Vì sao có người Việt nhập cư vào Anh mắc bệnh tâm thần?

Một phụ nữ Việt đang cầu nguyện tại một lễ tưởng niệm ở London (Hình minh họa)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một phụ nữ Việt đang cầu nguyện tại một lễ tưởng niệm ở London (Hình minh họa)

Các thế hệ người tỵ nạn, thuyền nhân, người nhập cư hợp pháp và cả bất hợp pháp tới Anh Quốc đã có trên 30 năm. Một vấn đề của họ là bệnh tâm thần mà các khác biệt văn hóa, ngôn ngữ vẫn tiếp tục là rào cản cho điều trị.

Nhà hoạt động xã hội Jack Shieh, người phụ trách 'Vietnamese Mental Health Services' ở London nói với BBC News Tiếng Việt (06/2019) về dịch vụ này, và vì sao những nhóm nhập cư 'đường rừng và xe tải' sang Anh gần đây cần tin tưởng ở việc điều trị của hệ thống y tế Anh khi bị bệnh tâm thần.

Chụp lại video, Vì sao một số thanh niên Việt tại Anh tự tử?

Câu hỏi đầu tiên cho ông Jack Shieh, người trưởng thành ở Sài Gòn và có thời gian sống tại Đài Loan sau 1975 trước khi sang Anh Quốc, là hoạt động của Vietnamese Mental Health Services gồm những gì.

Ông Jack Shieh: Chúng tôi không có bác sĩ, y tá chuyên viên về tâm thần, nên khi những người Việt Nam bị bệnh tâm thần, gặp vấn đề đến Hội thì chúng tôi sẽ giúp họ gặp bác sĩ tâm thần, giúp bác sĩ đánh giá, phiên dịch giúp họ, giải thích cho gia đình hiểu cách chữa trị ở Anh thế nào. Nếu họ có vấn đề về nhà cửa, về chuyện xin trợ cấp thì chúng tôi cũng giúp họ điền đơn, xin các trợ cấp. Nếu người Việt bị bệnh tâm thần ở nhà cao tầng tại London thì chúng tôi giúp xin chuyển nhà xã hội đó xuống nơi ở thấp, để tránh tự sát (nhảy lầu).

Mỗi tuần, vào thứ Tư, họ có thể đến trụ sở Hội (gần London Bridge), cùng gia đình để có thể trao đổi, làm bạn, tránh vấn đề cô đơn vì chỉ ở nhà suốt ngày.

Người Việt tại một lễ hội Văn hóa ở London

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người Việt tại một lễ hội Văn hóa ở London (Hình minh họa)

BBC:Vấn đề văn hóa, rào cản ngôn ngữ thiếu tiếng Anh có phải là cản trở nghiêm trọng cho việc chạy chữa bệnh tâm thần cho người Việt?

Ông Jack Shieh: Đúng thế, đó là lúc đầu, khi Hội mới thành lập, nhiều người Việt đi chữa trị trong bệnh viện, được bệnh viện giới thiệu đến Hội nhưng họ từ chối vì xấu hổ. Vì họ nghĩ chúng tôi là cộng đồng người Việt, nếu họ nói về bệnh tâm thần cho chúng tôi, thì chúng tôi, các nhân viên xã hội sẽ đem đi nói trong cộng đồng, và cả cộng đồng biết và làm họ xấu hổ. Điều đó không hề đúng.

Từ năm 1997, tôi gia nhập Hội, tôi đi nói chuyện với anh em trong cộng đồng, và anh em có đề nghị nào để phá vỡ rào cản này, thì một số người khuyên là tôi, và bác sĩ Cẩm đừng nói về bệnh tâm thần, mà cần nói về các vấn đề khác, tổ chức hội thảo nhỏ, hoặc chúng tôi tới các nhóm cộng đồng, hỏi về nhu cầu, bệnh gì cần chữa, bệnh về thể xác trước, rồi mới đưa ra vấn đề bệnh tâm thần. Sau đó chúng tôi mới nói đến hệ thống chữa bệnh tâm thần ở Anh khác Việt Nam thế nào.

Xin nói sự thật, ở Việt Nam trước 1975 cũng như sau 1975 cũng không có việc chữa trị bệnh tâm thần. Người bệnh được đưa vào bệnh viện, thực tế là bệnh viện cạnh nhà tù Biên Hòa, nhốt vào có chữa trị gì đâu. Khi tới Anh, người ta nghe nói con cháu họ bị đưa vào chữa trị thì họ rất lo ngại, như ở Việt Nam. Nhờ các buổi nói chuyện đó, phải hai ba năm sau người Việt mới hiểu công việc của Hội Tâm thần Việt Nam, và các chữa trị ở Anh ra sao, và họ mới tới.

Chụp lại video, Nạn kiều 1978: 'Dù không muốn những chúng tôi vẫn phải ra đi'

BBC:Trong quá khứ có một hai thế hệ người Việt qua đây từ Hong Kong, hoặc từ Việt Nam và họ bị vấn đề, bị ám ảnh bởi cuộc di cư đó, nhất là với thuyền nhân, người bị giữ trong trại cấm Hong Kong trước khi vào Anh, vấn đề đó nay ra sao thưa ông?

Ông Jack Shieh: Đầu những năm 1980, khi mới định cư ở đây, tôi đã giúp người Việt mới tới, lấy nhà, dọn ra định cư. Và khi làm việc xã hội đó, chúng tôi đã thấy một vài trường hợp gia đình có người bị bệnh tâm thần, mà chính chúng tôi không biết giúp họ thế nào vì chưa hiểu hệ thống y tế chữa trị ở Anh ra sao. Thứ hai, vấn đề này được các chuyên viên về tỵ nạn đã nói, khi anh là người tỵ nạn, anh trải qua khó khăn, anh sẽ bị gặp vấn đề bệnh tâm thần.

Cá nhân tôi tôi không tin, vì nghĩ rằng người Việt, người Hoa khi đã được định cư, thì tất cả nỗ lực của mình dồn vào tái lập gia đình, đi tới, và quên đi những gì đã qua. Nhưng tôi đã sai.

Là bởi vì, sau một thời gian định cư, tôi gặp các bà con không nói được tiếng Anh, không có việc làm, vấn đề đời sống hàng ngày đã có chính phủ trợ cấp, có nhà ở, tất cả, con cái đi học, nhưng với cá nhân họ một ngày 24 giờ không có việc gì làm, nên chỉ nghĩ về quá khứ, và lâm vào tình trạng bị trầm cảm.

Và vì thế Hội Tâm thần mới thành lập năm 1989, sau hai năm nghiên cứu về người Việt bị tâm thần ở London. Thứ nhất là vì anh em làm việc xã hội trong cộng đồng thấy người bị tâm thần mà không biết giúp thế nào. Thứ hai, là trong anh em trẻ có 5-6 trường hợp, con trai, đã tự tử mà không ai biết tại sao. Nghiên cứu đó đi sâu vào vấn đề này và mới biết là khi đi vượt biên, nhiều gia đình không đi cả được, nên họ cho con trai đi trước, hy vọng con trai tới đâu rồi giúp lại gia đình. Thế nhưng hệ thống làm việc giúp người tỵ nạn ở Anh Quốc không rõ ràng.

Nhiều người nhập cư tìm cách vào Anh Quốc từ Calais, Pháp, trái phép bằng xe tải

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người nhập cư tìm cách vào Anh Quốc từ Calais, Pháp, trái phép bằng xe tải

Ví dụ việc xin đoàn tụ gia đình, các cơ quan khác nhau cho những lời khuyên khác nhau. Ví dụ, để xin đoàn tụ gia đình thì cần có việc làm, có nhà, có lương cao. Người tỵ nạn sang đây chân ướt chân ráo làm sao có nhà, có việc lương cao? Ba tổ chức tại Anh làm việc về định cư người Việt có cách làm việc khác nhau. Có hội như Save the Children UK sẵn sàng giúp làm đơn cho đoàn tụ gia đình, đưa gia đình từ Việt Nam qua, còn hội khác, như Refugee Council không giúp việc này.

Mấy người tự tử, sau này chúng tôi mới biết, họ nhà ở Việt Nam kế nhau, đi cùng thuyền, sang đây lại do các hội khác nhau trợ giúp. Gia đình ở Việt Nam đâu có hiểu. Có nhà nói 'Tại sao đi chung thuyền sang Anh cùng ngày, mà người ta làm được, còn mày không giúp được đưa gia đình sang đoàn tụ?' Việc đó khiến con họ bị trầm cảm tới mức tự tử.

Nhiều người Việt sang Anh Quốc tỵ nạn cách đây chừng 40 năm vẫn bị ám ảnh bởi cuộc di cư

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người Việt sang Anh Quốc tỵ nạn cách đây chừng 40 năm vẫn bị ám ảnh bởi cuộc di cư

BBC:Hiện nay thì sao thưa ông? Các thế hệ sau này có các vấn đề gì khác trước?

Ông Jack Shieh: Từ khoảng năm năm về trước, có nhiều trường hợp bị trầm cảm, bị stress, chúng tôi chỉ có thể giúp họ về giấy tờ. Một số gia đình bỏ công cho con cái đi học. Nhưng trẻ em lớn lên hoàn toàn theo cách nghĩ của Tây Phương, và các em không nói được tiếng Việt, cha mẹ thì không nói được tiếng Anh. Hai bên không nói được với nhau khi muốn trao đổi.

Chưa kể nhiều ba má muốn con mình sống theo kiểu Việt Nam, mà kiểu sống của Anh thì trẻ đã có thể yêu, sống riêng. Cha mẹ lại cứ muốn con phải lấy vợ lấy chồng Việt Nam. Vì thế, vấn đề mâu thuẫn nảy sinh ngay trong gia đình, vì trẻ em sống theo cách của người Anh mà ba má không hiểu. Có khi cha mẹ, có khi con cái, vì áp lực gia đình, mà bị tâm thần. Có trường hợp các em muốn biết 'Vì sao ba má bỏ Việt Nam đi?' nhưng gia đình không muốn nói tới vấn đề đó. Các em cũng gặp các khó khăn ngoài đời mà về nhà không tâm sự được với cha mẹ vì bất đồng ngôn ngữ. Việc này gây ra bệnh tâm lý.

young activists from Crazy Talk took to Westminster Bridge

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các nhà hoạt động trẻ giơ biểu ngữ và treo 20 người nộm trên cầu Westminster để tăng nhận thức về tình trạng người trẻ tự tử ở London. Năm 2017, có 20 thanh niên tự tử ở thủ đô Anh Quốc

Xin kể chuyện một cô gái lớn lên ở Anh Quốc. Đang học năm thứ hai đại học thì bị 'breakdown'. Trường có giúp cô gặp bác sĩ nhưng không giúp được nhiều. Cô lên mạng tìm kiếm và gặp chúng tôi. Nói chuyện thì chúng tôi mới biết là câu chuyện của cô thường xảy ra trong cộng đồng. Cô tự hỏi 'tôi là người Việt, hay người Anh?' Là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt. Muốn biết vì sao ba má sang Anh, thì ba má không nói.

Cô cảm thấy gia đình không ổn, mà bên ngoài, cô nghĩ các bạn học Anh kỳ thị cô. Chúng tôi giới thiệu cho chuyên viên tư vấn tâm lý để làm thủ tục tâm lý trị liệu (counselling) 18 buổi. Từ quan hệ gia đình, bạn bè, quan hệ với người Việt Nam khác. Cô ấy cho biết trước đó cô cũng từng gặp bác sĩ trị liệu Anh mà họ không hiểu các vấn đề của cô ấy. Nay gặp chuyên viên người Việt cô mới hiểu các vấn đề của bản thân, và sau 18 buổi tư vấn thì tình hình của cô đã đổi khác 180 độ, và cô gái đã quay trở lại việc học.

BBC:Về những người mới sang gần nhất đây thì sao?

Ông Jack Shieh: Bộ Nội vụ Anh có con số thống kê rằng từ năm năm nay, mỗi năm có chừng một nghìn người Việt xin tỵ nạn. Đứng hàng thứ hai, chỉ sau người Albania. Còn theo cộng đồng chúng tôi ước đoán, số người Việt mới qua mà không có giấy tờ là khoảng 20-25 nghìn.

Họ tới đây nhưng không tin vào cộng đồng. Họ cho rằng chúng tôi qua lâu rồi, và nhận tiền của chính phủ nên họ coi chúng tôi như là chính phủ. Nếu biết họ không có giấy tờ thì sẽ đi báo, và họ sẽ bị bắt. Họ chỉ tiếp xúc trong nhóm quen biết thôi. Chỉ có ít trường hợp khi cần được tư vấn tâm lý, họ đến gặp chúng tôi, rồi có một số bị tâm thần nặng nằm bệnh viện và chúng tôi tới thăm.

Chụp lại video, "Có người đi từ Việt Nam vào Anh mất một năm"

Sau một thời gian được trở giúp thì họ mới tin tưởng và kể lại họ là nạn nhân của tệ buôn người. Có người phải trả 20-25 nghìn bảng Anh, cách họ trả tiền không phải một lần trả hết mà đa số phải trả vài ngàn trước, sang tới Anh phải đi làm trả nợ.

Cách đi của họ là sang Nga trước, sau đó qua Ba Lan, Czech, sang Calais bên Pháp rồi chờ, có dịp lên xe tải mới vào được Anh. Trong khi chờ đợi để đi đoạn tiếp họ phải đi làm, bất cứ việc gì, để trả nợ. Nhiều người nói từ ngày rời Việt Nam tới ngày đặt chân vào Anh là mất một năm. Trong suốt thời gian đó họ bị bóc lột, bắt nạt, nhiều vấn đề, mà khi sang đây, không có tiền để luật sư giúp để làm đơn thì không ai trợ giúp. Chỉ khi họ nói là nạn nhân của nạn buôn người thì mới được tổ chức như Salvation Army trợ giúp, chờ Bộ Nội vụ xét đơn.

BBC: Hiện tượng con cái bị tâm thần nhưng gia đình Việt tại Anh tìm đến cầu cúng thì sao?

Ông Jack Shieh: Nhiều gia đình nghĩ rằng con em mình bị bệnh tâm thần là vì mình hoặc kiếp trước của nó không tốt, phải trả nợ, hoặc tổ tiên thất đức, con cháu phải trả. Họ đi cúng ở chùa, cầu Phật tha thứ. Đó là niềm tin của họ, thì đó là tín ngưỡng của gia đình nhưng chúng tôi vẫn khuyên họ phải có thuốc men, có hỗ trợ con cái trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng như vậy, có những gia đình khi con bị bệnh tự kỷ mà đến gặp thì chúng tôi giúp làm đơn đưa trẻ em vào trường học đặc biệt (special needs), hỗ trợ gia đình về cách nuôi nấng, chăm sóc tại nhà. Số em bị tự kỷ ở London có khoảng 20 trường hợp. Cha mẹ nhiều khi không hiểu bệnh tự kỷ là gì, tại sao. Chúng tôi có sách nói về bệnh này, cách chăm sóc ra sao và cần làm việc sát cánh với social service và trường học.

BBC: Chính phủ Anh có cách chính sách khá tốt cho người bị bệnh tâm thần nhưng ngân khoản cho các dịch vụ này hiện nay ra sao?

Ông Jack Shieh: Có thể nói 10 năm trước, ngân khoản cho Hội chúng tôi làm việc không gặp nhiều khó khăn. Clinical Commissioning Group thuộc Bộ Y tế (NHS) lo ngân khoản (funding) cho chúng tôi. Họ hiểu rằng nếu trợ giúp tốt cho chúng tôi thì họ sẽ giảm số người Việt vào nằm viện.

Mà một đêm nằm viện tại Anh, thì một giường bệnh tốn trên 1000 bảng. Quan trọng hơn, Hội có thể giúp cá nhân được sống độc lập, bình thường trong cộng đồng, thay vì nhận các hỗ trợ khác. So số tiền đó và tiền có thể tiết kiệm được thì họ thấy là rất tốt. Nhưng mấy năm nay thì chính phủ không còn tiền nữa, tiền hỗ trợ cho cộng đồng là hết rồi, và họ chỉ còn hỗ trợ cho Hội chúng tôi một ít mà thôi.

Xem thêm: