Got a TV Licence?

You need one to watch live TV on any channel or device, and BBC programmes on iPlayer. It’s the law.

Find out more
I don’t have a TV Licence.

Tường thuật trực tiếp

Thời gian tính bằng giờ Anh

  1. Việt Nam tặng 'chén ngọc' cho quan chức dự APEC

    Trang Thông Tin Chính Phủ cho hay, các nhà lãnh đạo APEC được tặng “chén ngọc” trang trí búp sen bằng vàng 24K trên đỉnh “mang thông điệp về sự phát triển liên tục của một đất nước.” Món quà này còn có họa tiết rồng Việt và biểu tượng APEC 2017 đối xứng trên đỉnh nắp. “Chén ngọc được nâng bởi ba linh vật vừa rồng vừa phượng (thời Lý – Trần), là biểu trưng cho nòi giống Tiên Rồng của người Việt, cũng là chi tiết thể hiện sự đoàn kết ba miền đất nước,” Thông Tin Chính Phủ viết.

    apec
    Image caption: “Chén ngọc” tặng quan chức APEC
  2. Vấn đề biển Đông 'tạm ổn định'

    Chủ đề Biển Đông gần đây "tạm thời ổn định", theo nhận định của Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, và đó là điều có thể "tạm vui mừng".

    Trong ba vấn đề chính với Trung Quốc do "lịch sử để lại", Tiến sỹ Thái nói với BBC, hai nước đã giải quyết được hai, gồm chủ đề biên giới trên bộ và việc phân định vịnh Bắc Bộ.

    Như vậy, nay 'chỉ còn vấn đề biên giới trên biển Đông' với nhiều "bất đồng, khác biệt về quan điểm, hành động và lợi ích", ông nói.

    Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Việt Thái ra tín hiệu tốt là "cả hai đều có những nỗ lực to lớn" để giải quyết vấn đề này "từng bước".

    "Chủ trương của hai nhà nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý‎," ông phân tích.

    "Điều quan trọng nhất là phải thống nhất nhận thức giữa các bên, và cùng tiếp cận trên một nền tảng, như vậy chúng ta mới giải quyết được," Tiến sỹ Thái nói thêm.

    Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Trung, ông nhìn nhận có những thời kỳ "quan hệ rất thân mật" giữa hai nước, "nhưng cũng có những thời kỳ quan hệ xuống mức rất thấp, những năm 70 đến 90, đó là những chương buồn trong quan hệ".

    Việt Nam và Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ từ năm 1991 và mối quan hệ này "dần dần trở lại quỹ đạo", ông Thái nhận xét.

    Video content

    Video caption: Ông Trần Việt Thái từ Học viện Ngoại giao cho rằng có thể 'tạm vui mừng' vì 'vấn đề biển Đông
  3. Bình luận về bối cảnh chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Trump

    “Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời thăm chính thức Việt Nam trước khi nhận lời dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói với BBC.“Chuyến thăm này không nằm trong khung cảnh đặc biệt về quan hệ song phương Mỹ Việt mà nằm trong tổng thể quan hệ của Hoa Kỳ với Châu Á Thái Bình Dương, hy vọng lớn của cả hai phía sớm tiến đến quan hệ đối tác chiến lược và tiến gần hơn tới khả năng ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương,” ông Hợp nói.

    Video content

    Video caption: 'Trump nhận lời thăm VN trước khi nhận lời dự APEC'
  4. Các nước Đông Nam Á sẽ không 'chủ quan' về tình hình biền Đông

    Các quốc gia Đông Nam Á sẽ không ‘chủ quan’ về tình hình tương đối yên ả trong tranh chấp Biển Đông hiện nay, theo một dự thảo thông cáo chung sẽ được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Manila hôm nay 13/11.

    Dự thảo này sẽ được đưa ra sau một cuộc họp giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, hãng tin Anh Reuters dẫn lời từ một nguồn tin ngoại giao.

    “Mặc dù tình hình hiện nay có dịu hơn, chúng ta không thể chủ quan về những tiến bộ hiện có,” bản dự thảo mà Reuters đã được thấy viết.

    “Điều quan trọng là chúng ta hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và bay ngang không trên biển Đông, theo luật quốc tế. Việc tránh các tính toán nhầm lẫn có thể dẫn tới căng thẳng leo thang là điều có lợi tập thể của chúng ta”.

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Manila rằng Bắc Kinh “cam kết cùng hợp tác với ASEAN để là những người hàng xóm, người bạn và đối tác tốt của nhau, để luôn mưa nắng có nhau”.

