Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Trung Quốc dùng ra đa tác chiến ''nhắm vào'' chiến hạm Nhật

Hôm nay 05/02/2013, chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên bộ Ngoại giao để phản đối hành vi của tàu chính phủ Trung Quốc xâm phạm hải phận quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Cùng lúc, bộ Quốc phòng Nhật tố cáo tàu chiến Trung Quốc dùng ra đa hướng dẫn tên lửa « nhắm vào » hộ tống hạm Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc gần đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp ngày 17/01/2013
Tàu hải giám Trung Quốc gần đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp ngày 17/01/2013 Reuters
Quảng cáo

Tokyo thông báo là vào hôm nay 05/01/2013, đại sứ của Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đã bị bộ Ngoại giao Nhật triệu mời về vấn đề tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Nhật Bản tại Senkaku.

Vụ mới nhất xảy ra vào sáng ngày thứ Hai 04/02/2013 : Hai tàu hải giám Trung Quốc đi vào khu vực tranh chấp và chỉ rút đi vào buổi chiều.

Hành động của Trung Quốc đưa tàu chính phủ và hai lần gởi máy bay xâm phạm hải phận, không phận quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã gây phản ứng mạnh từ chính phủ cánh hữu Nhật Bản. Tuần trước tại Okinawa, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố « chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa » và ông sẽ « bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá ».

Song song với động thái của bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng tố giác trước công luận một hành vi khiêu khích khác của Trung Quốc.

Đích thân bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera thông báo với phóng viên báo chí là vào ngày 30/01/2013 vừa qua, một hộ tống hạm của hải quân Nhật đang hoạt động tại biển Hoa Đông đã bị « vướng vào ra đa » hướng dẫn tên lửa của một chiến hạm Trung Quốc. Động thái « chụp mục tiêu » bằng ra đa là bước áp chót trong tiến trình tác xạ, trước khi bấm nút khai hỏa tên lửa tấn công.

Trước đó vài hôm, một trực thăng của Nhật Bản cũng bị « ra đa tác xạ » đặt vào tầm nhắm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhận định là việc sử dụng ra đa tác xạ nhắm vào máy bay, tàu chiến Nhật Bản là « chuyện không bình thường » làm tình hình trở thành « nguy hiểm hơn ». Ông kêu gọi phía Trung Quốc phải biết « tự kềm chế » tránh tái diễn những hành động nguy hiểm như vậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.