7.5.20

Về tính phù phiếm của kinh tế học chính quy: sự đánh đổi giữa hoạt động kinh tế và rủi ro y tế

VỀ TÍNH PHÙ PHIẾM CỦA KINH TẾ HỌC CHÍNH QUY: SỰ ĐÁNH ĐỔI GIỮA HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ RỦI RO Y TẾ

Michel Husson
“Tôi cảm thấy khiếp sợ giới kinh tế học từ khi tôi nghe một nhà kinh tế học nói là gã sợ rằng nạn đói ở Ireland không giết chết đến một triệu người và, như vậy chỉ vừa đủ để thực sự có ích.[1]
Hiện nay, tất cả các chính phủ đang mò mẫm tìm sự đánh đổi tối ưu giữa hoạt động kinh tế và rủi ro y tế. Một hệ quả của tình hình này là rọi ánh sáng vào tính phù phiếm của kinh tế học chính quy. Chủ đề về sự đánh đổi biểu lộ những giới hạn của kinh tế học này và ngầm chỉ các vấn đề chúng ta cần đối diện. Hãy bắt đầu bằng một văn bản nhại.
Sự đánh đổi giữa GDP và tử vong: bản văn (nửa) nhại
Đứng trước dich bệnh như Covid-19, một nhà kinh tế học chính thống sẽ phân tích như sau. Điểm đầu tiên: Có mối quan hệ nghịch giữa số tử vong và tổn thất tổng sản phẩm trong nước GDP. Để tử vong ở mức tối thiếu (Nmin), phải kìm hãm nghiêm ngặt nền kinh tế bằng cách đóng băng tất cả các hoạt động không thiết yếu. Nhưng tổn thất GDP khi ấy sẽ ở mức tối đa (Qmax). Ngược lại, nếu hoạt động kinh tế được xem là ưu tiên, số tử vong sẽ ở mức tối đa (Nmax), tổn thất GDP giảm ở mức tối thiểu (Qmin).
Đoạn đường thẳng màu xanh dương của biểu đồ bên dưới thể hiện các tổ hợp có thể giữa hai mục tiêu đối lập là giảm tử vong và giảm tổn thất GDP. Ta giả định, ở thời điểm hiện nay, rằng đường “ràng buộc ngân sách” này là tuyến tính và trước hết là được cho trước, là dữ kiện tùy thuộc đặc tính của dịch bệnh và khả năng ứng phó của bộ máy y tế.
Làm thế nào chọn lựa tổ hợp tốt nhất? Lý thuyết giải đáp: Có một hàm sở thích (chí ít là hàm ẩn) biểu thị các lựa chọn của “tác nhân tiêu biểu” liên quan đến hai nhân tố quyết định hàm lợi ích U của nó: thu nhập (Q) và sức khỏe, được đo bằng số tử vong (D).
Có thể viết hàm lợi ích này: U = f (Q, D). Lợi ích tăng theo thu nhập và giảm theo số tử vong. Do đó, ta có: dU / dQ> 0 và dU / dD < 0.
Đường cong màu xanh lá cây là một đường bàng quan: đó là quỹ tích của các cặp (Q, D) cung cấp cùng mức độ lợi ích (utilité) hay, chính xác hơn, cùng mức độ “thỏa dụng” (ophélimité), theo thuật ngữ Vilfredo Pareto tạo ra. Ông đề xuất khái niệm về lợi ích thuần túy chủ quan này “để thể hiện mối quan hệ thích hợp làm cho một cái gì đó thỏa mãn một nhu cầu hoặc một ý muốn chính đáng hay không[2]”. Từ đó, có tác giả phô trương kiến thức đã bày ra thêm thuật ngữ “đẳng thỏa dụng” (isophélime).[3]
Biểu đồ hiển thị chỉ một đường cong “đẳng thỏa dụng”, tiếp tuyến với đường “ràng buộc ngân sách”. Nếu ở vị trị cao hơn, nó tương ứng với mức độ lợi ích cao hơn, nhưng sẽ không tương thích với ràng buộc. Nếu ở vị trí thấp hơn, nó rõ ràng sẽ ở dưới điểm tối ưu. Tóm lại, tổ hợp tối ưu (Qopt, Nopt) đạt đến ở điểm O, nơi đường cong bàng quan tiếp tuyến với đường thẳng biểu thị ràng buộc ngân sách.
Sự đánh đổi theo kiểu Trump
“Ta không thể để phương thuốc chữa trị lại tồi tệ hơn vấn đề” - Trump viết trong  tweet ngày 23 tháng 3. Ông bổ sung tuyên bố về nguyên tắc này với một định hướng về chiến lược: “Hết thời hạn 15 ngày (giãn cách xã hội) này, chúng ta sẽ quyết định con đường phải đi[4]”. Tiếp lời tổng thống, Lawrence (Larry) Kudlow, trưởng cố vấn kinh tế của Trump, giải thích trên Fox News: Đơn giản, thiệt hại kinh tế gây ra bởi giãn cách xã hội thật quá to tát. Ta không thể ngừng nền kinh tế và sẽ phải đánh đổi một cách khó khăn việc bảo vệ sức khỏe người Mỹ chống lại virus với việc phục hồi thị trường chứng khoán ở mức trước đây của nó[5]”.
Larry Kudlow và ông chủ của mình.
Hãy lưu ý rằng, đối với Kudlow, hoạt động kinh tế được đo lường theo giá cả thị trường chứng khoán. Cũng nên dừng lại trên nhân vật này, bởi chân dung của ông cho phép đo lường mức độ thoái hóa trí tuệ ở Hoa Kỳ. Thật vậy, người giữ vai trò trưởng cố vấn kinh tế của Trump còn được đánh giá là “nhà kinh tế học giả hiệu luôn luôn sai lầm” (Always-Wrong Pseudo-Economist)[6]. Năm 1994, Kudlow đã bị đuổi khỏi ngân hàng Bear Stearns vì nghiện cocain và nghiện rượu: đấy là minh họa tốt về sự phân biệt của Pareto giữa thỏa dụng (ophélimité) và lợi ích (utilité). Kudlow chuyển nghề qua làm bình luận viên kinh tế trên kênh truyền hình CNBC[7]. Ông tích lũy sai lầm suốt sự nghiệp của mình, ví dụ như lời phê phán tháng 12 năm 2009 đối với ê-kíp của tổng thống Obama “vì ngoan cố từ chối tin tưởng thị trường tự do. Trong khi tại một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng, thị trường đã giải quyết được vấn đề nhà ở”. Và ngày 25 tháng 2 vừa qua, Kudlow còn tuyên bố rằng dịch bệnh đã được “kiềm chế”, và mặc dù có “thảm kịch con người”, nó sẽ không dẫn đến “thảm kịch kinh tế”.
Emanuel Ornelas
Sự đánh đổi theo đường cong
Mô hình nhỏ trình bày ở trên có vẻ đơn giản hóa cực kỳ. Vậy mà nó thể hiện đúng nền tảng tư tưởng của kinh tế học thống trị, như Emanuel Ornelas, giáo sư kinh tế học Trường Sao Paulo School of Economics, xác nhận: “Ở đỉnh điểm của một dịch bệnh nghiêm trọng, sự phong tỏa gần như hoàn toàn là tốt hơn không làm gì cả khi đất nước không có chuẩn bị. Tuy nhiên, phong tỏa không thể kéo dài, thời gian của nó do lợi ích (y tế) và chi phí (kinh tế) cận biên của nó xác định[8].” Và Ornelas tạo ra biểu đồ dưới đây, là một cách khác để thể hiện sự đánh đổi giữa GDP và số tử vong. Hai đường cong giao nhau tại một điểm xác định thời gian phong tỏa tối ưu.
Mới đây, ba nhà kinh tế học, có lẽ nghiêm túc hơn Kudlow, đã công bố một bài viết với tiêu đề khiêm tốn “Kinh tế học vĩ mô về dịch bệnh[9]”. Họ lấy cảm hứng từ một mô hình cũ có từ năm 1927[10]. Mô hình này mang tên SIR: S cho Susceptible (có khả năng bị nhiễm), I cho Infected (bị nhiễm) và R cho  Recovered (lành bệnh). Thông điệp chính của bài viết là “không thể tránh khỏi sự đánh đổi giữa mức độ nghiêm trọng của suy thoái ngắn hạn mà dịch bệnh gây nên và những hậu quả về sức khỏe của nó. Xử lý đánh đổi này là thách thức lớn đối với những người quyết định chính sách”.
Nếu chúng ta muốn tránh trạng thái “cân bằng cạnh tranh không tối ưu về mặt xã hội”, ta phải cân đối các mục tiêu, chấp nhận giảm mức tiêu dùng nhiều hơn hầu giảm số tử vong, như biểu đồ dưới đây minh họa. Một lần nữa, đây chỉ là một phiên bản phái sinh thuộc sơ đồ cơ bản trong đó có sự đánh đổi giữa tổn thất về GDP (ở đây là tiêu dùng) và số tử vong.
Các nhà kinh tế học Ý đã tụ họp đến sáu tác giả để tìm phương cách tổ chức cuộc chiến đấu chống dịch bệnh với cùng mối quan tâm là không “giết chết nền kinh tế thế giới[11]”. Bởi vì giới trẻ được giả định là ít rủi ro bị nhiễm virus, nên đề xuất chính yếu là “nhanh chóng đưa họ trở lại lao động” với một phần mềm ứng dụng cho phép họ “lập tức theo dõi sự lây lan” của dịch bệnh.
Đối với Richard Balwin, một nhà kinh tế học bị mê hoặc bởi toàn cầu hóa[12] - mà theo ông là một loại bản chất thứ hai của loài người -, câu hỏi đáng lo ngại nhất là lạm phát. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ gây ra tình trạng khan hiếm tương đối về các mặt hàng thiết yếu, và do đó làm cho chúng tăng giá[13]. Chứng minh của ông dựa trên thứ ký họa mà các sinh viên kinh tế học đều tập đọc từ năm thứ nhất. Chúng tôi đăng lại dưới đây vì tính sư phạm của nó.
Tuy nhiên, điều khiến Baldwin lo lắng nhất, đó là các công dân có thể cho rằng sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu này là “không công bằng”, thậm chí là “không thể chấp nhận được”. Theo ông, lịch sử cho thấy rằng trong tình hình đó có nguy cơ hình thành “những lực lượng chính trị dẫn đến chế độ về kiểm soát giá và về hạn mức (nhằm phân phối các hàng hóa khan hiếm)”. Đằng sau những đường cong xê dịch trên biểu đồ, ta có thể nhận ra nỗi sợ hãi của tầng lớp xã hội thống trị: biết đâu cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khởi động một phong trào ủng hộ kế hoạch hóa kinh tế?
Sự đánh đổi giữa ngắn hạn và trung hạn
Ý nghĩ về đánh đổi bị bác bỏ trong một bản tuyên bố chung giữa nữ tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và tổng giám đốc Tổ chức ý tế thế giới WHO: “Thoạt nhìn, người ta nghĩ rằng phải có đánh đổi: Hoặc cứu mạng sống, hoặc bảo tồn sinh kế. Gọi là thế lưỡng nan ở đây là sai: Trên thực tế, kiểm soát được virus là điều kiện tiên quyết để bảo tồn các nguồn lực[14]”.
Francisco Saraceno cũng chỉ trích ý tưởng đánh đổi “phi lý” này: “Cứu mạng sống là có lợi cho nền kinh tế[15]”. Tác giả lấy ví dụ của chiến lược chống dịch ban đầu của Boris Johnson. Nếu nó được thực hiện và hàng chục triệu người Anh bị lây nhiễm thì “nguồn cung lao động đã suy giảm trong nhiều tháng và gây rối loạn lớn trong sản xuất”.
Thật ra, ý nghĩ về đánh đổi mang một tính chất khác. Ta có thể giảm cú sốc về sản xuất bằng cách chấp nhận tử vong nhiều hơn, nhưng lựa chọn này sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài trên nền kinh tế. Nói cách khác, các lựa chọn ngắn hạn quyết định quỹ đạo trung và dài hạn. Khi ta muốn tránh suy thoái kinh tế tức khắc quá trầm trọng, lối thoát khỏi khủng hoảng sẽ theo hình chữ U, thậm chí hình chữ L, thay vì hình chữ V.
Căn cứ vào kinh nghiệm cuộc khủng hoảng lần trước (2008), biểu đồ dưới đây minh họa các lối thoát khác nhau hình chữ V, chữ U hay chữ L[16]. Minh họa cho lối thoát L là trường hợp của Hy Lạp, và ta có thể tự hỏi xem nó có báo trước quỹ đạo tương lai, chí ít, tại một số nước.
Saraceno mô tả chi tiết những động thái: Ngay cả khi ta chấp nhận để dịch bệnh lay lan để bảo tồn hoạt động kinh tế, một số khu vực (du hành, du lịch, dịch vụ), trong mọi trường hợp, sẽ suy giảm đáng kể. “Các chuỗi giá trị toàn cầu bị rối loạn và thương nghiệp bị ảnh hưởng (…) Niềm tin của người tiêu dùng và kỳ vọng của giới doanh nghiệp suy sút trong nhiều tháng, tiêu dùng và đầu tư đình trệ, sự can thiệp của nhà nước trở nên cần thiết không khác nào khi ta chọn phong tỏa. Cuối cùng, giá mà ta phải trả cho khủng hoảng đại dịch này sẽ ảnh hưởng lên vốn con người và do đó lên năng suất và tăng trưởng dài hạn”.
John M. Keynes (1883-1946)
Paul Krugman (1953-)
Không có gì đảm bảo rằng các hiệu ứng nói trên sẽ không xuất hiện ngay cả trong trường hợp ta chấp nhận kinh tế suy thoái nghiêm trọng nhưng tập trung hơn trong thời gian. Tác giả của một bài viết mới đây, trình bày “lý thuyết các cú sốc về cung theo kiểu Keynes[17], cho rằng những cú sốc liên quan đến dịch Covid-19 (ngưng hoạt động lao động, sa thải, phá sản) có thể làm cho cầu suy giảm còn nhiều hơn các cú sốc tự nó. Được Paul Krugman ca ngợi, cách tiếp cận này thực sự hấp dẫn vì sự mô hình hóa tinh tế của nó. Nó cho thấy việc đối lập “cú sốc cung” với “cú sốc cầu” phi lý như thế nào: vấn đề then chốt là tái sản xuất tư bản. Vấn đề không phải là thiết lập “cân bằng” giữa cung và cầu, đó là xem xét điều kiện tái sản xuất tư bản mà ta chỉ có thể phân tích trong trạng thái động.
Sự đánh đổi giữa cuộc sống và tài chính công
Có nhiều bài viết về những lựa chọn liên quan đến y tế công. Các bài này vận dụng khái niệm “giá trị cuộc sống”[18] theo lô-gích tính toán chí phí - lợi ích. Đây rõ ràng là một sự đánh đổi như hai nhà lý luận giải thích: “Bởi vì ta không sẵn sàng hy sinh tất cả để tăng kỳ vọng sống, điều đó có nghĩa là giá trị cuộc sống của ta có hạn. Vì cuộc sống có ý thức là nghệ thuật về quyết định, và vì quyết định là nghệ thuật so sánh các giá trị, con người không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt giá trị tương đối cho mọi thứ. Đơn giản là không có chọn lựa thay thế. Nhà hiền triết từ chối làm như thế là đáng kính trọng, nhưng đặt người phải quyết định trước vực thẳm các chọn lựa của mình[19].”
Christian Gollier (1961-)
Jean Tirole (1953-)
Một trong những tác giả của câu nói mạnh dạn này, Christian Gollier, là giám đốc Trường Toulouse School of Economics  do Jean Tirole, “giải thưởng Nobel” về kinh tế học năm 2014, đứng đầu. Trong một phỏng vấn gần đây[20], Gollier minh chứng sự sáng suốt của ông qua câu trả lời: “Lợi thế, nếu ta có thể nói, của cuộc khủng hoảng hiện nay là nó không mang tính cấu trúc như vào năm 1929 hay, gần đây hơn, vào năm 2008 (…) Chúng ta ở trong thế bị cú sốc hoàn toàn ngoại sinh, với khả năng phục hồi thật mạnh mẽ, chứ hoàn toàn không phải là một cú sốc đòi hỏi phải tái cấu trúc nền kinh tế (…) Khi thoát khỏi khủng hoảng, ta có thể tiêu dùng trở lại và đẩy lên lại nền kinh tế.” Sự đánh đổi thật ra không có gì phức tạp lắm: “Các nhà sản xuất phải đưa người lao động trở vào xí nghiệp và sản xuất trở lại”. Cho dù về sau Gollier tiết chế lời lẽ, phát biểu của ông, ngụ ý rằng những người lao động không phải là người sản xuất, chỉ cần “đưa họ trở vào xí nghiệp”, nói lên tính hầu như phong kiến, phi nhân của thứ “khoa học” kinh tế này.