    Các lãnh đạo chụp hình chung tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ
    Image caption: Các lãnh đạo chụp hình chung tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ
  5. Thi 'Tiếng hát Hữu nghị Việt Trung'

    Vào đầu tháng 11, trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã diễn ra chung kết cuộc thi 'Tiếng hát Hữu nghị Việt-Trung' tại Hà Nội.

    Có cả trăm thí sinh tham dự, gồm các gương mặt đến từ các học viện âm nhạc, các trung tâm văn hóa, và cả các thí sinh tự do.

    Nhiều ca sỹ Trung Quốc trình bày các bài hát tiếng Việt tại cuộc thi.

    Video content

    Video caption: Thi 'Tiếng hát hữu nghị Việt Trung' tại Hà Nội
  6. Bắc Kinh không hài lòng về đề nghị của ông Trump?

    Trang web của báo South China Morning Post phát hành tại Hong Kong, ngày 13/11 bình luận rằng việc ông Trump đề xuất làm người trung gian trong tranh chấp Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và điều này sẽ phủ bóng xuống quan hệ của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

    Báo này cũng viết rằng ông Trump đã đưa ra lời đề nghị hôm Chủ Nhật, chỉ vài giờ trước khi ông Tập chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ nhì trong vòng ba năm qua tới Việt Nam, quốc gia mà báo này gọi là "chống đối to tiếng nhất đối với các tuyên bố của Trung Quốc trong việc mở rộng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại vùng biển có tranh chấp".

    Tuy nhiên, South China Morning Post viết rằng Chủ tịch Việt Nam đã không trả lời trực tiếp lời đề nghị của ông Trump.

    Báo này dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang nói: "Chính sách của chúng tôi là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình" theo cách "tôn trọng trình tự ngoại giao và trình tự pháp lý, phù hợp với luật quốc tế".

    STR/AFP/Getty Images
    Image caption: Trước khi Chủ tịch Trần Đại Quang chính thức đón tiếp Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm chính thức tới Hà Nội, hai nhà lãnh đạo đã tiếp xúc với nhau tại Đà Nẵng trong kỳ họp thượng đỉnh APEC
  7. Việt - Trung 'chung lưng đấu cật'

    Về chuyến thăm Việt Nam của ông Tập, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc tường thuật: “Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, đầu năm đến nay, hai Đảng hai nước duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên, không ngừng sâu sắc hợp tác các lĩnh vực, quan hệ Trung-Việt giành được tiến triển tích cực. Hai bên phải lấy đại cục quan hệ hai Đảng hai nước làm trọng, xuất phát từ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tôn vinh truyền thống tốt đẹp cùng chung một thuyền vượt qua cơn sóng gió, không ngừng mở ra cục diện mới quan hệ Trung-Việt, chung lưng đấu cật, cùng mưu cầu phát triển trên con đường tiến lên.”

    cri.cn
    Image caption: Bản tin trên website Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc
  8. ‘Không quan tâm chuyến thăm của ông Tập’

    Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình ‘Sách hóa nông thôn’ bình luận với BBC hôm 13/11: “Tôi không quan tâm việc ông Tập Cận Bình sang Việt Nam và có phát ngôn gì. Người Việt hãy là công dân toàn cầu giỏi giang và nhân văn bên cạnh Trung Quốc hiếu chiến để thay đổi tâm tính người Trung Quốc. Thế hệ trẻ Việt hãy dấn thân đấu tranh chống cái xấu, nỗ lực học hành để phát minh sáng chế làm cho nước mạnh dân giàu song tồn bình đẳng với các cường quốc và đặc biệt bên Trung Quốc."

  9. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc sẽ mở chi nhánh tại VN

    Trong cuộc hội đàm chiều 12/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban quản lý giám sát ngân hàng Trung Quốc.

    Việt Nam và Trung Quốc thống nhất trao văn bản chấp thuận việc thành lập Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Hà Nội.

    Theo báo Zing, ngân hàng này đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội từ năm 2012.

    bank
    Image caption: Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh
  10. Lễ đón tiếp Donald Trump và Tập Cận Bình

    So sánh hai nghi lễ đón tiếp mà Việt Nam dành cho hai nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Hà Nội.

    Lễ đón tiếp chính thức hai nguyên thủ Quốc gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra trang trọng tại Phủ Chủ tịch, Ba Đình, Hà Nội. Ông Donald Trump sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 11/11. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến trong ngày 12/11. Hãy cùng xem hai cuộc đón tiếp dành cho Donald Trump và Tập Cận Bình có gì giống và khác nhau?

