Về một cảnh ‘phản cảm’ trong phim “Muôn vị nhân gian”

Thái Hạo

Chủ nhật 31-3-2024

Đêm qua, sau khi đọc một số bài viết phê phán một cảnh “phản cảm” trên phim Muôn vị nhân gian của Trần Anh Hùng, là món thịt chim họa mi, tôi lại muốn xem lại Bố già (The Godfather). Và đã xem cho đến gần sáng. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi xem bộ phim kinh điển thuộc loại “hay nhất mọi thời đại” này.

Phim về thế giới mafia Mỹ giữa thế kỷ 20, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo, trong đó nhân vật chính là Bố Già Corleone, và sau này là con trai út của ông – Michael. Đầy cảnh thao túng, thanh toán, giết chóc, máu me, phản bội, bạo hành, báo thù... Một bộ phim (và tiểu thuyết) như vậy có là “phản cảm”?

Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật là đứng trước đời sống, nhưng cũng không phải là đời sống, hiểu theo cái nghĩa một đối một. Lối “phê bình dung tục” đã từng ăn sâu vào “phong hóa” xã hội Việt Nam khi đánh giá một tác phẩm dựa trên tiêu chuẩn “phản ánh” có chính xác hiện thực hay không. Nghệ thuật là một sự cách điệu mà ở đó các chi tiết đã trở thành biểu tượng, nâng con người vượt lên khỏi những chìm đắm hàng ngày, để cảm, để nghĩ và sống với một cái gì cao hơn hiện thực ấy. Đó chính là sức mạnh và sự kỳ diệu của nó.

Nguyễn Tuân ca ngợi cả nghệ thuật chém đầu người, bởi ông muốn nhìn mọi thứ dưới con mắt duy mỹ, tất cả đều phải đẹp, kể cả việc chém đầu – đó là một trong những giá trị của Vang bóng một thời. Nếu dùng con mắt đạo đức để phán xét thì mối tình của linh mục Ralph và Meggie không gì đáng lên án hơn, đặc biệt là trong mắt những người Công giáo. Nhưng không, nỗi đau mà cuốn tiểu thuyết mang đến đã nâng con người lên một trong những giằng xé, bi kịch, khát vọng, và “sự nhức nhối làm người”.

Không cần nói đâu xa, ngay một tác phẩm trong sách giáo khoa 12, là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu với hình ảnh ông chồng như một con quỷ đánh vợ mỗi ngày, thậm chí đánh vợ đã trở thành “nếp sống” của ông ta. Nhưng lạ thay, tác giả không phê phán nhân vật này, ngược lại còn tìm cách thấu hiểu những thống khổ và nỗi đau bên trong của y. Và, như chúng ta biết, sách giáo khoa đã dạy học sinh về “tinh thần nhân đạo” của Nguyễn Minh Châu qua những nhân vật như vậy. Cũng trong truyện ngắn này, người đàn bà làng chài đã tự nguyện để cho chồng đánh, và một mực bảo vệ ông ta trước quan tòa. Nếu cứ nhìn nghệ thuật bằng “con mắt đạo đức kiểu thầy tu” thì ta không sao đọc nổi những câu chuyện như thế.

Nghệ thuật là đời sống, nhưng không trùng khít với đời sống. Sứ mệnh của nó là nâng đỡ con người bằng ngôn ngữ riêng.

Xem Bố già chắc không ai trở nên hung hãn và hiếu sát, ngược lại nó dựng lên trong mỗi người ý thức về phẩm giá, tình bạn, công lý, tự trọng. Đọc Chém treo ngành chắc không ai đi học cách chém đầu cho giống tên đao phủ kia; đọc Chiếc thuyền ngoài xa cũng thế, không ai lôi vợ ra đánh khi bỏ cuốn sách xuống. Bởi nó dội vào lòng người nỗi bi kịch của nhân thế và xã hội, nó làm người ta khóc và khởi sự đi tìm một chân trời. Đó chính là ngôn ngữ của nghệ thuật.

Nếu muốn một bộ phim, hay tác phẩm nghệ thuật bất kỳ, phải không có cảnh “phản cảm” thì có lẽ Hollywood nên giải tán, những Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp và hàng vạn tác phẩm danh giá của văn học thế giới cũng nên bị chỉ trích và ném vào sọt rác.

Một cảnh về món thịt chim trong bộ phim lấy bối cảnh thế kỷ 19 ở Pháp, chưa cần xét đến đòi hỏi về tính chân thực, mà ngay cả khi nếu là hư cấu thì nó vẫn được biện minh, bởi đặc trưng của nghệ thuật: tính biểu tượng của hình ảnh. Đừng nói ăn thịt chim, ngay cả ăn thịt người để diễn tả cho được cái tàn khốc hoặc tình yêu thương, thì người nghệ sĩ vẫn cho nhân vật ăn như thường. Ai còn nhớ Thoại Khanh – Châu Tuấn? Nàng dâu đã lóc thịt trên cánh tay mình cho mẹ chồng ăn. Nếu chỉ chú ý đến cái chuyện “ăn thịt người” này thì có lẽ đừng đọc, đừng xem thì tốt hơn.

Trong Rừng Na Uy, cô con gái cởi truồng, lõa lồ đứng trước bàn thờ bố; cũng trong Rừng Na Uy, một cậu trai đã quan hệ 12 lần với một người hơn mình cả chục tuổi chỉ trong một đêm. Cuốn tiểu thuyết đầy cảnh thác loạn và sự buông tuồng này không những không nhận chìm con người vào hư hỏng, mà ngược lại, nó dội vào lòng người những bế tắc, đau khổ và thân phận của cả một lớp người. Nó làm con người sống biết thấu hiểu, yêu thương, độ lượng và lên đường đi tìm cái đẹp.

Xem phim, đọc truyện, nếu ta không sẵn lòng đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, thì rất có thể ta sẽ biến nó thành một bài báo hoặc một báo cáo về tình trạng đạo đức hoặc tác động môi trường...

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn