Vài dòng về ông Nguyễn Đình Hương và ông Nguyễn Hữu Đang

Hoàng Hải Vân

5-5-2020

Ông Nguyễn Hữu Đang (bên trái) và GS Trần Văn Giàu – Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ (1995). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ, cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa qua đời được truyền thông ca ngợi là một trong những cán bộ chính trực, chí công vô tư, là nhà tổ chức có tầm nhìn của công cuộc đổi mới. Tôi cũng thấy ông là một người đáng được ngưỡng mộ. Báo chí cũng nhắc tới ông, với tư cách là một người có trọng trách, đã có công đưa cựu “chính trị phạm” Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội và thu xếp chế độ hưu trí cho ông Đang, đồng thời còn ủng hộ việc trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 4 nhân vật lẫy lừng của phong trào Nhân văn giai phẩm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm.

Thái độ của ông Nguyễn Đình Hương thật đáng quý. Nhưng theo tôi, đó chẳng phải là “công” gì đối với ông Nguyễn Hữu Đang và 4 văn nhân lừng danh nói trên, mà chỉ là những việc ông cần làm, riêng trường hợp của ông Nguyễn Hữu Đang thì ông Hương làm quá muộn.

Ông Nguyễn Hữu Đang là một nhà cách mạng, là một trong những người có công trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong kháng chiến chống Pháp. Tuy chức vụ cao nhất chỉ là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhưng ông là Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, do đó ông còn là một nhân vật lịch sử. Ông là nhà chính trị nhìn xa trông rộng, là người khởi xướng và là thủ lĩnh phong trào Nhân văn Giai phẩm. Mọi người đều biết Nhân văn Giai phẩm đã thu hút những người tài giỏi nhất trong giới văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc sau năm 1954. Họ không chỉ là Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Bính, Nguyễn Hữu Loan, Quang Dũng… mà còn có Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và nhiều nhân tài khác, những cái tên khi nhắc đến khiến ta phải cúi đầu.

Thực chất của phong trào Nhân văn Giai phẩm không phải chống chế độ chống đất nước gì cả, mà là sự khởi đầu cho khuynh hướng tự do sáng tác, tự do học thuật và dân chủ hóa xã hội, không chịu sự câu thúc của chính trị giáo điều. Chính từ phong trào này mà những tư tưởng cải cách được tích tụ, len lỏi trong xã hội, góp gió thành bão, để đến giữa những năm 1980 thúc đẩy thành công cuộc Đổi Mới. Họ đã đi trước thời đại 30 năm. Những gì họ chống vào năm 1956 thì năm 1986 Đảng Cộng sản cũng chống.

Trở lại chuyện ông Nguyễn Hữu Đang. Nhóm Nhân văn Giai phẩm bị đánh tơi bời lên bờ xuống ruộng, nhiều người phải đi cải tạo lao động, không được công bố các sáng tác, nhưng chỉ có 2 người bị kết án tù. Đó là nhà chính trị Nguyễn Hữu Đang và nhà văn Thụy An, dù nữ văn sĩ này không hề viết gì cho Nhân văn Giai phẩm mà chỉ bị vu oan là “gián điệp”.

Theo như báo chí ca ngợi ông Nguyễn Đình Hương thì dường như ông Hương có công minh oan gì đó cho ông Nguyễn Hữu Đang. Không hề. Ông Đang ở tù 15 năm (nếu không có Hiệp định Paris thì không chắc ông Đang được ra tù vào năm 1973), không được minh oan, không ai tuyên bố giảm án. Sau khi ra tù ông thực chất còn bị quản thúc một thời gian dài ở quê nhà, bơ vơ không vợ không con. Người thân của ông Đang phải mang đơn đi gửi khắp nơi, cuối cùng ông phải đến nhờ ông Nguyễn Đình Hương giúp đỡ. Và ông Nguyễn Đình Hương đã đề xuất thu xếp cho ông có nhà ở tại Hà Nội và cuối đời được hưởng lương hưu trí “hàm” thứ trưởng.

Thời điểm đó diễn ra rất lâu sau Đổi Mới. Có lẽ từ đề xuất của ông Nguyễn Đình Hương mà lãnh đạo lúc đó mới phát hiện ra những người tiền nhiệm của mình đã sai. Các vị đã âm thầm sửa sai bằng việc giải quyết một chút chế độ chính sách cho ông và không ngăn cản báo chí đăng bài của ông hoặc viết bài về ông.

Các vị lãnh đạo khởi xướng Đổi Mới là những người có công đối với đất nước. Các vị cũng chống những gì ông Nguyễn Hữu Đang chống từ 30 năm trước, các vị được tôn vinh, còn ông Nguyễn Hữu Đang thì bị coi là một tội đồ. Sinh thời ông Nguyễn Hữu Đang, các vị và những người kế nhiệm các vị vẫn còn nợ ông một lời xin lỗi.

Nhưng chuyện đã qua, những người trong cuộc hầu hết đã thành người thiên cổ. Nhân ông Nguyễn Đình Hương qua đời báo chí có nhắc đến ông Nguyễn Hữu Đang, tôi chỉ viết vài dòng công bằng.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nhắc đến ông Nguyễn Hữu Đang thì phải nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã nói với ông Đang rằng,”việc khó mới giao cho chú”
    Ở phủ chủ tịch đang có triển lãm về vị “đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới”. Không biết danh xưng dành cho người phát lệnh cuộc tổng tấn công Mậu Thân này có từ bao giờ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây