Tranh cãi Lý Hiển Long: Singapore đưa ra quan điểm chính thức

Thủ tướng Hun Sen đón tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long ở Phnom Penh năm 2005

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Hun Sen đón tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long ở Phnom Penh năm 2005

Bộ Ngoại giao Singapore cuối ngày 7/6 ra tuyên bố dài giải thích quan điểm chính thức sau khi Campuchia và Việt Nam phản đối Thủ tướng Lý Hiển Long.

Thông cáo nói: "Singapore rất coi trọng quan hệ với Campuchia và Việt Nam.

Bất chấp khác biệt trong quá khứ, chúng tôi đã luôn đối xử với nhau với sự tôn trọng và bằng hữu. Quan hệ song phương đã tăng trong nhiều lĩnh vực, và chúng tôi hợp tác với các nước Đông Nam Á khác để xây dựng Asean thống nhất và đoàn kết.

Đó là bối cảnh trong lá thư chia buồn cũng như diễn văn Đối thoại Shangri-La của Thủ tướng Lý.

Việc ông nhắc tới chương đau thương trong lịch sử Đông Dương không có gì mới. Nó phản ánh quan điểm từ lâu của Singapore, mà cũng đã từng nói công khai trước đây.

Thủ tướng sáng lập, Lý Quang Diệu, từng viết về chuyện này trong hồi ký. Asean (khi đó gồm 5 thành viên) cũng từng nêu quan điểm về Campuchia trong tuyên bố chung gửi Hội đồng Bảo an LHQ năm 1979, "khẳng định quyền của nhân dân Campuchia được tự quyết tương lai, không bị can thiệp hay ảnh hưởng từ ngoại quyền để thực thi quyền tự quyết".

Thông cáo nói tiếp rằng Singapore "không có cảm thông cho Khmer Đỏ, không muốn thấy Khmer Đỏ quay lại Campuchia".

"Năm 1988, Asean từng bảo trợ các nghị quyết Đại hội đồng lên án Khmer Đỏ để bảo đảm họ không được tham gia mọi chính phủ sau này ở Campuchia.

Singapore và Asean đã nhiệt tình giúp đỡ nhân đạo cho nhân dân Campuchia."

Bộ ngoại giao Singapore nói Thủ tướng của họ nhắc lại giai đoạn lịch sử "để giải thích làm thế nào mà khả năng lãnh đạo và viễn kiến đã giúp chấm dứt các cuộc chiến bi thương gây ra đau khổ cho nhân dân Đông Dương, đem lại hòa bình và hợp tác ở khu vực ngày nay".

"Ông cũng muốn nhấn mạnh rằng không thể xem ổn định và thịnh vượng trong vùng, và đoàn kết Asean là điều nghiễm nhiên mà có. Bất an địa chính trị hiện nay lại càng khiến Asean phải duy trì đoàn kết, thống nhất, và tăng cường hợp tác."

Singapore tiết lộ Ngoại trưởng của họ Vivian Balakrishnan đã gọi điện riêng cho Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn hôm 7/6.

Theo đó, Ngoại trưởng Singapore đã giải thích quan điểm chính thức.

Thông cáo Singapore nói: "Các bên đồng ý rằng bất chấp khác biệt nghiêm túc trong quá khứ, chúng tôi đã chọn con đường hợp tác, đối thoại và tình bạn."

Thông cáo Singapore kết thúc bằng câu: "Singapore quyết tâm xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam và Singapore, và hy vọng quan hệ có thể tiếp tục mạnh mẽ dựa trên niềm tin và sự thẳng thắn."

Chủ tịch Quốc hội Singapore phát biểu

Trước đó, trong ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Singapore nói tranh cãi về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long không thể thay đổi quá khứ "xâm lược" Campuchia, và cũng không thay đổi hiện tại là "bạn tốt" giữa Singapore và Việt Nam.

Viết trên Facebook cá nhân ngày 7/6, ông Tan Chuan-Jin nói: "Việt Nam có thể không thích một số bình luận của Thủ tướng, và tôi đoán họ có thể lựa chọn định nghĩa quá khứ theo cách họ thấy thích hợp."

"Điều này không thay đổi quá khứ như cách nhiều người nhìn. Nó cũng không ảnh hưởng việc chúng ta là bạn tốt, hay láng giềng tốt ngày hôm nay. Chúng tôi quyết tâm giữ vững điều đó."

Bỏ qua Facebook tin, 1

Nội dung không có

Xem thêm ở FacebookBBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Cuối Facebook tin, 1

Hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trên Facebook cá nhân về việc cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời.

Việt Nam và Campuchia chính thức phản đối vì ông Lý Hiển Long viết:

"Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ."

Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa."

Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tướng Tea Banh nói bình luận của ông Lý "không thể chấp nhận".

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 7/6 nói trên Facebook: "Tuyên bố của ông cũng là một sự xúc phạm đến sự hi sinh lính tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Tuyên bố của ông đã nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia."

Cùng ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin viết trên Facebook rằng các sự kiện Đông Dương diễn ra trong quá khứ gần, và "tình hình nghiêm trọng khi đó ám ảnh cơ quan an ninh chúng tôi".

"Những ai dính líu sẽ biết rằng đe dọa của chủ nghĩa cộng sản và sự lây lan của nó về phía nam đã là quan ngại nghiêm trọng," ông Tan Chuan-Jin viết.

Ông Tan nói: "Việt Nam có thể không thích một số bình luận của Thủ tướng, và tôi đoán họ có thể lựa chọn định nghĩa quá khứ theo cách họ thấy thích hợp."

"Điều này không thay đổi quá khứ như cách nhiều người nhìn. Nó cũng không ảnh hưởng việc chúng ta là bạn tốt, hay láng giềng tốt ngày hôm nay. Chúng tôi quyết tâm giữ vững điều đó."

Ông Tan thừa nhận rằng một số người Singapore đã phản đối Thủ tướng Lý Hiển Long.

"Điều kỳ lạ là một số người Singapore (tôi giả thiết đây là người thật, chứ không phải người giả của các nước) lại vui vẻ nhảy vào và phản đối chính phủ, không đếm xỉa tới lịch sử."

"Có lẽ họ đã chưa đọc hay chưa hiểu về những gì đã xảy ra? Hay tệ hơn. Họ biết nhưng vẫn chê bai vì có lợi về mặt chính trị."

Ông Tan kêu gọi độc giả hãy đọc thêm về lịch sử.

"Đó là một loạt sự kiện quan trọng cho một quốc gia non trẻ, và thật không may nếu lãng quên nó chỉ vì một số người chọn cách làm chính trị thay vì cảm thức quốc gia."

Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Lý Hiển Long dự hội nghị Asean ở Phnom Penh năm 2012

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Lý Hiển Long dự hội nghị Asean ở Phnom Penh năm 2012

Bài của Thủ tướng Hun Sen

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 7/6 viết trên Facebook.

"Phát ngôn của ông Lý cho thấy quan điểm ủng hộ lúc đó của Singapore đối với chế độ diệt chủng và mong muốn nó quay trở lại Campuchia như thế nào.

Các phát ngôn của ông Lý còn là sự xúc phạm đến sự hi sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam, những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.

Tuyên bố của ông còn nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia.

Điều cuối cùng, tôi hỏi liệu ông, Lý Hiển Long, có còn xem các phiên tòa xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ là hợp pháp hay không?"

Bỏ qua Facebook tin, 2

Nội dung không có

Xem thêm ở FacebookBBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Cuối Facebook tin, 2

Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 6/6 cũng tường thuật tranh cãi đang xảy ra.

Tờ báo này hỏi nhà ngoại giao Singapore đã nghỉ hưu Bilahari Kausikan.

Ông Kausikan hôm 5/6 trả lời ngắn gọn: "Triết gia George Santayana từng nói, Những ai không thể nhớ lịch sử sẽ dễ lặp lại nó. Vị bộ trưởng Campuchia nên chiêm nghiệm câu này."

Cũng tờ South China Morning Post dẫn lời tiến sĩ người Campuchia Sophal Ear đang dạy ở Occidental College ở Los Angeles.

Ông Sophal Ear trả lời bình luận của Thủ tướng Lý Hiển Long "đúng về mặt chi tiết (factually correct)".

"Dĩ nhiên, Phnom Penh muốn viết lại lịch sử, đòi những ai phản đối chính quyền do Việt Nam bảo trợ thập niên 1980 phải xin lỗi, vì những ai chống đối họ đều là thân Khmer Đỏ."

Sophal Ear nói tiếp: "Việt Nam đã xâm lược Campuchia. (Vietnam had invaded Cambodia)."

Năm 2011, trong một diễn văn, cựu phó thủ tướng Singapore Wong Kan Seng nói vấn đề Campuchia khi đó thách thức Singapore.

Phát biểu tại Học viện ngoại giao Singapore, Wong Kan Seng nói: "Việc xâm lược một nước nhỏ của một láng giềng lớn hơn, lật đổ một chính phủ hợp pháp bằng thế lực bên ngoài, và áp đặt bộ máy ủy nhiệm bởi một ngoại bang đã là thách thức trực tiếp cho căn bản chính sách ngoại giao của chúng ta."

Xem thêm: