủ chính trị của mình, thậm chí có thể là nghe trộm các lãnh đạo cấp cao. Hậu quả từ vụ án Bạc Hy Lai dường như làm sao lãng ban lãnh đạo với cuộc đấu quyền lực phức tạp vào thời điểm khi nền kinh tế đang giảm tốc của đất nước cần một bàn tay dẫn dắt.

Tình trạng hỗn loạn chính trị gần đây – bao gồm cả sự vắng mặt trước công chúng không được giải thích của Tập Cận Bình trong vòng hai tuần hồi tháng 9 cũng như một vụ tai nạn xe Ferrari làm thiệt mạng con trai một đồng minh cấp cao của Hồ Cẩm Đào – sẽ chỉ nâng cao khát khao kiểm soát của Đảng Cộng sản. Tác giả cuốn Bộ máy An ninh Nhà nước của Trung Quc Guo nói: “Tập Cận Bình và Ban Thường vụ mới sẽ muốn tự mình ra các quyết định về weiwen thay vì để một người kiểm soát nó. Tiêu chí số một của các nhà lãnh đạo mới để đạt được thành công sẽ là duy trì ổn định”.

Bản năng đàn áp đó được thể hiện đầy đủ vào ngày 1/10 khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân. Đối với thế giới bên ngoài, Thiên An Môn gợi lại một cuộc nổi loạn dân chủ thất bại bị một chế độ độc đoán đè bẹp. Đối với người dân Trung Quốc, Thiên An Môn là linh hồn của quốc gia và là nơi ẩn náu cuối cùng. Vào tháng 9, một toà án Trung Quốc đã kết án bảy người lao động khổ sai tại một trại giam. Tội của họ? Phản đối việc phá hủy bất hợp pháp nhà cửa và công việc kinh doanh của họ bằng cách quỳ gối trong chốc lát trước quốc kỳ Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn. Đó là một hành động liều lĩnh, chỉ là một trong số hàng trăm nghìn sự kiện quần chúng mà Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt trong thập kỷ nắm quyền sắp tới. Việc Tập và những người đồng chí lãnh đạo của ông xử lý sự bất đồng ngày càng gia tăng đó như thế nào sẽ giúp quyết định tương lai của Trung Quốc – cũng như phần còn lại của thế giới./.

3 bình luận to “1370. TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC”

  1. […] 1370. TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC […]

  2. […] 1370. TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC(ABS) […]

  3. […] 1370. TÌNH HÌNH NỘI BỘ TRUNG QUỐC […]

Bình luận về bài viết này