Trần Anh Hùng trò chuyện với Tuổi Trẻ Xuân, một cuộc trò chuyện dài với những rung cảm mỗi khi đạo diễn xa xứ này nhắc đến hai tiếng Việt Nam.

Vừa hòa âm xong bộ phim truyện thứ 7 trong sự nghiệp, đạo diễn Trần Anh Hùng không kịp trở về Việt Nam với khóa học Gặp gỡ mùa thu như thường lệ của cả chục năm qua, lý do chỉ bởi hộ chiếu hết hạn.

The Pot Au Feu cũng là bộ phim thứ 4 không nói tiếng Việt của Trần Anh Hùng. Ý tưởng được anh ấp ủ từ 5 năm trước. 

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 1.

* Hai năm đại dịch anh vẫn kịp quay xong một phim ẩm thực mà 5 năm trước anh đã chia sẻ sự say mê với nhân vật sành ăn giả tưởng Dodin-Bouffant của nhà văn chuyên về ẩm thực Marvel Rouff. Phim giờ tên là The Pot Au Feu - thay vì Dodin-Bouffant?

- Đúng là phim vẫn làm về câu chuyện đó nhưng tôi đã đổi tên thành The Pot Au Feu - tên một món ăn của Pháp. Marvel Rouff là nhà văn Thụy Sĩ, ông viết khá nhiều sách nhưng chỉ có cuốn sách về Dodin-Bouffant là còn được đọc rất lâu sau đó.

Có lẽ vì cuốn sách có những trang viết về ẩm thực rất hay. Nhưng khi tôi chuyển cuốn sách đó lên phim, tôi chỉ giữ lại nhân vật và những gì nói về ẩm thực, còn câu chuyện thay đổi hoàn toàn. Đó là lý do chính để tôi đổi tên phim.

* Ngoài Juliette Binoche và Benoit Magimel - hai ngôi sao của điện ảnh Pháp, anh còn có Pierre Gagnaire, đầu bếp 14 sao Michelin, đảm nhận vai trò cố vấn ẩm thực. Có gì thú vị khi làm việc với những người như họ?

- Làm việc với Pierre Gagnaire rất đơn giản, ông ta rất hiền, rất dễ thương, lúc nào cũng cười rất tươi. Trước khi tôi quay, những món có trong kịch bản tôi phải trao đổi với ông ta. Hóa ra có rất nhiều món không có thật, sự gặp gỡ giữa trang sách và đời thực không tốt.

Có nhiều món mô tả trong sách rất hay nhưng lại là vô lý. Nên khi làm phim, tôi phải chờ Pierre Gagnaire gợi ý, tôi suy nghĩ xem tìm cái gì hay để quay, màu sắc nào tốt khi làm phim...

Sau khi đã có tất cả những món quyết định để quay rồi thì tôi đến bếp của ông Pierre Gagnaire, xem ông ta thực hiện từng món.

Thời điểm này với tôi là lúc hay nhất, khi được thấy người đầu bếp làm từng bước thế nào, món ăn từ từ hiện lên ra sao.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 2.

Tôi viết kịch bản trong thời gian dịch COVID-19. Nhờ căn bếp của Pierre Gagnaire mà kịch bản này sống lại, những thay đổi sau đó đã giúp tôi rất nhiều.

Thử thách của tôi còn là việc quay sao cho khác những chương trình ẩm thực trên truyền hình vốn cũng rất kỹ, rất thẩm mỹ. Pierre Gagnaire như một nghệ sĩ, ý tưởng món ăn của Pierre mang tính nghệ thuật.

Các cú máy dài của tôi trong phim cũng luôn có sự cố vấn ấy, ngay cả việc diễn viên phải dùng thìa sao cho đúng cách nên thành ra tiếng thu trực tiếp bị hỏng bét, phải sửa lại khi hòa âm.

* Anh từng nói quan sát cách người đầu bếp sành sỏi chế biến những món ăn luôn thấy những dục tính mạnh mẽ ẩn trong từng hành vi. Như cái cách một đầu bếp Nhật vuốt ve để làm rã đông một con cá cho món sashimi... Món bò hầm của The Pot Au Feu thì sao?

- Bối cảnh phim The Pot Au Feu diễn ra cuối thế kỷ 19, giờ người ta có thể không làm nhiều món như thế nữa trong các bữa ăn hoặc hình dáng nó khác, thức ăn không to không thô như xưa nữa.