Một số chuyên gia về y tế công vừa công bố một đóng góp ngắn[21] vào cuộc tranh luận về dịch bệnh. Từ một con tính qua loa, họ đi đến một kết quả thiết yếu là: để tránh những trường hợp tử vong của coronavirus, mức giảm tiêu dùng tối đa là 26%. Cách thức họ đạt đến kết quả bí ẩn này cần được xem xét chi tiết hơn.
Mô hình của họ sử dụng các biến sau đây: d là tỷ lệ tử vong trong dân số có nguy cơ bị nhiễm, tức một phân số 1/n của tổng dân số, và L là số năm bình quân họ còn có thể sống. Giá trị của cuộc sống một năm, v, được tính bằng số năm tiêu dùng trên đầu người: ví dụ, nếu một năm cuộc sống có giá trị 150.000 đô la và mức tiêu thụ trên đầu người là 50.000 đô la, thì v = 3[22].
Để tránh rủi ro về dịch bệnh, xã hội sẽ sẵn sàng từ bỏ một phân số của một năm tiêu dùng theo công thức: a = d.v.L/n. Các tác giả đưa ra ví dụ bằng số, với v = 3, L = 10 và n = 6. Trong trường hợp này, dịch bệnh có khả năng nhiễm 1/6 tổng dân số mà kỳ vọng sống còn lại là 10 năm. Vì một năm sống còn lại có giá trị 3 năm tiêu dùng bình quân đầu người, công thức nói trên viết: a = 5d. Như các tác giả tóm tắt, “xã hội sẵn sàng từ bỏ trong một năm 5% tiêu dùng cho mỗi điểm phần trăm tử vong của covid-19; nếu tỷ lệ tử vong (d) là 4%, nó tương ứng với 20% mức tiêu dùng. QED.
Đằng sau thuyết trình số học cực kỳ đơn giản hóa này, có một mô hình tinh vi hơn vận dụng một hàm lợi ích xã hội (utilitarian social welfare). Nó phụ thuộc vào việc giảm mức tiêu dùng cho một tỷ lệ tử vong nhất định và, theo các tác giả, sẽ giúp ta quan niệm “sự đánh đổi giữa tiêu dùng của người sống sót và tử vong của covid-19”. Đầu tiên, các tác giả khảo sát trường hợp của một “tác nhân tiêu biểu”, trước khi họ phân biệt “người già” (có khả năng bị nhiễm bệnh) với “người trẻ” (trên nguyên tắc, không có khả năng bị nhiễm). Trong trường hợp thứ hai này, xã hội chấp nhận giảm mức tiêu dùng ít hơn: 26% thay vì 35%. Nhưng ai là người quyết định việc “chấp nhận” đó? Và làm thế nào điều chỉnh các biện pháp y tế công để không vượt quá ngưỡng định mệnh 26%?
Sự đánh đổi giữa lợi nhuận và thất nghiệp
Patrick Artus (1951-)
Điều gì xảy ra nếu cũng có sự đánh đổi giữa lợi nhuận và thất nghiệp?  Patrick Artus gợi ý điều này từ một khảo sát so sánh giữa Hoa Kỳ và vùng Euro: “Mô hình của châu Âu điều chỉnh việc làm trong thời kỳ suy thoái (càng chậm và giảm nhẹ càng tốt) vượt trội so với mô hình của Mỹ (điều chỉnh thô bạo) vì nó tránh làm cho khủng hoảng trầm trọng thêm khi cầu của hộ gia đình giảm, khi mất mát vốn con người. Nhưng khuyết điểm của mô hình châu Âu là vì cách thức điều chỉnh chậm và giảm nhẹ, nó dẫn đến giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và khả năng đầu tư của nó[23]. Và Artus nhấn mạnh: muốn giảm thất nghiệp càng nhanh càng có thể sau khủng hoảng, phải “tránh vài sai lầm” và đặc biệt cần “kiềm chế tiền lương để khôi phục lợi nhuận doanh nghiệp[24].” Có lẽ ông nói đúng: Những đánh đổi thực sự vẫn ở trước mắt ta. Chẳng hạn: Cuộc sống của chúng ta hay lợi nhuận của họ.
Sự đánh đổi giữa khoa học rởm và phê phán xã hội
Cuộc viễn du trên đây cho thấy dịch coronavirus làm hiện hình những thiếu sót đáng sợ của lý thuyết kinh tế thống trị. Cách tiếp cận kinh tế học chủ yếu vi mô (với tham vọng thiết lập nền tảng của kinh tế học vĩ mô) vấp phải nhiều chướng ngại mà chúng ta đã nhận dạng. Đầu tiên là lô-gích về cân bằng không hề có hiệu quả nói chung, huống hồ trong bối cảnh hiện tại.  Tất cả các thông số đều biến đổi từ ngày này sang ngày khác, và đối mặt với tính bất trắc do chuyển biến của dịch bệnh tạo ra, phân tích kinh tế học truyền thống (ngày nay vẫn được giảng dạy) không thể mang đến hiểu biết gì về các hiện tượng.
Trong sơ đồ nhại ban đầu của chúng ta, ràng buộc mô tả mối quan hệ giữa tổn thất GDP và số tử vong (đoạn đường thẳng màu xanh dương) được giả định là cho trước. Nhưng rõ ràng không thể như vậy: có sự bất trắc cơ bản về hình dạng của nó, và điều đó giúp chúng ta hiểu được sự do dự trong chọn lựa phương thức đúng đắn chống dịch bệnh: thời gian phong tỏa, cách thức tháo dỡ phong tỏa, v.v.? Ngoài ra, đường cong hư cấu này tùy thuộc vào những chọn lựa tiến hành trước đó (dự trữ khẩu trang, số giường bệnh và nhân viên điều dưỡng, v.v.) và do đó ta phải xử lý hôm nay một tình huống được xác định trước qua tính toán kinh tế thiển cận.
Giả thuyết có một “hàm tập thể về lợi ích xã hội” hoặc có một “tác nhân tiêu biểu” tiến hành những lựa chọn có hiểu biết, giả thuyết này không vượt được thử thách của thực tế, bởi vì chủ nghĩa tư bản không vận hành như thế. Trở lại sơ đồ nhại, câu hỏi cơ bản là: Ai xác định hình dạng và vị trí của đường cong màu xanh lá cây?
Còn việc vận dụng trơ trẽn tính toán kinh tế căn cứ vào đánh giá thống kê của “giá trị cuộc sống”, nó dìm chúng ta xuống “dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ” (Marx). Một lần nữa, dịch bệnh có hiệu ứng làm hiện hình: Chủ nghĩa tư bản là một xã hội trong đó các chọn lựa đáng lý là mang tính tập thể, là kết quả của bàn bạc dân chủ, bị bỏ mặc cho quyết định của tư nhân trên cơ sở tính toán thị trường hẹp hòi.
Tháng 4 năm 2020
Người dịch: Trần Hải Hạc
Michel Husson (1949-)
Về tác giả Michel Husson
1949: sinh tại Lyon, Pháp
1974: tốt nghiệp Trường quốc gia thống kê và quản lý kinh tế (ENSAE)
1975: chuyên viên vụ dự báo kinh tế Bộ tài chính, rồi vụ thống kê Bộ Công nghiệp Pháp
1990: trưởng nhóm nghiên cứu về chính sách việc làm ở Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội (IRES) thuộc các công đoàn Pháp
1999: xuất bản Các chính sách điều chỉnh việc làm (nxb Page Deux), Một chủ nghĩa tư bản thuần túy (Page Deux, 2008). Chủ blog Hussonet.free.fr
Thành viên các tập hợp những nhà kinh tế học phi chính thống ATTAC, Les économistes atterrés.




Chú thích:

[1] I have always had a certain horror of political economists since I heard one of them say that he feared the famine in Ireland would not kill more than a million people, and that would scarcely be enough to do much good, Benjamin Jowett (nói về nhà kinh tế học Nassau Senior), trích đăng trong Cecil Woodham-Smith, The Great Hunger. Ireland 1845-1849, 1962, p. 375-6.

[2] Vilfredo Pareto, Cours d’économie politique, Tome 1, 1896, p. 3. Pareto chọn sử dụng thuật ngữ ophélimité (thỏa dụng) thay vì utilité (lợi ích) vì ông cho rằng người ta có thể ham thích những cái vô ích, thậm chí những cái có hại. Các ví dụ không hề thiếu…

[3] Trong Giao Dao Dang, Le libéralisme économique, 1990.

[4] @realDonaldTrump, “We cannot let the cure be worse than the problem”, tweet, March 23, 2020.

[5] Lawrence Kudlow, “Economic cost of prolonged coronavirus shutdown is just too great”, Axios, March 23, 2020.

[6] Nguồn: Wikipedia.

[7] Tương tự như Nicolas Bouzou (và người khác) ở Pháp.

[8] Emanuel Ornelas, “Managing economic lockdowns in an epidemic”, voxeu, 28 March 2020.

[9] Martin S. Eichenbaum, Sergio Rebelo, Mathias Trabandt, “The Macroeconomics of Epidemics”, NBER, March 20, 2020.

[10] William O. Kermack & Anderson G. McKendrick, “Contribution to the Mathematical Theory of Epidemics”, Proceedings of the Royal Society of London, series A, vol. 115, no. 772, 1927.

[11] Andrea Ichino, Giacomo Calzolari, Andrea Mattozzi, Aldo Rustichini, Giulio Zanella, Massimo Anelli, “Transition steps to stop COVID-19 without killing the world economy”, March 25, 2020.

[12] Richard Baldwin, The Great Convergence. Information Technology and the New Globalization, 2016.

[13] Richard Baldwin, “The supply side matters: Guns versus butter, COVID-style”, voxeu, 22 March 2020.

[14] Kristalina Georgieva & Tedros Adhanom Ghebreyesus, “Some say there is a trade-off: save lives or save jobs - this is a false dilemma”, IMF, April 3, 2020.

[15] Francesco Saraceno, “There is no Trade-off. Saving Lives is Good for the Economy”, March 29, 2020.

[16] Nguồn: Philipp Carlsson-Szlezak, Martin Reeves and Paul Swartz, “Understanding the Economic Shock of Coronavirus”, Harvard Business Review, March 27, 2020.

[17] Veronica Guerrieri, Guido Lorenzoni, Ludwig Straub, IvánWerning, “Macroeconomic Implications of COVID-19: Can Negative Supply Shocks Cause Demand Shortages?”, April 2, 2020.

[18] Xem phê phán cách tiếp cần này trong: Jean-Marie Harribey, “La vie au ralenti, journal d’un confiné (21)”, blog Alternatives économiques, 6 avril 2020.

[19] Christian Gollier et James Hammitt, “Nous ne sommes pas prêts à tout sacrifier pour augmenter notre espérance de vie”, Le Monde, 3 avril 2020.

[20] Christian Gollier, “L’avantage de cette crise, c’est qu’elle n’est pas structurelle”, France Info, 6 avril 2020.

[21] Robert E. Hall, Charles I. Jones, and Peter J. Klenow “Trading Off Consumption and COVID-19 Deaths”, Stanford University and NBER, April 3, 2020.

[22] Để xác định giá trị một năm cuộc sống các tác giả sử dụng một siêu phân tích nói lên tính hoang tưởng của đóng góp của họ. Xem: W. Kip Viscusi and Joseph E Aldy, “The value of a statistical life: a critical review of market estimates throughout the world”, Journal of risk and uncertainty, vol.27, n°1, 2003.

[23] Patrick Artus, “Fonctionnement du marché du travail dans une crise aux Etats-Unis et dans la zone euro”, 2 avril 2020.

[24] Patrick Artus, “Qu’est-ce qui peut accélérer la baisse du chômage après une récession?”, 6 avril 2020.

Print Friendly and PDF