Tương lai hậu-Trump của Văn học Mỹ

New York Times

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt

Dịch giả: Trần Ngọc Cư

22-12-2020

Tác giả Nguyễn Thanh Việt là Chủ nhiệm khoa Anh văn, ngạch Aerol Arnold, và là Giáo sư Anh văn, Nghiên cứu Hoa Kỳ và Dân tộc học tại Đại học Nam California. Ông từng đoạt giải Pulitzer và là thành viên của Hội đồng giải thưởng Pulitzer.

***

Các nhà văn sẽ làm gì khi hết phẫn nộ? Liệu họ có quay lại viết về bông hoa và trăng sao hay không?

Donald Trump là một tổng thống phản văn học. Rõ ràng là người này không đọc sách, ngoài các tờ báo cáo và các dòng tweet được pha rất loãng. Ổng thiếu một yếu tố cốt lõi cần thiết cho văn học: Đó là sự đồng cảm với người khác.

Sự đắc cử của Joe Biden và Kamala Harris báo hiệu việc phục hồi khả năng đồng cảm của giới lãnh đạo vào năm 2021. Nhưng sự đồng cảm chỉ là một cảm xúc và chúng ta đừng bao giờ nhầm nó với hành động. Tình cảm nồng nàn của Barack Obama không tái định hướng thế giới nhắm vào công lý nhiều như một số người trong chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, thế giới văn học đã đón nhận ông Obama. Phải cần đến ông Trump để đánh thức giới văn học về các vấn đề chính trị.

Nhiều nhà văn, giống như tôi, đã nhắn tin cho cử tri, quyên góp cho chính nghĩa của các nhà hoạt động, đã tham gia những cuộc đấu đá gay gắt trên mạng xã hội và viết các bài phản biện tấn công chính quyền Trump. Nhiệt tình chính trị của họ gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Nhưng nếu những nhà văn này rút lui về con người tiền-Trump của họ, thì những bài học của thời đại này sẽ không được rút tỉa chút nào.

Văn học Mỹ có một mối quan hệ rắc rối với chính trị. Văn chương dòng chính – thơ và tiểu thuyết được viết bởi những người da trắng, được giáo dục đàng hoàng và được quản lý bởi một bộ máy rà soát, xuất bản và giữ cửa, phần lớn là người da trắng và hưởng đặc quyền – có xu hướng phi chính trị. Hầu hết giới văn học Mỹ đồng hóa chính trị trong văn học với chủ nghĩa hiện thực xã hội, tuyên truyền và tất cả những tệ nạn khác được cho là của văn học Cộng sản và xã hội chủ nghĩa, vô tình bỏ qua tính thẩm mỹ kích thích của các nhà văn chính trị như Aimé Césaire, Richard Wright và Gloria Anzaldúa.

Ở mức độ mà ngành xuất bản chính mạch muốn bày tỏ một thái độ chính trị, nó tập trung vào những cuốn sách phi hư cấu về những thứ như bầu cử, những bạch thư của người trong cuộc và những hồi ký tổng thống. Các mục tiêu chính trị khác có thể chấp nhận được trước quan tâm phóng khoáng của người da trắng: môi trường, chế độ ăn chay trường, giáo dục.

Nhưng ông Trump đã phá hủy khả năng sống phi chính trị của các nhà văn da trắng. Mọi người đều thể hiện một sự lựa chọn, đặc biệt là khi đối mặt với đại dịch coronavirus và việc sát hại George Floyd, cả hai sự kiện này đã khiến cái giá sinh tử của nạn kỳ thị chủng tộc mang tính hệ thống [systemic racism] và tình trạng bất bình đẳng kinh tế trở thành một tiêu điểm nhức nhối.

Nhưng vào năm 2021, liệu các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn da trắng, sẽ thở phào nhẹ nhõm và trở về lại với thứ chính trị của những người phi chính trị, tức là trở lại với đặc quyền của người da trắng hay không?

Sinh hoạt chính trị biểu hiện rõ nét trong thi ca và tiểu thuyết Mỹ hiện nay hầu như đang được giao cho những kẻ bên lề: nhà văn da màu, nhà văn đồng tính và chuyển giới, nhà văn nữ quyền, nhà văn chống thực dân.

Việc một số giải thưởng văn học lớn trong những năm gần đây được trao cho các nhà văn như thế cho thấy hai điều: Thứ nhất, họ đang viết một số tác phẩm hấp dẫn nhất trong văn học Mỹ; và thứ hai, giải thưởng văn học có chức năng là những đền bù thiệt hại mang tính biểu tượng ở một quốc gia chưa có khả năng đền bù thiệt hại thực sự.

Việc trao cho nhà văn Charles Yu Giải thưởng Sách quốc gia về cuốn “Trong Khu phố Tàu” [Interior Chinatown], một tác phẩm phê bình vừa vui nhộn vừa gay gắt về cách Hollywood mô tả người Mỹ gốc Á dưới góc nhìn phân biệt chủng tộc, là một việc dễ làm hơn so với việc thực sự biến đổi Hollywood. Ngành xuất bản cũng dễ dàng trao giải thưởng cho các nhà văn bị thiệt thòi hơn là thay đổi các phương thức tuyển dụng họ. James Baldwin đã viết vào năm 1953 rằng “thế giới này không còn trắng nữa, và nó sẽ không bao giờ trắng trở lại,” nhưng một ngành xuất bản có đội ngũ biên tập viên là 85% da trắng và danh sách tiểu thuyết là 95% da trắng, vẫn còn quá trắng.

Trong thời đại Biden, liệu ngành xuất bản có làm gì nhiều hơn chỉ là cảm thấy khó chịu về điều đó và cam kết tuyển dụng một nhóm biên tập viên và thực tập sinh đa dạng văn hóa và xây dựng một lộ trình cho sự lãnh đạo đa dạng văn hóa trong tương lai hay không?

Bản thân “tính đa dạng văn hoá” sẽ là một dạng chính trị hoàn toàn rỗng tuếch trừ phi nó xảy ra ở mọi cấp độ của một ngành, và trừ phi nó thay đổi một cách có ý nghĩa một lề lối thực hành thẩm mỹ [aesthetic practice]. Đây là một trong những lời chỉ trích nặng nề dành cho nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Mặc dù ta có thể đổ lỗi cho sự ngoan cố của Đảng Cộng hòa, nhưng ông Obama vẫn còn khá ôn hoà trong việc theo đuổi chính sách đa dạng văn hoá, ví như một người đã mày mò với tổ hợp công nghiệp-quân sự [the industrial-military complex] mà không chịu biến đổi nó.

Việc nhiều người trong giới văn học sẵn sàng bỏ qua các chính sách trục xuất người nhập cư và đánh bom bằng máy bay không người lái của ông Obama, một phần bởi vì ông ta là một tổng thống có cách ăn nói văn hoa và thấu cảm, cho thấy phần nào sự trống rỗng của chủ nghĩa tự do-bình đẳng [liberalism] và chủ nghĩa đa văn hóa [multiculturalism]. Sự đồng cảm, chữ ký cảm xúc của họ, hoàn toàn tương hợp với việc giết người ở nước ngoài – nhiều người trong số đó là vô tội – và hỗ trợ cho một hệ thống cảnh sát và nhà tù gây hại một cách không cân xứng cho người da đen, người bản địa và người da màu khác, cùng với người nghèo. Hoá ra là, một tổng thống có thể vừa ưa thích các cuộc đánh bom bằng máy bay không người lái, vừa biết chọn một danh mục sách đọc hàng năm nặng về văn học đa văn hóa.

Và ở đây, những nhà văn bị gạt ra ngoài lề, kể những câu chuyện về những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ không được chấp nhận. Lấy văn học nhập cư làm ví dụ. Trong những năm bài ngoại của Trump, khi người nhập cư và người tị nạn bị coi như ma quỉ, chỉ đơn thuần đứng lên ủng hộ người nhập cư cũng trở thành một chính nghĩa đáng giá về mặt chính trị.

Nhưng rất nhiều tư liệu văn học về người nhập cư, mặc dù chú ý đến những khó khăn về chủng tộc, văn hóa và kinh tế mà người nhập cư phải đối mặt, cuối cùng cũng khẳng định một giấc mơ Mỹ đôi khi cao cả và đầy khát vọng, và đôi khi chỉ là chiếc mặt nạ che đậy những bất bình đẳng về cấu trúc của một quốc gia thuộc địa bằng người định cư [a settler colonial state]. Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về chủ nghĩa thực dân định cư [settler colonialism], huống hồ sử dụng nó để mô tả đất nước mình. Đó là bởi vì người Mỹ thích gọi chủ nghĩa thực dân định cư là giấc mơ Mỹ.

Quá nhiều tư liệu văn học về người nhập cư và đa văn hóa đã không thể lột bỏ chiếc mặt nạ đó. Tuy nhiên, việc chính trị hóa những nhóm dân cư này thực sự là mối đe dọa đối với quốc gia da trắng mà ông Trump đại diện. Nền chính trị bản sắc da trắng luôn là nền chính trị thống trị của đất nước này, nhưng bao lâu mà nó còn phát triển và không bị đe dọa, nó chưa bao giờ là nền chính trị da trắng lộ liễu. Nó chỉ đơn thuần là chuẩn mực [normative], và hầu hết các nhà văn da trắng (và người da trắng) không bao giờ tra hỏi về tính chuẩn mực của bản chất da trắng. Nhưng cuộc hành trình dài, không trọn vẹn hướng tới bình đẳng chủng tộc từ năm 1865 đến nay đã dần dần xói mòn sự thống trị của người da trắng, với sự rạn vỡ đáng kể nhất xảy ra trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Các nhà văn không chỉ tuần hành chống chiến tranh, họ còn viết lách chống lại nó. Trong số các nhà văn Mỹ da trắng, các nhà thơ như Robert Lowell là những người đầu tiên phản đối chiến tranh, cùng với các nhà văn xuôi như Susan Sontag và Norman Mailer.

Tuy nhiên, tiếp theo sau chiến tranh, việc chính trị hóa các nhà văn da trắng đã phai mờ, ngay cả khi việc chính trị hóa các nhà văn da màu không hề mai một. Vào những năm 1980, năng lượng chính trị của các nhà văn da màu tập trung nhiều hơn vào cái gọi là chính trị bản sắc và chủ nghĩa đa văn hóa, vào nhu cầu về danh mục sách đọc, giáo trình giảng dạy văn học và giải thưởng dành cho các nhóm thiểu số. Cuộc phản công chống lại những nỗ lực này đã dẫn đến “cuộc chiến văn hóa”, với những người bảo vệ giáo luật văn học phương Tây (da trắng) cho rằng chủ nghĩa đa văn hóa đang làm xói mòn nền tảng văn hóa Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa đa văn hóa hầu như đã thắng cuộc chiến đó, nhưng ông Trump là người tiếp tục cuộc phản công của phe bảo thủ. Ông Trump rõ ràng muốn đẩy lùi dòng thời gian của Mỹ về những năm 1950, hoặc thậm chí có thể đến năm 1882, năm của Đạo luật Loại trừ người Trung Hoa.

Những gì ông ta cố gắng làm về mặt chính trị và kinh tế, ông ta cũng cố gắng làm về mặt văn hóa với Sắc lệnh Hành pháp về việc Chống Định kiến Chủng tộc và Giới tính [Executive Order on Combating Race and Sex Stereotyping]. Sắc lệnh này cấm các cơ quan liên bang và bất kỳ tổ chức nào nhận tài trợ liên bang nói chuyện với nhân viên về đặc quyền của người da trắng hoặc đưa ra các chương trình đào tạo thúc đẩy tính đa dạng văn hoá, công bằng xã hội và sự hòa nhập các nhóm thiểu số.

“Thuyết chủng tộc cốt lõi” [critical race theory] đã trở thành mục tiêu cho sự bực bội của ông Trump. Ông đã trực giác chính xác rằng việc rọi ánh sáng vào bản chất da trắng [whiteness] đang đe dọa những người từ lâu an nghỉ thoải mái trong bản chất da trắng của mình mà không hề bị ai thắc mắc, gồm cả những người da trắng bảo thủ lẫn những người da trắng cổ vũ tự do-bình đẳng, một luận điểm mà nhà thơ Claudia Rankine đã đề cập đến trong cuốn sách năm 2020 của cô “Just Us”[Chỉ chúng ta với nhau thôi].

