Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Trà, cà phê và trò chơi ái quốc

 Nguyễn Hoàng Văn

 

Nếu “cà phê muối”, như là phát minh của đất Huế mặn mà, có thể thoải mái kết bạn với giới trẻ của đất ngọt Sài Gòn suốt mười năm qua mà không gây nên gợn sóng nào thì “trà muối”, chỉ mới là công bố khoa học của một người Mỹ thôi, lại chọc giận hầu như cả nước Anh, khiến giới ngoại giao Mỹ phải nhấp nhổm vào cuộc, sợ rằng chuyện bé sẽ xé ra to, làm sứt mẻ quan hệ thâm tình giữa nước. [1]

Chuyện diễn ra sau khi nữ Giáo sư Michelle Francl, thuộc Bryn Mawr College ở tiểu bang Pennsylvania, lên tiếng rằng để có ly trà ngon thì phải… nêm muối. Trong cuốn Steeped: The Chemistry of Tea – mới xuất bản cuối năm ngoái, khai cuộc bằng trích đoạn một đoản văn về trà của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lời nói đầu – nhà hóa học này cho biết là khi pha trà thì nên cho thêm tý muối, chỉ một tí ti thôi để nó, qua những tương tác hóa học phức tạp, hãm bớt đi vị đắng. [2] Chỉ có vậy thôi nhưng nhiều người Anh lại đùng đùng nổi giận bởi, với họ, người Mỹ này đã lên mặt thầy đời, cái trò “trứng đòi khôn hơn vịt” mà cha ông chúng ta từng mỉa mai qua hàng loạt thành ngữ:

Dạy đĩ vén váy

Dạy khỉ leo cây

Dạy đười ươi giữ ống

Dạy ông cống vào tràng

Dạy bà lang bốc thuốc

Người Anh tin rằng chỉ họ mới hiểu thế nào là trà và cái ngữ chỉ giỏi nốc… cà phê kia mà, thậm chí, còn bỏ nước đá cục vào ly trà rồi… húp, thì lấy tư cách nào để lên mặt? Kể ra thì trà cũng là một thức uống “quốc hồn” của người Anh với, mỗi ngày, ước lượng, tiêu thụ đến khoảng 100 triệu cốc rồi, xa hơn, điểm lại lịch sử Anh, gần gần thôi, cũng sẽ nhận ra những ý nghĩa cao cả của trà.

Không nói đến những biện pháp quân sự, việc đầu tiên mà nội các chiến tranh Winston Churchill tiến hành ngay sau khi tuyên chiến với Đức là… mang trà đi giấu, cùng với những kiệt tác nghệ thuật, mà là giấu thật kỹ, thật chắc khi rải ra các địa điểm bí mật tản mác khắp vùng quê. Họ phải làm như thế bởi trà là thứ mà người Anh không thể thiếu khi thức dậy vào buổi sáng mà, hơn thế nữa, còn là biểu tượng cho sức sống Anh, chứng tỏ họ vẫn bình thản sống bất kể những khó khăn, chướng ngại. Cái sức sống có thể thấy được trong những thước phim tái hiện trang sử bi thảm ở Dunkirk khi quân Anh trên đất Pháp bị lính Đức dồn vào thế cùng, phải trưng dụng toàn bộ phương tiện hàng hải để di tản: hình ảnh những người lính tuyệt vọng nhìn về phía đường chân trời; hình ảnh họ gấp gáp trèo lên thuyền dưới lằn đạn thù; hình ảnh những xác tàu chìm dần và những người lính bám phao lênh đênh trên biển; rồi, cuối cùng, là cảnh họ hồi sinh sau khi được vớt lên, với cốc trà nghi ngút khói trong tay.

Trà, như thế, là văn hóa, là tình cảm quốc gia cho dù đất Anh ngày nay không có lấy một đồn điền trà. Sự sục sôi với trà nói trên, do đó, rất có thể là sự bộc phát của một ẩn ức lịch sử bị vùi lấp dưới phế tích của một đế quốc từng rực ánh hào quang, cũng giống như nỗi niềm của những người Pháp khi đến Hà Nội. Chứng kiến những công trình kiến trúc như Viện Viễn Đông Bác Cổ, nay là Bảo Tàng Lịch Sử, hay cầu Long Biên, v.v. những người Pháp trẻ tuổi ít khi tự vấn về những vệt máu hay bùn trong đó mà, cơ hồ, chỉ cay đắng rằng tại sao ngày xưa cha ông họ lại vĩ đại như thế mà ngày nay cái nước Pháp của họ lại tệ hại đến như thế. [3] Và cũng giống như những người Pháp rắp tâm với mấy chiêu trò phá thối chính trị ở Sài Gòn vào giữa thập niên 1950 trước sự lấn chân của người Mỹ: nếu họ, theo nhận xét của nhà văn Anh Graham Greene trong The Quiet American, hành động như thể anh chồng cũ lồng lộn cơn ghen trước cảnh tình cũ hớn hở trong vòng tay tình mới thì, bây giờ, phải chăng, lại là lượt của người Anh bởi, với ẩn ức lịch sử nói trên, họ đã hậm hực máu ghen khi thấy người Mỹ… âu yếm với trà?

Đất nước họ từng là một đế quốc “Mặt trời không bao giờ lặn” với hệ thống thuộc địa dọc theo đường xích đạo nhưng rồi đã vỡ nát mà vết rạn đầu tiên diễn ra tại Mỹ, vì… trà. Đó là biến cố Boston Tea Party vào tối 16/12/1773 khi những cư dân thuộc địa, vì nổi giận trước mức thuế trà quá cao, đã tổ chức cướp phá, ném 300 thùng trà miễn thuế của Đông Ấn – công ty đảm nhận việc khai thác thuộc địa của Đế quốc Anh – xuống biển. Sự biến này có ý nghĩa rất trọng đại vì đã góp phần khơi mào nên cuộc Cách Mạng Mỹ chưa đầy hai năm sau đó.

Thoạt đầu, nếu việc ném trà xuống biển chỉ đơn thuần là một hành vi bộc phát về chính trị thì việc người Mỹ sau đó “ném” trà ra khỏi cái lưỡi của mình lại là sự phản kháng văn hóa với những tính toán sâu xa. Ngày 6/7/1774, sáu tháng sau sự kiện Boston, lãnh tụ Cách Mạng John Adams – sau trở thành Phó Tổng thống đầu tiên và là Tổng thống thứ hai của nước Mỹ – đã tuyên bố bỏ trà, chỉ uống cà phê thôi. Mười tháng sau đó, ngày 19/4/1775, cuộc chiến bùng nổ với những đơn vị dân quân … yêu nước bằng cà phê: từ đây, cái cối xay cà phê trở thành trang bị không thể thiếu của từng đơn vị, cà phê giúp họ tỉnh táo vào buổi sáng để đối phó với quân thù, cà phê lại giúp những chiến binh trong tuần canh tỉnh táo bên đống lửa, khi các đồng đội đang nghỉ ngơi.

Như vậy, nếu xưa vua Quang Trung, trong bài hịch đánh Thanh, hạ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược để bảo vệ bản sắc Việt “Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng
thì, lúc này, người Mỹ lại xem cà phê như là bản sắc, cho thấy họ khác với thực dân Anh, nghĩa là “Đánh để uống cà phê” hay, đúng hơn, là “Uống cà phê để đánh”. Và khi người Mỹ tẩy chay trà như thế thì, về bản chất, họ có khác nào Nguyễn Đình Chiểu khi, trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, bỉ thử những kẻ theo giặc qua miếng ăn, cái uống: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”?

Lâm Ngữ Đường từng nhận xét của rằng “Lòng ái quốc là gì nếu không phải là lòng yêu những món ngon đã được ăn từ nhỏ” thì, ở đây, người Anh hay người Mỹ đã quen với trà hay cà phê từ nhỏ nhưng, rõ ràng, việc gì cũng có cái đầu tiên của nó. Từ “đầu”, người Mỹ chọn uống cà phê là do tình thế chính trị, phải uống để khác, để chứng tỏ sự độc lập với bọn thực dân đang đè đầu mình. Và trước đó, cả thế kỷ, trà đã thấm vào lưỡi của đa số dân Anh cũng do “tình thế chính trị”: nắm độc quyền trà từ Trung Quốc trong khi vành đai Ả Rập thích hợp với cây cà phê thì nằm trong tay người Pháp và Hà Lan, Công ty Đông Ấn mới “xoay xở” để người Anh quay sang trà để rồi, sau mấy trăm năm, hình thành nên cái tình cảm quốc gia đậm đặc hương trà hiện tại.

Thẩm mỹ của cái lưỡi, như thế, đã xoay chiều theo mỹ học của… chính trị. Nếu mỹ học quan tâm đến cái đẹp thì chính trị lại là trò chơi của quyền lực. Và nếu “thẩm mỹ” của quyền lực phải gắn chặt với lợi ích quốc gia, với sự thật và lẽ phải thì, ngược lại, cái “đẹp” của một sản phẩm có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố như nhân quyền, dân quyền và lợi ích dân tộc hay không?

Những tháng ngày Covid-19 đen tối đã nhét vào đầu chúng ta ý niệm “new normal”, ngụ ý rằng từ đây phải tập sống chung với những sự “bình thường” hoàn toàn mới thế nhưng điều này cũng chẳng mới mẻ gì. Như đã thấy thì, từ lâu, tận thế kỷ 17 hay 18, người Anh hay Mỹ đã khởi sự cho những “bình thường mới” trên cái lưỡi, với trà hay với cà phê. Và chúng ta, như là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử trắc trở, cũng đã tập làm quen với những “bình thường mới” theo chiều hướng quay ngược cuốn lịch để sống chung với những điều “bình thường” đi ngược với sự tiến hoá.

Tiến hóa ngược như nửa sau thập niên 1970 rồi thập niên 1980 khi chúng ta phải cong mình theo sự “bình thường” của… loài thú, lúc cái bao tử của người Việt bị khinh rẻ, như là cái thùng rác, đã thích nghi hẳn với hàng loại thải: “Cái bao tử của người Việt Nam mà tôi còn lạ gì!”[4] Từ cái bao tử bị độn rác thực phẩm đến cái đầu bị nhồi nhét rác tri thức là một bước rất ngắn nên, do đó, mới có những “nghiên cứu khoa học” nực cười theo đó thì cái hạt mít giàu chất dinh dưỡng hơn là quả trứng vịt lộn và, thậm chí, nếu đem ra phân chất, khoai mì còn giàu chất đạm hơn là thịt bò, v.v. Và, nếu tôi nhớ không nhầm, đâu vào năm 1980 hay 1981, đích thân ông Phạm Văn Đồng còn đứng tên trong bài báo trên báo Nhân Dân kêu gọi nên đưa màu vào bữa ăn, như một là nỗ lực kiến tạo… bình thường mới. Tôi nhớ bởi lúc đó tôi, một học sinh trung học còi cọc vì cơm độn, vì chất đạm tràn trề trong… khoai mì, đã tự hỏi mình sau khi đọc qua là, rồi đây, nhà nước có phát động một thứ phong trào như là “Ăn độn là yêu nước” hay “Thi đua ăn độn” hay không?

Lúc đó nhà cầm quyền vẫn chưa ngây ngô đến mức này thế nhưng, cho đến bây giờ, đất nước vẫn chưa ra khỏi cái thời mà dân chúng bị xem như đám đông ngu đần qua những trò ái quốc sặc mùi thực dân.

Thực dân, trước hết, là một bọn ăn cướp và kỳ thị. Và, để hợp thức hóa cái trò ăn cướp và kỳ thị này thì phải ngu dân chỉ để mỵ dân. Dân có ngu thì mới tin những lời lẽ lừa mỵ của tên thực dân Jules Maurice Goubeil khi, để thuyết dụ người Việt không chỉ đóng góp tiền bạc mà còn phải mang mạng sống đển tận đất Pháp mà “trả nợ nước” trong Đệ nhất thế chiến, đã trơn tru cái lưỡi rằng sau 50 năm được “khai hóa” thì người Việt phải hiểu rằng thì “vận mạng của mình với vận mạng Mẫu quốc như một, không hề lìa nhau được”. [5] Nếu đó là trò chơi ái quốc của bọn thực dân cổ điển thì, bây giờ, người Việt vẫn bị xem là một đám đông đần độn trong trò chơi ái quốc của những tên tân thực dân, cũng bằng thứ diễn ngôn đã cũ. Thì, xem, ngôn từ của những nhà cai trị hiện tại có khác gì giọng điệu của tên thống đốc thực dân kia khi, một bên là công lao “khai hóa”, với cơ đồ này cơ đồ nọ, một bên là công lao “giải phóng”, cũng với cơ đồ này, cơ đồ kia? Công lao là thế, cơ đồ là thế nên, do đó, phải gắn bó vận mệnh, không thể tách rời. Và nếu người Việt, dưới sự kỳ thị của thực dân cũ, từng bị xem là thứ cấp so với những công dân mẫu quốc thì, bây giờ, họ chẳng phải đang chịu chung số phận khi bị tước bỏ, bị cho là không xứng đáng, là “không phù hợp” với những tiêu chí phổ quát của nhân loại của về quyền làm người và cả quyền làm dân là gì?

Thời thực dân cũng là cái thời mà Karl Marx, trong cuốn đầu của bộ Tư bản luận, gọi tên là “thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy”, cái giai đoạn “rỉ máu và bùn dơ từ mọi lỗ chân lông”. Đó, không thể chối cãi, là thời kỳ hoang dã của chủ nghĩa tư bản, thời mà người Anh mới tập uống trà thế nhưng bây giờ, trong thế kỷ 21, lịch sử vẫn lập lại với những “nhóm lợi ích” để làm nên “crony capitalism”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Như cái nhóm lợi ích với ảnh hưởng mang tầm thống trị hiện đang ỏm tỏi khẩu hiệu với những hai lần mạo danh: “Người Việt dùng hàng Việt”. Nếu “hàng Việt” chỉ là một sự mạo danh thì “người Việt” lại là một trò gian lận khi bị đối xử như một thứ cư dân thuộc địa ngay trên tổ quốc của mình, bị xem là thứ cấp so với khách hàng Bắc Mỹ bởi luôn có mặt một hệ thống trấn áp và bịt miệng với những trương tuần hờm sẵn nách thước, tay dao.[6]

Xem ra, sau những kinh nghiệm đau đớn với “chuyên chính vô sản”, người Việt lại phải gồng mình chịu đựng nền “chuyên chính tư bản thân hữu” hay “chuyên chính nhóm lợi ích”. Kể ra thì, nhìn ở bề ngoài, nó cũng có thể tạo dựng nên những “cơ đồ” rực rỡ, hào nhoáng nhưng cái vẻ bề ngoài này không thể nào cấu thành cái đẹp, những giá trị thẩm mỹ bởi đã chà đạp những tiêu chí của sự thật, của lẽ phải, lẽ công bằng và hoàn toàn đi ngược với lợi ích của đất nước, dân tộc. Thực chất, cái liên minh của giới cai trị và “tư bản thân hữu” chính là một guồng máy thực dân ngay trên đất nước của mình, chúng càng giàu lên bao nhiêu, đất nước và nhân dân càng càng kiệt quệ bấy nhiêu.

Tham khảo:

1. “A US scientist outrages the British with advice about tea – and the American embassy stirs it up”, Rob Picheta, CNN

https://edition.cnn.com/2024/01/24/travel/britain-us-scientist-tea-debate-intl/index.html

2. Bản tiếng Anh: “Tea is simple: loose-leaf tea, hot pure water, a cup.

I inhale the scent, tiny delicate pieces of the tea floating above the cup.

I drink the tea, the essence of the leaves becoming a part of me.

I am informed by the tea, changed.

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn đã giúp tôi tìm ra nguyên tác tiếng Việt:

“Cái thú thưởng trà vô cùng đơn giản: một ít lá trà, nước nóng, và một cái cốc. Hít hà hương thơm được chiết xuất từ những mảnh trà nhỏ tinh xảo lơ lửng trên miệng cốc. Nhấm nháp một ngụm nước trà, tất cả những tinh hoa của những chiếc lá trà nhỏ kia bỗng trở thành một phần của tôi. Trà báo hiệu cho tôi biết về những thứ phải thay đổi.”

Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ xuất xứ của đoản văn này.

3. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (đã quá cố) kể tôi nghe chuyện này. Sinh thời anh là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, cho biết hay tiếp xúc người Anh làm việc cho British Council và người Pháp trong hiệp hội France Alliance.

4. Tôi thuật lại theo trí nhớ, từ một phim ngắn do “Trung tâm nghe nhìn” tại Hà Nội thực hiện vào giữa thập niên 1980, phát trên truyền hình. Chuyện diễn ra tại một cửa hàng thực phẩm khi thịt heo bị hư, bốc mùi và viên giám đốc ra lệnh chế biến thành thịt chín, rim thêm muối và đường. Khi bị một nữ kỹ sư thực phẩm mới ra trường phản đối viện lý do sức khỏe, viên giám đốc bực mình quát vào mặt cô: “Đừng đem cái trí thức nửa mùa kia ra nói với tôi, cái bao tử của người Việt Nam mà tôi còn lạ gì”.

5. Tạ Chí Đại Trường (2011). Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945). Nhã Nam & Nhà xuất bản Tri thức, trang 195-198.

6. https://luatkhoa.org/2017/10/vu-viec-vinschool-cong-an-dieu-tra-ai-cung-trai-chuan-luat-quoc-te/

https://baotiengdan.com/2024/01/30/vinfast-mang-xa-hoi-viet-nam-va-giao-tiep-bao-luc/