Trẻ em Việt và nạn buôn người vào Anh

Thống kê chính thức nói nạn nhân Việt Nam đông nhất trong số trẻ bị đưa lậu vào Anh trong năm ngoái
Chụp lại hình ảnh, Thống kê chính thức nói nạn nhân Việt Nam đông nhất trong số trẻ bị đưa lậu vào Anh trong năm ngoái

Nạn buôn trẻ vị thành niên vào Anh vẫn không ngừng tăng lên trong những năm qua, theo báo the Sunday Times của Anh.

Hàng năm, có tới hàng trăm em được đưa lậu vào Anh trong những chiếc xe tải.

Bài báo có tựa đề "The road to nowhere" (tạm dịch Con đường không đích đến) của hai cây viết Caroline Scott và George Arbuthnott nhắc tới trường hợp một bé gái 16 tuổi người Việt, được một gia đình địa phương nhận nuôi, nhưng đã bỏ trốn sau vài tháng ở cùng.

Giới chức nói khi bỏ đi, trong túi em chỉ có vài bảng và chẳng hề có điện thoại di động. Món đồ em mang theo chỉ là một chiếc vòng vàng và một chiếc mũ len hồng.

Gia đình cha mẹ nuôi và cảnh sát không biết em bỏ đi đâu, nhưng với những gì từng xảy ra trong quá khứ thì họ biết em đã quay trở lại với băng đảng đưa em vào Anh.

Nạn buôn người

Nhiều trẻ vị thành niên được đưa vào Anh để chăm sóc cơ sở trồng cần sa.
Chụp lại hình ảnh, Nhiều trẻ vị thành niên được đưa vào Anh để chăm sóc cơ sở trồng cần sa.

Câu chuyện của cô bé được cho là có tên Anh Thi Minh cũng là chuyện khá phổ biến đối với hàng trăm đứa trẻ "vô hình" đến từ Đông Nam Á, châu Phi và những nơi khác.

Người ta tin rằng các em đã bị buôn lậu vào Anh, bị buộc phải bán dâm, được giới chức Anh cứu, nhưng rồi lại bị bức hại.

Cảnh sát hạt Hampshire hồi tháng Sáu đã phát hiện ra Anh, khi đó 16 tuổi, làm việc tại một tiệm sơn móng tay ở Totton bên rìa vùng New Forest. Ngay lập tức em được đưa vào chăm sóc trong hệ thống dịch vụ xã hội.

Anh kể rằng em đã rời nhà từ vùng nông thôn miền bắc Việt Nam cùng với các bé gái và các phụ nữ khác. Đoàn của em được chở đi bằng những chiếc xe tải qua ngả Trung Quốc vào Nga, rồi sang Hungary, đi tới Pháp.

Tại đó, em đã bị hãm hiếp, bị tấn công tình dục nghiêm trọng và mục đích của băng đảng buôn người là chuẩn bị tinh thần cho những nạn nhân là công việc của các em khi vào tới Tây Âu là làm nghề mại dâm.

Em được đưa lậu vào Anh bằng cách trốn trong một chiếc xe hơi đặt bên trên một chiếc xe tải chở hàng. Em bị cảnh cáo rằng nếu tìm cách trốn thì gia đình em tại Việt Nam sẽ bị xử lý.

Áp lực tâm lý quá lớn dồn xuống đứa trẻ. Người mẹ nuôi nói mỗi ngày ở cạnh Anh là mỗi ngày bà phải bồi đắp sự tin cậy, giúp em mạnh mẽ hơn.

Nhưng em thường xuyên sợ hãi và bất ổn tâm lý. Cuối cùng, do áp lực quá lớn, em đã bỏ trốn.

Trong năm ngoái, 18 em đã biến mất khỏi sự chăm sóc của giới chức địa phương tỉnh Kent.

Nô lệ thời hiện đại

Bài viết của the Sunday Times nói những kẻ buôn lậu người nằm được rất rõ về hệ thống bảo vệ trẻ em của Anh và khai thác chuyện này, lợi dụng hệ thống nhân chăm sóc con nuôi và các cơ sở nhận tiền thuế dân làm nơi tạm để những đứa trẻ cho tới khi chúng sẵn sàng đưa các nạn nhân đi làm việc hoặc đem bán.

Hồi tháng Tám, Sunday Times đã có chiến dịch vận động về nạn nô lệ ngầm, tiết lộ các vụ buôn nạn nhân vào làm việc tại các tiệm làm móng tay ở Anh, báo này nói, dẫn tới việc Bộ trưởng Nội vụ Theresa May công bố các kế hoạch ra Dự luật Tình trạng Nô lệ Thời Hiện đại.

Các cuộc điều tra của báo này, từ nạn nô lệ làm việc phục vụ trong nhà tới lao động trong các cơ sở trồng cần sa, cho thấy các em bị buộc phải làm việc và thường bị lạm dụng tình dục nhằm trả nợ các khoản "vay" của bọn buôn người nhằm chi trả cho chi phí tới được Anh.

Theo số liệu từ Trung tâm Theo dõi Nạn Buôn người vào Anh, có 549 em được xác định là nạn nhân của tình trạng buôn người trong năm ngoái, với 70 em chưa tới 10 tuổi.

Các em đến từ Việt Nam và Nigeria đông hơn hẳn so với những nơi khác, với 103 trường hợp từ Việt Nam và 78 từ Nigeria. Giới chức tin rằng đây chưa phải là những con số thực.

Hồi 2003, một chiến dịch của cảnh sát London đã phát hiện ra 1.738 em nhỏ không có người lớn đi kèm vào Anh qua ngả sân bay Heathrow chỉ trong ba tháng.

Trong số này, 550 em được cho là dễ bị tổn thương, với gần nửa trong đó chưa tới 11 tuổi.

Nhiều em được đưa vào chăm sóc ở các cơ sở địa phương, nhưng theo báo cáo của quốc hội Anh hồi 2009 thì có tới ba trong số năm trường hợp đã biến mất.

Christine Beddoe, một chuyên gia chuyên về vấn đề bảo vệ trẻ em, cho rằng các nạn nhân được cứu khỏi các băng nhóm tội phạm có tới 80% khả năng bị buôn lại trong thời gian chịu sự chăm sóc của giới chức địa phương.

Hồi năm ngoái, một bản phúc trình do các dân biểu yêu cầu thực hiện nói hầu hết các em bị buôn lậu đã mất tích trong tuần đầu tiên được đưa vào các cơ sở chăm sóc, có trường hợp chỉ 48 giờ, và chừng gần hai phần ba sau đó không bao giờ được tìm thấy.

Các trạm nghỉ chân dọc đường trên tuyến đường cao tốc M3 là nơi thường được mọi người chọn nghỉ trên đường đi từ New Forest tới Dorset. Đó cũng là địa chỉ đón, thả quen thuộc của các em nhỏ người Việt bị buôn lậu từ các chuyến phà ở Pháp sang.

Lẩn vào đám đông trong quầy hàng của Waitrose hay Starbucks, các em nhanh chóng bị trao tay rồi từ đó được đưa tới Birmingham, Manchester và Bristol.

Một số là trẻ mồ côi, bị bán làm nô lệ. Các em khác bị cha mẹ đẩy đi, với hy vọng sự hy sinh của một đứa con sẽ cứu cho cả gia đình.

Họ tin rằng phương Tây sẽ đem lại học vấn, công việc và cơ hội cho con mình.

Một giấc mơ tan biến thành tro bụi ngay khi những đứa trẻ, mà có khi mới chỉ chín tuổi, bắt đầu dấn thân vào hành trình.