    Video content

    Video caption: Lễ đón tiếp Donald Trump và Tập Cận Bình
  11. 'Liệu ông Tập có đủ sự khả tín?'

    Nhà hoạt động Paulus Lê Sơn bình luận với BBC hôm 13/11: “Bài phát biểu của ông Tập dài khoảng 1.700 từ đã được dịch sang tiếng Việt, với những lời lẽ có cánh, tô vẽ một bức tranh kinh tế sáng ngời cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới “xây dựng một khu vực tự do ở châu Á - Thái Bình Dương là giấc mơ chúng ta cùng nuôi dưỡng”.

    “Thế nhưng đại đa số trong 90 triệu dân Việt không thích Trung Quốc."

    “Với Việt Nam, trên biển thì Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại khu vực Hoàng sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bắn giết ngư dân, đặt giàn khoan…Trên đất liền thì Trung Quốc từng chủ động gây ra những cuộc chiến để xâm chiếm lãnh thổ biên giới phía Bắc.”

    “Một quốc gia có những hành động tạo chiến một cách hệ thống và gây tổn thất lớn cho các quốc gia khác như vậy thì thử hỏi những lời diễn văn rồng bay phượng múa của ông Tập tại APEC Đà Nẵng có thật lòng?”

    “Liệu ông Tập có đủ sự khả tín để kêu gọi sự hợp tác đa phương, mở ra một chân trời mới cho tương lai Trung Quốc, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới?”

    tập
    Image caption: Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng cho cá ăn
  12. Phong trào ‘hành hương’ thăm cây ông Tập ở Trung Quốc

    Trong lúc ông Tập đang ở Hà Nội, tờ Guardian của Anh cho hay, ở Trung Quốc đang có phong trào quan chức ‘hành hương’ đến thăm một cái cây do ông trồng ở tỉnh Hà Nam. Tờ báo xem đây là chỉ dấu mới nhất của sự sùng bái cá nhân dành cho ông Tập.

    Đến nay tại Trung Quốc có nhiều hình thức bày tỏ sự sùng bái ông Tập: thảm thêu, tranh sơn dầu vẽ hình ông Tập, các bài hát, triển lãm ca ngợi ông.

    Gần đây nhất, các quan chức ở tỉnh Hà Nam bày tỏ lòng trung thành với lãnh đạo bằng cách tụ tập xung quanh cây Hông (Paulownia) do ông Tập trồng vào tháng 4/2009.

    Một tờ báo địa phương mô tả: “Khi các cán bộ nhìn chăm chú vào cái cây sáng 5/11, họ đắm chìm trong suy nghĩ và những cảm xúc sâu sắc. Người dân địa phương gọi đây là cây Tập Paulownia."

    tập
    Image caption: Ông Tập trồng cây này vào tháng 4/2009
  13. Trump: "Tôi là nhà trung gian đàm phán rất giỏi"

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ Nhật nói ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc.

    Reuters dẫn lời ông nói với Chủ tịch Trần Đại Quang tại cuộc họp ở Hà Nội rằng, "Nếu như tôi có thể giúp trung gian hoặc phân xử, thì cứ nói với tôi."

    "Tôi là một nhà trung gian đàm phán, một người phân xử rất giỏi," ông nói.

    Ông Trump thừa nhận rằng quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông, theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với hầu hết vùng biển này, là vấn đề.

    JIM WATSON/AFP/Getty Images
  14. Ông Tập 'muốn giành sự ủng hộ'

    Tờ Deutsche Welle của Đức bình luận rằng ông Tập Cận Bình được đón trên thảm đỏ và bắn đại bác chào mừng bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nước cộng sản.

    “Hai bên mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế, nhưng mục tiêu này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng song phương về các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đang gia tăng,” Deutsche Welle viết.

    tập
    Image caption: Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng
  15. Đạt sự nhất trí về vấn đề Biển Đông

    Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí được về việc kiểm soát các vấn đề Biển Đông. Tân Hoa Xã nói hai bên đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trên biển và phấn đấu cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

    Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề nghị rằng ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

    Hôm 12/11, Chủ tịch đồng thời là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chung Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và kế hoạch Hai Hành lang Một Vành đai Kinh tế của Việt Nam, cùng một loạt các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác.

    Xinhua
  16. Vì sao ông Tập Cận Bình thăm VN và Lào?

    Ông Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh một điều là Trung Quốc cam kết với đầu tư ở Việt Nam, khi chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên thăm chính thức sau khi được tái cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội 19, nhà báo Vincent Ni, từ BBC Tiếng Trung chia sẻ với BBC Tiếng Việt.

