trôi

Truyện ngắn

Nguyễn Ngọc Tư


Chị Vẹn trôi với đống củi trâm bầu ướt, và một khoảng sân nhỏ ngập nước lấm tấm lúa rày. Lúc đó họ đã phát bản tin dự báo địa chất hàng ngày, nhưng cũng như dự báo nắng mưa, nhiều phen trật lất. Cả khi đoán được thời khắc, nhưng rời ra ở đâu, nứt gãy chỗ nào thì biết đâu. Tưởng mé ngoài cù lao lần hồi trôi trước, trong ruột chắc còn lâu, đùng cái cả xứ nứt làm năm bảy mảnh, ruột hoá ra rìa. Tư Điền trôi cùng cái máy may của vợ, vài rổ chỉ đủ màu, mấy bộ quần áo nữ chưa kịp giao cho khách, và nỗi lo nó đi trễ quá nơi tị nạn không còn chỗ đẹp. Chương móm mặc độc cái quần cộc, trôi với bộ bàn đá có mặt kẻ ô cờ, mấy bó cỏ cho dê ăn và một cặp ngỗng già - ít nhất thì lúc trôi ngang nhà, mình vẫn thấy chúng đang ở đó (tụi nó biết bơi, chuyện bỏ rơi chủ cũng sớm muộn thôi). Ông già Ba Hào, người cả đời không ra khỏi nhà vì chẳng nỡ xa mớ của cải chồng chất quanh mình, cũng đành chịu trôi trên cái ghế cẩn xà cừ, khóc nấc từng hồi khi rẻo đất ông ngồi cứ chia tách không thôi, mang theo mớ tủ bàn chạm trổ, những món đồ sứ cổ. Cậu Chín Cung trôi ngày, như con cá lìm kìm mất trí, cậu cứ hớt hãi bơi đi lội lại giữa mấy rẻo đất vừa rã ra, chọn coi nên trôi với thứ vật chất nào mới phải, rốt cuộc cậu trèo lên nằm phơi khô mình cạnh cái cối xay bột, chục ngoài bao phân rơm. Thằng nhỏ Mười Hai thì trôi nhẹ tênh từ Bình Di về, người trụi lủi không mảnh vải, lúc đó còn đất còn phân biệt sông với búng, và sông nào cũng có tên, giờ thì hết thảy bị tước đoạt danh tính, nhập một thành Biển Nước. Con trai mình nói biển đã là nước rồi, gọi Biển Nước là thừa. Thằng con trôi chung với mấy chục học trò cùng lớp, cô giáo gọi về cho mình bảo phụ huynh khỏi chừa cơm. Lần gần nhất con trai gọi - lúc đó điện thoại mình còn chút pin cuối cùng, nó báo đã nhập học ở Bình Lam, mình mân mê cái tên dịu dàng đó một lúc, sợ quên là không cách nào tìm lại con.

Mình nghĩ thằng nhỏ Mười Hai trôi đầu tiên hết thảy (lúc đó cả xóm ra còn kéo ra coi, giờ mạnh ai nấy trôi, chuyện thành ra thường quá rồi) nhưng người ta nói người bên bến phà mới là những kẻ mở mùa. Một chiếu nhậu trải ngoài sân bị đất hả họng ra nuốt mất, để lại bảy người đàn ông trôi làm ba nhóm, chưa kịp uống ly rượu trên tay. Những rẻo đất rã ra, nổi nênh, trôi giạt, hồi đó người ta trôi với nỗi khiếp sợ và kinh ngạc, vì chưa từng trải qua chuyện gì giống vậy. Mợ mình chết ngất lúc rẻo đất mang mợ rời đi, dù may mắn trôi với nguyên một chái bếp, cơm đầy nhóc trong nồi, cái rổ treo ngay vách đựng năm bảy loại cá khô. Ba mình trôi với chùm bóng bay khi dừng bán bến chợ Vàm.   

Mình trôi với cây mù u. Không biết có nên tính em gái mình vô không. Giờ thì nó đã say, ngồi quay lưng lại, cười khúc khích với kẻ vô hình nào đó.

“Đố biết em vừa viết chữ gì lên lưng cưng?”

Nghe là biết em gái không nói với mình rồi. Nó toàn mắng chửi mình thôi, chớ hề có lời nào tử tế. Mới nãy thôi nó đay nghiến mãi chuyện mình đã không gọi nó dậy lúc rẻo đất rời đi. Nói họng mình đầy cứt nên nín thít, chẳng hô hoán lên để nó kịp tỉnh thức thoát qua chỗ có cất can rượu. Cả khi bên kia không có rượu thì nó cũng chẳng phải mắc kẹt ở đây cùng trôi với mình.

“Đi với đồ ngu độn ông, chết còn sướng hơn”, em gái mình nói.

Mình cũng không định đem nó theo. Nhưng thời khắc đó mình không kịp làm gì. Rẻo đất, chắc là cũng chóng mặt sau thời khắc rời đi, nó xoay vòng, tròng trành, khiến mình vừa phải bíu lấy cái cây mù u cho khỏi té, vừa nhìn về miếng vườn - thứ vẫn đang tiếp tục phân mảnh, có thể thấy từng luồng cỏ cây đổ rạp. Ở mé bờ, nơi vừa diễn ra cú nứt gãy dứt khoát, giữa đám chuối nằm rối bời mình kịp thấy cái võng rũ đầu chấm nước.

“Uổng hết sức”, mình nói, cảm thấy nói chuyện khiến mình đỡ trùng trình hơn, “cái võng còn mới tinh”.

“Võng thì ăn được chắc?”, em gái mình lúc ấy độp luôn, “đúng ngu”

Nó nói gì kệ nó, mình vẫn mân mê ý nghĩ cái võng vừa đánh mất. Buổi sáng mình còn cặp nách thứ quý giá đó, săm soi những vết nứt xuất hiện cùng khắp trên mặt đất, nghĩ coi mình nên giăng võng đợi trôi ở chỗ nào. Chỗ này mù u chỗ kia cũng mù u. Từ đầu mùa trôi, y như dân cù lao, mình không trồng cây ăn trái lớn tàng, lần nọ mua mấy cây xoài về, lúc đắp mô chuẩn bị chôn gốc có người ngang qua nói, trồng chi mất công, chưa kịp trái là trôi sạch. Nghe vậy, mình gom mấy mô đất lại đánh giồng gieo cải, có người đi qua nói rồi biết có kịp ăn không. Vườn chỉ còn mấy cây trâm bầu, mù u mọc dại. Lúc mình treo võng giữa hai cây mù u, mình đã dò xét mấy vết răng nứt bên dưới, thấy chúng không sâu, và mình thiếp đi với ý nghĩ được trôi với cả hai cái cây thì mãn nguyện gì bằng.  

Lúc bị đánh thức bởi cái võng căng quá mức, mình ngó xuống thấy bên dưới chỗ mình nằm đã nứt toác hơn một thước tây, thẳng tận đáy. Vài thân cây mọc ngay mép cái vực mới mở miệng đổ xuống sóng soài. Cái võng sắp hết chịu nổi rồi, nó sẽ đứt hai ra mất, lúc phóng mình xuống đất mình chỉ kịp nghĩ vậy, tháo dây võng cũng nghĩ vậy, cho tới khi nhận ra cái rẻo đất nhỏ hối hả rời khỏi mảnh vườn. Chẳng có chi níu giữ nó nữa. 

“Đúng ngu”, ngay khi dậy, em gái mình nghe kể vậy, liền tru, “phải để yên cái võng, là đây kịp lấy can rượu rồi. Ơi là trời!”

Em gái mình còn nấn ná ở nhà là bởi phải nấu bù vào chỗ rượu đã hao hụt mỗi khi tỉnh lại. Cái thứ nước đắng cay này đầy tràn nó mới yên tâm rời đi. Có trời biết mình trôi bao lâu mới tới Giáp Nước, nơi giao cắt các dòng chảy, chỗ họ đón những người giạt về. Chưa tới nơi tị nạn mà hết rượu thì thê lương lắm. Là em gái mình tính vậy. Nó vét hết gạo đi nấu rượu. Nhưng giờ nó chỉ còn nửa chai cay đắng, không hơn. Cứ mắng mình một câu, em gái lại là lại chiêu một ngụm, xong giơ cái chai lên dưới cái thứ ánh sáng xám chì của một bầu trời cuối chiều mây chất đống, như thể làm vậy thì nó sẽ đầy trở lại. 

“Mù u cũng được mà, có vẫn hơn không”, mình nghĩ, nhưng không hiểu vân vê kiểu gì lại vuột đi thành lời. Những lúc như vầy mình chỉ thở thôi là nhỏ em điên tiết rồi, đằng này lại còn nói.   

“Ờ, rồi cạp mù u ăn lấy no, đồ ngu”

Em gái bảo mình ngu suốt. Vợ nói mình cù lần (ôi cái thằng cha cù lần đó thì biết gì, vợ thường nói vậy với ai đó qua điện thoại). Bên xóm nói mình lẩn thẩn. Chỉ má và con trai mình quả quyết mình khôn y như người ta, chỉ là chậm chút thôi. “Nhanh hơn thì cũng chỉ sống được một đời, chớ mấy”, má mình nói. Có một sự trì hoãn từ ý nghĩ đến chuyển động tay chân, hoặc thành lời, là vì mình còn trải ý nghĩ đó ra, mân mê, ve vuốt nó một lúc. Nhất là những ý nghĩ về lũ gà con mới khẻ mỏ, mớ cải xanh non, cái mầm đậu vừa nứt vỏ, tóc của má. Không như đàn bà ở đây tóc to cháy ngọn, tóc má mịn rứt, mát. Cả khi má bệnh tóc rụng từng đám xuống nền nhà, chúng vẫn cứ mịn mát. Như mưa. Chúng rụng cũng theo cách của mưa. Sáng nào mình cũng quét những tóc mướt bị gió thổi giạt thành búi, trong lúc má nói chừng tao chết chôn mả đất thôi, trước sau gì cũng trôi. Chạp năm ngoái cả chòm mả má trôi đem theo luôn mấy cây ổi mọc dại, ổ gà gần chục trứng đang ấp dở. Gà mái mẹ bị kẹt lại, cục tác gọi ổ điếc tai. Miếu thổ thần ngoài mé sông thì mang theo con chó Cỏ. Bữa chỗ đất cạnh cái miếu đứt rời ra, mình vẫy tay kêu Cỏ nhảy xuống nước bơi về với mình, nhưng con chó già quá rồi, nó chỉ ngáp ơi hời, không thèm sủa giã từ một tiếng. Vợ mình trôi cùng với ông chủ vựa trái cây bên Láng Sen, cả hai quấn chung trong một tấm vải trải giường, người ta kể lại vậy, nhưng mình cãi cổ nói với tôi là đi chợ Vàm, đâu mà qua tận bên mé đó. Em gái lúc ấy hay nhìn vào đầu mình, nói đầu đồ ngu ông mọc sừng kìa. 

Nó nói gì kệ nó, má dặn mình vậy, nhưng một hồi sau mình lại bất giác đưa tay sờ đầu. Không có cái sừng nào. Vừa nãy nó cũng đay đi nghiến lại rằng mình ăn mất lưỡi rồi. Nhưng lưỡi vẫn đây. Mình nên nhớ lời má dặn suốt mới phải. Em gái mầy nói gì kệ nó, đừng có nghe. Má dặn đi dặn lại câu ấy, đến não mình thành rãnh. Ấy là sau khi mình chết hụt dưới sông. Hồi đó anh em mình nghe bà nội kể xứ này trên lưng một con cá thần nên nước có cao cỡ nào cũng không ngập, em gái bèn kéo mình ra, kêu lặn xuống dưới cù lao coi con cá mắt mũi ra sao. Mười tuổi mình bơi lặn như rái cá, phải buộc đá vô người mới lặn được sâu. Lần đầu mình trồi đầu lên, bảo “toàn ve chai mủ bể, cá đâu mà”. Em gái mình vẻ không tin, đòi bằng chứng. Mình lặn thêm lần nữa, và được vớt lên khi máu đã tràn ra mắt, mũi, tay vẫn quắp chặt cái vỏ chai đen kịn.

Đoạn sau là mình nghe kể lại. Mình còn không nhớ cái chai mủ – thứ bị họ thu giữ bảo đem đi đo niên đại. Họ nói xóm cù lao, và cả vùng châu thổ này bồi lắng trầm tích trên cái nền rác thải nhựa nổi trôi hàng mấy trăm năm mà thành đất thành làng. “Nói vậy cái đất này đang trôi chắc?”, một ông già nhảy thình thịch lên đất, cự lại. Hồi đó dân xứ mình không mấy ai tin thuyết của họ, nên vẫn hoặc bán mua hoặc tranh giành đất, xây nhà lầu và làm mả dát đá hoa cương. Sau này dân buôn ôm hận, phải lúc đó tin lời họ, bắt đầu thu gom ghe xuồng thì giờ đã lời lãi bể tay. Ngồi trên một chiếc xuồng thì không tính là trôi. Người ta có thể điều khiển nó đi bất cứ đâu mình muốn không như một rẻo đất rộng vài ba mét vuông, không cách chi chèo chống. 

Nhưng xuồng thì giăng võng kiểu gì, mình nghĩ vậy, nên đã cho ông anh họ chiếc xuồng má để lại. Em gái mình vì chuyện này mà trút giận lên đầu mình. Mới nãy thôi nó nói phải có chiếc xuồng là nó bơi đi tìm lại cái can rượu thất lạc rồi. 

“Ngu gì mà không chừa ai ngu”, nó rít lên. Lại đợp một miếng rượu lại giơ cái chai giờ đã cạn gần tới đáy lên dưới cái ánh sáng chạng vạng tiều tuỵ. Trong mê lộ của nước, mình chẳng biết trôi được đến đâu. Không bãi bờ gì để định vị. Ngó đâu cũng chỉ nước và bọt nước và những vật chất nổi nênh. Không như đi hay chạy, trôi quá sức tẻ nhạt. Chẳng có gì làm cho đỡ chán, chốc chốc mình lại ra mé bờ chồm người dòm xuống coi rẻo đất còn trôi hay đứng yên rồi, hoặc căng mắt ngó coi những thứ lênh đênh gần đó xem có phải chúng từng là của mình không, từng rẻo đất từng mớ cỏ, bụi trâm bầu - những thứ vườn nhà nào cũng có, hay những cây ven vách, mình cá là nhìn sơ cũng nhận ra, cả tiếng con chó Cỏ nữa, nó mà ẳng lên là mình biết ngay. Nhưng lâu lắm giữa những âm thanh nứt gãy thảng hoặc mới vẳng có tiếng chó sủa hoảng. “Chắc chó nhà Tư Đồng”, mình nghĩ, tỉ tê bộ lông màu phèn của con chó cái lúc nào cũng đang chửa. Xong giật thót mình, tự hỏi không biết có buộc miệng thành lời chưa.   

Nhưng em gái mình, lúc đó chưa say lắm, bận ngó quanh coi có rẻo đất nào dạt gần để lao xuống nước bơi qua. Nó thà trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã không là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, nhưng trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt hai. Nó từng là vườn sau nhà ai đó, mình có thể nhìn thấy mấy bụi khoai báng lúp xúp cao ngang đầu gối. Cú chia tách tạo vài lượn sóng vỗ vào vách thẳm bên dưới chỗ mình ngồi. Một trong hai dạt về phía mình, gần đến nỗi nhảy qua mà không cần phải lấy đà. Nếu mà có khoai báng thì bới lên ăn sống cũng đã khát, mình nghĩ vậy. Mù u thì không ăn được dù là lá hay rễ hay trái, thứ cây này chỉ có được mỗi việc cưa làm thớt thôi. Nhưng nghĩ được tới đó thì rẻo đất nọ cũng trờ qua một đỗi rồi. Đúng là không kịp làm gì.

