Đạo diễn Trần Anh Hùng cho rằng, một chuyện rất quan trọng bây giờ, có thể chẳng còn quan trọng sau 50 năm nữa. Thứ còn đọng lại là ngôn ngữ điện ảnh, chính ngôn ngữ điện ảnh sẽ giữ cho nội dung được sống dài hơn.

Công việc của ông không phải là tìm ra một nội dung tốt hay quan trọng, mà phải khai thác ngôn ngữ điện ảnh triệt để, giúp câu chuyện sống càng lâu càng tốt.

Trần Anh Hùng, sinh năm 1962, sang Pháp định cư sau năm 1975. Ông theo học ngành triết trước khi bắt đầu làm phim.

Ông được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện độc đáo. Mùi đu đủ xanh (1993) là tác phẩm đầu tiên đại diện cho Việt Nam lọt vào danh sách đề cử Giải Oscar.

Năm 2023, tại Liên hoan phim Cannes, ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Muôn vị nhân gian.

Trần Anh Hùng được xem là đạo diễn mang dòng máu Việt có ngôn ngữ điện ảnh riêng và để lại dấu ấn lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Tuy nhiên khi được hỏi về việc truyền đạt lại gì cho những nhà làm phim khác, ông thẳng thắn nói rằng: Kinh nghiệm trong điện ảnh là đưa một cái lược thưa cho người không có tóc. Không ai có thể bắt chước ai. Thay vào đó, người làm phim chỉ nên đào sâu vào điều mình muốn làm và biết làm.

Để người đọc có cảm nhận chân thật nhất về nhân vật, chúng tôi xin giữ lại lối văn nói và cách dùng từ của “một người Việt Nam sống ở Pháp lâu hơn một người Việt Nam sống ở Việt Nam”.

Anh đang cảm thấy thế nào?

Hùng cảm thấy rất vui. Sau mấy năm đi làm, Hùng đã có một bộ phim được đưa về trình chiếu ở Việt Nam.

Anh quan niệm thế nào về cái Đẹp?

Cái đẹp là cái đúng, đó là điều quan trọng, nhất là trong điện ảnh. Đúng với một câu chuyện, đúng với một nội dung, đúng với tâm lý của nhân vật. Lúc đó, tất cả sẽ đẹp lên.

Mùi đu đủ xanh từng được đánh giá là một trong những bộ phim đẹp nhất thế giới nhưng chưa được ghi nhận xứng đáng? Theo anh, vì sao lại thế?

Ồ không đâu, Hùng không nghĩ đó là một trong những phim đẹp nhất thế giới. Hùng nghĩ, hồi đó mà nhắc đến Việt Nam là nhắc đến chiến tranh. Mùi đu đủ xanh là phim đầu tiên tập trung vào đời sống hàng ngày. Mình có thời gian để xem những nét tinh tế trong tâm lý của nhân vật.

Phim cũng chứa đầy chất nhân văn ít có ở thời đó. Đó là cảm xúc của đời sống, nó hướng về cái thiện. Trong người mình có một nơi không bao giờ được phá vỡ ngay cả khi gặp những bi kịch lớn trong đời. Chỗ đó vẫn được bảo vệ, nó giúp mình trở lại với đời sống, làm lành với đời sống.

Chắc vì thế mà nhiều người đánh giá phim này cao.

Bản sắc của một người Việt Nam của anh là gì? Điều này ảnh hưởng thế nào đến phong cách và nội dung làm phim của anh?

Cái này chắc người khác nói chứ Hùng không biết.

Là người Việt Nam sống ở Pháp lâu, ai cũng hỏi: Chất Việt Nam như thế nào? Hùng nói là Hùng không biết.

Cái chất của Hùng, nó đa dạng lắm. Mình xem phim, nghe nhạc, đi triển lãm. Hùng tương tác với rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Cách đó giúp Hùng hiểu về cái đẹp và tạo ra cái đẹp của mình, khiến cho mình có linh cảm tốt hơn. Đây là một thứ cần phải rèn luyện, mình phải tập trung vào những điều mình thích. Khi nói được thành tiếng từ sự linh cảm đó, công việc sẽ được giúp ích rất nhiều.

Còn phần Việt Nam vẫn ở trong Hùng một cách rất mạnh mẽ. Mỗi lần làm phim, Hùng đều đào sâu vào đó. Có thể nói, tất cả những cuốn phim của Hùng đều có chất Việt Nam; hay cũng có thể nói mọi cuốn phim đều có chất của Hùng. Việt Nam là một phần trong sự pha trộn đó.

Tất cả những gì quan trọng với đời sống của Hùng đều đến từ khắp mọi nơi. Điều đó tạo ra con người của Hùng như bây giờ.

Nhưng nghệ thuật vốn là một nguyên liệu rồi. Thứ ngôn ngữ mà mình nói trong đầu phải là ngôn ngữ của điện ảnh. Mà đã là ngôn ngữ của điện ảnh thì không cần phải có một quốc tịch đâu.

Có bao giờ anh thắc mắc về việc mình là ai không?

Không đâu! Hùng không thắc mắc. Hùng biết, Hùng là người Việt Nam.

Anh từng nghe người khác nhắc về phong cách Trần Anh Hùng chưa? Anh cảm thấy thế nào?

Tất nhiên khi làm việc, Hùng không thể nào tránh việc là mình được. Và Hùng thường nghĩ là: Mình chỉ làm được những cái mình biết làm. Trong những cái mình biết làm, mình phải tìm sự thử thách. Nó phải là cái khó.

Mình phải đào sâu vào chuyện mình muốn, cần phải có cảm xúc mới và độ tươi cho người xem. Đó là cái mà Hùng theo đuổi.

Phong cách của Hùng là những thứ mà Hùng thích. Hùng rất thích sự yên lặng. Nhưng phải là cái tĩnh mà trong đó có sức sống: Cái tĩnh di chuyển.

Di chuyển mà chậm chạp sẽ tạo ra độ tĩnh. Đó là cái mà Hùng rất thích.

Nếu Hùng muốn khán giả xem một khoảng thời gian phim bằng một khoảng thời gian thực, Hùng thích quay một cú máy dài cho một cảnh phim thay vì cắt dựng từ nhiều đoạn phim.

Hùng nghĩ là như thế là Hùng phải quay như thế. Dần dần mỗi khi làm, Hùng luôn luôn trở lại với lối suy nghĩ đó. Và lối suy nghĩ đó đúng với Hùng.

Chắc cái đó nó đẻ ra thứ mà người ta gọi là phong cách Trần Anh Hùng.

Anh từng nghe người khác nhắc về phong cách Trần Anh Hùng chưa? Anh cảm thấy thế nào?

Tất nhiên khi làm việc, Hùng không thể nào tránh việc là mình được. Và Hùng thường nghĩ là: Mình chỉ làm được những cái mình biết làm. Trong những cái mình biết làm, mình phải tìm sự thử thách. Nó phải là cái khó.

Mình phải đào sâu vào chuyện mình muốn, cần phải có cảm xúc mới và độ tươi cho người xem. Đó là cái mà Hùng theo đuổi.

Phong cách của Hùng là những thứ mà Hùng thích. Hùng rất thích sự yên lặng. Nhưng phải là cái tĩnh mà trong đó có sức sống: Cái tĩnh di chuyển.

Di chuyển mà chậm chạp sẽ tạo ra độ tĩnh. Đó là cái mà Hùng rất thích.

Nếu Hùng muốn khán giả xem một khoảng thời gian phim bằng một khoảng thời gian thực, Hùng thích quay một cú máy dài cho một cảnh phim thay vì cắt dựng từ nhiều đoạn phim.

Hùng nghĩ là như thế là Hùng phải quay như thế. Dần dần mỗi khi làm, Hùng luôn luôn trở lại với lối suy nghĩ đó. Và lối suy nghĩ đó đúng với Hùng.

Chắc cái đó nó đẻ ra thứ mà người ta gọi là phong cách Trần Anh Hùng.

Một số phim của Việt Nam có ảnh hưởng từ phong cách và nội dung làm phim của anh nhưng không thực sự thành công. Theo anh, điều đó có ý nghĩa gì?

Có rất nhiều đạo diễn mà Hùng thích, Hùng xem phim họ, lấy ra những gì cần thiết và có thể dùng được khi làm phim của Hùng. Nhưng mình sẽ không bao giờ bắt chiếc cả, khó lắm. Là vì, để làm cái mà mình biết, cái mà mình muốn đã khó lắm rồi. Vậy thì, mình chỉ nên tập trung vào việc đó thôi.

Tuy nhiên, điện ảnh cũng như nghệ thuật luôn có những trường phái hay gia đình khác nhau. Gia đình đó không thể là nhiều người và tất cả mọi người được. Chẳng hạn như gia đình của Hùng là đạo diễn này, nhạc sỹ kia. Đó phải là một gia đình rất rõ ràng mà Hùng có.

Khi mình đã chọn gia đình nào, mình sẽ ở trong gia đình đó. Tất nhiên mình sẽ làm những gì hiệu quả cho gia đình chứ không phải là làm giống với gia đình.

Mình chỉ có thể nói cái gì hay, cái gì không hay. Chứ mình không thể nào so sánh một tác phẩm này với một tác phẩm khác. Vì chủ đề không giống nhau, câu chuyện không giống nhau, sở thích hay cách dùng nhạc cũng đều không giống nhau.

Cảm giác Hùng sẽ là một người rất là thô thiển nếu nói lên cái chuyện đó.

Vậy nếu không so sánh, không phân tích, không tranh luận, làm thế nào để người đi sau học được từ người đi trước?

Khi làm nghệ thuật, mình không học được gì cả. Hùng không học về nghệ thuật, về đạo diễn.

Mình sẽ tự hỏi, mình muốn làm cái gì và muốn thể hiện nó như thế nào. Cái đó không có cách nào học ở đâu cả. Học biết làm sao!

Trong nghệ thuật, kinh nghiệm là một cái lược mà mình đưa cho người không có tóc. Đây là kinh nghiệm của tôi, tôi đưa cho anh. Nhưng mà anh đâu có tóc thì anh dùng cái lược này làm gì? Đó là nghệ thuật. Mình không có làm lại một cái gì cả. Mình không có làm tiếp một cái gì cả. Mình làm một cái duy nhất.

Mỗi phim là một tác phẩm duy nhất.

Có những tác phẩm vẫn được nâng niu cả mấy thế kỷ nay, vẫn xuất hiện và vẫn hoàn chỉnh. Phim chứa một sức đẹp làm cho người ta quý và giữ.

Vì đó là thứ chỉ có một.

Thành ra, Hùng nghĩ không có ai dạy bảo ai cả. Những người thầy tốt nhất là những tác phẩm hay. Người sáng tác sẽ nhìn vào đó để có cảm hứng làm việc. Chứ bắt chiếc khó lắm! Không có ai có thể làm giống ai được.

Tất nhiên, mình có thể tìm được rất nhiều phim Mỹ (chẳng hạn) mà phim này giống với phim kia. Vì mình sống với nhau mà, ảnh hưởng là một điều rất hay. Mình nói chung một ngôn ngữ nhưng cách mình dùng chữ sẽ khác nhau. Chắc chắn!

Khoảng giữa buổi phỏng vấn diễn viên Trần Nữ Yên Khê cần rời đi trước. Cô ngập ngừng đến trước máy quay:

-         Anh Hùng: Em cần cái gì? Không sao đâu. Cái này không có quay.

-         Yên Khê: Em lấy cái kính.

Anh rút ra từ túi áo ngực trái một chiếc kính râm nữ.

Trong suốt buổi làm việc, chị chỉ cần vỗ một cái nhẹ, anh tự động xoay người, mở hờ cánh tay. Chị luồn tay vào túi áo anh và lấy ra một chiếc kẹp tóc càng cua.

-         Anh Hùng: Vì hôm nay Yên Khê không có đem túi.

Anh làm rất nhiều phim về tình yêu. Tôi băn khoăn rằng, với một người như vậy thì tình yêu quan trọng tới mức nào?

Vậy thì Hùng hỏi lại, nếu tình yêu không có quan trọng thì thứ gì quan trọng?

Giả sử, nếu mình muốn tiền bạc rồi tạo ra bi kịch cho người khác. Vậy đó có phải là một cuộc đời sống mình cần sống hay không? Và có nên sống hay không?

Trong khi biết yêu người khác thì mình biết nhận và biết cho. Đó là một điều rất tuyệt vời chứ.

Có nhiều lựa chọn trong đời sống nhưng nếu cho Hùng chọn, Hùng sẽ nói tình yêu là thứ quan trọng nhất. Tình yêu đem tới cho mình một niềm vui và sự phấn khởi rất lớn. Nếu có thứ gì đó trong người mình mà chống lại tình yêu, Hùng coi đó là một chuyện không bình thường, một chuyện rất lạ.

Cách anh nhìn nhận về tình yêu của Mùi và Trung trong Mùi đu đủ xanh và tình yêu của Eugenie và Dodin trong Muôn vị nhân gian có gì giống và khác nhau?

Ồ, Hùng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Nhưng mình có thể nói ngay bây giờ là: Trong Mùi đu đủ xanh, mình nói đến mùa xuân của tình yêu, còn Muôn vị nhân gian mình nói đến mùa thu của tình yêu.

Mùa xuân là giây phút đầu khi tình yêu xuất hiện. Còn mùa thu là giai đoạn mà hai người đã sống với nhau lâu rồi nhưng vẫn thấy thú vị khi ở cùng nhau. Tình yêu đã vào giai đoạn lắng xuống và nhẹ nhàng hơn.

Hùng thấy trong điện ảnh có quá ít phim nói về chất tình yêu đó. Hùng làm Muôn vị nhân gian là để gợi về một câu chuyện tình vào mùa thu. Phim không làm cho khán giả chán mà ngược lại, tạo ra một cảm xúc rất sâu trong đời sống.

Eugine là một phụ nữ khao khát sự độc lập. Cô ta không chỉ muốn làm vợ mà còn muốn có một cái nghề. Cô từ chối lời cầu hôn của Dodin sau 20 năm chung sống. Nhưng chính lời từ chối đó đặt ra một khoảng cách rất đẹp giữa Eugine và Dodin, gạt mọi lớp cặn thô ra khỏi cuộc sống của họ.

Cái kết của phim giúp mình nhìn thấy rõ Eugine là ai? Dodin là ai? Phân tích một chút thì mình sẽ hiểu là Dodin chính là người mà Eugine đã tạo ra bằng khoảng cách của mình.

Con người và cách làm phim của anh đã thay đổi thế nào qua hai bộ phim này?

Hùng không biết và Hùng cũng không cần biết. Vẫn cứ để như thế thôi mà.

Nhắc đến phim của anh, người ta thường nhắc tới cái Đẹp. Đẹp đến độ duy mỹ: Cảnh quay đẹp, ngôn ngữ đẹp, nội dung đẹp,… Nhưng đời sống luôn có hai mặt. Vậy anh kể những cái Xấu trên phim của mình như thế nào?

Cũng có đấy nhưng mà kể một cách chừng mực. Hùng không thích tăng chất bi kịch lên. Chừng mực có một sắc đẹp riêng. Cái gì đã đủ rồi thì là đã đủ rồi. Tuy biết là có thể thêm nhưng Hùng cũng không bao giờ thêm nữa.

Khai thác tiềm năng của ngôn ngữ điện ảnh mới là chuyện Hùng hướng đến: Làm sao để nói ngày càng chuẩn thứ ngôn ngữ của mình. Hùng không quan tâm tới nội dung vì không có chuyện gì là hay hơn chuyện gì cả. Nội dung chỉ dựa vào thời buổi. Một chuyện rất quan trọng bây giờ, 50 năm sau có thể chẳng còn quan trọng nữa.

Thứ còn để lại được, còn đọng lại được là thứ liên quan đến ngôn ngữ điện ảnh.

Chính ngôn ngữ điện ảnh sẽ giữ cho nội dung được sống dài hơn.

Công việc của Hùng không phải là tìm ra một nội dung tốt, một nội dung quan trọng mà là phải khai thác ngôn ngữ điện ảnh để câu chuyện đó được sống càng lâu càng tốt.

Phải làm sao để khi hiện trên màn ảnh, phim đạt được độ tập trung cao nhất của khán giả. Ngôn ngữ phải tạo được cảm xúc và ý nghĩa.

Để tạo ra được ngôn ngữ điện ảnh, mình phải đi từ cảm xúc đến mục đích. Quãng giữa chính là kỹ thuật và sự tính toán.

Tất nhiên là cảm hứng là một việc, chỉ 10%, nhưng sự tính toán phải là 90%.

Cảm hứng thì chỉ 10%, nhưng sự tính toán phải là 90%.

Sắp có một cái cảnh sắp phải quay? Mình quay như thế nào? Hai người ngồi đây như thế này hay sẽ vừa đi bộ, vừa nói chuyện.

Mình có thể vượt qua chỗ này đi qua chỗ kia, vượt qua bóng tối, đi qua ánh sáng.

Và vì sao mà tôi muốn như thế? Là vì, tôi muốn tạo đà. Thay vì ngồi im, mình có thể vừa đi vừa nói. Vì nắng quá, mồ hôi toát ra, mình thấy hơi thở khác đi và giọng nói thoát lên. Mình sẽ không nói một cách yên tĩnh như thế này nữa. Đó là sự tính toán.

Mục đích sống của anh là gì?

Hùng không biết thật đấy. Hùng không nghĩ đến thứ gì là mục đích để mình vươn đến. Hùng muốn làm sao sau mỗi phim thì mình có cơ hội để làm một phim khác. Tham vọng làm gì cho nó mệt ra.

Hùng mong gặp được chủ đề, câu chuyện có thử thách để tạo hứng thú sáng tác.

Mình chỉ cần từng làm phim một và làm hay nhất có thể. Là vì, mỗi phim Hùng làm là một món quà mình tặng cho khán giả. Người ta nhận hay không nhận là tùy họ. Nhưng Hùng không bao giờ xấu hổ cho một cuốn phim nào mình làm ra cả.”

Bởi Hùng chắc chắn 100% là, tâm trí, khả năng, nỗ lực, năng lượng mà Hùng bỏ vào vượt qua quá nhiều số tiền mà mỗi người bỏ ra để mua 1 tấm vé xem phim.

Phim của Hùng là một món quà.

Người ta nhận hay không nhận là tùy họ.

Hùng chỉ có tham vọng về sáng tác. Còn với tất cả giải thưởng, mình nên thực tế với nó.

Có một người từng đặt câu hỏi với một đạo diễn Pháp như thế này: Bây giờ, nếu cho anh một cơ hội sống trong một tình yêu tuyệt đẹp và cơ hội làm phim về một tình yêu tuyệt đẹp thì anh chọn cái nào?

Ông ta trả lời: Tôi làm phim. Hùng cũng thế. Hùng sẽ làm phim.

Đời sống là những thứ đến với mình mà không thật sự có ý nghĩa. Khi bố Hùng chết, Hùng chỉ đau khổ thôi, không có ý nghĩa gì cả. Nhưng trong một cuốn phim, thấy một người cha chết, mình có thể thấy đầy ý nghĩa. Vì sự kiện đó ở trong một bố cục, một câu chuyện để tạo ý nghĩa về cái chết của người cha.

Đời sống là những thứ mình nhận được thì không phải là sự thật.

Sự thật là những điều Hùng nói ra về đời sống của mình. Đó mới là sự thật.

Sự thật là những điều Hùng nói ra về đời sống của mình. Đó mới là sự thật.

Nếu em sống mà em chẳng nói gì với ai, em không sống đâu.

Nếu em sống mà em chẳng nói gì với ai, em không sống đâu. Khi mà Hùng nói ra, thì đời sống của Hùng mới thật được. Khi em yêu ai mà em chỉ có yêu thôi, không nói thì cũng không phải là sự thật.

Vì thế mà em thử xem, nói rất khó. Nói mình yêu ai đâu có dễ. Mình phải lấy một thứ gì đó từ trong người mình ra để nói thành lời. Rất khó nhưng cái đó mới là sự thật.

Cái đó mới là sức sống.

Đối với Hùng, sống là sáng tạo. Sống là nói lên đời sống. Mình có thể sống, có thể sáng tạo được rất nhiều đời sống. Mình được sống trong chất tình của Mùi đu đủ xanh, được sống trong chất tình của Muôn vị nhân gian. Thì đó là sống đấy! Đó là thật sự sống đấy!

Còn những người khác, nếu không nói ra được thành lời, người ta chỉ có thở thôi.

Bây giờ, anh đang cảm thấy thế nào?

Cảm thấy thế nào à? Vui lắm em.

Hùng đang ngồi đây, ở Việt Nam, trong một khu vườn có rất nhiều cây cối mà Hùng quen thuộc. Mỗi dáng cây đều ở trong tâm trí của mình lâu rồi. Khi được nhìn lại, mình rất xúc động. Lúc mới tới, Hùng ngửi thấy ngay mùi hoa đại đỏ. Cả bông hoa trắng dài này nữa. Người ta nói, hoa thơm quá thì không nên trồng gần nhà. Vì như thế, sẽ lôi ma tới.

*Già nửa buổi phỏng vấn, đạo diễn Trần Anh Hùng giữ một búp lá trên tay.

Cái nóng khiến cơ bắp của mình mềm ra, không còn căng thẳng. Tất cả những điều này làm cho Hùng rất sung sướng; là thứ Hùng rất cần nhưng bên Pháp lại không có được.

Ngày xuất bản: 4/4/2024
Tổ chức sản xuất: Việt Anh
Thực hiện: Thi Uyên
Ảnh: Đức Anh