    Sau khi thăm Việt Nam, ông sẽ tới thăm Lào, cả hai quốc gia này là một phần trong một khu vực mà Trung Quốc muốn cam kết như trong một thời gian dài, Trung Quốc đã từng làm, vẫn theo quan điểm này.

    "Ngoài hai nước Việt Nam và Lào, Campuchia cũng là một quốc gia khác mà Trung Quốc đã có nhiều cam kết, đầu tư.

    "Trung Quốc muốn đầu tư nhiều hơn nữa hoặc cung cấp thêm nữa các khoản vay tới các nước này và những tác động từ đó được trông đợi sẽ chuyển hóa thành các ảnh hưởng chính trị," nhà báo Vincent Ni từ Hong Kong nói với BBC Tiếng Việt.

    Quan hệ Việt - Trung
    Image caption: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân, khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội, hôm 12/11.
  17. Post update

    Bình luận chuyến đi châu Á của TT Trump

    Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Hoa Kỳ bình luận chuyến thăm châu Á của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và dự APEC 2017 vừa diễn ra ở Đà Nẵng.

    Nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason cũng đề cập và so sánh quan điểm của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình trên diễn đàn APEC 2017 và chuyến thăm nhà nước tới Việt Nam.

    Nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ cũng đề cập và phân tích ý nghĩa, mục đích và tính khả thi của khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ mới đưa ra và nhấn mạnh trong chuyến thăm châu Á tháng 11/2017.

    http://youtu.be/TL5_3zkp-gc

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
    Image caption: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang có chuyến đi châu Á tới 5 quốc gia mà đích đến ở chặng cuối, sau khi thăm Việt Nam, là Philippines.
  18. Quan hệ với TQ, Việt Nam cần quan tâm gì?

    Trong quan hệ hợp tác song phương Việt - Trung, về kinh tế, Việt Nam cần quan tâm, lưu ý quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là về 'bình đẳng' khi hợp tác, PGS. TS Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công nói với một Bàn tròn cuối tuần này của BBC hôm 12/11/2017 nhân Việt Nam đón nhà lãnh đạo TQ, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức cấp nhà nước.

    http://bit.ly/2zy9JaR

    Vẫn theo nhà phân tích này, ông Trump đã đưa ra một quan điểm đáng lưu ý đó là trong vấn đề an ninh, thì 'an ninh kinh tế' chính là 'an ninh quốc gia' và ông hy vọng ban lãnh đạo Việt Nam nên lưu tâm.

    Cũng tại cuộc Hội luận hôm Chủ nhật, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A đề cập và nhấn mạnh một số yếu tố được cho bất lợi trong quan hệ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc, ông cho rằng trong khi các thống kê về 'nhập siêu' nay có những cách hiểu khác có thể bao quát, thực tế hơn, thì các vấn đề đảm bảo sao nền kinh tế được độc lập, bền vững, hiệu quả trong quan hệ với Trung Quốc là điều đáng quan tâm.

    Quan hệ Việt - Trung
    Image caption: Chủ tịch kiêm TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc làm việc với TBT Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ Nhật.
  19. Việt - Trung tránh đề cập xung đột Biển Đông

    Ban lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc tránh đề cập vấn đề xung đột, tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam hôm 12/11, hãng Reuters bình luận.

    Các rặng san hô và đảo, đá ở Biển Đông đang có tranh chấp giữa Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan cũng như Trung Quốc và Việt Nam.

    Từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc, Việt Nam trở thành thách thức chính của Trung Quốc ở vùng biển khu vực.

    Gần đây, hồi tháng Bảy, quan hệ giữa hai láng giềng cộng sản đã có lúc xuống thấp sau khi Trung Quốc gây áp lực buộc Việt Nam phải dừng khoan thăm dò dầu, khí ở vùng biển tranh chấp, vẫn theo hãng tin từ nước Anh.

    Tin cho hay, hôm 12/11, nhiều văn kiện hợp tác song phương Việt - Trung trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã được ký kết trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo của hai đảng cộng sản khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Tập Cận Bình ở trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Quan hệ Việt - Trung
    Image caption: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc làm việc chính thức với Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, hôm 12/11.
  20. Bàn tròn đặc biệt về chuyến thăm VN của ông Tập Cận Bình

    Bàn tròn đặc biệt Chủ nhật về sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam với nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau được ký kết.

    Chương trình được phát trực tuyến vào lúc 20h10 (giờ Việt Nam) tối Chủ nhật 12/11/2017, mời quí vị và các bạn đón theo dõi.

    http://youtu.be/2DNvc2da3ow

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
    Image caption: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam, hôm 12/11/2017.