Vai trò cựu binh Mỹ trong QH Mỹ - Việt

Ông Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm liên quan vụ thảm sát nhiều phụ nữ và trẻ em thời chiến tranh Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Spencer Plat tNewsmakers Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm liên quan vụ thảm sát nhiều phụ nữ và trẻ em thời chiến tranh Việt Nam

Nhiều vị Tổng thống Hoa Kỳ phải có được sự ủng hộ của các cựu chiến binh mới có các động thái tiến gần hơn với Việt Nam, theo một nhà phân tích về quan hệ quốc tế từ Đại học George Mason.

Nhận xét tại Bàn tròn thứ Năm hôm 2/6 của BBC Tiếng Việt về những tranh cãi xung quanh vụ việc cựu chiến binh Bob Kerrey và vai trò tại Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:

"Ông Clinton phải nhờ mấy ông đã từng đánh nhau ở Việt Nam rồi ủng hộ mới dám làm chuyện đó [bình thường hóa quan hệ].

"Kỳ này khi ông Obama sang Việt Nam, trước kia ông McCain muốn làm nghị quyết ở thượng viện ủng hộ không thành công, mà ông ấy sang ông ấy bỏ cấm vận.

"Nhưng sau đó thì ngày 23/5 vừa qua, trên tờ New York Times có bài bình luận do ba ông là John McCain, ông John Kerry và ông Bob Kerrey viết ủng hộ gỡ bỏ lệnh cấm vận đó, tức là bởi không có nghị quyết thì mấy ông đó đưa ra bài viết gần như là đồng thuận lưỡng đảng để giúp ông Obama khỏi bị chỉ trích bên này.

"Vì bên này cũng có nhiều người muốn chỉ trích lệnh cấm vận cũng như trường hợp ông Bob Kerrey. Tôi nghĩ ông Kerrey thành thật muốn giúp Việt Nam.

"Vấn đề chỉ đặt ra thôi đó là tùy từng người. Vấn đề là có nên tha thứ không? Thì tôi thấy là đa số những người hỏi ở Việt Nam họ đều nói là nên tha thứ," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC từ Washington, D.C hôm thứ Năm.

Hôm 04/06, truyền thông Việt Nam trích lời Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nói về vụ ông Bob Kerrey: "Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa."

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một buổi thảo luận của BBC Tiếng Việt
Chụp lại hình ảnh, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một buổi thảo luận của BBC Tiếng Việt

Nguyên Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm liên quan tới vụ thảm sát nhiều phụ nữ và trẻ em ở làng Thạnh Phong, Bến Tre năm 1969, và nay nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tín thác của FUV.

Đây là dự án do Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác thực hiện, và được Việt Nam trao quyết định thành lập hôm 25/05, với sự tham gia của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Đây là trường đại học hoàn toàn có vốn nước ngoài, do Việt Nam đóng góp khu đất.

Ngoại trưởng John Kerry cũng là một cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam giai đoạn 1968 - 1969.

Chuyên gia truyền thông và thương hiệu từ Việt Nam, người từng đi học nước ngoài với học bổng Fulbright, bà Đỗ Minh Thùy cho rằng, ông Bob Kerrey "thiết thực đóng góp" cho quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.

"Ông Bob Kerrey có sai lầm thời trẻ, nhưng đã xảy ra gần 50 năm rồi," bà Thùy nói và cho rằng lời xin lỗi tới người dân Việt Nam của ông Kerrey là "chân thành".

Ngoài ra, ông "không chỉ xin lỗi mà còn nỗ lực hơn khả năng của họ đề đền đáp, bù đắp vết thương chiến tranh, thiết thực đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ."

Hòa giải

Trả lời câu hỏi của Hạnh Ly, BBC Tiếng Việt về cách nhìn nhận chiến tranh và câu chuyện hòa giải từ sự việc xung quanh chuyện ông Bob Kerrey, ông Phạm Hữu Thắng, cựu Đại tá quân đội Việt Nam nói, đây là vấn đề mà chính quyền Việt Nam quan tâm.

Bên cạnh quan hệ hai nước còn là vấn đề hòa giải với Việt Nam Cộng hòa, cựu đại tá đồng thời là nhà nghiên cứu từ viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nói:

"Hậu quả chiến tranh còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết và vấn đề hòa giải dân tộc là vấn đề mà dư luận quan tâm, tất nhiên là cả hai phía, cả phía những người Việt Nam Cộng hòa ngày xưa và của chính thể, nhân dân ngày nay.

"... Việt Nam hiện nay rất mong muốn hòa giải giữa hai phía, những người còn lại của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước kia, rất muốn có sự đóng góp và xây của họ cho phát triển đất nước."

PGS.TS Jonathan London phản đối vai trò của ông Bob Kerrey tại Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, PGS.TS Jonathan London phản đối vai trò của ông Bob Kerrey tại Việt Nam

Cuối chương trình, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng kết luận rằng, ông 'chấp nhận' ông Bob Kerrey dựa trên truyền thống của Việt Nam và quyền lợi của chính quyền.

"Từ xưa đến nay tôi chưa thấy một chính trị gia cỡ lớn nào mà nói những lời tuyên bố rõ ràng thẳng thắn và chi tiết như ông Kerrey.

"Điểm thứ hai, tranh cãi về ông Kerrey là vấn đề biểu tượng, mỗi người suy nghĩ biểu tượng của ông ấy là gì. Tôi nhìn thấy hai điều: thứ nhất là truyền thống dân tộc Việt Nam và thứ hai là quyền lợi của chính quyền Việt Nam, và khi nhìn vào hai điều đó, tôi đi đến kết luận là chấp nhận ông Kerrey."

Tuy nhiên nhà quan sát xã hội, Phó Giáo sư Jonathan London cho rằng lựa chọn ông Bob Kerrey vào vai trò này ở Việt Nam là 'rất đáng tiếc'.

"Chưa rõ là ông Kerrey có rút hay không, nhưng tôi nghĩ đó là giải pháp tốt nhất," đặc biệt là sau chuyến đi để lại ấn tượng tốt của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông London nói trong buổi thảo luận.

Ông giả thích thêm, "có một số nhà sử học, hoặc một số người làm việc ở Việt Nam đã lâu mà hiểu biết nhiều về Việt Nam đương đại có thể phù hợp hơn và hiệu quả hơn vào vị trí này.

"Tốt nhất là những người làm ở vị trí này không để mất tầm nhìn về tương lai."