17:42 20/05/2019

Trung bình mỗi người Việt ăn 3kg thịt bò, uống 20 lít sữa/năm

Duyên Duyên

Nhu cầu sử dụng thịt bò và sữa của người Việt đang ngày càng tăng lên, là lợi thế lớn đối với ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ

Hiện Việt Nam đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu... tuy nhiên cơ hội cho ngành này vẫn còn rất lớn. Ảnh minh hoạ
Hiện Việt Nam đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu... tuy nhiên cơ hội cho ngành này vẫn còn rất lớn. Ảnh minh hoạ

So với thế giới thì hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp khi chỉ bình quân 3 kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm, trong khi thế giới là 9kg thịt bò và 80 lít sữa/người/năm.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị phát triển gia súc ăn cỏ vừa được tổ chức.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ đang ngày càng tăng cao. Song song với đó, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những cơ hội cho ngành gia súc ăn cỏ phát triển.

"Kể cả không xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì ngành chăn nuôi hiện nay cũng phải tái cơ cấu lại do tỷ trọng lợn đang lớn, gây mất cân đối, trong khi đại gia súc mới chỉ chiếm khoảng 7%", ông Cường nói.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô được. Do đó, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Mặt khác, Bộ trưởng ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh, so với thế giới thì hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp.

Cụ thể, người Việt tiêu thụ bình quân 3kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm, trong khi thế giới là 9kg thịt bò và 80 lít sữa/người/năm. 

Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của Việt Nam, thịt lợn chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại. 

Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhấn mạnh, hiện trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu. 

Riêng về sữa, đến năm 2020, Trung Quốc cần tới 11 tỷ lít sữa nhưng ngành sữa Trung Quốc hiện tại còn non trẻ, chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa. Do đó việc Trung Quốc phải nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu.

Ngoài ra, dư địa xuất khẩu sữa sang Trung Quốc có nhiều tiềm năng còn bởi người dân Trung Quốc vẫn nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước. Cạnh đó chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm. Đồng thời, các ổ dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại nước này cũng làm cho người tiêu dùng quay sang các nguồn cung cấp protein khác. 

Chưa hết, cùng với các sản phẩm sữa, nhu cầu về thịt và các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ trên thế giới cũng đang tăng dần qua từng năm. Có thể kể đến như Mỹ, Trung Quốc, Mexico, EU, Thổ Nhĩ Kỳ... là những nước có nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thịt bò đứng đầu thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện so với ngành khác, chăn nuôi vẫn là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất, trong khi thực tế cho thấy nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra được động lực phát triển, không thúc đẩy được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị.

Vì vậy, trong đề án tái cơ cấu căn bản toàn diện ngành nông nghiệp trong tương lai. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đặt mục tiêu Việt Nam phải là quốc gia mạnh trên thế giới về nông nghiệp và chăn nuôi phải đóng vai trò chính.