Về và sang 

IMG_0225

Tối nay trong bữa cơm cả nhà bàn về dự kiến đi thực tập trong một tương lai gần ở Việt Nam của anh con trai. Đến phần trao đổi về lịch bay ông bố (tức là người viết những dòng này) hỏi anh con trai đại ý bao giờ con sẽ về Việt Nam và bao giờ sẽ sang Đức. Anh con trai tỏ vẻ ngơ ngác, nhưng sau khi nghe nhắc lại anh cũng hiểu được ý người hỏi. Sau khi kết thúc câu chuyện (tất cả đều bằng tiếng Việt) anh con trai nhận xét, lúc nãy con không hiểu ngay ý bố vì bố hỏi bao giờ con về Việt Nam và bao giờ sang Đức, bởi bình thường ra thì con sẽ nói là sang Việt Nam và về Đức.

Ừ, vềsang đến thế hệ thứ hai đã được đảo ngược hướng nhìn, hướng nghĩ. Nhưng cũng có một bất ngờ ý vị là chàng thanh niên sinh ra và lớn lên ở Berlin đã cảm nhận được hết hàm ý của hai động từ Việt ngữ này. Tiếp theo đà câu chuyện ông bố lại chia sẻ, thì bố cũng sẽ nói là sang Mỹvề Đức như con nói sang Hà Nộivề Berlin vậy. Vậy là ngoài ngoại lệ Việt Nam, cũng như anh con trai, khi bất cứ từ một nơi khác trên thế giới trở lại Berlin, bố mẹ cậu cũng sẽ nói là về Berlin. Nhưng mà chỉ cần khứ hồi từ Việt Nam thì đương nhiên sẽ là sang Đức, sang Berlin

Bức ảnh trên chụp ngày 25.7.2012, 18:28 h giờ Berlin, lúc máy bay của chúng tôi đang hạ cánh xuống sân bay ở Milwaukee, bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên tôi được sang Mỹ, để sau đó rồi lại sẽ về Đức. Trong chuyến đi kỳ thú này, cùng với một nhóm bạn từ Berlin, khi đang rong ruổi trên một xa lộ nào đó trên tuyến đường Milwaukee, Chicago, Cleveland, Boston, NYC, tôi đã thả trí theo một giấc mơ ngày  – khi đã về già, cùng nhóm bạn Berliner Kreis ngày nào, sẽ đọc và thảo luận “Dialektik der Aufklärung” (“Biện chứng của Khai sáng”) của Horkheimer và Adorno, tất nhiên là dưới ánh mặt trời rực rỡ của Cali, bên cạnh thung lũng Silicon Valley, nơi anh con trai đang lập nghiệp và phụng dưỡng bố mẹ già.

Liệu lúc ấy chàng có sẽ còn nói con sẽ… về Berlin, … về Đức?

Berlin-Biesdorf, 07.01.2016

Viết thêm này 20.05.2020
„VỀ“ VÀ „SANG“ 

Nhân câu chuyện trao đổi với một bạn trẻ về các từ „lên xuống“, „đi về“, „vào Nam ra Bắc“ nhớ lại một bài viết ngắn xưa về câu chuyện „về và sang“.
Mới cách đây bốn năm, giấc mơ ngày (Tagtraum) được nêu ở cuối bài viết ấy, vốn xa vời, nay càng trở nên diệu vợi.
Ngay cả giữa về và sang, dường như cũng chẳng còn một sự lựa chọn.
„Đến“ – đó có lẽ mới là cái động từ (hay trạng từ?) quan yếu nhất của ngày hôm nay. 
Liệu cái hiện tại mà chúng ta đang sống có một thì tương lai (Futur I/Futur II)? Liệu có một ngày, ngay trong thời sống của mình, chúng ta sẽ „đến“?

3 thoughts on “Về và sang 

  1. Pingback: ĐIỂM TIN NGÀY 8-1-2016 | Ngoclinhvugia's Blog

  2. “Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Câu thơ này báo chí từng ngại in của ông. Các nhà xuất bản có lẽ cũng ngại in thơ Nguyễn Bảo Sinh. Vậy mà gần đây “Bát phố” (NXB Hội Nhà văn, 2014) và “Thiền dân gian” (NXB Hội Nhà văn, 2015) của ông đã ra đời dày ngót nghét 1.000 trang…Góp với Quang vài câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh, cùng chủ đề.

    • Cảm ơn anh, mấy câu thơ cực đỉnh! Không hiểu sao mà các bác ấy lại ngại nhỉ? Em lại nhớ câu chuyện cụ Xuân Diệu kể lại về hai câu thơ của ông ấy: “Hồn tôi rộng cánh mở – Đôi bên gió thổi vào”. Và nhà phê bình lý luận Hồng Chương đã chất vấn ông ấy, đại ý: “Gió thổi từ hai bên là gió gì vậy? Phải chăng là thứ gió cơ hội chủ nghĩa” ?! Bây giờ thì cả thi nhân và nhà lý luận phê bình đều đã thành người thiên cổ… Em lại nhớ đến một ý của cụ Hoàng Ngọc Hiến, trong bài phỏng vấn “Cái nước mình nó thế”. Cụ có trích mấy câu thơ cổ “Lép nhép vài hàng tỏi – Lơ thơ mấy luống gừng – Vẻ chi tèo teo cảnh – Mà cũng đến tang thương”, rồi sau đó cảm thán: “Có mấy củ tỏi mà cũng tang thương! Rất buồn cười! … Thế mà cũng đánh đập, phe phái, tang thương” 🙂

Bình luận về bài viết này