TQ và 'Con đường tơ lụa trên biển'

Nghị trình cải cách to lớn Trung Quốc sắp đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 từ cuối tuần này tại Bắc Kinh cùng một loạt chuyến công du Đông Nam Á của lãnh đạo nước này tiếp tục được báo chí quốc tế đánh giá.

Trung Quốc lập 'Con đường Tơ lụa' trên biển Đông Nam Á
Chụp lại hình ảnh, Trung Quốc lập 'Con đường Tơ lụa' trên biển Đông Nam Á

BBC Tiếng Việt xin trích thuật một số quan điể̉m, từ nhu cầu đổi mới chính sách ngoại giao với Việt Nam tới kế hoạch lập tuyến hải lộ 'con đường tơ lụa trên biển' và mong muốn duy trì kiểm soát báo chí của các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

South China Morning Post 03/11/2013

Trong số các nước láng giềng, hiện Trung Quốc chỉ có thể khoe là đang có quan hệ tốt nhất với Campuchia, Bắc Hàn, Pakistan và Thái Lan. Các chuyến công du của hai ông Tập và Lý tới Đông Nam Á, và các chuyến đến Bắc Kinh của thủ tướng các nước Ấn Độ, Mông Cổ và Nga cho thấy một chuyển dịch ngoại giao.

Các hợp đồng thương mại và kinh tế hàng tỷ đô la được ký kết, và cùng chúng là một thỏa thuận làm giảm căng thẳng dọc biên giới với Ấn Độ. Nhưng Trung Quốc cũng vẫn cần nhiều mối bang giao thân thiện hơn.

Trong lúc các cây cầu kết đang được xây từ từ với Việt Nam, nước thuộc nhóm nghi ngại Trung Quốc nhiều nhất trong số láng giềng, quan hệ với Nhật Bản và Philippines còn xa mới được coi là tốt. Quan hệ với Nhật rất tế nhị vì tranh chấp Điếu Ngư và vì chủ nghĩa dân tộc của thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe;

Cuộc đấu khẩu vừa kéo thêm mốt số vụ báo động quân sự. Việc lên gân và khẩu chiến cần được thay bằng đối ngoại lý trí.

Các vụ tranh cãi nội bộ ở Mỹ khiến được này không tập trung được vào chính sách 'xoay trục' sang châu Á nhưng quyền lợi chiến lược và kinh tế của họ tại khu vực này vẫn còn rất mạnh.

Bắc Kinh và Washington cần tiếp tục xây dựng niềm tin và sự hợp tác. Nhưng có vẻ như với Trung Quốc thì tiến lại gần các nước láng giềng là điều quan trọng hơn.

Điều đó sẽ đem lại ổn định và tăng trưởng cũng như tiến triển tốt hơn cho tất cả ở châu Á.

China Daily 02/11/2013

Oh Ei Sun, nhà phân tích và cựu bí thư chính trị của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói ASEAN rất hoan nghênh phát biểu của ông Tập rằng sự phát triển và hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi sẽ là hòn đá tảng cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Phát biểu của ông Tập, cùng các chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường và các chuyến thăm cùng lúc đến Trung Quốc của thủ tướng Nga, Mông Cổ và Ấn Độ đánh dấu định hướng hai chiều (bifocus) của ngoại giao Trung Quốc và nỗ lực làm mới lại quan hệ của họ với các nước láng giềng. Cùng lúc Trung Quốc đang xây dựng một mô hình về quan hệ giữa các cường quốc lớn với Hoa Kỳ.

…Cùng lúc, việc lập ra Con đường Tơ lụa (Silk Road) ở dạng vành đai kinh tế và cả như một hải lộ giúp Trung Quốc kết nối gần gũi hơn với cả Trung Á và Đông Nam Á qua thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Oh Ei Sun cũng nói các lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra linh hoạt hơn.

"Thỏa thuận gần đây của Trung Quốc với Việt Nam trên biển Nam Trung Hoa có thể qua thời gian trở thành ví dụ tỏa sáng cho các nước tranh chấp khác như Philippines,"

"Nhưng trước đó, Trung Quốc và Malaysia đã quyết định gác sang một bên tranh chấp ở vùng biển này vào thời điểm này để tập trung vào đầu tư và thương mại song phương, và đã đạt được quan hệ có lợi cho cả hai bên."

The Telegraph 28/10/2013

Bài của Ambrose Evans-Pritchard đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có tạo ra được cú nhảy vượt lên khỏi hạng 'thu nhập trung bình' hay không:

"Trung Quốc sắp hết nguồn nhân công rẻ từ nông thôn. Báo cáo của DRC (Development Research Centre) cùng với World Bank năm 2012 nói Trung Quốc 'sẽ gặp phải biến đổi về nhân khẩu mang tính cản trở' cho sự phát triển vì tỷ lệ người già trên lượng lao động trẻ gấp đôi cả vùng Bắc Âu trong vòng 20 năm.

Báo cáo này cũng nói Trung Quốc hưởng lợi nhiều từ lợi thế dễ dãi của nhân công rẻ và mô hình tập trung vào tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu và chạy đua bám theo các nước phát triển trước.

Nhưng như tôi đã viết hồi đó, sự trì trệ đã chờ sẵn trong mô hình cứng nhắc của Trung Quốc...Ông Tập Cận Bình có vẻ như đang nghĩ ông có thể bỏ một nửa và chỉ chọn các đoạn cải cách ông nghĩ có thể thúc đẩy tăng trưởng mà vẫn cứ ngăn chặn báo chí, internet và cho nghiên cứu khoa học tự do, cũng như thổi lại 'tự phê' kiểu Maoist nhằm kiểm soát Đảng. Các phản xạ kiểu Leninist hiện ra quá rõ.

...Trung Quốc phải buông ra một thứ: hoặc Đảng Cộng sản phải nới lỏng kiểm soát chính trị và xã hội để cho sự sáng tạo được lan tỏa, hoặc cải cách sẽ biến tướng thành những màn diễn lặp lại và bệnh hô khẩu hiệu, để Trung Quốc kẹt lại trong cái bã̉y của thu nhập trung bình..."