Tương lai của Đảng CS và Dân tộc Việt

Nguyễn Đình Cống

I. Khúc dạo đầu

Đầu năm 2023, trên các phương tiện thông tin xuất hiện các bài bàn đến tương lai của đất nước và thế giới. Chắc là có nhiều bài hay, nhưng sức đọc có hạn nên tôi chỉ có thể đọc kỹ một số bài. Tôi sẽ nêu ý kiến cá nhân về các bài đó và trình bày vài quan điểm về tương lai của Đất nước, cũng là tương lai của Đảng Cộng sản (ĐCS) và Dân tộc Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng Đảng là tổ chức do Dân tộc sinh ra, nhưng không phải. Nó được nhập từ ngoài vào và phát triển trong lòng Dân tộc. Nếu xem dân tộc Việt là cây chủ thì ĐCS như một cành tầm gửi. Đầu tiên những người truyền bá cộng sản dựa vào một số người có lòng yêu nước và tinh thần hăng hái, dũng cảm để phát triển tổ chức theo chỉ đạo của Đệ Tam Quốc tế (ĐTQT) mà mục đích là làm cách mạng vô sản, để thực hiện chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), chôn vùi chủ nghĩa tư bản, đưa công nông lên làm chủ để xây dựng thế giới đại đồng, mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Mục đích của ĐTQT là vậy, nhưng mục đích của những đảng viên đầu tiên của ĐCSVN chủ yếu là Độc lập dân tộc, thoát ách nô lệ.

Khi còn hoạt động bí mật, đảng viên sống giữa lòng dân, họ tuyên truyền rằng sẽ giành độc lập cho đất nước, giành chính quyền về cho nhân dân; Họ một lòng một dạ phục vụ nhân dân, ngoài quyền lợi và nguyện vọng của dân tộc là hòa bình, độc lập, thống nhất, giàu mạnh, họ không còn ước mơ gì khác. Họ được dân tin cậy, đi theo, chấp nhận sự lãnh đạo, hy sinh của cải và sinh mệnh để bảo vệ và giúp giành thắng lợi. Như vậy giữa Đảng và Dân tộc có sự gắn kết mật thiết, có cùng quyền lợi.

Nhưng khi đã nắm được chính quyền, đã có tổ chức đến mọi ngõ ngách thì tình hình khác đi rất nhiều. Ngoài mồm nói chính quyền là của dân, nhưng Đảng giữ chặt cho mình. Thực chất là Đảng đã tước đoạt quyền của dân. Từ đây giữa Đảng và Dân tộc xuất hiện mâu thuẫn về một số quan điểm và quyền lợi. Nói mâu thuẫn giữa Đảng và Dân tộc nghe nó to tát, quan trọng, thật ra đó chỉ là mâu thuẫn quan điểm về con đường phát triển đất nước giữa hai nhóm người. Một bên là chính thống (Bên A), bên kia là đối lập (Bên B).

Gọi bên B là đối lập cho có vẻ chính tắc, thật ra họ chỉ là một số ít người, chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ, và các tầng lớp khác. Họ bất đồng chính kiến với bên A, họ làm phản biện, họ hoạt động để nâng cao dân trí và quan trí, cổ vũ cho dân chủ pháp quyền bằng biện pháp hòa bình. Họ tự nhận là đại diện cho hướng dân chủ hóa của dân tộc. Bên B được cho là thuộc Lề Dân.

Bên A thuộc Lề Đảng, gồm Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Quân đội, Công an, Tòa án, Truyền thông. Số người rất đông, nhưng thực chất chỉ có vài người lãnh đạo ở bên trên là có tư tưởng, có ý thức, còn nhiều chục triệu người bên dưới chỉ là lực lượng đi theo, nghe theo, nói theo. Họ phải theo, một phần là vì quyền lợi, phần khác vì sợ cấp trên, sợ bị đối xử thô bạo, hoặc vì không có khả năng suy nghĩ độc lập.

Chủ trương đường lối của A là kiên trì CNML, thực hành vô sản chuyên chính mà B cho là độc quyền đảng trị, còn B chủ trương nền dân chủ pháp quyền với đa nguyên và tam quyền phân lập mà A cho là dân chủ kiểu tư sản.

Nếu xem quan hệ giữa A và B là đấu tranh về ý thức hệ thì đó là cuộc đấu rất không cân sức về lực lượng và lý luận. Về lực lượng vật chất thì A rất hùng hậu còn B chẳng có gì. B chỉ có những lời nói, lời giải thích thầm thì, bị cấm truyền bá công khai vì không có tự do ngôn luận. Lực lượng vật chất của A có thể đàn áp B đến mức nào mà họ muốn, thậm chí nghiền nát không những tổ chức mà cả con người. Nhưng mặt khác B có thế rất mạnh về tư tưởng và chân lý. B đề nghị A đối thoại công khai về các vấn đề lý luận và đường lối, nhưng A không nhận lời, mặc dầu ông Võ Văn Thưởng Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng nhiệm kỳ 12 nói rằng đối thoại là rất cần thiết để nhận thức chân lý.

Tôi sẽ viết những suy nghĩ cá nhân về tương lai của Đảng và Dân tộc Việt Nam ở mục III của bài. Bây giờ xin điểm một số bài viết của các tác giả khác.

II. Điểm vài bài báo

a/ Vũ Khoan viết bài “Một thời đại mới đang dần hình thành”. Toàn bài dài 6128 chữ, chia thành hai phần:

Phần 1 - Tính chất thời đại (4937 chữ), phác ra tình trạng của thế giới như mọi người có quan tâm đã biết vì đã được thông tin đại chúng nói và viết nhiều, phần này trình bày 3 ý lớn.

1- Các thảm họa thế kỷ, các thành tựu của khoa học kỹ thuật.

2. Các biến động của xã hội do tác động tích cực của thành tựu (trực tuyến, thế giới ảo…).

3. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; Vai trò các nước châu Á lên cao; Thế giới phân cực sâu sắc, hy vọng tránh được chiến tranh thế giới.

Phần 2 - Một số suy ngẫm về hàm ý chính sách (1191chữ), trình bày ba vấn đề của Việt Nam.

Một là cơ hội và thách thức; Nhiệm vụ bảo đảm “an ninh,” mang tính bao trùm; Yêu cầu phòng ngừa “từ sớm, từ xa”.

Hai là chúng ta đã có sức mạnh và tiềm lực tăng đáng kể. Trước mắt là định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu và thích ứng được với những biến động trên thế giới.

