Trung Quốc sẽ phản đối đàm phán phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Philippines

RFA
2018.10.13
001_1957MV_preview_960.jpg Bản đồ cho thấy các vùng đòi chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông
AFP

Một chuyên gia về an ninh và chính trị khu vực châu Á cho biết Trung Quốc sẽ phản đối những đàm phán giữa Philippines và Việt Nam về ranh giới trên biển.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 12/10 cho biết có khả năng Philippines và Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán phân định ranh giới trên biển.

Trong bài phân tích được đăng tải trên trang scribd hôm 12/10, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc viết rằng: “Trung Quốc sẽ phản đối (đàm phán này) vì Trung Quốc đòi chủ quyền đối với tất cả các thực thể và vùng nước tiếp giáp các thực thể ở Biển Đông nằm trong vùng đứt khúc 9 đoạn. Tuy nhiên những đòi hỏi của Trung Quốc không dựa vào Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc cũng chưa đưa ra đường cơ sở đối với các đảo nhân tạo mà nước này xây lấp

Theo Giáo sư Carl Thayer, hai trong số những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây lấp là Subi và Vành Khăn nằm dưới mực nước nên không thể có bất kỳ vùng nước chủ quyền nào. Trong khi đó Việt Nam cũng luôn nói rằng Việt Nam sẽ đàm phán ranh giới biển với các nước khác nếu không có nước thứ ba tham gia.

Vào năm 2016, Toà Trọng tài Quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn, đồng thời khẳng định các thực thể ở Trường Sa không phải là các đảo có thể duy trì được sự sống lâu dài. Điều này có nghĩa là các thực thể ở Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của toà.

Truyền thông Philippines trích lời Tổng thống Duterte hôm 12/10 nói rằng Manila không hề bỏ qua phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế.

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc đàm phán phân định ranh giới trên Biển Đông đã từng diễn ra trong quá khứ giữa các quốc gia. Trung Quốc và Việt Nam cũng đã đạt được thoả thuận trong việc phân định ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ. Indonesia và Việt Nam cũng đã đạt được thoả thuận trong phân định vùng thềm lục địa và hiện đang đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Cuối cùng Theo Giáo sư Carl Thayer, việc đàm phán thành công giữa Philippines và Việt Nam có thể là một lợi thế cho các nước ASEAN trong việc đàm phán đưa ra văn bản cuối cùng về Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.