Vì sao nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách nói sẽ 'tuyệt thực đến chết' trong tù?

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt
Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách

Nguồn hình ảnh, Dang Dinh Bach

Chụp lại hình ảnh,

Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách bị bắt năm 2021

Trong khi tin 'anh hùng khí hậu' Ngụy Thị Khanh được trả tự do sau 16 tháng tù làm nức lòng giới hoạt động môi trường, ba đồng nghiệp khác của bà vẫn đang thụ án tù. Trong đó, Đặng Đình Bách là người duy nhất trong 'Bộ Tứ' kiên quyết không thỏa hiệp và chịu mức án nặng nhất - 5 năm.

"Bộ tứ Việt Nam" - The Vietnamese Four - là cái tên mà Dự án 88 (Project88) gọi bốn nhà hoạt động môi trường tiêu biểu bị bỏ tù từ 2021-2022, gồm Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh với tội danh "trốn thuế", sau khi họ tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than.

Trước khi bà Khanh được trả tự do, bà và ông Lợi, ông Dương sau khi nộp đầy đủ tiền bồi thường đã được giảm án. Trong khi đó án tù cho ông Bách vẫn giữ nguyên.

Ông Bách là người duy nhất trong bốn người kiên quết nói mình vô tội trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm.

Ông đang tuyệt thực từ hồi giữa tháng Ba để 'yêu cầu công lý được thực hiện'.

"Trong lần gia đình vào thăm gần đây. Anh Bách đã sút 10kg. Anh nói "Tôi sẽ tuyệt thực đến chết, yêu cầu trả lại công lý và tự do cho tôi ngay lập tức và vô điều kiện," bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu truy thu số tiền cáo buộc trốn thuế 1,381 tỷ đồng, nhưng ông Bách nói: "Tôi không đồng ý với bản án sơ thẩm và phúc thẩm."

Ông cũng cho rằng gia đình đang trong quá trình minh oan cho ông nên mọi hoạt động cưỡng chế 'cần cân nhắc trước khi tiến hành'.

Từ vụ bắt giữ bất ngờ

Bà Thảo vẫn nhớ như in hôm đó, một ngày tháng 6/2021, lực lượng hùng hậu gồm công an, cảnh sát khu vực, tổ trưởng khu phố, dân phòng… bất ngờ ập vào nhà. Họ bắt ông Bách đưa đi trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

"Đoàn người vào khám nhà, tịch thu thiết bị các nhân viên và của mọi thành viên trong gia đình. Họ mang đi máy tính, điện thoại, thẻ ngân hàng, hồ sơ công ty, toàn bộ hệ thống máy tính của công ty và nhân viên," bà Thảo nói.

Tuy nhiên, đoàn người không mang theo quyết định tống đạt hay bất ký văn bản nào nói lý do vì sao ông Bách bị bắt và ông sẽ bị giam ở đâu.

Cho tới khi ra tòa, bản thân ông Bách và gia đình chưa từng nhận được văn bản nào như vậy.

"Thời gian đó, cả gia đình tôi sống trong hoang mang tột độ về tính mạng của anh Bách. Cảm giác như anh bị bắt cóc. Không biết anh bị giam ở đâu, bao giờ được gặp luật sư, bao giờ được gặp gia đình. Không có bất cứ một thông tin nào," bà Thảo nói với BBC.

Cả hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm ông Bách đều là xử kín, người nhà không nhận được giấy mời, cũng không được vào dự tòa.

Theo lời bà Thảo, luật sư của ông Bách không được mang máy tính, điện thoại, máy ghi âm vào tòa, cũng không được đứng gần thân chủ, đến sát ngày xét xử luật sư mới được tiếp cận và sao chụp một phần hồ sơ vụ án.

Từ khi bị tạm giam tới khi kết thúc điều tra, luật sư chỉ được gặp ông Bách ba lần và không được chủ động lên lịch gặp, không được gặp riêng mà phải đợi có lịch của bên điều tra, phải đi cùng điều tra viên và chỉ được ngồi nghe điều tra viên trao đổi với ông Bách còn bản thân luật sư không được trao đổi gì, theo lời bà Thảo.

Việc chồng đột ngột bị bắt đã khiến gia đình bà Thảo rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính trong khi bà đang phải gồng gánh nuôi hai con nhỏ.

Trung tâm Pháp luật và Chính sách Nghiên cứu Phát triển Bền vững (LPSD) do ông Bách làm giám đốc bị đóng cửa đột ngột khiến nhiều dự án trong và ngoài nước đang triển khai phải ngưng lại, nhân viên phải nghỉ việc. Tiền đền bù hợp đồng và dự án chồng chất.

Dở dang các dự án cộng đồng

Trước khi tiếp quản LPSD, ông Bách là thạc sỹ Luật về Hành chính và Quản lý Nhà nước.

Ông từng làm việc tại Bộ Nội vụ, sau đó làm việc tại Thời báo Kinh tế trực thuộc Bộ Công thương, là trưởng ban Trị sự Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam.

LPSD bắt đầu như một tổ chức hỗ trợ chính phủ Việt Nam soạn thảo, chỉnh sửa, và thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, sau khi ông Bách trở thành giám đốc vào năm 2013, LPSD 'biến đổi'.

Chán ngấy với tốc độ chậm chạp trong việc thực hiện chính sách của chính phủ, ông Bách đã lãnh đạo LPSD làm việc theo hướng 'cung cấp các hỗ trợ pháp lý cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án pháp triển và sự tàn phá môi trường', đồng thời trao quyền cho người dân để họ đòi hỏi các quyền lợi của mình.

Kornkan

Nguồn hình ảnh, Kornkan

LPSD đã làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc xả thải chất thải công nghiệp, việc trồng cây cao su, các dự án điện than, cũng như với những người bị mất nhà bởi các dự án thủy điện hoặc các dự án phát triển đô thị.

Các tài liệu nội bộ tiết lộ rằng LPSD tin rằng họ đã tiên phong thực hiện một cách tiếp cận bền vững và an toàn để làm việc độc lập với chính phủ và ĐCSVN bằng cách trở thành người đại diện cho cộng đồng chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam', theo báo cáo mới công bố của Dự án 88.

Bà Thảo kể lại những ngày cùng ông Bách tới thăm tới thăm làng ung thư ở Thanh Hóa. Đây là nơi người dân sinh ra tỷ lệ quái thai vào bậc nhất cả nước.

"Đây cũng là nơi anh Bách đã tới làm việc và gắn bó từ năm 2014. Bà con coi anh như người nhà. Sau này, qua các cuộc điều tra, người ta mới biết được việc một công ty hóa chất đã chôn hàng chục ngàn tấn hóa chất dưới lòng đất, làm ô nhiễm, đầu độc nguồn nước và đất."

Hay các chuyến đi thăm cộng đồng người dân ở Sơn La bị mất nhà và đất vì dự án thủy điện. Nhiều người rơi vào cảnh đói ăn do không còn đất cày cấy.

Kornkan

Nguồn hình ảnh, Kornkan

Ông Bách đã vận động pháp lý để mượn đất của một dự án để cho người dân được trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông cho soạn và phát sổ tay về quyền công dân để nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con, để họ có thể nâng cao hiểu biết, chủ động giải quyết được vấn đề của mình.

Ông Bách đồng thời là điều phối viên quốc gia của mạng lưới Pháp luật Mekong nhằm bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực lên môi trường của các tập đoàn quốc tế.

Ông Bách, cùng ông Mai Phan Lợi, là thành viên của Dự án Chính phủ Mở, một mạng lưới không chính thức dành riêng cho xã hội dân sự, dân chủ hóa, minh bạch... cùng một số mạng lưới khác.

Trong số đó, một diễn biến quan trọng được coi là có thể liên quan đến việc ông Bách bị bắt giữ, là việc ông đang vận động để tham gia vào Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho các tiêu chuẩn lao động và bền vững mà họ đặt ra trong hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

'Trốn thuế'

Vợ ông Bách cho hay cảnh sát khi đến vây bắt ông Bách chỉ đưa ra thông báo miệng rằng ông vi phạm điều 200 (trốn thuế) của Bộ luật Hình sự 2015.

Kornkan

Nguồn hình ảnh, Kornkan

Trong báo cáo công bố mới đây của Dự án 88 (Project88), tác giả - TS Ben Swanton chỉ ra rằng bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương bị bỏ tù không phải vì án kinh tế mà việc bắt người này có "động cơ chính trị".

Theo TS Ben Swanton, một trong những điều bất thường là ông Bách bị giam trước khi bị đưa ra xét xử. Điều này hoàn toàn bất bình thường so với các trường hợp khác cũng bị kết tội trốn thuế. Chỉ 1% người bị án trốn thuế bị giam trước khi ra tòa. 12,8% bị giam sau đó được thả. 86% chỉ bị quản thúc tại gia.

Báo cáo của TS Swanton cũng chỉ ra rằng vụ việc của ông Bách do cơ quan điều tra an ninh Hà Nội điều tra. Trong khi theo luật về các cơ quan điều tra hình sự quy định rõ Cơ quan An ninh điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra 'tội phạm an ninh quốc gia', tội phạm chiến tranh và tội phạm nghiêm trọng, các loại tội phạm không bao gồm trốn thuế.

Cũng theo luật này, cơ quan này chỉ được điều tra các tội hình sự khác nếu bộ trưởng bộ công an cho phép trường hợp ngoại lệ.

Bởi tội trốn thuế không nằm trong thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội, không có lý do gì để cơ quan này hành động vượt ra ngoài quy định của luật pháp.

Kornkan

Nguồn hình ảnh, Kornkan

Chụp lại hình ảnh,

Hình do Dự án 88 cung cấp

Như vậy chỉ có thể hiểu rằng cơ quan này đã tiến hành điều tra vụ việc của ông Bách dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Tô Lâm, theo TS Ben Swanton.

Các con số thống kê chỉ ra rằng chỉ có 2% các cá nhân phạm tội trốn thuế bị điều tra bởi Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội, trong khi 98% là do cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện

"Việc này chứng tỏ rằng vụ việc này đã bị chính trị hóa bởi nó rất có khả năng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo một cơ quan chính trị hàng đàu của Việt Nam", TS Ben Swanton viết trong báo cáo.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng việc chính quyền Việt Nam không công khai báo cáo điều tra hình sự liên quan đến ông Bách và ba cộng sự của ông cho thấy sự thiếu minh bạch, vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Việc này vi phạm quyền tự do biểu đạt, trong đó bao gồm quyền tiếp cận thông tin, như được ghi trong Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

TS Swanton cũng có trong tay bản copy báo cáo điều tra tội phạm, cáo trạng và quyết định của tòa án liên quan đến trường hợp của ông Bách. Bản báo cáo điều tra tội phạm đưa ra các con số thuế mà ông Bách đã 'trốn' không nộp. Nhưng không đưa ra một bằng chứng nào tại sao họ lại đưa ra được các đánh giá này. Bất chấp sự thiếu minh bạch, báo cáo kết luận rằng ông Bách trốn không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 58.237 USD.

'Tuyệt thực'

Từ 24/6 ông Bách nói rằng ông quyết định sẽ tuyệt thực hoàn toàn.

Ông Bách, thông qua gia đình, gửi tới chính quyền những lời sau:

"Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe dọa an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai. Đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quyền con người."

Trao đổi với BBC về trường hợp của ông Bách, bà Kate Holcombe, từ Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (ELAW), một trong những cơ quan từng hợp tác với tổ chức LPSD nói rằng tổ chức của bà tin ông Bách vô tội.

"Anh ấy đã luôn khẳng định mình vô tội và chúng tôi biết rằng anh ấy đáng tin cậy. Anh ấy đã luôn làm việc trong khuôn khổ pháp luật và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chỉnh phủ trong nhiều năm.

"Án tù của anh ấy đặc biệt dài hơn những người bị tuyên với cùng tội danh.

"Bách bị điều tra bởi lực lượng an ninh quốc gia, chứ không phải là cục thuế, điều này đặc biệt không bình thường.

"Chúng tôi cũng biết rằng tòa án đã từ chối không nghe bào chữa của anh ấy.

"Sự bất công trong thủ tục tố tụng và bản án hà khắc khiến chúng ta không khỏi thấy rằng anh ấy đã bị nhắm tới vì những lý do nào khác chứ không phải vì thuế."

Bà Kate cũng cho hay tổ chức của bà cùng một số tổ chức quốc tế khác đã sẵn sàng tuyệt thực để ủng hộ ông Bách từ ngày 24/5 - 24/6.

"Trong tình đoàn kết với Bách, chúng tôi sẽ cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới thực hiện một chiến dịch tuyệt thực 'tiếp sức' trong một tháng. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các cơ quan quốc tế, như UN, được thông về việc Bách bị đối xử ra sao và tình trạng của anh ấy."

* Chúng tôi sẽ có bài phỏng vấn luật sư Kate Holcombe từ Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (ELAW) về trường hợp của nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong kỳ tiếp theo tại đây.