Ba là trên mặt trận ngoại giao, trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay và những năm tới, để tránh rơi vào tình thế “khó xử” trong quan hệ quốc tế, cần vận dụng những đối sách ngoại giao một cách hết sức cơ động, linh hoạt, tinh tế, trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Hình như ông Khoan định viết về Thời đại Mới đang hình thành trên thế giới và ở Việt nam, quan trọng là ở Việt Nam. Viết về thế giới chẳng qua là mở đầu làm bối cảnh. Phần một khá dài nhưng không có gì mới vì nhờ internet mà những ai quan tâm đều đã biết. Phần hai, tuy có nêu qua thực trạng Việt Nam nhưng quá sơ sài. Tôi đoán rằng tác giả ngại nhìn thẳng vào và đánh giá đúng các mâu thuẫn cơ bản của xã hội, vì rằng đánh giá của bên A và bên B ngược nhau. Ông Khoan là người bên A, nhưng hình như không nhất trí về đánh giá của A viết trong Nghị quyết của Đại hội 13 nên tránh đi là hơn. Ba điều ông đề ra không có gì mới, cũng chỉ là những yêu cầu chung chung, dựa vào nghị quyết của Đảng, không có đề đạt gì đột xuất. Bài tuy dài nhưng không gây được cảm xúc hoặc nhận thức mới mẻ cho người đọc.

b/ Nguyễn Trung viết Năm 2023 thế giới đang đi về đâu?”. Bài dài 6670 chữ, gồm hai phần.

Phần 1 với đầu đề “Năm 2022 nên được xem như một năm định mệnh của thế kỷ 21”, dài 6023 chữ, kể ra các sự kiện trên thế giới. Cũng giống như bài của ông Vũ khoan, đó là những điều mà nhiều người quan tâm đã biết. Từ đó ông Trung dự đoán, trong năm 2023 và về sau thế giới sẽ có sáu nét chính như sau:

1.Thường trực căng thẳng. Những điểm nóng luôn ở bên miệng hố chiến tranh.

2. Dư chấn của đại dich covid, chiến tranh Ucraine, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống.

3. Từ (1) và (2) cùng sự tha hóa của con người và thể chế dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có, và đồng thời đặt con người trước những thách thức hoàn toàn mới bắt buộc phải vượt qua để tồn tại và phát triển tiếp. Kẻ thù lớn nhất của mọi người và mọi quốc gia là sự vô ý thức về cuộc khủng hoảng vừa nêu.

4. Cách mạng 4.0 và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước tiến nhảy vọt đòi hỏi mọi quốc gia phải có thể chế mới để thích nghi, và có con người của mình để làm cải cách thể chế quốc gia và đổi mới giáo dục. Toàn bộ thực tế này là thách thức rất lớn đối với nhiều nước đang phát triển – trong đó có VN

5. Mọi quốc gia trong thế giới hôm nay – trước hết là các nước nhỏ và vừa – phải chủ động và tự giác dấn thân bảo vệ, duy trì, phấn đấu làm mọi việc, để những giá trị cơ bản của nhân loại (hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái…) có thể giảm thiểu những đổ vỡ và sẽ tiếp tục trở thành nền tảng cho một khung khổ trật tự quốc tế mới. Sự dấn thân của các nước nhỏ và vừa còn là phương thức, là con đường tất yếu, để họ tự quyết định lấy vận mệnh của mình

6. Phải chăng các điểm (1) đến (5) trên đây cho phép đi đến kết luận: Mỗi quốc gia và con người của nó trong thế giới hôm nay đã đến lúc phải bằng mọi cách giải phóng sức mạnh của tư duy, để có thể nhận chân thế giới quyết liệt hôm nay. Phải lấy dân chủ để giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy. Chỉ có thế mới có thể làm nổi mọi việc để ra khỏi cuộc khủng hoảng và những bất cập trong bối cảnh hiện nay.

Phần hai, “Đất nước ta ứng xử như thế nào với 6 nhận định nêu trên về năm định mệnh 2022?”. Phần này có 647 chữ, tuy ngắn nhưng chứa đựng ý tưởng chính của tác giả .

Ông Trung viết: Suy nghĩ lao lung, câu trả lời của tôi là:

Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm nêu trên. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên đường mòn đã và đang đi!

Thật ra từ gần 3 thập kỷ nay, ông Trung đã đánh vật với câu trả lời trên đây; keo vật này đang ngày càng khó hơn cho ông!

Ông Trung đã viết rất nhiều trong những thập kỷ vừa qua, đã kiến nghị đi kiến nghị lại với Bộ Chính trị, và với các Đại hội Đảng XI, XII và XIII, trong đó trình bày: Nêu rõ thực trạng đất nước, những thách thức và những mối nguy hiện hữu, những lý do đối nội đối ngoại bắt buộc phải tiến hành cải cách đổi đời đất nước – bắt đầu từ xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức để trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc lãnh đạo cải cách .

Ông nói: Phải cứu Đảng này, Cải cách đổi đời đất nước là con đường sống duy nhất của nước ta trong thế giới hiện tại, và sẽ, và phải thành công.

Ông Nguyễn Trung từng là cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, đã “Tự chuyển hóa” để đứng sang bên B, hoạt động cổ vũ cho đổi mới về chính trị, cải cách thể chế bằng việc trước tiên là xây dựng lại đảng, cứu đảng. Tôi đã từng nghe vài người muốn xây dựng một “Đảng của Dân tộc”. Tôi không tán thành ý kiến đó vì đảng ấy sẽ nhanh chóng trở nên độc đảng, dẫn tới độc quyền, hoặc có chấp nhận đa đảng thì cũng không chịu bình đẳng vói các đảng khác. Trong bài này ông Trung viết “Lực lượng tinh hoa của dân tộc” là một ý theo tôi là đúng, hợp với nhiều người (chứ không phải đội tiên phong của giai cấp).

Tôi tán thành ý kiến về vai trò của các nước nhỏ và vừa, về việc lấy dân chủ giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy, về trăn trở “Đất nước ta ứng xử như thế nào” và nhận định “Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm nêu trên”.

Cũng xin nêu vài ý kiến bất đồng:

Thứ nhất, xem “Năm 2022 như một năm định mệnh của thế kỷ 21” có lẽ là hơi chủ quan, vội vàng vì TK 21 mới qua chưa được một phần tư, mà “đêm dài lắm mộng”. Vũ trụ có quy luật “bất thường”. Năm 2022 như thế, biết đâu có năm sau đó lại khủng khiếp hơn;

Thứ hai, cho rằng đã xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có và tất cả mọi nước đều cần cải cách thể chế để thích nghi với cách mạng 4.0 và AI. Tôi nghĩ việc đổi mới, cải tiến thể chế thì mỗi nước cần xuất phát từ tình trạng nội bộ là chủ yếu, còn áp lực từ tình hình thế giới là quan trọng, nhưng là thứ yếu. Các nước sẽ có cách làm và mức độ rất khác nhau. Không đến mức “tất cả mọi nước đều khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế”.

Ông Trung điểm khá kỹ tình hình thế giới nhưng không điểm tình trạng đặc biệt của Việt Nam, đề xuất việc cứu Đảng nhưng không nêu vì sao và như thế nào. Có lẽ ông cho rằng những điều đó tuy cần nhưng ông đã viết trước đây. Về việc cứu Đảng, ông dự phòng ý kiến cho rằng ông ngu trung với ĐCSVN, hoặc bị kết án là mắc tội xét lại. Theo tôi ông không ngu trung chút nào, ông biết ĐCSVN phạm một số sai lầm và đã nhiều lần chỉ ra. Để phát triển đất nước, ông đã nghĩ đến một số phương án đối với Đảng và cho rằng ngoài phương án cứu Đảng như ông đưa ra thì các phương án khác đều không khả thi. Ông tin là sẽ và phải thành công. Tôi ít tin vào điều đó và đề ra vài phương án khác nhưng xin cầu mong cho dự đoán của ông thành sự thật. Nếu chuyển hóa để Đảng trở thành tổ chức gồm những tinh hoa của Dân tộc thì đó là phúc lớn của Đất nước.

Ông đang ở bên B, hoạt động nhằm Dân chủ hóa đất nước, bị bên A cho là xét lại, nhưng là người xét lại chân chính chứ không phạm một tội nào cả. Ông Trung ghép “Giới cầm quyền và đội ngũ trí thứcvào với nhau để quy trách nhiệm là hơi bị oan cho trí thức nói chung. Trí thức có hai loại, của Đảng và của Dân. Trí thức của Đảng khá đông, có tổ chức nhưng phần lớn hữu danh vô thực, thuộc bên A. Số đông họ là người nghe theo, nói theo. Loại này mang danh trí thức nhưng đa số không đạt các tiêu chuẩn cần thiết của trí thức. Trí thức của Dân là những cá nhân riêng lẻ mà một số đang bị chính quyền giám sát, hạn chế hoạt động vì thuộc bên B, bị Đảng gán cho nhãn “thế lực thù địch”. Vậy hãy quy trách nhiệm về thờ ơ, đứng xa bên ngoài cho Giới cầm quyền là chủ yếu, trong đó bao gồm trí thức của Đảng. Những trí thức bên B trong đó có ông Trung không hề thờ ơ với 6 điều ông nêu ra mà còn bị chính quyền ngăn cấm.

c/ Nguyễn Quang Dy viết Trước thềm năm mới và thời đại mới”

Đầu bài viết chung chung nhưng nội dung chỉ bàn về Việt nam. Bắt đầu ông Dy điểm qua những nét lớn của thế giới, Covid, chiến tranh Ucraine, Đại hội 20 của ĐCS Trung Quốc, bộ mặt thật của Putin, tham vọng của Tập Cận Bình, quan hệ tay ba Nga Trung Mỹ. Tiếp đến ông trình bày một số tình hình và nhận định về Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam đã bị mắc kẹt trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.

Việt Nam vừa có lợi lớn vừa có hại lớn vì ở cạnh Trung Quốc. “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam với tính chất “triều cống kiểu mới” được thể hiện khi ông Trọng đến thăm Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm chiếu lệ phản ánh sự “bất đối xứng” về quyền lực, nhằm giữ Việt Nam gần Trung Quốc và tránh xa Mỹ.

Việt Nam vẫn chưa thực hiện được công nghiệp hóa, khu vực FDI tiếp tục chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Để phát triển kinh tế VN cần có quan hệ mật thiết với Mỹ

Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến rất xa, thực chất đang trở thành “đối tác chiến lược”. Việt Nam muốn thiết lập nó một cách lặng lẽ và lấp lửng. Nhưng hợp tác an ninh Việt-Mỹ vẫn có những giới hạn khó vượt qua. Hà Nội muốn biết rõ liệu có thể tin và dựa vào Mỹ tới đâu tại Biển Đông. Hà Nội không muốn bị mắc kẹt vào xung đột Trung-Mỹ và một lần nữa trở thành chiến trường cho các nước lớn. Nếu lợi ích quốc gia liên quan đến “an ninh đối ngoại” thì ý thức hệ liên quan đến “an ninh đối nội”. Ý thức hệ có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống Đảng và nhà nước.

Quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực là do hệ quả trực tiếp khi Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lo ngại trước sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc. Tuy quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện đáng kể, nhưng còn quá sớm để khẳng định hai nước sẽ trở thành đồng minh như Mỹ với Nhật hay với Úc. Nói cách khác, Mỹ giúp Việt Nam nhưng không đẩy quan hệ Việt-Mỹ “đi quá xa và quá nhanh”.

d/ Lê Thân đặt câu hỏi “Việt Nam chọn con đường nào”

Phần đầu bài, ông viết về vài diễn biến xấu và phức tạp ở VN, đó là (1) Vụ kit test Việt Á; (2) Vụ giải cứu người Việt Nam ở nước ngoài (hai vụ tham nhũng lớn nhất); (3) Vụ khởi tố bắt tạm giam các chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh; (4) Luật đất đai tuy có sửa đổi nhưng chưa đi vào điểm cơ bản, các vụ thu hồi đất của nông dân có tính cướp đoạt; (5) Cuộc chiến chống tham nhũng (đốt lò) tuy có đạt được thành tích qua việc xét xử được một số vụ cụ thể có tác dụng răn đe nhưng nhìn chung về cơ bản vẫn tỏ ra bất lực; (6) Về kinh tế có phát triển hơn nhưng tư tưởng tất cả chạy theo tiền và quyền đã thành phổ biến, đạo đức xã hội quan hệ con người suy thoái xuống cấp trầm trọng. Đời sống tinh thần đạo lý xã hội truyền thống ngàn đời của dân tộc gần như bỏ ngỏ.

Đất nước chưa bao giờ lâm vào tình trạng nguy hiểm cực độ như trên, người dân tự hỏi tại sao?

Ông chỉ ra các nguyên nhân: (1) Vẫn cố bám theo mô hình quản lý cũ, chủ yếu dùng mệnh lịnh hành chính để chỉ huy kinh tế, thể chế chính trị không đi theo kịp sự phát triển của đất nước; (2) Việc quy hoạch, cơ cấu cán bộ dựa trên quan hệ thân quen, phục tùng làm thoái hóa tổ chức; (3) Tình trạng mua quan bán chức, bằng thật học giả tràn lan, trong khi người tài giỏi không được dùng, kẻ bất tài vô dụng tìm đủ cách bám trụ. (4) Cơ chế toàn trị ngày càng gia tăng độc đoán nhằm bảo vệ quyền lực đã đẩy bộ máy cầm quyền ngày càng xơ cứng mất hết sự năng động cần thiết cho xã hội phát triển.

Cuối bài ông hỏi “Đường nào cho Việt Nam

Đặt câu hỏi đó cho toàn dân, nhưng chủ yếu là cho lãnh đạo đất nước. Ông cho rằng đất nước đang bị những nguy cơ đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài không thể xem thường, cần phải xem xét phân tích lại toàn diện tình hình trong đó có 2 vấn đề cốt lõi: Một là đường lối chính sách cơ bản, và Hai là tổ chức thực hiện đường lối. Đề ra đường lối mới phải mang tính bước ngoặt như việc trước đây từ bỏ nền kinh tế bao cấp, xây dựng kinh tế thị trường.

Xu hướng chi phối thế giới hiện nay là dân chủ tự do với nền pháp quyền vững mạnh, xu hướng này lấy phát triển trí tuệ làm chủ đạo thay thế cho sức mạnh cơ bắp.

Thế giới có rất nhiều bài học, Đảng và Nhà nước Việt Nam chọn con đường nào để nhanh chóng đưa đất nước tiến kịp với thời đại đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Việt Nam? Ông để ngỏ câu trả lời tuy rằng có gợi ý về nhiều bài học của thế giới và xu hướng chi phối thế giới hiện nay.

Ông Lê Thân nguyên là một cán bộ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, từng bị chính quyền VNCH kết tội, đày ra Côn Đảo, sau tháng 4 năm 1975 ông được Đảng tín nhiệm, giao một số chức vụ quan trọng ở TP HCM. Hiện ông là đại diện Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, là một trong những người tích cực của bên B.

e./ Đào Tăng Dực bình luận Một câu hỏi ngớ ngẩn: Vì sao Việt Nam vẫn nghèo”

Có thể ông Dực đã hơi vội vàng khi khái quát hóa rằng “Các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản đều là nguyên nhân lớn nhất đưa đến bất công và nghèo khổ”. Nói ông hơi vội vì rằng thế giới đã từng có vài vị độc tài là những minh quân (Pier đại đế của Nga, Càn Long của Tàu) những vị tài giỏi, liêm khiết đứng đầu nhà nước (Pắc Chung Hy của Nam Hàn, Lý Quang Diệu của Sigapore). Họ đã làm cho đất nước thịnh vượng. Tuy khái quát hóa vội vàng nhưng kết luận rất đúng, rằng “nguyên nhân chính của sự khốn cùng của dân tộc là chế độ độc tài đảng trị CSVN, như một con voi khổng lồ trong căn phòng mà Nguyễn Phú Trọng và toàn Đảng nhắm mắt làm ngơ”. Câu trả lời là quá rõ ràng, thế mà nhiều người cứ hỏi. Vậy đó là câu hỏi ngớ ngẩn của những người kém trí tuệ, mặc dầu có bằng cấp cao. Dĩ nhiên có những câu hỏi thông thường từ những người Việt bình dân nhưng thực tế như: “Tại sao Việt Nam vẫn nghèo trong khi người Việt rất chăm chỉ?”

Giới lãnh đạo hay trí thức CS thì loay hoay lý giải lung tung nhưng tránh né sự thật vì không muốn và không dám động đến sự sống còn của đảng và quyền lợi của cá nhân, phe nhóm.

Với mỗi đất nước, thể chế chính tri (dân chủ hay độc tài) là rất quan trọng, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn, đó là phẩm chất người cầm đầu nhà nước. Thể chế dân chủ mà không may gặp phải người đứng đầu kém phẩm chất thì cũng rất khó chịu. Nhưng dù sao dân chủ vẫn hay hơn độc tài vì khi gặp phải người đứng đầu không xứng đáng, để thay thế hắn thì với thể chế dân chủ làm được dễ dàng, còn với độc tài thì quá khó.

Ông Dực nghĩ rằng, dân tộc Việt chỉ có thể vươn lên, hóa rồng trên bầu trời Đông Á, sau khi độc tài CSVN cáo chung. Lúc đó Dân tộc Việt sẽ xây dựng một nền dân chủ chân chính trong đó các nguyên tắc quan trọng sau đây sẽ được thiết lập hầu khai sáng một kỷ nguyên phồn vinh không giới hạn cho đất nước: Một là quyền tư hữu, bao gồm quyền sở hữu đất đai của công dân cá thể sẽ được long trọng khắc ghi trong hiến pháp. Hai là có nền chính trị đa nguyên với hoạt động độc lập của tòa án để bảo vệ quyền tư hữu tuyệt đối cho người dân trong nước mà cả của nước ngoài.

Ông Dực đưa ra ý kiến nghe hay, nhưng làm sao để ĐCSVN cáo chung thì chưa biết. Không biết đến lúc nào Thượng đế mới cho sinh ra ở VN một Gorbachev để thực hiện trong hòa bình sự cáo chung ấy.

g/ Phạm Trần đặt câu hỏi Việt Nam bước vào năm 2023 như thế nào

Ông Phạm Trần thuật lại một số thông tin chính thống mà chủ yếu là phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng và liên quan đến ông Trọng. Về phát biểu của ông Trọng, Phạm Trần nhận xét: “Liệu những điều ông Trọng nói có phản ảnh tình hình thực tế của đất nước, hay ông đã nói tốt để đồng hóa mặt xấu?”. Rồi ông Trần viết: “Ông Trọng khoe với Thông tấn xã Việt Nam ngày 1/1/2023, mặc dù phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 và chống thiên tai, Việt Nam vẫn hoàn tất 14/15 chỉ tiêu kế hoạch... Ông nói: “Tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 8%,, tăng cao so với kế hoạch đề ra từ 6 - 6,5%. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Thu ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2021”.

Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 04/01/2023, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã có một số nhận định dè dặt hơn về tình hình kinh tế.

Về đối nội, ông Trọng nhắc lại chủ trương xây dựng đảng là: “Ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”….Ông kêu gọi toàn đảng phải: Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước

Một câu hỏi lớn, vậy ai là người có đủ tiêu chuẩn thay ông Trọng nắm chức Tổng Bí thư khóa đảng XIV?

Trước tiên là ông Nguyễn Xuân Phúc. Thứ hai, ông Vương Đình Huệ, Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngoài ra còn có các ứng viên Võ Văn Thưởng, kế đến là ông Nguyễn Xuân Thắng, Người thứ ba được nhắc đến là ông Phan Đình Trạc. Sau cùng là ông Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm,

Về tình hình chung ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói mới: Với tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây chính là động lực to lớn đưa đất nước bước vào năm 2023 với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Về quốc phòng và an ninh, ông Trọng cho rằng: “Quốc phòng đã được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong thực tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.”
Nhưng sự thật là Việt Nam vẫn nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn thường xuyên đe dọa, tấn công ngư dân Việt Nam tại hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa

Ngoài ra, Trung Cộng cũng mở rộng các đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi và xây ở đó 3 sân bay có khả năng cho máy bay quân sự và dân sự sử dụng. Cả 3 sân bay đều nằm ở hướng đông nam Vũng Tầu và đe dọa trực tiếp đến quân Việt Nam đồn trú ở Trường Sa.

Bài của Pham Trần, ngoài việc dẫn lại những “lời có cánh” của ông Trọng để mọi người theo dõi và liên hệ với thực tế thì chưa thấy có điều gì mới đột xuất ngoài chuyện ông dự kiến các nhân vật có khả năng được đề cử thay ông Trọng (dự kiến vào cuối năm 2022).

h/ Tập Cận Bình: “Trung Quốc và Việt Nam có một tương lai chung

Trong bức thư chúc Tết Quý Mão gửi Nguyễn Phú Trọng, Tập Cân Bình cam kết rằng “Trung Quốc thấy một tương lai chung với Việt Nam và sẽ ưu tiên cho quốc gia này khi nhắc đến ngoại giao khu vực”.

Trong thư có đoạn: “Cả hai đang đẩy mạnh nỗ lực để thực hiện sự đồng thuận mà chúng ta đã đạt được. Tôi tin rằng điều này sẽ củng cố lòng tin lẫn nhau về mặt chính trị và tình hữu nghị truyền thống giữa hai bên, đồng thời cải thiện hiệu quả phúc lợi của nhân dân hai nước”.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập: “Chúng tôi sẽ làm việc với phía Việt Nam để tích hợp hơn nữa các chiến lược phát triển song phương, tăng cường hợp tác toàn diện, tăng cường liên lạc và phối hợp về các vấn đề quốc tế và khu vực”.

Quá khứ tương đồng về ý thức hệ, cấu trúc chính trị và mô hình phát triển kinh tế của hai quốc gia này đã làm ấm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, bất chấp cuộc chiến biên giới bốn thập kỷ trước và các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố chung sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trọng , hai lãnh đạo đã đồng ý chung tay giải quyết các thách thức bên ngoài, bao gồm “các cuộc cách mạng màu” và những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, đồng thời cam kết đẩy tình hữu nghị “đồng chí và anh em” đặc biệt giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Hai bên cũng nhất trí “xử lý thỏa đáng” tranh chấp Biển Đông và các tranh chấp khác.

(Cù Tuấn dịch - Báo Tiếng Dân ngày 15/1/ 2023)

III. Một số đề xuất của tác giả

Xin trở lại với đầu đề bài này: Tương lai của Đảng CS và Dân tộc Việt.

Tôi tự nhận là một trí thức của Dân, thuộc bên B, một người phản biện, từng vạch ra những sai lầm từ gốc của CNML và một vài chủ trương đường lối của ĐCSVN. Khi tôi tách Đảng khỏi Dân tộc và vạch ra mâu thuẩn giữa hai bên, chắc sẽ bị nhiều người bên A phản đối và xỉ vả vì họ đã quen với việc đặt Đảng trùm lên Dân tộc, rằng mọi thứ trên đất nước này đều là của Đảng. Họ cho rẳng câu hỏi VN sẽ phát triển theo con đường nào là quá ngớ ngẩn, vì đã có Nghị quyết của Đại hội 13. Bên A cho rằng đó là con đường duy nhất đúng, nhưng tôi lại cho là có những nhầm lẫn.

Nghị quyết ĐH 13 mới đọc qua thì thấy đúng, thấy hay, nhưng đọc kỹ với tinh thần phản biện mới phát hiện ra những bất cập và ngụy biện. Vừa đưa nó vào cuộc sống mới được hơn một năm mà xã hội đã gặp biết bao nhiêu bê bối, thảm họa như Lê Thân đã viết ra một phần trong bài “VN chọn con đường nào”. Đành rằng không phải NQ của ĐH 13 trực tiếp gây ra những thảm họa đó mà chỉ chứng tỏ NQ không có tác dụng gì trong việc phòng ngừa, ngăn chặn thảm họa và suy sụp.

Đầu tiên là việc đánh giá thực trạng của đất nước sau hơn ba chục năm đổi mới. Tuy rằng đề ra phương châm, khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật”, nhưng hình như chỉ nhìn bằng một con mắt chột nên chỉ thấy được những nơi có ánh sáng phát ra, nghĩa là chỉ thấy một phần sự thật, mà một phần sự thật nhiều khi là dối trá nếu vô tình dùng nó. Còn nếu cố ý chọn nó để dùng thì chắc chắn là dối trá.

Cách viết của NQ về các lĩnh vực thường theo mẫu như sau: Về lĩnh vực này chúng ta đã đạt các thành tích A, B, C, D… tuy vậy cũng còn phạm phải vài thiếu sót U, V, X, Y. Nguyên nhân của thành tích là sự sáng suốt của lãnh đạo, nguyên nhân của thiếu sót là H, K, L, mà chỉ là bên ngoài, dễ thấy, còn nguyên nhân cơ bản thì cố tình che giấu hoặc không tìm thấy.

Thực trạng đã không được đánh giá đúng, lại dựa vào nó mà vạch đường lối thì chủ yếu là lạc đường. Theo tinh thần của NQ ĐH 13 thì trước mắt và cho đến năm 2050 VN vẫn tập trung phát triển kinh tế. Liệu có phát triển được nền kinh tế tri thức không hay chỉ tiếp tục con đường hiện nay (gia công, bán sức lao động, phụ thuộc vào FDI, tàn phá môi trường). Nếu vẫn như thế, thì theo tôi, đã phạm sai lầm về đường lối. Tại sao lại như vậy?

Mỗi người, cũng như dân tộc có cuộc sống vật chất liên quan đến kinh tế và cuộc sống tinh thần liên quan đến bản chất văn hóa. Bản chất này là hồn cốt của dân tộc, khác hoàn toàn với các hoạt động do Bộ Văn hóa quản lý.

Khi người ta rơi vào tình trạng đói khổ thì ưu tiên phát triển kinh tế là đúng và cấp thiết, nhưng khi đã tạm đủ ăn, đủ mặc thì đồng thời với kinh tế cần xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, và đến khi xã hội bước vào phát triển thì cần đề cao đời sống văn hóa và tinh thần.

Đời sống văn hóa luôn được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa của xã hội. Một xã hội sẽ gần với bán khai khi thiếu vắng tầng lớp tinh hoa, thế mà ở VN tầng lớp đó đang lụi tàn, mà nguyên nhân chủ yếu là lãnh đạo đất nước mắc vào âm mưu thâm độc của Trung Cộng trong việc trừ bỏ tinh hoa của dân tộc Việt để dễ bề biến người Việt thành tay sai, dễ bề bành trướng, xâm lược. Thủ đoạn chính trong việc này là gán cho những phần tử tinh hoa tội lợi dụng tự do dân chủ chống đối chính quyền, rồi giam cầm họ, trừ khử họ.

Mác đã sai khi tôn sùng học thuyết duy vật, đề lên quá cao vai trò của vật chất, từ đó kéo theo việc tranh đoạt quyền lợi vất chất, dùng chỉ tiêu kinh tế để đánh giá thứ hạng của đất nước. Ông Nguyễn Phú Trọng mơ ước đến năm 2045 Việt Nam sẽ đạt được mức này mức kia thì cũng đều là thuộc cuộc sống vất chất.

Để tỏ ra cũng quan tâm đến văn hóa, vào tháng 11 năm 2021 Đảng tổ chức Hội nghị Diên Hồng về văn hóa khá rầm rộ, nhưng nhiều người, kể cả lãnh đạo cấp cao đã nhầm mà trộn lẫn Bản chất văn hóa là hồn cốt của dân tộc với các hoạt động do Bộ Văn hóa quản lý như xuất bản, biểu diễn, triển lãm, hội hè v.v. trong lúc làm các hoạt động văn hóa thì lại để cho bản chất văn hóa bị thoái hóa, đời sống tinh thần bị đẩy vào các tai họa, đạo đức bị xuống cấp. Sau một hồi trống rền vang ở Hội nghị Diên Hồng về văn hóa thì đã xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Bản chất văn hóa bị nhấn chìm, bị quên lãng trong các hoạt động kinh tế thăng trầm và náo loạn, trong những lo toan đến thắt ruột về việc làm trong sạch tổ chức và hệ thống chính trị, về việc củng cố độc quyền.

Quan trọng nhất trong bản chất văn hóa nằm trong tình yêu thương, tôn trọng, con người, là lòng tin vào con người, là bảo vệ nhân quyền mà quan trọng nhất là quyền tự do, bình đẳng, là chống áp đặt, là lòng bao dung và trắc ẩn. Những điều này đã bị cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản làm cho xộc xệch, méo mó, cho rằng đó là văn hóa tư sản cần loại bỏ để xây dựng nền văn hóa cộng sản với việc vạch rõ ranh giới giai cấp, khắc sâu hận thù giữa những người không cùng ý thức hệ, là trấn áp xu hướng đòi nhân quyền, là tiêu diệt những người có bất đồng chính kiến, là sự thống nhất tư tưởng để bắt mọi người phải suy nghĩ theo một người v.v. và gọi đó là đạo đức cách mạng.

Một vài nhà tư tưởng cộng sản cực đoan lại đem đạo đức cách mạng đối lại với đạo đức nhân bản, đem văn hóa vô sản do công nông thực thi đối lại với văn hóa truyền thống do tầng lớp tinh hoa (hoặc thượng lưu) chủ trương. Quốc tế ca của giai cấp vô sản có lời rằng: Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành.

Văn hóa vô sản là: “Vùng dậy đạp đầu lũ chúa đất vuống bùn đen vạn kiếp”- (thơ Tố Hữu), là “Tước đoạt của kẻ tước đoạt” và nhiều cách nghĩ, cách làm trái Đạo Trời khác. Nó được thể hiện rất rõ trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp tư nhân, trong hợp tác xã nông nghiệp và Luật Đất đai, trong một nền giáo dục đào tạo con người thành công cụ, trong xã hội mà tham nhũng của quan chức và dối trá của mọi người trở nên phổ biến.

Mặc dầu người ta thỉnh thoảng có nhắc đến “phát triển bền vững”, nhưng chỉ nói cho có chuyện. Thực tế sự phát triển của VN gây ra nhiều hủy hoại môi trường vật chất (đất, nước, không khí) và môi trường tinh thần.

Mỗi lần đại hội Đảng người ta lại đề ra chỉ tiêu này nọ để thảo luận rồi biểu quyết. Đó là cách làm hình thức còn rơi rớt lại từ nền kinh tế và chính trị kế hoạch hóa. Hãy hỏi những người bấm nút đồng ý với chỉ tiêu này nọ xem họ có hiểu tại sao, ở đâu ra chỉ tiêu đó mà không thể tăng hay giảm. Có khả năng trên 98% người không hiểu, họ bấm nút trong trạng thái vô ý thức, bấm theo một sự chỉ đạo từ trên mà chính người chỉ đạo cũng không hiểu.

Đảng, nhà nước đặt chỉ tiêu phát triển cho các ngành kinh tế là việc đã lỗi thời, gây ra những trạng thái tâm lý giả tạo, lợi bất cập hại.

Một mong ước của người Việt, nghe qua thì rất hay, là động lực, nhưng mong ước quá lại thành ảo tưởng, đó là mong ước được xếp ngang hàng, được sánh vai cùng các cường quốc. Ý này lần đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945. Và bây giờ có nhiều người Việt mong ước được như vậy, thể hiện ra ở nhiều việc chạy theo hình thức, tạo thành tích dỏm, mang nặng dối trá, không thực chất. Riêng những lãnh đạo của ĐCSVN còn có mong ước đảng của họ thành ngọn cờ trong phong trào giải phóng dân tộc, thành tấm gương trung thành bảo vệ CNML. Trong di chúc, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn thể hiện lòng mong ước Đảng ta làm được việc đoàn kết các đảng của Nga Xô và Trung Cộng. Ông Nguyễn Văn Linh còn đề nghị với Gorbachev cùng cứu vớt các ĐCS Đông Âu bảo vệ phe XHCN vào năm 1990. Mong ước của Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Linh phải chăng có ẩn ý rằng ĐCSVN có vị thế cao trong hệ thống CS của thế giới.

Thế thì có nên mong ước như vậy không. Theo tôi thì vừa nên, vừa không nên

Rất nên mong ước đến cháy bỏng việc phát triển đất nước cả kinh tế và văn hóa, đặc biệt là phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tri thức trên nền tảng văn hóa nhân bản thật sự tốt đẹp chứ không phát triển kinh tế một cách vội vàng, chụp giựt trên một nền tảng văn hóa vô sản phản Đạo Trời như đã kể. Mục tiêu chính của phát triển là vì Tự do và Hạnh phúc của toàn dân và của mỗi người. Hãy khôn ngoan, thông minh và cố gắng hết sức có thể. Thế rồi được xếp hạng nào, thứ bậc bao nhiêu là việc của người khác, có thành hổ thành rồng đến đâu là do người ngoài đánh giá.

Không nên quan tâm việc được xếp thứ bậc bao nhiêu, vượt được ai hay không, vì khi mình phát triển thì người ta có dừng lại đâu, mà còn có thể phát triển nhanh hơn. Chỉ có thể đặt mức phấn đấu, sau bao năm nữa đạt đến mức tương đương như A hoăc B bây giờ. Một số người nêu thí dụ về Singapore và Nam Hàn để nói rằng VN cũng có khả năng như họ. Tôi tìm hiểu thì trước đây họ không hề đặt mục tiêu thành hổ thành rồng, không mong ước xếp hạng cao hoặc sánh vai với ai cả. Lãnh đạo dạy dân họ và tạo thể chế để dân họ phát huy năng lực sáng tạo rồi được đến đâu hay đến đó. Mà như Nam Hàn và Singapore phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa nhân bản, tránh được những việc làm trái Đạo Trời của cách mạng vô sản theo CNML. Singapore và Israen là những nước mới thành lập, ban đầu họ đã thảo luận, cân nhắc rất kỹ, thậm chí đấu tranh kịch liệt trong việc chọn đường đi theo Thế giới Tự do hay theo Xã hội Chủ nghĩa. Kết quả sự lựa chọn của những nhà lãnh đạo của họ là chính xác. Nhân dân không lựa chọn con đường, không lựa chọn thể chế mà chỉ đi theo một cách tự giác hay bị bắt buộc. Trong nền dân chủ thực sự thì nhân dân chỉ lựa chọn đảng chính trị khi bầu cử. Ai đó nói rằng nhân dân đã lựa chọn chế độ chính trị là không đúng, mang tính bịa đặt.

Trong sách Một đời Quản trị, GS Phan Văn Trường chỉ ra rằng sự thành đạt của các tập đoàn kinh tế, công nghiệp dù lớn hay bé trên toàn thế giới (hoặc các công ty) phụ thuộc chủ yếu vào văn hóa của tập đoàn (hoặc công ty) mà văn hóa đó do tầng lớp tinh hoa gây dựng theo phẩm chất cao thượng của người đứng đầu.

Sách Tại sao các Quốc gia Thất bại chỉ ra rằng thành hay bại là do thể chế. Có thể chế chính trị và thể chế kinh tế với bốn kết hợp: (1) Khi cả hai thể chế đều tốt, hợp Đạo Trời, thuận Lòng Người thì xã hội phát triển, phồn vinh; (2) Khi cả hai đều xấu, trái Đạo Trời, ngược Lòng Người thì tầng lớp thống trị giàu to, quyền lớn còn nhân dân sẽ chịu thống khổ, xã hội suy tàn; (3) Khi chính trị tốt mà kinh tể xấu thì đời sống tinh thần, văn hóa của xã hội được thuận hòa, vui vẻ, còn đời sống vật chất gặp nhiều khó khăn; (4) Khi chính trị xấu (độc tài, tàn bạo) mà kinh tế tốt thì tuy đời sống vật chất có khá nhưng sự phân hóa giàu nghèo là rất lớn, đời sống tinh thần ngột ngạt, nhân quyền và công lý bị chà đạp, người dân sống trong sợ hãi và bị áp bức, mà kinh tế cũng phát triển không bền vững.

Việt Nam, vào thập niên 70 và 80 rơi vào kết hợp (2). Nhờ hồng phúc của Tổ Tiên mà một số lãnh đạo lúc đó đã nhận ra sai lầm, làm sửa sai thể chế kinh tế (mà nói chệch thành đổi mới, mở cửa) cứu dân tộc khỏi tai nạn chết đói, gọi đó là đổi mới lần một về kinh tế. Viêc đổi mới này thực chất là làm ngược lại CNML. Dư luận rộng rãi cho rằng rất cần đổi mới lần hai về chính trị. Đã từng có những cán bộ cao cấp nghĩ và chuẩn bị cho việc này như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Võ Văn Kiệt, nhưng rồi những người đó chưa thành công mà CS còn bắt bỏ tù ông Chính, khai trừ ông Độ, ông Bách, phản đối ông Kiệt. Phải chăng các ông ấy chưa gặp thời, chưa tạo được thế, đành ôm hận ra đi, như Nguyễn Thái Học với an ủi “Không thành công, thì thành nhân”. Phải chăng con người có số mệnh, tác động trong khoảng trăm năm, và như Nguyễn Du nhận xét: “Có Trời mà cũng có Ta”. Có Trời là số mệnh, có Ta là sự nhận thức, tu dưỡng, hành động nhằm tạo phúc đức. Thành công hay thất bại của một con người là do kết hợp giữa số mệnh và sự tu dưỡng cùng hoạt động của người ấy. Và theo tổng kết đáng tin cậy là “Đức năng thắng số”.

Phải chăng Dân tộc cũng có số mệnh như con người, chỉ khác là số mệnh Dân tộc kéo dài rất lâu, đến hàng ngàn, hàng vạn năm. Sự thành bại của một dân tộc là do kết hợp số mệnh với nền văn hóa do dân tộc đó tạo ra, với những hoạt động thực tế tác động đến thiên nhiên và xã hội.

Sau một thời gian dài gần thế kỷ tồn tại của ĐCSVN, dân tộc Việt đã có những thắng lợi và thất bại, có những cơ sở vật chất và tinh thần được xây dựng và bị hủy hoại. Cũng nên có nghiên cứu, tổng kết để đánh giá tương đối đúng thực trạng thì mới có thể dự báo tương lai, mới có thể vạch đường cho tương lai. Để làm việc này thì phải trung thực, khách quan, không do Đảng chỉ đạo, tránh xa CNML thì mới mong có được kết quả đáng tin cậy.

Diễn tiến lên hay xuống của sự việc có thể là từ từ, từng bước nhỏ kế tiếp hoặc là bước nhảy đột xuất. Cách mạng là một bước nhảy.

Về CS, tôi xem xét ba mức độ: Chủ thuyết, tổ chức đảng và đảng viên.

Chủ thuyết CS do Mác đề xướng chứa đựng nhiều sai lầm từ cơ bản, chủ trương làm những việc trái Đạo Trời. Nó đã từng hoành hành, nhờ ngụy biện xảo trá mà lôi cuốn được một số người, nhưng càng ngày càng lộ rõ bản chất tàn bạo và dối trá. Nó không thể cải tạo mà cần đánh đổ, nó không có tương lai. Nó đã bị đa số nhân loại lên án, sớm hay muộn sẽ bị đào thải theo quy luật tự nhiên.

ĐCSVN là một tổ chức, trong điều lệ ghi là Đội tiên phong của giai cấp, nhưng đó chỉ là lời rập khuôn sáo vẹt của những người kém trí tuệ. Thực chất, ngay từ đầu ĐCSVN là tổ chức của những người yêu nước, những đảng viên đầu tiên là những con người có phẩm chất cao thượng. Đảng do Nguyễn Ái Quốc lập ra để đấu tranh giành độc lập. Năm 1946 thấy rằng nếu lập đảng khác sẽ tốt hơn nên Hồ Chí Minh đã có ý kiến giải tán ĐCS Đông Dương nhưng rồi lại rút vào bí mật và không hiểu vì sao đã phạm sai lầm khi tuyên bố tự giải tán. Sự dối trá ấy sớm bị phát hiện. Và rồi Đảng càng ngày càng suy thoái do đường lối tổ chức sai, kết nạp vào Đảng nhiều kẻ cơ hội, do vẫn kiên trì CNML có nhiều độc hại.

Tương lai của ĐCSVN có thể theo một trong ba hướng:

Hướng thứ nhất là diễn tiến từ từ với những biện pháp xây dựng đảng như các điều cấm, những nghị quyết về nêu gương, làm trong sạch, với những cái lồng nhốt quyền lực, những việc chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đốt lò chống tham nhũng v.v. Theo hướng đó thì càng ngày Đảng càng thoái hóa đi đến sụp đổ, đến cáo chung (như ông Đào Tăng Dực và nhiều người mong ước). Tương lai là đen tối dù cho có được Trung Cộng hà hơi tiếp sức.

Kich bản A của hướng này là sự sụp đổ của Trung Cộng sẽ kéo theo sự sụp đổ của Việt Cộng. Trung Cộng thời Tập Cận Bình đang bành trướng mạnh, có thể vượt lên thao túng thế giới trong một thời gian ngắn rồi sụp đổ. Quy luật lịch sử là như vậy.

Kich bản B là bị đánh đổ, đã xảy ra ở vài nước ở Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Đông Đức. Tuy hiện nay ở VN khả năng này ít có cơ hội vì Trung Cộng đã rút được những bài học đàn áp và huấn luyện cho Việt Cộng để đối phó. Nhưng trong tương lai thì chưa biết được như thế nào.

Hướng thứ hai là với những đảng viên hiện có, đổi tên đảng (hoặc không đổi cũng được), từ bỏ CNML, thay điều lệ, làm một bước nhảy tiến lên, trở thành một đảng chính trị (xem rằng đã làm xong nhiệm vụ của một đảng cách mạng). Được như vậy thì sẽ có tương lai sáng sủa, có thể cầm quyền lâu dài, được nhân dân tín nhiệm, được lịch sử ghi nhận. Đây là mong ước cứu Đảng của ông Nguyễn Trung và nhiều người cả bên A và B.

Hướng thứ ba là chia đảng làm hai (giống đảng Xã hội Nga vào năm 1905 chia thành Bônsêvic và Mensêvic). Kịch bản như sau. Trong các cán bộ cấp cao của Đảng xuất hiện một số người muốn cứu Đảng, muốn cải cách. Họ bí mật trao đổi, vận động để tạo lực lượng ủng hộ trong BCH trung ương, đồng thời phải vận động được sự ủng hộ của một số lực lượng vũ trang và xã hội dân sự. Trong một lần họp BCHTW, một người đề xuất việc đổi mới Đảng theo hướng từ bỏ CNML và đề nghị thảo luận. Có ba trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp 3.1. Hội nghị thảo luận, đấu tranh. Nếu bên cải cách thắng thế thì chuyển sang hướng thứ hai (đã viết ở đoạn trước). Được như thế là Hồng phúc cho Đảng và Dân tộc. Đây là trường hợp đã xảy ra ở Mông Cổ, rất nhẹ nhàng, hiệu quả. Một biến thể của trường hợp này là xuất hiện một nhân vật như Gorbachev của Liên Xô.

Trường hợp 3.2. Nếu bên cải cách không thắng thế thì tuyên bố ly khai và lập đảng mới. Ai đồng ý thì đến họp ở một nơi khác để tiến hành.

Trong lúc ở Hà Nội xảy ra việc trên thì tìm cách đưa thông tin ra ngoài. Các nơi tổ chức mit tinh, biểu tình của quần chúng ủng hộ. Đơn vị vũ trang ủng hộ nhanh chóng tiếp cận nơi họp để bảo vệ. Đây là đấu tranh nghị trường trong nội bộ Đảng nhưng phải chuẩn bị chống lại đàn áp, bảo vệ lực lượng.

Trường hợp 3.3. Vì không giữ được bí mật, kế hoạch đã bị lộ, phe bảo thủ đã có chuẩn bi, huy động lực lượng vũ trang trấn áp thì sẽ xảy ra xung đột. Chuyện như vậy cũng thường gặp.

Đảng viên cộng sản, ngoài một số kẻ cơ hội thì cũng còn nhiều người có phẩm chất tốt, hiểu rõ mặt trái của CNML. Một số đông hưu trí bỏ sinh hoạt, số khác lặng lẽ hoặc công khai tuyên bố từ bỏ Đảng. Những người còn ở lại trong Đảng mà dám nghi ngờ CNML thì bị buộc tội tự chuyển biến, tự chuyển hóa, bị ghép chung với bọn mất phẩm chất vì thoái hóa đạo đức, tham nhũng, phạm tội. Trong dân có câu “Người ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt”. Phẩm chất tốt của những đảng viên như vậy không phải nhờ giác ngộ CNML mà đó là nhờ đạo đức nhân bản vốn có của họ từ trước khi vào đảng.

Về tương lai của Dân tộc. Một phần lớn phụ thuộc vào sự diễn tiến của ĐCS. Nếu Đảng diễn tiến theo hướng bảo thủ, kiên trì CNML để đi tới sụp đổ thì rõ ràng tương lai của Dân tộc và của Đảng là khác nhau, mâu thuẫn nhau. Đảng có thể bị sụp, bị xóa, nhưng Dân tộc thì không thể.

Trong quá trình duy trì sự thống trị, Đảng quan tâm đến phát triển kinh tế và nói đến những điều tốt đẹp về tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền. Người ta tưởng nhầm rằng Đảng rất chăm lo đến đời sống nhân dân. Bên ngoài thấy như thế, nhưng bên trong lại khác. Đảng chăm lo đến kinh tế để nhà nước thu được nhiều thuế, tăng ngân sách. Đó là nguồn sống của Đảng, cũng là nguồn để tham nhũng. Khi nghe nói về tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, một mặt nên biết đó chỉ là lời tuyên truyền mị dân, mặt khác cần bám vào nó để đấu tranh đòi thực hiện chứ không nói suông.

Khi nói quyền lợi của Dân tộc có lúc mâu thuẫn với quyền lợi của Đảng thì đó không phải là quyền lợi của các đảng viên thường mà là quyền lợi của các cán bộ cấp cao của Đảng. Khi đảng có bị sụp đổ thì các đảng viên thường lại trở về trong Dân tộc.

Dưới thời đô hộ của thực dân Pháp, Dân tộc Việt không chỉ chịu cảnh lầm than, bị áp bức mà còn được khai hóa. Nhưng trong thời kỳ độc lập, tự chủ, Dân tộc Việt cũng nhiều lần chịu lầm than vì gặp phải hôn quân bạo chúa như thời Lê Ngọa Triều, thời mạt Lý, mạt Trần, một vài đời vua Lê chúa Trịnh và Trịnh Nguyễn phân tranh.

Nhưng rồi không thể biết vì lý do nào mà lại mắc vào tai họa mấy chục năm chiến tranh tàn phá, huynh đệ tương tàn, rồi tai họa cộng sản với hình tượng “Đuổi hổ cửa trước rước sói cửa sau”. Dẹp được sự áp bức của thực dân lên tầng lớp này thì lại tạo ra áp bức của chuyên chế lên tầng lớp khác kiểu “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” (áp bức vẫn còn, chỉ thay đối tượng và hình thức).

Suy nghĩ về khả năng tránh được chiến tranh và tai họa của CNML tôi thấy VN đã bỏ qua một số cơ hội. Việc ĐCSVN chớp được thời cơ vào tháng 8- 1945 để cướp chính quyền đã làm cho Dân tộc Việt bỏ lỡ thời cơ giành độc lập trong hòa bình.

Khi trao đổi với bạn bè, chỉ có ít người đồng ý với tôi là VN có khả năng tránh được tai họa mà vẫn giành được độc lập như nhiều nước cùng cảnh ngộ. Nhưng số đông hơn không đồng ý, cho rằng cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp là không thể nào tránh khỏi và quy hết tội lỗi cho Chính phủ Pháp năm 1945-1946 mà đại diện là Decou [Jean Decoux] và Bolaec [Emile Bollaert].

Phải chăng số mệnh của Dân tộc nó xui ra như vậy. Theo sự thảo luận giữa nhà văn Nguyên Ngọc và bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) thỉ mầm mống của tai họa bắt đầu từ năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu thành lập ĐCS Pháp.

Phải chăng ngoài lý do gần, do con người tạo ra thì liệu còn có lý do nào thuộc tâm linh? Dân tộc Việt vốn tôn trọng tâm linh, chẳng qua trong thời gian ngắn vì bị tuyên truyền mà theo duy vật và cam chịu thống trị của chuyên chính vô sản, đến độ nền văn hóa truyền thống, nhân bản bị hủy hoại, tầng lớp tinh hoa bị làm cho thoái hóa. Nhưng, Dân tộc Việt vốn có sức sống mãnh liệt, tầng lớp tinh hoa sẽ dần được khôi phục để hướng dẫn tạo lập nền văn hóa nhân bản, làm cơ sở cho phát triển mọi mặt. Không nhanh được thì chậm một chút, cách gì rồi Dân tộc Việt cũng thoát ra được tai họa do CNML gây nên để tạo lập tương lai tươi sáng, đem Tự do, Hạnh phúc cho toàn dân và mỗi người chứ không cần sánh vai với ai, không cần xếp hạng trên nước này nước nọ, với những con số GDP giả tạo, với những chỉ tiêu duy ý chí, không cần giương cao ngọn cờ dẫn đường cho ai cả, bỏ hết tính kiêu ngạo và sĩ diện muốn hơn người.

Tôi vẫn rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đang cố gắng đóng góp một phần sức lực và trí tuệ, tuy chỉ rất nhỏ bé, cho tương lai đó.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn