Trung Quốc thực thi quyền lực mềm không mấy thành công tại Việt Nam?

Đèn lồng ở Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Khái niệm quyền lực mềm xuất hiện tại Trung Quốc hồi tháng 10/2007 khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chính thức đề cập cụm từ này

Báo cáo 'China's Soft Power in Southeast Asia - Implications for Germany and the EU' đã tóm lược cách Trung Quốc thực thi quyền lực mềm tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cơ quan nghiên cứu Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) (Đức) tập trung vào Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, những quốc gia có vị trí địa lý lân cận Trung Quốc, và cùng nằm trong khu vực 'Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường' (One Belt One Road Initiative).

'Thương hiệu quốc gia'

Khái niệm quyền lực mềm (soft power) được Giáo sư Đại học Harvard Joseph S. Nye lần đầu tiên đưa ra vào cuối những năm 1980. Theo định nghĩa của ông thì quyền lực mềm của một quốc gia thì tương tự như "thương hiệu" của quốc gia đó, nhằm hai mục đích "thuyết phục" (persuade) và "thu hút" (attract) thay vì cưỡng ép (coercion) và chi trả (payment).

Quyền lực mềm của một nước xuất phát chính từ ba trụ cột chính: văn hóa, giá trị chính trị, như nền dân chủ và nhân quyền (nếu quốc gia đó tôn trọng), và những chính sách quốc gia được xem mang tính chính danh. Một chính phủ có thể ảnh hưởng chính phủ khác thông qua tấm gương của chính mình (như bảo vệ nền tự do báo chí và quyền biểu tình), về các định chế quốc tế (tham vấn quốc gia khác và nuôi dưỡng chủ nghĩa đa phương), và thông qua chính sách ngoại giao (chẳng hạn như thúc đẩy phát triển và nhân quyền), theo Giáo sư Joseph S. Nye.

Khái niệm quyền lực mềm xuất hiện tại Trung Quốc hồi tháng 10/2007 khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chính thức đề cập cụm từ này và nhấn mạnh nhu cầu "tăng cường sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu" vì sự thịnh vượng quốc gia.

Theo bài viết năm 2015 của Giáo sư Khoa học chính trị David Shambaugh từ Đại học George Washington thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sớm nhận ra tầm quan trọng của quyền lực mềm ngay từ năm 2014.

Trong bài viết trên Project Syndicate vào tháng 1/2022, Giáo sư Joseph S. Nye nhận định Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD trong việc xây dựng quyền lực mềm.

Thách thức hiện nay là Trung Quốc phải thực thi chiến lược quyền lực thông minh. Nếu Bắc Kinh có thể kết hợp giữa quyền lực cứng ngày càng gia tăng với quyền lực mềm, thì ít có khả năng kích hoạt các liên minh đối trọng, theo Giáo sư Joseph S. Nye.

Trung Quốc thực thi quyền lực mềm

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trung Quỗc năm con hổ

'Không mấy thành công'

Phần phân tích về Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Theo báo cáo, quyền lực mềm của Trung Quốc ở Việt Nam có thể thấy qua các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa và giáo dục, truyền thông, kinh tế - thương mại.

Theo nghiên cứu, trong khoảng từ năm 2014 đến 2019, Trung Quốc đã có hai chuyến thăm cấp nhà nước và 20 chuyến tham quan làm việc tại Việt Nam, được xem là chiến lược của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến quan điểm của giới lãnh đạo cầm quyền Việt Nam.

Sau đó các quan chức cấp cao của Trung Quốc mỗi năm đều có những chuyến thăm chính thức đến Việt Nam.

Trung Quốc cũng từ lâu thực thi sức ảnh hưởng về mặt văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia lễ khánh thành Cung Hữu nghị Việt-Trung, trị giá 36 triệu USD và do Trung Quốc tài trợ.

Không giống như Viện Goethe, L'Espace hay Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Cung Hữu nghị Việt-Trung rất hiếm tổ chức bất kỳ sự kiện lớn nào để thu hút công chúng.

Trung Quốc cũng thành lập Viện Khổng Tử tại Hà Nội vào tháng 12/2014. Tuy nhiên Viện Khổng tử này được cho không có nhiều hoạt động và chỉ tiếp cận được một giới công chúng khiêm tốn.

Báo cáo cũng cho thấy các truyền thông Việt Nam đưa tin về Trung Quốc cũng mang tính thận trọng, như gọi "tàu lạ" để nói về tàu Trung Quốc đâm tàu cá của Việt Nam.

Năm 2014. sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố "Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông".

Sau tuyên bố, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng định hướng truyền thông không nhấn mạnh đến tâm lý 'bài Trung', và mô tả những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam, theo nghiên cứu của KAS.

Mặc dù phim ảnh của Trung Quốc không chiếm vị trí ảnh hưởng cao nhất so với các nước khác, nhưng tiểu thuyết lãng mạn (ngôn tình) thì lại thu hút đông đảo độc giả Việt Nam trong những năm gần đây. Facebook vẫn phổ biến ở Việt Nam, hơn các mạng xã hội có xuất xứ từ Trung Quốc là Weibo và TikTok.

Về kinh tế - thương mại, Trung Quốc luôn có chính sách rõ ràng trong việc thúc đẩy thương mại với Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,8 tỷ USD. Tính đến tháng 08/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 22,43 tỷ USD.

Theo nghiên cứu của KAS thì, Trung Quốc đã cố gắng lôi kéo Việt Nam rời xa khỏi các sáng kiến do Nhật Bản và ASEAN dẫn đầu như Chương trình Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (GMS).

Thay vào đó Trung Quốc giới thiệu các sáng kiến thay thế do Bắc Kinh dẫn đầu có liên quan đến các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng như 'Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường' (One Belt One Road Initiative), Hợp tác Sông Lan Thương - Mekong (Lancang-Mekong Cooperation - LMC).

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành thì chính những tương đồng về ý thức hệ và các chương trình cải cách kinh tế tương thích đã giúp thực thi mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư quan trọng đối với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp như xi-măng, thép, hóa học và nhiệt điện...

Bình luận về nghiên cứu với BBC News Tiếng Việt, Nguyễn Khắc Giang, Nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị tại Đại học Victoria tại Wellington, New Zealand cho biết từ sau Olympics Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đề cao khía cạnh "quyền lực mềm" - đặc biệt nhấn mạnh tới khía cạnh văn hóa, giáo dục, sự hấp dẫn của mô hình Trung Quốc - đến các quốc gia đang phát triển, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

"Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc ở Việt Nam không mấy thành công nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như Campuchia và Lào, hay các quốc gia châu Phi vốn nhận nhiều dự án đầu tư từ Trung Quốc. "Quyền lực mềm" với bộ máy nhà nước có sức ảnh hưởng nhất định, do Việt Nam học hỏi nhiều từ mô hình quản trị của Trung Quốc. Nhưng khi xét "quyền lực mềm" với người dân, tâm lý bài Trung khiến cho tác động tới công chúng là hạn chế, đặc biệt từ sự kiện HD-981 năm 2014", ông Nguyễn Khắc Giang cho biết.

Trung Quốc thực thi quyền lực mềm

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh truyền thống Trung Hoa

'Rất hạn chế'

Tiến sĩ Céline-Agathe Caro từ Konrad-Adenauer-Stiftung nói với BBC News Tiếng Việt rằng quyền lực mềm như thương hiệu một quốc gia," những gì quốc gia đó nói không bằng những gì quốc gia đó làm".

"Trung Quốc đã sử dụng khái niệm quyền lực mềm từ những năm 2000, khi đó văn hóa là trọng tâm, như quảng bá văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu, để mang tới một hình ảnh tích cực. Hồi năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố ý định tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, đưa ra diễn ngôn tốt về Trung Quốc, và kể những câu chuyện tốt đẹp của Trung Quốc đến thế giới."

Tuy nhiên Tiến sĩ Céline-Agathe Caro cho rằng quyền lực mềm của Trung Quốc "rất khác với quyền lực mềm truyền thống" khi xét đến các yếu tố tuyên truyền hay tin tức giả mạo nhằm loại bỏ những thông tin bất lợi cho quốc gia của mình...

"Theo nghiên cứu của chúng tôi thì tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã không cho thấy vai trò là một nhân tố toàn cầu, do đó những thành tựu về quyền lực mềm của Trung Quốc đạt được là rất hạn chế. Tôi nghĩ Trung Quốc thẳng thắn trong việc khuếch trương sức ảnh hưởng trên toàn cầu do đó Phương Tây nên ưu tiên việc gia tăng sức ảnh hưởng tại Đông Nam Á nếu xác định đây là ưu tiên. Ví dụ châu Âu có thể làm nhiều hơn để tổ chức các chuyến thăm cấp cao, chuyến trao đổi văn hóa... đến khu vực Đông Nam Á."

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine gần đây lại một lần nữa đặt Bắc Kinh vào vị trí khó nói, theo các nhà quan sát.

Trung Quốc không lên án cuộc xâm lăng đánh vào Ukraine của Nga và cố gắng giữ quan hệ tốt với TT Nga Vladimir Putin, nhưng cũng không muốn để các công ty của họ bị Hoa Kỳ và Phương Tây trừng phạt.

Ở một mức độ nhất định, Việt Nam cũng cố không làm mất lòng bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng vị trí không phải đại cường của VN khiến nước này ít bị thế giới "để ý" hơn Trung Quốc.

Cùng lúc, có các ý kiến rằng để cải thiện hình ảnh quốc tế, chính phủ VN phải có các việc làm cụ thể về nhân quyền và tự do tôn giáo, và làm khác cách của TQ, trước sức ép của dư luận quốc tế và các nước Phương Tây.

Xem thêm: