Việt Nam: Chuyên gia nói gì về kinh tế, nhân quyền và quân sự sau chuyến đi của Thủ tướng Đức?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngay từ năm 2020, Đức đã xác định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao

Một chuyên gia từ Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung) Việt Nam bình luận về ba nội dung quan trọng được bàn thảo trong chuyến công du của ông Olaf Scholz đến Việt Nam cách đây một tuần, gồm quân sự, nhân quyền và kinh tế, cụ thể là chiến lược đa dạng hóa, chuyển dịch về các quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc.

Ngay từ năm 2020, Đức đã nhận thấy được tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách có nội dung:

"Với sự trỗi dậy của châu Á, thì sự cân bằng chính trị và kinh tế đang ngày càng chuyển dịch về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo các hướng dẫn chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 09/2020.

Ngoại trưởng Đức đương nhiệm vào thời đểm 2020, ông Heiko Maas nhấn mạnh: "Chúng tôi phát đi một thông điệp rõ ràng vào hôm nay, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Đức."

Do đó, những năm gần đây Đức đã xác định khu vực này đang trở thành yếu tố then chốt trong việc định hình một trật tự quốc tế trong thế kỷ 21.

Thỏa thuận quân sự

Trưởng Đại Diện đương nhiệm Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung) Việt Nam, ông Florian C. Feyerabend nhắc lại sự công nhận của Đức về tầm quan trọng mang tính địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

"Với việc khởi động các hướng dẫn chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 09/2020, thì Đức đã cho thấy mối quan tâm và cam kết đối với khu vực. Và dĩ nhiên cũng có khía cạnh về an ninh. Đó là lý do tại sao Đức đã cử tàu frigate Bayern tới Biển Đông vào năm ngoái (từ tháng 08/2021 đến tháng 02/2022) và năm nay Đức huy động máy bay chiến đấu Eurofighter đến Úc."

Theo nội dung phần mộtphần hai của cuộc họp báo ngày 13/11 từ phía chính phủ Đức công bố thì đã có một thỏa thuận quân sự được ký kết giữa đôi bên.

Theo ông Florian C. Feyerabend thì: "Trong ngữ cảnh hiện tại, chúng ta có thể hiểu được thỏa thuận [quân sự] gần đây giữa Berlin với Hà Nội. Đây không phải một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế nhưng nó cho thấy mối quan tâm của đôi bên trong hợp tác, ví dụ trong lĩnh vực huấn luyện quân sự, tăng cường năng lực [quân sự] cũng như những sứ mệnh đa phương."

"Việt Nam, vốn theo truyền thống, là dựa vào Nga như một đối tác hợp tác an ninh và quốc phòng và hiện đang cố gắng đa dạng sự phụ thuộc của mình", ông Florian C. Feyerabend nói.

Khác biệt hệ chính trị

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Năm 2021, Việt Nam và Đức đã kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược

Năm 2021, Việt Nam và Đức đã kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược, và năm 2020 là 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong cuộc họp báo chung, khi được phóng viên hỏi về liệu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Olaf Scholz và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hay không, Thủ tướng Đức cho biết:

"Chúng tôi đã thảo luận (với chính phủ VN) về các vấn đề nhân quyền và tất cả các trường hợp đơn lẻ - bao gồm cả trường hợp này - và bày tỏ rằng chúng tôi chờ đợi một sự tiến bộ lớn về mặt này, đặc biệt là với các trường hợp cá nhân".

Bình luận về vấn đề nhân quyền được đề cập trong cuộc họp báo, ông Florian C. Feyerabend cho rằng:

"Đức và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011 kể từ khi đó hai quốc gia đã cùng chia sẻ nhiều lợi ích mặc cho có sự khác biệt trong những hệ thống chính trị. Nếu một bên nghiêm túc về khái niệm hợp tác chiến lược, thì bên kia cần phải tôn trọng chủ quyền của bên còn lại, cũng như đối thoại thẳng thắn về những lĩnh vực còn bất đồng."

"Thủ tướng Đức Scholz vì thế đã đúng khi thảo luận về những vấn đề nhân quyền với phía chủ nhà Việt Nam. Việc hiện thực hóa tiềm năng từ mối quan hệ đối tác chiến lược cũng phụ thuộc vào bước tiến trong những lĩnh vực còn vấp sự bất đồng."

Chiến lược đa dạng hóa

Ông Olaf Scholz được cho đã tạo một 'bước ngoặt' so với chính sách 16 năm chỉ hướng về Trung Quốc của người tiền nhiệm Merkel

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Olaf Scholz được cho đã tạo một 'bước ngoặt' so với chính sách 16 năm chỉ hướng về Trung Quốc của người tiền nhiệm Merkel

Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Olaf Scholz đang thực thi chiến lược đa dạng hóa để giảm sự phụ thuộc vào siêu cường kinh tế Trung Quốc.

Ông Olaf Scholz được cho đã tạo một bước ngoặt so với chính sách 16 năm chỉ hướng về Trung Quốc của người tiền nhiệm Merkel, khi đã đầu tư rất nhiều thời gian đối với các đối tác châu Á khác ngoài Trung Quốc, nhằm làm giảm rủi ro nếu phụ thuộc quá lớn vào Bắc Kinh.

Nhưng đồng thời ông Scholz đã khẳng định phản đối ý tưởng tách biệt Trung Quốc. Cụ thể ông Scholz đã phát biểu:

"Chúng tôi chống lại bất kỳ việc tách biệt Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới bởi vì chúng tôi tin tưởng sâu sắc là toàn cầu hóa đã mang lại rất nhiều tiến bộ".

Ông Scholz nói thêm. "Nhưng chúng ta phải rõ ràng là quá trình toàn cầu hóa cũng đồng nghĩa là không chỉ nhìn vào một nước".

Ngày 19/11, trong một bản thảo mật dài 65 trang mà Reuters thấy được, thì Bộ Ngoại giao Đức có kế hoạch siết chặt các điều luật dành cho những công ty hoạt động tại Trung Quốc để tránh những rủi ro về địa chính trị. Bộ Ngoại giao Đức chưa bình luận về thông tin này.

Một quyết định cuối cùng về chiến lược của Đức đối với Trung Quốc được cho sẽ có vào giữa năm sau.

Liên quan đến chiến lược đa dạng hóa kinh tế của Berlin, ông Florian C. Feyerabend nhận định:

"Cho đến nay Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với nền kinh tế Đức để theo đuổi một chính sách đa dạng hóa mạnh mẽ hơn về chuỗi cung ứng và thương mại. Việt Nam là quốc gia thứ ba mà ông Scholz đến thăm sau Nhật Bản và Trung Quốc."

"Việt Nam sẽ đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược đa dạng hóa đối với nền kinh tế Đức. Vì thế chuyến thăm này có tầm quan trọng mang tính biểu tượng cao. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính các doanh nghiệp và công ty tư nhân của Đức sẽ tự quyết định lấy nguồn từ đâu, giao thương với ai, cấu trúc chuỗi cung ứng của mình thế nào và đầu tư ở đâu."

Việt Nam là đối tác giao thương quan trọng nhất của Đức ở Đông Nam Á. Hơn 350 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại quốc gia có dân số gần 100 triệu người.

"Việt Nam thì đã là một điểm đầu tư hấp dẫn rồi, nhưng chắc chắn cần làm nhiều hơn để tăng cường sự hấp dẫn đó, ví dụ như xét về vấn đề pháp quyền và tham nhũng", ông Florian C. Feyerabend nói với BBC News Tiếng Việt.