Jess Row cũng đưa ra quan điểm tương tự trong cuốn sách tiểu luận gần đây của mình, “White Flights” [Những chuyến bay màu trắng], trong đó ông cho thấy bản chất da trắng đã ăn sâu như thế nào trong văn học Mỹ và nó có thể được truy nguyên trực tiếp đến các tội lỗi lập quốc của đất nước này, đấy là tội chinh phục, diệt chủng và nô lệ. Bài diễn văn của người đoạt giải Nobel văn học năm nay, nhà thơ Louise Glück, minh họa một cách vắn gọn quan điểm của ông Row. Bà ấy nói về những bài thơ có ý nghĩa đối với bà khi còn nhỏ nhưng đó cũng là những miêu tả có vấn đề về nô lệ da đen và cuộc sống trên đồn điền, một vấn đề mà bà Glück chỉ nói ấm ớ mà thôi.

Cái gọi là văn học thể loại [genre literature] có số phận tốt hơn cái gọi là văn học tiểu thuyết và thi ca trong phạm trù các tác phẩm phê bình và mang màu sắc chính trị, loại tác phẩm làm lung lay bản chất da trắng và phơi bày các di sản của chủ nghĩa thực dân. Các nhà văn khôn ngoan viết về tội phạm, chẳng hạn, thường có thái độ chính trị vì họ biết rằng một tội ác cá nhân là một biểu hiện của cả một xã hội phạm tội ác hàng loạt.

Một số ví dụ gần đây: nhà văn Don Winslow, trong bộ ba tiểu thuyết của mình về cuộc chiến chống ma túy mà đỉnh điểm là cuốn “The Border” [Biên giới] liên kết trực tiếp những cuộc chiến ma túy đó với các cuộc xung đột quân sự mà đất nước này đã tham chiến hoặc kích hoạt, từ Việt Nam đến Guatemala. Nhà văn Steph Cha trong cuốn “Your House Will Pay” [Nhà mày sẽ trả giá] tiếp cận cuộc bạo loạn ở Los Angeles thông qua một vụ giết người bí ẩn tập trung vào mối quan hệ giữa người da đen và người Hàn Quốc, thay vì tập trung vào mối quan hệ của họ với cơ cấu quyền lực da trắng đã dàn cảnh khiến hai bên xung đột. Nhà văn Attica Locke trong cuốn “Heaven, My Home” [Thiên đàng, Nhà tôi] tiếp tục cuộc phiêu lưu của Darren Mathews, một nhân viên kiểm lâm da đen Texas, khi anh điều tra những tội ác bùng phát từ tình trạng dầu sôi lửa bỏng do phân biệt chủng tộc và tham vọng của nước Mỹ.

Bốn năm qua được đánh dấu bằng những tác phẩm thơ chính trị mạnh mẽ, như cuốn “Whereas” của Layli Long Soldier, đối đầu với cách đối xử của Hoa Kỳ đối với người bản địa trong quá khứ và hiện tại, và “Look” của Solmaz Sharif, lấy từ vựng từ một tự điển quân sự Mỹ nhằm ném cát vào mắt cỗ máy chiến tranh công nghệ cao của đất nước này.

Việc các nhà văn Mỹ và những người cổ vũ tự do-bình đẳng không có khả năng đối đầu một cách triệt để với cỗ máy chiến tranh này, đặc biệt là khi nó được lèo lái bởi các tổng thống Dân chủ, là minh chứng cho những dấu ấn quá ít ỏi mà phong trào nổi dậy chống chiến tranh ở Việt Nam đã để lại. Ngoài các nhà văn thể loại [genre writers] ra, gần như chính các nhà văn cựu chiến binh như Elliot Ackerman, Matt Gallagher và Phil Klay đã viết về Cuộc chiến Vô tận này. Sự thể cũng chỉ vì tuyệt đại đa số người Mỹ bị cách ly với việc triển khai cỗ máy chiến tranh và không muốn nghĩ về sự dính dấp của mình trong đó.

Tuy nhiên, đối với các dân tộc bản địa, lịch sử của quân đội Mỹ có mặt khắp mọi nơi. Natalie Diaz, trong “Postcolonial Love Poem” [Bài thơ tình thời hậu thuộc địa], nêu câu hỏi liệu Hoa Kỳ có thật sự nằm trong thời hậu thuộc địa hay chưa, và nếu có, thì đối với ai. Có lẽ đối với người da trắng, những người chỉ muốn quên đi chủ nghĩa thực dân, nhưng không phải đối với người bản địa vẫn đang chiến đấu chống lại nó.

Vậy năm 2021 sẽ mang lại điều gì cho thế giới văn học?

Hy vọng sẽ có thêm nhiều bài thơ như tiếng kèn thúc quân mạnh mẽ năm 2020 của nhà thơ nữ Noor Hindi, “F^ck Your Lecture on Craft, My People Are Dying” [Địt mẹ bài giảng của mày về nghề viết văn. Dân tao đang chết], một bài thơ vừa tấn công vào học vị cao nhất của ngành Nghệ thuật [M.F.A] vừa vượt qua lằn ranh đỏ choét trong chính trị Mỹ: đề tài Palestine. Mặc dù có cú sốc nhẹ của những người cổ vũ tự do-bình đẳng đối với “văn hoá tẩy chay” [cancel culture], được ví như một thể dục có thể gây thương tích trong xã hội công dân và tự do ngôn luận, nhưng sự tẩy chay thật sự đối với vấn đề Palestine đã phát xuất từ nhà nước.

Không có gì ngạc nhiên khi không có cuộc nổi dậy tập thể nào của những nhà văn cổ vũ tự do-bình đẳng (da trắng) chống lại lệnh hành pháp của ông Trump vào năm ngoái để trấn áp những lời chỉ trích Israel trong khuôn viên trường đại học, một hình thức kiểm duyệt của nhà nước, hoặc chống lại nỗ lực của nhiều nhà lập pháp có hành động tương tự.

Hoa Kỳ, với tư cách là một xã hội thuộc địa định cư [settler colonial society] từ chối nguồn gốc và hiện tại thuộc địa định cư của mình, nhìn thấy ở Israel một đồng minh có cùng chí hướng. Những người Mỹ duy nhất – nhiều người gốc Palestine – bị tẩy chay bằng cách bị sa thải, bị từ chối biên chế hoặc bị đe dọa kiện tụng là những người tố cáo chủ nghĩa thực dân định cư Israel và lên tiếng bảo vệ người dân Palestine.

Các bài giảng về nghề viết, bao gồm cả nghề viết về chủ nghĩa đa văn hóa, có thể trở nên vô vị khi đối chiếu với chính trị kiểu này. Vấn đề của tôi đối với “nghề viết” không chỉ là nó thậm chí không phải là nghệ thuật, mà còn là nó được cổ vũ bởi các nhà văn nói về lao động của nghề viết và về các cuộc hội thảo viết văn, nhưng nói chung họ không có lý thuyết về lao động, về sự bóc lột lao động hoặc về nhà văn như một người lao động. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà văn không có lý thuyết như vậy ít nói về chính trị, và tại sao tiêu chuẩn cho các hội thảo viết văn lại không liên quan đến chính trị.

Bà Hindi viết: “Những người thực dân viết về bông hoa. “Tôi muốn làm nhà thơ quan tâm đến trăng sao. Người Palestine không nhìn thấy trăng sao từ các phòng giam và nhà tù“.

Đây là loại thơ của tôi.

“Tôi biết mình là người Mỹ bởi vì khi tôi bước vào phòng, một thứ gì đó sẽ chết đi,” bà Hindi viết. “Khi tôi chết, tôi hứa sẽ ám ảnh bạn mãi mãi.”

Những nhà văn như bà Hindi là một ngoại lệ trong nhiều hội thảo, nơi họ thường bị buộc phải giải thích mình trước trung tâm chuẩn mực của một nền văn học phi chính trị. Nhưng bài thơ này không giải thích bất cứ điều gì, và đó là một trong những lý do khiến nó rất hấp dẫn.

“Một ngày nào đó, tôi sẽ viết về những bông hoa giống như chúng tôi sở hữu chúng”.

Ai đó hãy đưa cho Noor Hindi một hợp đồng sách đi nào.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Không cần phải nhắc đến cuốn “Trump 101 The Way to Success”, hay các sách mà Trump khuyên người ta nên đọc: The art of war của Sun Tzu, Rich Dad’s CASHFLOW Quadrant: Rich Dad’s Guide to Financial Freedom của Robert T. Kiyosaki hay Iacocca – Lee Iacocca và William Novak…(cũng có nghĩa rằng Trump cũng đã đọc qua…)
    để biện minh cho điều gì đó về Tt Trump… nhân câu miệt thị
    “Donald Trump là một tổng thống phản văn học. Rõ ràng là người này không đọc sách, ngoài các tờ báo cáo và các dòng tweet được pha rất loãng”

    chỉ riêng gợi ý rằng “muốn làm một tổng thống phải đọc thật nhiều” để dè bỉu Trump là đồ “vô học”, chẳng biết đọc là gì…
    đã đủ để tác giả nguyên tác bài này rơi vào tệ đoan nhỏ nhen chính trị, nhân cách không cao ngang “địa vị” anh ta đang có,

    rằng anh ta đã sa đà vào chuyện đấu đá phỉ báng trong một cuộc bầu cử vô liêm sỉ,
    hay chí ít, thì là ý đồ không đàng hoàng của kẻ cố dịch bài nầy để gắng góp mặt vào cuộc xỉ vả –
    chuyện không nên có với con người của lãnh vực văn chương.
    Có những thí dụ về người thành công mà không cần đọc nhiều sách, ngoài Jack Ma…

    *Dwight David Eisenhower là một vị Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 (1953 – 1961).
    Thuở đi học, Eisenhower yêu thích nhất môn lịch sử. Ông chỉ thích đọc các truyện ký về các vị anh hùng, các danh nhân quân sự thuở xưa, không quan tâm loại fiction.
    (thì Trump cũng cố đọc những sách kinh doanh, làm giàu; ai sở thích nấy!)
    Eisenhower dễ dàng vượt qua kỳ thi tuyển vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tuy nhiên, do quá tuổi nên không được nhận vào trường. Ông được Thượng nghị sĩ tiểu bang Kansas, Joseph L. Bristow, giới thiệu vào Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, New York.
    Từ đấy, binh nghiệp là con đường độc đạo đưa ông tới quân hàm cao nhất quân đội Mỹ- thống tướng Hoa kỳ. Và ông mất ăn mất ngủ vì nhiệm vụ quân sự, chính trị để có thể có thì giờ mơ mộng sống ảo trong tiểu thuyết!
    Chiến thắng trở về từ WW II, ông đắc cử dễ dàng vào toà Bạch cung, với 2 nhiệm kỳ.

    Rõ ràng Eisenhower không phải làm mọt sách để thành Tổng thống. Ông là con người hành động thực tế, không mơ mộng trong thế giới fiction!

    *George W. Bush, “thái tử” của tổng thống Hoa Kỳ thứ 41 George H. W. Bush.
    Bush con không phải là một sinh viên chăm chỉ và thành tích học tập của ông không được xem là xuất sắc, là ngôn ngữ để tránh “học dốt” làm mất lòng “hoàng gia”. Con vua thì cần gì học chăm; có lẽ “đọc nhiều sách” cũng là cả một nổi khổ không ai bắt buộc được ông hoàng!
    Bush được vua cha cho gia nhập một đơn vị không quân thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại Texas suốt từ 1968 đến 1974, tức là không ra khỏi lãnh thổ Mỹ trong suốt thời gian Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam! (xin đừng gọi là trốn lính nhé)
    Bush miêu tả cuộc sống của ông trước tuổi 40 là thời kỳ “tuổi thanh niên thiếu chín chắn trong vấn đề trách nhiệm”, đồng thời thú nhận rằng ông dùng rượu khá thường xuyên (không phải nát rượu đâu nhé).
    Năm 1979, Bush kinh doanh dầu mỏ và thành lập công ty Arbusto Energy . Doanh nhân Bush còn ôm đồm thêm nhiệm vụ “Ông Bầu” cho đội bóng chày Texas Rangers trong 5 năm, thời gian mà “tên tuổi ông được biết đến với nhiều thiện cảm khắp tiểu bang Texas”.
    Năm 1994, vào dịp nghỉ phép, Bush ra tranh cử thống đốc tiểu bang Texas và đánh bại thống đốc đương nhiệm Ann Richards, thuộc đảng Dân chủ. Ông tái đắc cử vào năm 1998.

    Quả là sô phận của người đẻ bọc điều, không cần học hành gì nhiều vẫn thành vua. Cũng không nghe nói thái tử Bush con có thích đọc sách siếc tiểu thuyết gì không.
    20 tháng 1 năm 2001 Bush con đắc cử Tổng thống HK, một lèo suốt 8 năm ở WH, đến 20 tháng 1 năm 2009 thì về nhà! Thế thôi.
    Làm tổng thống tới…2 nhiệm kỳ, khỏi cần đọc sách. Thấy chưa?

    Thật tiểu nhân khi ai chửi Trump “đồ ít đọc sách” mà đòi làm tổng thống…

    • Đúng là nói có sách! Rất num-bờ-oăn!
      Như thường nghe nói “chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy.”
      Thủa chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam các nhà văn nhà thơ “nhớn” ở đâu?
      Không giả điên giả dại thì cũng học đòi làm nhà tư tưởng lớn kiểu “hố thẳm” với “mặt trời không bao giờ có thực.”
      Õng ẹo cũng chẳng sao nhưng đừng bắt người ta tung hô, dị lắm!
      Đó là chưa kể cái đám nâng bi ngoài nớ…
      Không đáng cầm “cái con tự do” cho Phan Nhật Nam…

  2. Văn hóa đọc đã mai một, người đọc thời @ vô cùng lười biếng trước “con chữ” , trong khi bài viết này thì…( sorry tác giả và người dịch) lại bóng gió lổn nhổn, ngoằn ngoèo khó nuốt …nên “vắng tanh như chùa bà Đanh” là đúng rồi.

    Khổ quá ! Ráng đọc thì túm lại , phải chăng tác giả muốn “ Nhà thơ cũng phải biết xung phong ? “ . Văn Thơ cũng phải” chọn bên”, phải “cất tiếng nói đấu tranh” , phải có “ cuộc nổi dạy tập thể” đối với chuyện này, chuyện kia… trong “ao bùn chính trị và những cái tả lót” …vv ?- Sorry, nếu vậy thì tác giả nhầm rồi , đó là họ làm công việc của “nhà chính trị”, “nhà tả lót” chứ không phải của “nhà văn, nhà thơ…”

    Những nhà văn Mỹ ư ? Họ sẽ cất lên tiếng nói của họ một cách tự do, phù hợp với hướng nhìn riêng, tầm nhìn riếng , với tri kiến riêng, cảm xúc riêng về mọi thứ, về bất kỳ vấn đề gì khiến bên trong họ xuất hiện cảm hứng. Ernest M. Hemingway, cha đẻ của “Ông già và biển cả” ,”Chuông nguyện hồn ai”, “Thế hệ lạc loài”…vẫn cứ tiếp tục bức xúc nặng khi xem “một cuộc đấu bò ở Tây ban Nha”, ai cấm ? – Jack London, đi nhiều biết rộng nhưng dồn tài năng vào các “tâm thức hoang dã nguyên sơ”, cứ như mình là một con sói…thế cũng đã sao ? …vv.
    Tuy vậy, không thể nói họ không biết “xác lập mối quan tâm”(sic) , không sống hết mình và thiếu thành thực…Những “bức xúc” trong lòng họ đều rất dữ dội đến mức ,cả hai tác giả trên đều tìm đến cách giải quyết cực đoan .Thế nhưng bao nhiêu % đọc giả ở Mỹ đã hiểu hết các vấn đề “nội tâm” mà họ muốn chạm đến …? Nếu có gì đó đáng than phiền ở văn học Mỹ, có lẽ là mãi vẫn không thấy những tài năng xứng đáng, kế thừa các tinh hoa ngày trước …như mãi không gặp lại một tài năng, một trí tuệ mới kiểu như Mark Twain …

    ( Đọc giả có sự thưởng thức cũng rất riêng, cũng muôn hình vạn trạng…Nên, về cá nhân mà nói, các vị như Dan Brown , giỏi hư cấu tưởng tượng, nổi tiếng và được biết đến nhiều chẳng qua từ các chuyển thể phim – không thích nổi. Hoặc William Faulkner với“Âm thanh và cuồng nộ”.., thì u ám nặng nề, “kịch tính hóa” những gì lẽ ra đơn giản, thích “bi quan phức tạp” một cách không cần thiết…Có đoạt Nobel đi nữa thì cũng…không thích, đã sao nào ?! Vì vậy mà đưa các vị này vào trong ngoặc, kiểu” giải thích thêm”…Hè hè )

    Tóm lại, nhà văn Mỹ chỉ là thế đấy, khiêm tốn thế thôi, họ không có như cầu hay cảm hứng về những gì mà tác giả này đang có . Họ không là nhà Chính trị hay nhà Kinh tế…thì họ không có bức xúc kiểu “ sống là đấu tranh , giải quyết mâu thuẫn thống trị, bị trị” như Marx râu… Còn Trump- tên lưu manh vô học, nổi lên và chìm xuống trong một giai đoạn ngắn ngủi , hỗn loạn và thối tha, liên quan quái gì đến cảm xúc của các nhà văn…mà “nỡ lòng” biến nó thành một thứ quan trọng đến mức“ văn học hậu Trump” gì đó?

    Cuộc sống có vô vàn khuôn mặt, không phải vì mình quan tâm đến “khuôn mặt Chính trị -Xã hội” , các “ Hợp đồng sách”…mà cho rằng các mối xúc cảm khác là không có giá trị, muốn tất cả “phải”cùng quan tâm đến cái mình muốn…Đó là thứ não trạng độc tôn , thiếu khoan dung của cái nhìn hạn hẹp… là” bạn của Tố Hữu”…
    ( trích “…Vấn đề của tôi đối với “nghề viết” không chỉ là nó thậm chí không phải là nghệ thuật….nhưng nói chung họ không có lý thuyết về lao động, về sự bóc lột lao động…, tiêu chuẩn cho các hội thảo viết văn lại không liên quan đến chính trị….”- ???…
    Bà Hindi viết: “Những người thực dân viết về bông hoa. “Tôi muốn làm nhà thơ quan tâm đến trăng sao. Người Palestine không nhìn thấy trăng sao từ các phòng giam và nhà tù“.- Đây là loại thơ của tôi …) Hết trích và ….nặng mùi quá mức !!!
    Version mới “ nghệ thuật vị nhân sinh “chăng ? cũng lại lao động vào bốc lột đâu đó, cũng lại “Hoa, trăng sao “… rồi sang ngay “Palestine với nhà tù”…? Bài viết đi vòng quanh nhưng thật ra có quái gì sâu sắt hay khó hiểu đâu, chỉ là đầy mùi “triết gia sa lông phản chiến “ngày xưa …(Tôi cực kỳ dị ứng với loại này )– nhất là cứ thoang thoáng bóng dáng của bác CB và “lý lịch Jesus Christ “.
    Không phải cứ có giải thưởng Pulizer là sẽ thoát “bệnh ngạo mạn cực đoan” đâu, đôi khi còn bị nhiễm nặng hơn là khác…

  3. Trong vườn hoa xinh tươi thơm ngát và kỳ diệu đến não lòng của thế giới văn học nghệ thuật gồm những tiểu thuyết gia, thi nhân, nhạc sĩ cổ điển, nghệ thuật múa ba lê…Âu, Á kim cổ; thì những đóng góp của nước Mỹ sinh sau đẻ muộn chỉ có một phần khiêm tốn ở các thế kỷ trước, có thể đếm trên đầu ngón tay được mươi lần.
    20 năm của thiên niên kỷ thứ 3, người đọc không còn tìm được từ nền văn học Mỹ những thú vị một thời như The Yearling của Marjorie Kinnan Rawlings, The Old Man and The Sea của Ernest Miller Hemingway hay những tác phẩm say đắm của Mark Twain, Jack London, Edgar Allan Poe…mà sinh viên các chứng chỉ Anh ngữ thuộc Văn khoa các đại học miền Nam trước 1975 đã lặn lội tìm đọc và thích thú thu thập dữ liệu văn học cho kỳ thi đang chờ đợi.

    Chỉ thấy toàn những hoa mồng gà, sống đời, lan tỏi, cúc, hướng dương…như bài dịch hôm nay. Thất vọng.

    • Nguyễn Thanh Việt là dân Buồn Muôn Thủa, lẽ ra giờ này cuốc cà phê thấy mồ. Qua tới Mỹ, hưởng ơn mưa móc của mấy thằng Mỹ trắng từ trong nước tới Mỹ mà cứ “tâm tư” bắt mệt… người ta chết 6 chục ngàn để cho giáo sư chém gió… thật cám cảnh… trưởng thành lên chứ…

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây