Tòa villa bí ẩn, tuần lễ Kosygin cùng vai trò của lãnh sự Anh ở Hà Nội sau 1955

  • Nguyễn Xuân Thọ
  • Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Villa 9 Phan Chu Trinh

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Xuân Thọ

Chụp lại hình ảnh,

Villa 9 Phan Chu Trinh từng là nhà riêng của Tổng lãnh sự Anh từ 1955 đến 1963 (Sau đó giao cho Bộ Tài chính, chú thích của tác giả)

Trong hồi ức "Hai Quê Hương"mới được xuất bản của tôi, tôi có kể về kỷ niệm với một cô gái, con bà giúp việc cho Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, người sống gần nhà tôi.

Trước khi Anh và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 rồi đặt Đại sứ quán ở hai thủ đô, người Việt Nam không biết rằng nước Anh đã có Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội sau 1955.

Tòa Tổng lãnh sự Anh và nhà riêng ở số 9 và 11 Phan Huy Chú là hai villa bí ẩn cho chúng tôi lúc đó.

Những đứa con gia đình ngươì Việt giúp việc cho Tổng lãnh sự Anh cũng vậy.

Khi còn ở phố Phan Huy Chú, tôi có biết cô gái con bà giúp việc cho người Anh trong hai villa đó

Duyên số đã gắn bó tôi với nước Anh.

Lớn lên, nhà tôi chuyển sang nhà số 14, phố Lý Thường Kiệt, lại thành hàng xóm của Đại sứ quán Anh bên nhà số 16. Tình cờ tôi gặp lại cô gái kia mỗi khi ra đổ rác.

Để hiểu tại sao gia đình cô gái đó sống trong ngôi nhà Anh, tôi đã tìm tài liệu về quan hệ Anh - Việt từ trước 1973.

Sau 1955, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa chỉ được 11 nước xã hội chủ nghĩa và một số nước thế giới thứ ba công nhận. Toàn bộ phương Tây và phần đông các nước thế giới thứ ba công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Đa số Đại sứ quán các nước đặt tại Sài Gòn. Vai trò Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác cũng do miền Nam đảm nhiệm.

Nước Pháp, ông chủ thuộc địa bị thất thế có một cơ quan đại diện trong tòa nhà Sainteny tại ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, nhưng chỉ là cơ quan tổng đại diện (Délegation Génerale).

Villa 11 Phan Huy Chú

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Xuân Thọ

Chụp lại hình ảnh,

Villa 11 Phan Huy Chú từng là Tòa nhà Lãnh sự quán của Anh từ 1955-1963 (chú thích của tác giả)

Nước Anh hầu như không dính líu gì đến chiến tranh Đông Dương, lại không công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, nhưng lại có Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội.

Đây là tòa Tổng lãnh sự duy nhất của Phương Tây ở Hà nội từ 1955. Lý do là vì Vương Quốc Anh cùng với Liên Xô, là đồng chủ tịch hội nghị Genève 1954 về Đông Dương.

Do đó Tổng lãnh sự quán Anh tại Hà Nội có vai trò chính là phối hợp với các nước hữu quan trong việc thực hiện hiệp định Genève.

Vì hai nước không có quan hệ ngoại giao nên trước tòa Tổng lãnh sự không hề để cái bảng ghi là gì, không có cảnh sát canh gác.

Quan hệ lễ tân cũng vậy.

Một mối quan hệ 'đặc biệt'

Ông John Colvin, tổng lãnh sự Anh ở Hà Nội 1966-1967, có kể trong tập hồi ký của mình, cuốn "Twice Around the World: Some Memoirs of Diplomatic Life in North Vietnam and Outer Mongolia" (London: Leo Cooper, 1991, về giai đoạn này.

Ông viết rằng trong các dịp đại lễ hay quốc khánh ông chỉ được mời ngồi cùng các phóng viên báo chí quốc tế. Vì không có quan hệ ngoại giao nên cũng không có trình quốc thư.

Mỗi vị Tổng lãnh sự mới sang nhậm chức chỉ đến chào xã giao tòa thị chính thành phố Hà Nội và được các quan chức cấp thấp tiếp.

Ngày đó các nhà ngoại giao Anh không được sử dụng xe đạp để đi ở Hà Nội, vì lý do "an toàn".

Họ muốn bay từ Hà Nội vào Sài Gon (qua đường Vientian hoặc Pnompenh) đều phải xin visa xuất cảnh và không phải lần nào cũng suôn sẻ.

Tòa Tổng lãnh sự không được tự do tuyển chọn những người giúp việc như lái xe, nấu ăn, phiên dịch...

Những người này đều do "Cục phục vụ ngoại giao đoàn" thuộc Bộ Ngoại giao của Việt Nam giới thiệu sang và khách nước ngoài chỉ còn cách chấp nhận. Cũng vì vậy mà giữa hai bên, người giúp việc và nhân viên ngoại giao, luôn có những ngờ vực và cảnh giác với nhau.

Villa 16 Lý Thường Kiệt

Nguồn hình ảnh, Bùi Nguyên Viễn

Chụp lại hình ảnh,

Villa 16 Lý Thường Kiệt nay do một nhà đầu tư Slovakia sở hữu (Ảnh: Bùi Nguyên Viễn, chú thích của tác giả NXT)

Tuy vậy các nhà ngoại giao Anh không hay thay đổi người làm việc, đơn giản vì những người này đã quen việc, hiểu rõ các mối quan hệ giữa tòa Tổng lãnh sự với các đại diện nước ngoài và cơ quan hữu quan ở Hà Nội.

Hơn thế nữa, giữa họ dần dần hình thành các quan hệ con người với nhau. Vì vậy những người Việt này được làm việc qua nhiều nhiệm kỳ ở đó. Ông Colvin cũng kể về gia đình các nhân viên người Việt ở ngay trong Lãnh sự quán, trong căn nhà ngang phía sau. Điều này giải thích sự có mặt của mẹ con "cô gái đổ rác".

Tìm hiểu về tòa Tổng lãnh sự, tôi bỗng thấy rằng vai trò của nước Anh trong cuộc chiến tranh Việt Nam khác xa những gì tôi từng biết.

Cũng chính vì đóng ngay tại Hà Nội, tiếp xúc trực tiếp với chính quyền và với các cơ quan ngoại giao XHCN mà tòa Tổng lãnh sự Anh có được rất nhiều thông tin về tình hình chính trị và chính sách của Bắc Việt Nam.

Ông Colvin gặp gỡ nhiều đại sứ các nước XHCN ở Hà Nội. Đặc biệt là quan hệ thân tình của ông với đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Illia. S. Sherbakov (nhiệm kỳ 1964-1974). Sherbakov là một thiếu tướng tình báo lão luyện, có quan hệ tốt với các chính khách Việt Nam, kể cả phía cứng rắn cũng như phía ôn hòa. Ông Sherbakov thậm chí còn ngỏ lời mời ông Colvin đến chữa răng ở chỗ ông bác sỹ của đại sứ quán Liên Xô (một chi tiết thú vị đến phút chót vì ông bác sỹ Nga không biết chữa răng).

'Tuần lễ Kosygin'

Phụ nữ bán kem

Nguồn hình ảnh, Bettmann/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một phụ nữ bán kem tại Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh

Trong thời kỳ ông John Colvin ở Hà Nội 1966-1967 đã xảy ra một sự kiện mà lẽ ra có thể dẫn cuộc chiến tranh Việt Nam theo một con đường khác. Đó là "Tuần lễ Kosygin" (Kosygin Week) mà báo chí quốc tế từng nhắc đến.

Thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1964-1970, Harold Wilson là một chính khách ôn hòa thuộc đảng Lao Động.

Ông muốn hóa giải mối thù địch Việt - Mỹ và kết thúc cuộc chiến bằng đàm phán.

Từ năm 1966 ông đã bày tỏ ý đồ này với Tổng thống Mỹ J.B. Johnson. Nhưng quan hệ giữa Johnson và Wilson không nồng thắm, vì Wilson không đồng ý để quân đội Anh dính líu vào cuộc chiến ở Việt Nam (khác hẳn với Úc, New Zealand hay Nam Triều Tiên đã đưa quân sang đó). Thực chất là Wilson không ủng hộ chính sách leo thang chiến tranh của Johnson, theo tài liệu của Anh.

Một trong những hy vọng của Wilson là các cuộc ngừng bắn "Tết" đã được hai bên Việt Cộng và Quân đội Sài Gòn thực hiện trong những năm qua. Ngày 08/02/1967 (tức 30 Tết Đinh Mùi) hai bên cũng thỏa thuận ngừng bắn trong bốn ngày Tết.

Wilson biết trước điều này nên ông dự định sẽ tận dụng không khí hòa hoãn ở chiến trường để thuyết phục thủ tướng Liên Xô Alexey Kosygin ủng hộ sáng kiến của ông trong chuyến thăm London từ 06/02 đến 13/02/1967.

Do được Wilson thông báo trước về "Tuần Kosygin" nên tổng thống Johnson đã cử Chester Cooper, cố vấn anh ninh quốc gia sang London tham dự cuộc đàm phán Xô-Anh ̣(xem thêm trên New York Times).

Tháp rùa ở Hồ Gươm

Nguồn hình ảnh, John S Lander/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tháp rùa ở Hồ Gươm trong một buổi sáng

'Kỳ vọng một sáng kiến'

Cả Cooper và đại sứ Mỹ tại Anh là David Bruce đều coi sáng kiến ngoại giao của Wilson sẽ là thắng lợi ngoại giao lớn nhất thế kỷ. Cả hai cùng góp phần giúp Wilson tạo niềm tin với Tổng thống Johnson.

Trong phiên đàm phán đầu tiên khi mới đặt chân đến London, Thủ tướng Kosygin không tỏ ra mặn mà với đề nghị của Anh về Việt Nam. Wilson không bỏ cuộc. Những ngày sau đó, bên cạnh các đàm phán về quan hệ song phương Xô-Anh, vấn đề Việt Nam luôn được đưa vào tâm điểm.

Đến ngày 10/02 thì Kosygin cảm thấy Wilson thật lòng. Hơn nữa vụ ngưng bắn êm đẹp Tết Đinh Mùi khiến ông và điện Kremlin yên tâm.

Kosygin đồng ý để Liên Xô góp vai trò vào một cuộc thương thuyết chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ngay lập tức, các kênh ngoại giao Xô Viết đã chuyển đề nghị ngừng bắn theo từng giai đoạn, gọi là "Thỏa thuận Wilson-Kosygin" cho Hà Nội.

Thỏa thuận này gồm các bước: Đầu tiên Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc Việt nam, sau đó Hà nội sẽ ngừng đưa quân thâm nhập miền Nam. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ không tiếp tục đưa quân sang Việt Nam và cuộc chiến sẽ xuống thang.

Đến lúc này, không ngờ trở ngại chính lại là Nhà Trắng. Tổng thống Johnson tin tưởng rằng leo thang ném bom phá hủy các đường mòn sẽ buộc Bắc Việt ngừng đưa quân vào Nam. Ngừng ném bom vào lúc này sẽ bất lợi cho phía Mỹ.

Đêm 12/02/1967, một ngày trước khi Kosygin rời London, Johnson gửi điện cho Wilson yêu cầu sửa đổi nội dung thỏa thuận trên thành: Hà Nội phải ngừng đưa quân xâm nhập vào miền Nam trước (xem thêm tại đây).

Cuốn sách "Hai quê hương"

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Xuân Thọ

Chụp lại hình ảnh,

Bìa cuốn sách "Hai quê hương" của tác giả Nguyễn Xuân Thọ được nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM phát hành tháng Ba năm 2021

Kể cả trong thời đại internet như ngày nay, một quyết định ngoại giao như vậy là quá ngắn ngủi để các bên liên quan ở 4 múi giờ khác nhau có thể phản ứng kịp, chưa kể gì đến các bất đồng.

Cố vấn Cooper và đại sứ Bruce được miêu tả là rất thất vọng, còn Wilson thì tức giận với thái độ của Washington.

Có sử gia cho rằng, thất bại của "Tuần Kosygin" khiến cuộc chiến Việt Nam tốn thêm rất nhiều máu. Đặc biệt là cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968 đã gây tốn thất nặng nề về người và của cho cả hai bên.

Phải chăng tổn thất này đã buộc cả hai bên tiến hành hòa đàm Paris vào tháng 5/1968?

Không phải là sử gia nên tôi không thể đánh giá vai trò của "Tuần Kosygin" trong chiến tranh Việt nam.

Là thanh niên mới lớn lên vào năm 1967, tôi biết rõ quyết tâm của Hà Nội nhằm giải quyết cuộc chiến bằng vũ trang.

Cuộc chiến kết thúc như chúng ta đã biết, và tất cả đã trở thành lịch sử.

Riêng tôi, nhờ đi tìm tung tích của "cô gái đổ rác" như trong cuốn "Hai Quê Hương" của tôi có kể chi tiết, tôi đã có dịp phát hiện thêm về mối liên hệ Việt-Anh trong chiến tranh Việt Nam ra sao.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, thường trú tại Cologne, Đức, được gửi cho BBC từ Sài Gòn. Cuốn 'Hai Quê Hương' của ông được nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM phát hành tháng Ba năm 2021.