Em gái mình cũng chẳng di chuyển đi đâu. Nó say rồi. Bao giờ say nó cũng quay lưng lại, bất kể đang ngồi với ai, trong chiếu rượu nào. Day mặt chỗ khác và nói chuyện với hư vô.

“Cưng đi một lúc thì gió mùa đuổi tới. Em lạnh cóng luôn”

“Cũng kệ khoai báng thôi, mình đâu có bơi qua được”, mình rụt rè lên tiếng, nghĩ giờ mình nói gì nhỏ em cũng không bận tâm, nó mải mê cười nói với vô hình. 

“Mút ngón tay cưng thích gì đâu”

“Mù u thì có sao. Chim mà chịu làm ổ thì cũng có trứng chim ăn”, mình lại nói, lần này dõng dạc hơn.

“Thì em che mưa cho, cưng lo gì ướt”

Nghe là biết không nói với mình. Em gái chẳng bao giờ nói gì tử tế. “Thằng chả ngu từ trong bụng mẹ”, em gái mình bảy tuổi đã ghét mình ra mặt, đi rêu rao khắp, “Chỗ chật chội vậy mà ổng cũng cố tình chui vào”. Nó nói lỗi mình do cùng nằm chung ổ bụng nên sọ nó hơi lép bên phải, nửa mặt phía đó cũng nhỏ hơn bên còn lại. Mọi xui rủi, không suôn sẻ là do khiếm khuyết ấy mà ra. “Mà làm tui ra nỗi này, chỉ có đồ ngu ông, chớ ai”, em mình nói. Cứ mỗi bận quay lại sau một đợt bỏ đi đâu đó mất tăm, em gái mình lại cục súc hơn. “Cái đồ đàn ông ngu tối. Không ai tốt lành gì”, nó hay nhiếc mình vậy. Mình không biết nó đi đâu với ai, làm gì với ai, sao tóc nó đổi màu liên tục vậy, nhưng lần nào về nó cũng xẻ bán một ít phần đất thừa kế. Đất nó trôi vô tay người khác trước khi cù lao này rã bèn. Mớ tiền cuối cùng nó đem mở một tiệm làm tóc ngoài chợ Vàm. Một tối nó đóng cửa đi coi hát, tiệm trôi với mấy cái đầu ma nơ canh. 

Em gái mình về nằm vạ, tru tréo nói tại mình mà đất này tàn rã. Chính lổ hỗng từ cái vỏ chai mình rút đi đã phá vỡ kết cấu khung nền nâng đỡ bên dưới lớp trầm tích cù lao. “Phải đồ ngu ông đem cái chai trả đúng y chỗ cũ đâu ra nông nổi”, em gái mình nói. Nhưng mình không còn giữ cái chai, nếu có mình cũng chịu, từ mười tuổi, mình tuyệt không ngụp lặn vào thứ nước lạnh như cái chết. 

Vậy nên mình đâu thể lựa chọn thứ mình muốn trôi cùng bằng cách bơi qua bơi lại những rẻo đất, như cậu Chín Cung. Nghe nói trên đường, cậu đổi chỗ liên tục, tới nơi tị nạn thì cậu trôi cùng một chị đàn bà, và chị kịp mang bầu vài ba tháng. Mình nghĩ vợ, chắc cũng kịp thụ thai. Cổ trôi với những cơn ốm nghén mửa mật xanh mật vàng.

Em gái mình trôi với chai rượu cạn láng. Nó không tính thằng anh này vô đâu, cây mù u càng không. Lúc chưa say hẳn nó còn chì chiết bọn mình, mình với cây mù u, rằng một lũ vô dụng không tả nổi. “Thiệt, chết còn sướng hơn trôi chung với mấy người”, nó nói.



Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Bản Tư gởi ngày 18-1-2023