Trong phim, tôi muốn dựng lại những món ăn đúng như của thế kỷ 19, món ăn không được đẹp quá, không được hội họa quá. Một số cảnh mà tôi thấy thú vị khi quay là món cá được nấu trong 4 lít sữa với lửa thật là nhẹ.

Sau khi cá chín thì phải bỏ sữa đi. Hay như để nấu một con gà, thì cần nước dùng. Nước dùng được nấu bằng 2 con gà khác cùng rất nhiều thứ rau củ mới ra thứ nước cần thiết để nấu con gà kia.

* Tên phim The Pot Au Feu đọc như là phở, nhiều người nói đây chính là cái tên thủy tổ của món phở bò quốc hồn quốc túy Việt Nam, anh có nghĩ vậy không?

- Đây chắc là truyền thuyết thôi. Nhưng thật sự tôi thấy rất vui vì đúng là món bò nấu rất lâu này đọc bằng tiếng Pháp có âm thanh như tiếng phở của mình làm tôi thấy rất ấm lòng. 

Dù trong phim không nói đến chuyện đó. The Pot Au Feu là một món hầm tổng hợp có cả bò, bê, chim bồ câu, thỏ và nhiều loại rau nữa. Cách nấu cũng hơi lạ, là hành tây cũng được nướng lên trước khi nấu, thật giống món phở của Việt Nam.

Tôi chọn tên đó cho phim thấy nó như tạo ra một nụ cười nhè nhẹ, vì chữ phở. Sắp tới khi phim ra mắt, nếu trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài tôi cũng sẽ nói đến điều này, rằng dù trong phim không nhắc đến Việt Nam nhưng cách tôi chọn tên phim chính vì nó vang lên tên một món ăn rất Việt Nam: món phở.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 3.

Cảnh phim Mùi đu đủ xanh

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 4.

* Sống trong không khí của những món ăn Pháp cầu kỳ ấy, món ăn Việt nào gây thương nhớ với anh nhất? Vì ký ức tuổi thơ, vì người nấu, vì... nó luôn ngon?

- Nhiều lắm. Khi tôi trải qua những thứ rất tinh tế trong ẩm thực Pháp, tôi lại nhớ những món rất đơn giản như thịt ba chỉ, đậu luộc xắt mỏng ăn với cơm cùng vài lát dưa chuột.

Những thứ này sao lại quý thế, đặc biệt thế, dù thô. Nếu nước mắm ngon, thịt ba chỉ ngon thì đó là một món tuyệt vời.

* Tỉ lệ món Việt trong gia đình anh như thế nào? Lãng Khê và Cao Phi - hai con của anh - có thích các món ăn Việt Nam?

- Yên Khê rất cầu kỳ và kỹ lưỡng về chuyện ăn uống. Cô ấy luôn muốn phải thay đổi đồ ăn trong tuần, vì vậy chúng tôi sẽ có 3 bữa cơm Việt. Còn lại là các món của nhiều nước khác như Ý, Pháp, Ấn.

Con của tôi rất thích món Việt Nam. Bây giờ chúng đã ra riêng, nhưng cứ cuối tuần là trở về, có thể nói là vì thèm món ăn Việt mà trở về nhà rất nhiều.

* Tôi biết anh là người đàn ông sẵn sàng vào bếp, anh tự tin với các món mình nấu không? Đã ai chê các món anh nấu chưa?

- Thú thật là tôi chẳng nấu được món nào cả. Cũng nấu một số món đấy nhưng chắc phải gặp hoàn cảnh sống chết nào đó thì có thể tôi sẽ nấu được.

 Còn tự nhiên bảo tôi nấu thì chắc không ăn được đâu. Lý do là bếp luôn có Yên Khê, tôi vào bếp thì Yên Khê cứ bảo phải làm thế này, thế kia mới đúng nên tôi cũng hơi chán. Thành ra vào bếp chỉ làm trợ lý cắt rửa nguyên liệu.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 5.

* Hình như có lần anh từng bảo muốn làm phim từ cuốn sách Thương nhớ 12 của Vũ Bằng?

- Đúng thế đúng thế, nhưng cuốn sách đó dần dần nó thay đổi ở trong đầu tôi.

Có thể sau này nếu công việc làm phim ở Việt Nam không gặp quá nhiều cản trở khó khăn, thêm việc tôi chờ cho tuổi của tôi trùng với Vũ Bằng ở thời điểm viết cuốn sách ấy, có lẽ tôi sẽ bắt đầu dựng cuốn phim này.

Bộ phim nói tiếng Việt sắp tới của tôi nếu thành thì cũng có nói rất nhiều về ẩm thực.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 6.

* 2 năm anh không về được Việt Nam, đại dịch lấy của anh điều gì và mang đến những gì khi anh làm bộ phim có chủ đề yêu thích của mình?

- COVID-19, nói một cách lạc quan, với tôi là một giai đoạn rất là hay. Bị nhốt ư, tôi không thấy căng thẳng lắm vì thông thường tôi cũng tự nhốt mình trong nhà làm việc rồi đi dạo.

Cảm giác kỳ lạ lại đến bởi tin tức. Khi tôi liên tục nghe về dịch bệnh, về những cái chết, sự sợ hãi... làm mình bỗng nhiên quý thêm cuộc sống.

Tôi thực sự không sợ chết vì dịch, một phần tôi có sự tin tưởng vào các bác sĩ mình quen, đồng lòng với họ về cách chữa cũng như biết cách tránh bệnh này. Cho đến giờ tôi vẫn chưa nhiễm COVID-19.

Một cái khác biệt nữa xảy đến khi các hoạt động ngừng, bỗng nhiên thế giới quanh tôi trở lên vô cùng yên tĩnh, và nó có vẻ rất thú vị, dù vậy chỉ là ở giai đoạn ban đầu.

Nhưng về sau, khi tôi không có công việc, rồi một số nhà đầu tư cho phim dù đã cam kết bỗng rút ra, diễn viên chính rút ra, thiếu nguồn tiền vào phim... thì mới thấm thía khó khăn. Khi đó không vui tí nào.

COVID-19 bắt ta phải suy nghĩ lại về cách sống của mình, giống như mình thiền một thời gian rất lâu, giai đoạn mà mình phải tĩnh lại, không vội vã, không gấp gáp, không bận tâm đến những chuyện vốn phân tâm khác để suy nghĩ nhiều về nghệ thuật.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 7.

* Và COVID-19 hẳn là lý do để đã lâu rồi anh không về Việt Nam?

- Tôi nhớ lắm. Ước gì được ngồi với các bạn của tôi ở Việt Nam ngay bây giờ. Tôi nhớ mùi vị ở Việt Nam. Tôi thấy mình bị mất quá nhiều khi không được trở về 2 năm qua.

* Trong lần trả lời báo chí tiếng Việt, hình như là lần đầu tiên khoảng 20 năm trước, anh có nói một ví dụ khá ám ảnh: "Tôi như ngồi trên chiếc ghế chông chênh giữa 2 nền văn hóa". Cảm giác đó giờ còn không?

- Nó biến đổi rồi. Vì 10 năm qua tôi được về Việt Nam thường xuyên hơn. Cảm giác ngồi chông chênh khi xưa ấy không thoải mái chút nào.

Đó là cảm giác không được gần những thứ chôn sâu trong tâm hồn mình. Tôi cảm thấy như mình không được biết một dáng đi, một mái tóc, khuôn mặt, đôi mắt của người Việt ở Việt Nam.

Có lần ở Việt Nam, tôi ở một căn hộ tầng 4, gần đó có 1 tiệm nail tên là CÔ EM, lâu lâu những người ở đó ra ngoài nói chuyện. Tôi không nghe rõ họ nói gì nhưng tôi biết 100% là tiếng Việt. Cảm giác thỏa mãn.

Việt Nam trong tôi còn hiện diện ở nhiều thứ lắm nữa, giống như khi tôi gặp Yên Khê lần đầu tiên, nhận ra trong từng tế bào của cơ thể mình đã gặp một cái gì đó rất quan trọng, nó vượt qua cả chuyện đàn ông đàn bà thông thường. Bởi cô ấy là một người Việt.

Tất nhiên có tình yêu vào cảm giác sẽ mạnh mẽ hơn, nhưng dù lúc đó tôi mới chỉ sống được hơn 20 năm thì cũng thấy chất Việt trong Yên Khê quen thuộc với tôi như từ mấy thế kỷ.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 8.

Trần Anh Hùng trên trường quay The Pot Au Feu - Ảnh: Offret Christophe

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 9.

* Sự phát triển về mọi mặt khiến ranh giới văn hóa cũng dần mờ nhạt, những khám phá mang tính bất ngờ giữa các dân tộc khác nhau dần ít đi. Điều này theo anh có làm khó những người sáng tạo hay ngược lại?

- Tôi rất khó trả lời, vì còn liên quan đến suy nghĩ của những người khác nữa. Tôi còn chưa hiểu chính tôi. Tất nhiên mạng xã hội làm cho tôi cảm thấy thế giới khác đi.

Đúng là cái gì dễ dàng thì mình không còn thấy hấp dẫn. Nhưng tốt nhất vẫn phải gặp nhau trực tiếp. 30 năm trước bạn muốn phỏng vấn tôi thì sẽ như nào nhỉ?

Sẽ hay hơn chứ, mình phải dành thời gian cho nhau, bạn phải viết gửi cho tôi, tôi đọc tôi nghĩ thay vì 2 tuần lại là 2 tháng. Công sức tâm trí mình bỏ ra nhiều hơn. Cái thuận tiện bởi thế với tôi không phải cũng là cái dễ dàng.

* Tôi nhớ khi anh mời cha của mình xem Xích lô ở Venice, rồi hỏi ông thấy sao. Ông đã nói ông phải xem lần nữa bởi khi tiếng Việt vang lên giữa rạp chiếu phim, nước mắt ông cứ thế chảy ra... 4 phim gần đây nhất của anh đều nói ngôn ngữ không phải tiếng Việt. Cha anh cũng đã mất. Tiếng Việt của phim Trần Anh Hùng khi nào sẽ lại vang lên để chạm vào những người xa xứ lâu năm như cách ấy nữa?

- Tôi nhớ buổi chiếu ấy, có cha mẹ tôi và cha mẹ của Yên Khê. Phim nói tiếng Việt nếu tôi có thể làm được sắp tới sẽ là một cơ hội. Nhưng Việt Nam cần cởi mở hơn.

Thú thật là  tôi sẽ rất khó khăn để kéo một nhà sản xuất Pháp về Việt Nam làm một phim nói tiếng Việt. Tôi nghĩ mình cần tìm một nhà đầu tư ở Việt Nam với một kinh phí nhỏ hơn những phim nói tiếng nước ngoài tôi từng làm.

Cuốn phim tương lai ấy, dù nói tiếng Việt nhưng tôi tin sẽ được phát hành toàn thế giới. Chỉ mong sẽ không gặp khó khăn, những cản trở, hoặc nếu có, cũng sẽ phải vượt qua.

* Một trong những lý do anh từ chối thực hiện Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh dù rất thích cuốn tiểu thuyết này là vì "ở Việt Nam Hùng chưa nhìn thấy ai có thể đóng vai Kiên cũng như một số nhân vật khác". Những vấn đề khác mà điện ảnh Việt phải đối mặt còn là gì nữa, theo anh?

- Không hẳn chuyện diễn viên, dù nó cũng là một trong những cản trở chính. Đã có một kịch bản được viết ra, được duyệt để làm phim nhưng rồi không thành.

Các vấn đề điện ảnh Việt với tôi ư? Tôi nghĩ tài năng các nhà làm phim Việt không thiếu, sự quyết liệt của các nhà làm phim Việt thậm chí làm tôi ngưỡng mộ.

Tôi chưa từng làm được như họ. Nhưng cái cần là sự quyết liệt của Nhà nước. Để điện ảnh Việt đi xa hơn, có lẽ cần cách mà Hàn Quốc đã làm.

Có thể nói bài học từ điện ảnh Pháp cũng là một ví dụ. Để chống lại sự bành trướng của Hollywood, Pháp phải đầu tư cho điện ảnh. Hàn Quốc cũng vậy, họ chấp nhận cải tạo bộ máy để điện ảnh vận hành được. Từ đó điện ảnh Hàn mới phát triển.

* Nếu trở về Việt Nam, anh sẽ muốn đến đâu, làm gì, gặp ai trước nhất?

- Khó trả lời đấy. Nhưng chắc chắn tôi sẽ đến một quán ăn chay, một trong 3, 4 chỗ mà tôi thường đến mỗi khi được trở về. Về Việt Nam chắc là tôi sẽ về TP.HCM đầu tiên. Bởi nó còn liên quan công việc của Yên Khê. Còn gặp ai đầu tiên thì tôi sẽ bí mật.

* Tại Pháp, trong nhà mình, anh có còn cố gắng nói tiếng Việt với hai con của mình, như khi chúng còn thơ bé?

- Có chứ, tôi vẫn nói nhưng vài ba câu sẽ có sự pha trộn với những câu tiếng Pháp.

Các con tôi hiểu tiếng Việt. Tôi thì thường khi muốn nói những gì thật dịu dàng thì sẽ nói bằng tiếng Việt. Còn khi mắng chúng tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp!

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi luôn muốn làm phim nói tiếng Việt Nam - Ảnh 10.
CÁT KHUÊ
AN BÌNH
OFFRET CHRISTOPHE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0