Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Phân tích có căn cứ, cơ sở tình hình Biển Đông

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/10/2019 12:05 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị T.Ư phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình trong nước và thế giới , nhất là tình hình Biển Đông, để có chính sách , biện pháp phù hợp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 11 sáng 7.10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nội dung chính của hội nghị lần này là cho ý kiến một bước về dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển

Về dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cưỡng lĩnh 2011 trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác.
Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung nêu trong tờ trình như: đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...
“Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết T.Ư; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hoá, thể chể hoá và tổ chức thực hiện”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường

Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài...

Cái đại biểu tham dự hội nghị T.Ư 11 khai mạc sáng 7.10

Ảnh: Nhật Bắc

Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm 2011 - 2020 được đề ra tại 2 kỳ Đại hội của Đảng; xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới.
“Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng đó là: tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hoà; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách?”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.
Trên cơ sở đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực.

Đã cần phải sửa đổi Điều lệ Đảng hay chưa?

Đối với Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khoá XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, đây là báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng.
Đề nghị các đồng chí T.Ư thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

Hội nghị T.Ư lần thứ 11 diễn ra từ 7-13.10

Ảnh Nhật Bắc

“Chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?...”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.

Chú ý đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan tới nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019, dự báo cả năm 2019.
“Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị chú ý tới những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; quản lý nhà nước về văn hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải cách hành chính; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.