Tình phí ở Trung Quốc gồm cả 'phí chia tay' với bạn gái

  • Kerry Allen
  • BBC Monitoring
Các khoản phí chia tay thường do người chấm dứt một quan hệ trả cho bên kia.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các khoản phí chia tay thường do người chấm dứt một quan hệ trả cho bên kia.

Hồi đầu tháng Năm, cảnh sát ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc nhận một cuộc gọi từ một nhân viên quầy bar nói anh ta tìm thấy một chiếc vali đáng ngờ.

Trong vali có hai triệu nhân dân tệ tiền mặt (khoảng 314.000 USD) - một khoản tiền lớn, có thể làm đổi đời ai đó.

Cảnh sát đã tìm được chủ nhân của vali này, và cho biết anh ta đã hẹn gặp với bạn gái cũ ở quầy bar.

Còn khoản tiền mặt? Đó là "phí chia tay", một xu hướng mới trong chuyện hẹn hò ở Trung Quốc.

Giá của tình yêu thực sự?

Ai cũng biết có người yêu là tốn kém, từ chuyện chi tiền mua đồ ăn đồ uống lúc mới quen, cho đến mua quà và các kỳ nghỉ khi đã thắm thiết.

Trong những năm gần đây ở Trung Quốc, với các đôi vừa chia tay, gặp nhau để trao lại kỷ vật cũ là không đủ, và các khoản phí chia tay đã ra đời như một hình thức bồi thường nếu hai người đã có quan hệ lâu dài.

Mặc dù khoản phí này không bắt buộc theo luật, nó cũng hơi giống việc một bên chi cho bên kia khoản bồi thường ly dị.

Hẹn hò thật lãng mạn, nhưng ai sẽ là người trả 'phí chia tay' đây?

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Hẹn hò thật lãng mạn, nhưng ai sẽ là người trả 'phí chia tay' đây?

Ai chấm dứt mối quan hệ sẽ phải trả khoản phí cho bên kia. Họ quyết định trả bao nhiêu tiền dựa trên khoảng thời gian, nỗ lực và tiền bạc họ đã đầu tư vào mối quan hệ đó.

Một số người có đầu óc thực tế sẽ xem lại khoản tiền mà người yêu đã chi cho họ trong thời gian yêu nhau, còn những người khác thì quyết định dựa trên mức độ tổn thương tình cảm.

Phí chia tay thường là do đàn ông trả - do họ cảm thấy tội lỗi hay để xoa dịu nỗi buồn của người yêu cũ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ chấp nhận trả phí chia tay, vì theo truyền thống, đàn ông Trung Quốc thường trả tiền khi đi ăn và mua quà cho phụ nữ.

Có người cho rằng đây là một hiện tượng của cuộc sống đô thị do ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng.

Nhưng những người khác cho rằng đây là ảnh hưởng của những thời kỳ trước - khi phụ nữ Trung Quốc phụ thuộc vào đàn ông về kinh tế nhiều hơn. Quan điểm của người Trung Quốc về chuyện yêu đương thường là rất thực tế và hướng tới hôn nhân. Vì thế khoản phí này nhằm giúp cho các bên cay đắng đỡ tổn thương về tình cảm, và giúp họ dứt tình với người yêu cũ.

Phí chia tay đặc biệt giúp các phụ nữ lớn tuổi hơn, những người cảm thấy họ đã mất cơ hội họ từng có thời trẻ để xây dựng sự nghiệp hay gặp "ý trung nhân".

Chinese money

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhiều trường hợp phí chia tay được báo chí Trung Quốc đưa tin, từ những vụ tưởng chừng như vô hại đến những vụ phức tạp phải ra tòa.

Có những trường hợp làm mọi người thích thú bàn tán, như một vụ hồi tháng Tư, khi một phụ nữ gửi cho người yêu cũ một danh sách liệt kê tất cả các nhà hàng và khách sạn họ đã từng đến. Cô gái này còn công phu tìm hiểu người yêu cũ đã chi bao nhiêu tiền, và muốn bồi thường cho anh khoản mà cô cho là cô nợ anh.

Hồi tháng Một, vụ phí chia tay ở thành phố Ninh Ba liên quan đến một người đàn ông đòi bạn gái bồi thường sau khi cô bỏ anh vì hói đầu.

Có những trường hợp khác nghiêm trọng hơn. Hồi tháng 11/2014, một người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên đòi bồi thường từ bạn gái sau khi phát hiện ra cô quan hệ với nhiều người khác.

Họ đều đã có gia đình nhưng đã hẹn hò được 5 năm và ông này thường cho bạn gái tiền mua quần áo. Sau khi cô gái nhiều lần từ chối trả "thuế chia tay", ông ta tới nhà cô và tạt axit vào gia đình cô.

Ông ta bị bắt vì nghi ngờ ngộ sát, nhưng ông cãi rằng ông đã không có hành động này nếu hai bên chia tay sòng phẳng.

Hai triệu nhân dân tệ là đủ để mua một cái nhà ở Hàng Châu

Nguồn hình ảnh, JIANGSU TV

Chụp lại hình ảnh, Hai triệu nhân dân tệ là đủ để mua một cái nhà ở Hàng Châu

'Đồ chơi của đàn ông?'

Trong vụ để vali tiền ở quán bar tại Hàng Châu, tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin người phụ nữ cho rằng khoản này "còn thiếu vào triệu [NDT]".

"Tôi không lấy tiền, và bỏ đi. Tôi bảo anh ta đến mà lấy lại tiền. Vậy thôi," tờ báo này dẫn lời cô.

Tuy nhiên, cô không biết là bạn trai cũ đã rời khỏi quán bar. Cả hai người sau đó đến báo ở đồn cảnh sát mong tìm lại được tiền.

Chiếc vali tiền được trả lại cho người đàn ông. Nhưng anh vẫn không rõ liệu khoản tiền anh muốn đưa cho bạn gái cũ có đủ hay không.

Anh chàng mới ở độ tuổi 20 nói: "Hai triệu NDT có phải là khoản lớn không nhỉ?"

Cư dân mạng Sina Weibo phản ứng ngay, với một người bình luận: "Hai triệu là mua được một cái nhà tử tế ở Hàng Châu rồi."

Một người khác thì viết: "Vì sao cứ phải có tiền mới chia tay?" trong khi một người đặt câu hỏi về tính độc lập của cô gái: "Cô này tự coi mình như thế nào? Là một sản phẩm hay đồ chơi của đàn ông à?"

Nhiều người dùng mạng xã hội nói những khoản phí như vậy gây sức ép cho đàn ông Trung Quốc, đặc biệt là vì sự mất cân bằng giới nổi tiếng ở nước này.

"Vì sao đàn ông luôn phải đưa phụ nữ tiền và hàng hóa? Đàn ông và phụ nữ không phải bình đẳng sao?" một người bình luận.

Có người đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa tình yêu và tiền bạc, và liệu tập quán này gây thêm sức ép cho người nghèo ở Trung Quốc muốn tìm bạn đời.